Hồ sơ thuế của Trump (II): Tiếng tăm từ một chương trình truyền hình đã đem lại cho Trump 427 triệu đô la cải tử hoàn sinh (Phần 1)

0
76
Mr. Trump với Mark Burnett, cha đẻ của show truyền hình “The Apprentice”. Nguồn: Chester Higgins Jr./ NYT

TIẾNG DÂN

New York Times

Tác giả: Russ Buettner, Susanne Craig và Mike McIntire

Dịch giả: T.Vấn

5-10-2020

Lời giới thiệu: Sau bài I về hồ sơ thuế của Trump: “Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế”, gồm 8 phần, chúng tôi xin được giới thiệu bài II trong loạt bài về hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump. Bài này cũng được chia ra nhiều phần để đăng. New York Times cho biết, họ sẽ còn nhiều bài tiếp theo trong thời gian tới.

Các hồ sơ thuế cho thấy, chương trình truyền hình “The Apprentice” đã truyền máu cho Trump, đem lại cho ông ta một nguồn thu nhập mới và một hình ảnh huyền thoại được coi là bệ phóng, đưa ông ta vào Tòa Bạch Ốc.

Ngồi trên băng sau chiếc Limousine đưa đi gặp mặt các thí sinh tham dự chương trình truyền hình “The Apprentice”, Donald Trump khoe khoang, ông ta đã từng vượt qua bao khó khăn trước khi trở thành một tỉ phú.

Ông ta nói với những người ngồi chung xe: “Tôi đã động não, đã tận dụng mọi khả năng điều đình, và dồn hết sức lực mình cho mục đích. Đến giờ thì công ty của tôi đã lớn mạnh hơn bao giờ hết.”.

Tất cả chỉ là lời nói thánh tướng, dối lừa.

Tháng 1 năm 2004, chỉ vài tháng sau khi chương trình “The Apprentice” công chiếu buổi truyền hình đầu tiên, hồ sơ thuế cá nhân của Trump tiết lộ, ông ta đã khai lỗ 89.9 triệu đô la trong năm thuế 2003 từ các doanh nghiệp chính của mình. Dấu mực đỏ (lỗ lã) hiện diện khắp các giấy tờ kế toán, kể cả khoảng thời gian mà khán giả truyền hình Hoa Kỳ coi Trump như một thương gia may mắn, có bàn tay ma thuật, chạm đến đâu là tiền hiện ra chỗ đó.

12 năm sau, cái mẽ bên ngoài tự phong, tự cứu của vị thương gia danh tiếng đã lấp lánh trên sàn diễn quốc gia và sẽ tăng cường thêm năng lượng cho cuộc tranh cử tổng thống đầy bấp bênh của Trump.

Cho đến hôm nay, mọi người đều đã được nghe nói về câu chuyện của “The Apprentice”, nhưng hồ sơ thuế của Trump lại tiết lộ một khúc rẽ quan trọng khác chưa bao giờ công chúng được biết đến – làm sao mà, chỉ với sự hâm mộ một Trump hư cấu, một Trump không có thật của quần chúng, lại có thể truyền máu được cho ông ta, cung cấp cho ông ta cái phao tài chính để ông ta có thể tái sinh, tự tạo ra mình một lần nữa. Và, làm thế nào mà, trong âm vang của một chu kỳ thăng/trầm, lên/xuống, một thứ dấu ấn định nghĩa rõ ràng chính xác sự nghiệp kinh doanh của Trump, ông ta lại tự dẫn mình sa xuống cái hố tài chính đầy đá nhọn gai khô khiến ông ta phải bước những bước dọ dẫm, e dè như hôm nay.

Té ra, thiên tài của Trump không nằm ở khả năng điều hành doanh nghiệp, mà là nằm ở khoản biết tự đánh bóng mình sao cho trở thành nổi tiếng – một thứ danh tiếng tầm cỡ Trump – và biến danh tiếng ấy thành hiện kim.

Bằng cách phân tích những dữ liệu trong hồ sơ thuế của Trump, New York Times đã có thể xác định được một giá trị bằng tiền cho vị thế người nổi tiếng (celebrity status) của ông ta. Dữ liệu cho thấy, Trump kiếm được khoảng 197 triệu đô la trực tiếp từ chương trình “The Apprentice” trải dài trong 16 năm – cũng vừa bằng với số ông ta khai trong hồ sơ thuế – đồng thời qua đó, người ta còn được biết Trump kiếm thêm khoản tiền phụ trội là 230 triệu đô la do tiếng tăm cá nhân có được nhờ chương trình.

Hồ sơ thuế tiết lộ, Trump kiếm được 197 triệu đô la trực tiếp từ “The Apprentice” và 230 triệu đô la từ việc cấp phép bản quyền và bảo trợ quảng cáo thương mại bằng tên tuổi của mình. Nguồn: Bill Tompkins/ Getty Images

Mức độ được công chúng hâm mộ rất lớn của chương trình đã khiến ai cũng muốn ngoạm được một miếng gì đó, miễn là mang nhãn hiệu Trump, và ông ta không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh kiếm tiền bằng chính cái tên của mình. Nửa triệu đô la quảng cáo cho Double Stuf Oreos (một loại cookies được dân mỹ ưa chuộng – ND), một nửa triệu khác rao bán Domino’s Pizza và $850,000 giới thiệu xà bông giặt quần áo.

