Google: ASEAN dùng Internet di động nhiều nhất thế giới

0
18
Một người Thái Lan bán kính đeo mắt xem điện thoại di động ở Bangkok, Thái Lan, ngày 28/8/2019.
VOA

Người dân Đông Nam Á bỏ nhiều thời giờ lên mạng Internet bằng các thiết bị di động, theo một cuộc nghiên cứu mới do Google góp phần thực hiện. Kết quả cho thấy nền kinh tế Internet tại khu vực này vượt quá cột mốc 100 tỉ đô la trong năm nay.

Đông Nam Á dẫn dầu thế giới về truy cập Internet qua thiết bị di động

Người Thái lên Internet bằng thiết bị di động hơn 5 giờ một ngày, so với hơn 4 giờ tại Indonesia, Philippines và Malaysia, và 3 giờ trung bình của toàn cầu, theo phúc trình chung được công bố váo tuần trước. Điều này có nghĩa là “người dùng net trong khu vực này tiếp tục là những người giao tiếp nhiều nhất trên thế giới trên mạng Internet, bỏ nhiều thời gian trên Internet di động hơn những người sử dụng khác trên toàn thế giới,” phúc trình nói. Google thăm dò về kinh tế Internet ở Đông Nam Á trong nhiều năm nay với quỹ Temasek của chính phủ Singapore. Năm nay, Bain & Company, một công ty tư vấn về quản trị, gia nhập trong vai trò như tác giả thứ ba của phúc trình.

“Kinh tế Internet trong vùng tiếp tục vượt qua tất cả kỳ vọng tăng trưởng trước đây, đạt một cột mốc khác trong năm nay là 100 tỉ đô la,” phúc trình cho biết. Các tác giả cho biết họ “luôn ngạc nhiên về tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Internet.”

Báo cáo nhấn mạnh đến sử dụng Internet

Phúc trình nhấn mạnh đến những lúc thăng trầm của nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á, từ việc lan rộng nhanh chóng tại các thành phố lớn như thế nào đến những thách thức như nhu cầu huấn luyện người dân về những kỹ năng mới và cung cấp hậu cần hữu hiệu.

Phúc trình mang tên “e-Conomy SEA 2019 — Swipe up and to the right: Southeast Asia’s $100 billion internet economy” chú trọng đến 5 lĩnh vực giải thích về tăng trưởng:

  1. Du lịch online;
  2. Truyền thông mạng, như quảng cáo và phát sóng
  3. Đặt xe
  4. Mua bán trên mạng
  5. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số

Với dữ liệu cho thấy hơn 90% cư dân Đông Nam Á lên mạng chủ yếu qua điện thoại thông minh, phúc trình như một lời nhắc nhở về cách tiếp cận Internet ở đây khác với các nơi khác trên thế giới. Trong khi người dân ở các nước được biết tới Internet hầu hết qua máy tính để bàn hay máy tính xách tay thì hầu hết người dân Đông Nam Á bỏ qua bước này và tiến thẳng đến các thiết bị di động. Một số người sinh hoạt trên mạng mà chưa từng chạm đến một máy tính truyền thống.

Sử dụng Internet có thể dẫn tới một nền kinh tế đồng đều hơn

Trong khi nhiều người sử dụng trong những năm 1990 thoạt đầu xem Internet như là một công cụ cân bằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự lan truyền của Internet có thể dẫn đến sự phân phối đồng đều hơn các lợi ích kinh tế tại Đông Nam Á. Phúc trình “e-Conomy” dự báo có sự thu ngắn cách biệt giữa khu vực nông thôn và những thành phố lớn với hơn 10 triệu dân, thường được gọi là những khu đô thị.

“Khi chúng ta thấy các công ty Internet chú trọng nhiều vào việc thu hút những khách hàng mới bên ngoài các vùng đô thị thì tăng trưởng ở các vùng phi đô thị dự kiến sẽ bắt nhịp,” báo cáo nêu ra. “Thật ra, nền kinh tế Internet tại các khu vực bên ngoài đô thị được dự kiến tăng trưởng gấp 4 lần trong giai đoạn 2019-2025, nhanh gấp đôi so với khu vực đô thị.”

Chẳng hạn như cư dân nông thôn ở Đông Nam Á có thể sống ở các khu vực mà ngân hàng không lập chi nhánh vì không có lợi nhưng họ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua điện thoại thông minh.

Những thành phần cổ súy trong chính phủ và trong lĩnh vực doanh nghiệp đã bắt đầu gọi mời Đông Nam Á như một nền kinh tế chung, lớn hơn các nền kinh tế đơn lẻ. Báo cáo dự đoán 10 nước ASEAN sẽ trở thành khối kinh tế lớn hàng thứ tư trên thế giới trước năm 2030.

Khu vực đang được chú ý

‘Kỳ lân’ của khu vực-các công ty khởi nghiệp trị giá ít nhất 1 tỷ đô la-và tăng trưởng công nghệ đang thu hút sự chú ý. Nhà tỷ phú đầu tư công nghệ Masayoshi Son của Nhật, chẳng hạn, cho tờ Nikkei biết ông từng ganh tị với các công ty Mỹ và Trung Quốc nhưng giờ đây nhìn thấy Đông Nam Á như một nguồn thúc đẩy động lực cạnh tranh.

“Có nhiều công ty từ các nền kinh tế nhỏ như Đông Nam Á có tiềm năng và đang phát triển nhanh chóng,” ông nói. “Các doanh nghiệp Nhật, trong đó có tôi, không thể viện cớ.

Phúc trình “e-Conomy” không tập trung tới nhiều mặt trái của nền kinh tế Internet như người trẻ Đông Nam Á nghiện chơi game trên mạng tới nỗi phụ huynh phải tắt nguồn Internet vào ban đêm, hay tình trạng rác thải nhựa đang lan tràn khi ngày càng có nhiều người lên mạng đặt mua cà phê hay quần áo giao tận nhà. Internet là câu chuyện về tăng trưởng, và tăng trưởng cũng có những cái giá.