Hoa Kỳ ngưng cấp một số loại visa ở Campuchia

    0
    321
    Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt phát biểu trong cuộc họp báo ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017. AFP
    RFA

    Hoa Kỳ sẽ ngưng cấp một số loại thị thực nhập cảnh vào Mỹ cho công dân Campuchia.

    Tòa Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh cho biết như vừa nệu vào ngày 13 tháng 9 nêu rõ lý do là vì Campuchia từ chối nhận các công dân nước này cư trú bất hợp pháp, phạm tội trên đất Mỹ.

    Theo quyết định của Mỹ thì một số nhân viên Bộ Ngoại giao Campuchia và gia đình họ nằm vào nhóm không được cấp thị thực này, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ.

    Phản ứng trước quyết định vừa nêu của Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chính phủ Phnom Penh lên tiếng nói rằng điều đó chứng tỏ Washington không tôn trọng nhân quyền mà theo nguyên văn của bộ này là ‘chỉ có đi bỏ bom giết hại dân chúng thôi’.

    Theo hãng tin Reuters thì chuyện Campuchia không nhận công dân mình bị trục xuất từ Mỹ chỉ là một trong những lý do. Một lý do khác nữa là nhà cầm quyền Phnom Penh đã cầm tù một lãnh tụ đối lập là ông Kem Sokha, cáo buộc ông này tội phản quốc, cùng Hoa Kỳ âm mưu lật đổ.

    Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã lên tiếng yêu cầu Campuchia trả tự do cho ông Kem Sokha.

    Cũng tin liên quan đến Campuchia, các thành viên đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc đã bị ngăn chận không cho tổ chức tại thủ đô Phnom Penh một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công năm 1997.

    Đảng Cứu Nguy Dân Tộc có kế hoạch tiến hành cuộc tập trung và nghi lễ Phật giáo tại một đài tưởng niệm ở thủ độ Xứ Chùa Tháp. Tuy nhiên kế hoạch bị chính quyền của thủ tướng Hun Sen ngăn chặn.

    Một trong những Phó chủ tịch của đảng Cứu nguy dân tộc nói rằng họ không muốn thách thức nhà cầm quyền.

    Biến cố mới này chứng tỏ rằng căng thẳng chính trị đang dâng lên giữa chính quyền và đảng đối lập sau khi ông Kem Sokha bị bắt.

    Xin được nhắc lại rằng vào ngày 30 tháng Ba, năm 1997 một buổi tập hợp do thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy tổ chức đã bị tấn công bằng lựu đạn làm 16 người thiệt mạng.

    Ông Sam Rainsy hiện sống lưu vong tại nước ngoài.