Những hợp đồng cấp phép bản quyền trị giá lên tới 7 con số (7 digits, bạc triệu) với các nhà đầu tư khách sạn, bất kể ở những nơi âm u ảm đạm như các nước cộng hòa Xô Viết cũ hay ở các nước đang phát triển. Cũng còn phải kể đến những ý đồ khai thác sự tin cậy đặt không đúng chỗ, sự lầm lẫn giữa đời sống thật và kịch bản trên TV (dù là reality TV – Truyền hình thưc tế) của quần chúng. Đằng sau ống kính camera, Trump rao bán những toa thuốc lang băm có tên “làm giàu nhanh chóng”, đại loại như những buổi hội thảo “Donald Trump Way to Wealth”, hứa hẹn sẽ tiết lộ “những bí quyết và sách lược đã làm nên một tỉ phú Donald Trump”.

Cũng giống như nhiều năm trước đó, số tiền mà Trump kín đáo nhận giúp đỡ từ thân phụ đã cho phép ông ta đầu tư vào các sòng bài ở Atlantic City đầy bất trắc và một loạt tạp nham những doanh nghiệp đủ loại khác nhau, để rồi sau đó không lâu, ông ta đành đứng yên nhìn chúng từ từ nối đuôi nhau sụp đổ dưới chân. Lần này cũng vậy, với số lợi nhuận mới có được từ tên tuổi của mình, Trump không ngần ngại vung tay, lao vào mua những loại doanh nghiệp như các khu giải trí sân golf, một loại doanh nghiệp có tiếng là không dễ kiếm lợi nhuận. Thật vậy, hồ sơ thuế cho thấy, các sân golf của Trump trong nhiều năm qua đã bị lỗ lã hàng triệu đô la.

Khi trả lời những yêu cầu bình luận, Judd Deere, phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc, đã không tranh biện dựa trên bất cứ một dữ kiện đặc thù nào. Thay vào đó, ông ta phản pháo chung chung, cho bài báo là “fake news”, và là “thêm một luận điệu mang động cơ chính trị, đầy những sự vu khống thiếu chính xác” xuất hiện “ngay trước cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống”.

Những cố gắng giải mã hiện tượng huyền bí về sự giàu có của Trump đã từng được thử nhiều lần với những mức độ thành công khác nhau – một công việc khó khăn do bởi tính cách thiếu minh bạch trong những hoạt động doanh nghiệp của ông ta; mặt khác, cũng do bởi bản tánh hay cường điệu, dối trá và thái độ hung hăng đe dọa hoặc kiện ra tòa những ai nghi ngờ vẻ ngoài thành đạt của mình. Ông ta tìm đủ mọi cách để duy trì sự bí mật của những gì liên quan đến tài chính tiền bạc, mà cụ thể nhất, ông ta từ chối không tôn trọng tiền lệ hơn 40 năm qua, các vị tổng thống luôn luôn bạch hóa hồ sơ khai thuế của mình.

Bài điều tra này, dựa trên dữ liệu chứa đựng trong các hồ sơ khai thuế nói trên, bao gồm bản khai cá nhân và doanh nghiệp mà Trump và công ty hoạt động trong hơn 2 thập niên. Mỗi đồng đô la khám phá trong bản điều tra này đều là những đồng đô la được bạch hóa lần đầu tiên: Số $8,768,330 Trump nhận từ ACN, một công ty đa cấp đã từng bị cáo buộc lợi dụng những nhà đầu tư non kém, thiếu kinh nghiệm. Nhận $50,000 từ kênh truyền hình Lifetime cho một chương trình không bao giờ được thực hiện “Juicy Nighttime Soap”. Nhận $5,026 từ một dịch vụ cho vay mua nhà đã bị chết yểu; và nhận $15,286,244 qua việc cấp phép bản quyền tên tuổi của mình cho một mặt hàng chăn nệm.

Thêm nữa, bản điều tra này còn dựa vào những cuộc phỏng vấn và các dữ liệu chưa từng được báo cáo trước đây, bao gồm hàng trăm văn kiện nội bộ của Bayrock Group, một đối tác về kinh doanh cấp phép bản quyền với Trump từ những ngày đầu và có những mối quan hệ dây mơ rễ má với người Nga, khiến sau này Trump bị đặt những câu hỏi về thời kỳ ông ta làm ăn chung với họ.

Nói chung, những dữ liệu mới thu thập được trong bài điều tra này cung cấp một cái nhìn đầy thẩm quyền về một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của Trump, giai đoạn đặt nền tảng, đồng thời mở ra một cửa sổ nhỏ nhìn vào nhiệm kỳ tổng thống trên tính cách cá nhân và bản tính hay bẻ cong sự kiện của ông ta.

Nguồn : https://baotiengdan.com/2020/10/05/ho-so-thue-cua-trump-tieng-tam-tu-mot-chuong-trinh-truyen-hinh-da-dem-lai-cho-trump-427-trieu-do-la-cai-tu-hoan-sinh-phan-1/