GẶP NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

0
5

Thiêm Võ

· San Diego

Chiều nay, cuối tuần, dọn cái garage chợt bắt gặp tập giấy in bài tạp bút này của nhà văn Nhã Ca. Dừng tay ngồi đọc lại, vẫn thích như xưa. Nhã Ca viết hay và thâm thúy quá. 

Chi tiết hai cọng bông súng thật thú vị. Mời các bạn xem chơi.

                   ************************ 

GẶP NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

Xế chiều. Chẳng nhớ là ngày nào, hình như cả tháng trước Giáng Sinh, khi anh Mai Thảo còn trong nhà, Trịnh Công Sơn có lần trở lại cửa hàng.

“Bà Nhã. Anh Nguyễn Tuân muốn gặp bà. Anh ngồi trên xe xích lô kìa.”

Xích lô đang đậu bên kia đường. Tôi bảo Sơn:

“Ông biết mà, tôi bận lo kiếm ăn, không văn chương chữ nghĩa gì nữa, không tiện gặp. Nhờ ông chuyển lời tôi cáo lỗi và kính thăm ông cụ.”

Mới cách đây không lâu, một bạn tới nói nhà thơ Lưu Trọng Lư từ Bắc vào, có lòng muốn gặp, tôi cũng đã trả lời tương tự.

Thơ Lưu Trọng Lư thời tiền chiến, chắc mãi mãi tôi sẽ còn trân trọng. Văn Nguyễn Tuân cũng vậy. Đọc Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, cả bài tùy bút Phở ông viết hồi Nhân Văn Giai Phẩm, quả có một thời tôi đã khiếp phục về chữ nghĩa tài ba của ông. Nhưng gặp để làm gì lúc này?

“Bà Nhã à. Bà nên dịu đi một chút. Tụi này thấy bà vậy, thật không yên tâm chút nào. Anh Nguyễn Tuân là người được nể trọng…Bà hiểu, tôi chỉ muốn bà được yên để lo nuôi các cháu.”

Sơn nói, giọng ôn nhu, dỗ dành. Phải cám ơn lòng tốt của Sơn thôi.

“Sơn coi, cửa hàng bề bộn, toàn đàn bà son phấn không hà. Biết làm thế nào…”

“Bọn này có chương trình đưa anh Nguyễn Tuân tới uống đằng Cửu Long. Bà tới liền nghe.”

Cửu Long là nhà hàng Hoàn Mỹ, Majestic cũ, hiện là nơi ăn nhậu sang trọng nhất thành phố.

“Tới liền e kẹt. Còn cửa hàng, đâu bỏ đi được. Phải kiếm đủ gạo đã…”

“Thôi thì thu xếp thế này. Ở Cửu Long ra, cả bọn họp bên nhà Nguyễn Hải ngay kế Mini Rex. Tên này xếp xòng bên Nghiên CứuVăn Hóa. Đây lại đó chỉ cách mấy bước à. Bà sang chút nghe.”

Sơn chỉ số nhà, rồi tất tả bỏ đi.

Thôi kệ. Cứ sang.

Mang lại cái áo bà ba đem về từ nhà tù, túm tóc bằng sợi dây thung, sau 5 giờ, tôi tới.

Căn phố đẹp ngay mặt tiền đường Lê Lợi. Bấm chuông. Tư sản mới có khác. Một bà vú ra mở cửa. Chủ nhà trông tướng tá phương phi. Bộ râu kiểng không che hết nốt ruồi bự. Đúng tướng diện loại người suốt đời được ăn ngon mặc đẹp. Hèn chi, cách đây không lâu, con cháu có việc đi ra ngoài, về kể: Từ rạp Rex tới Ngã tư Công Lý-Lê Lợi, bị công an giao thông chặn đường. Nghe nói vì có bà Võ Nguyên Giáp tới thăm bà con trong khu này. Chắc chỉ là chủ nhà này thôi.

“À, đây là chị Nhã Ca phải không. Mời chị. Mình lên lầu.”

Một tầng lầu. Lại một tầng lầu nữa. Dòm qua, phòng nào cũng bàn ghế, sa lông, rèm cửa. Thời trước, ngay cạnh Mini Rex mà sang trọng được mức này, cũng là tay chẳng vừa. Bước lên nữa. Cửa mở.

“Mời chị. Đây rồi.”

Đông gớm. Xem còn ai nào. Kìa, Sơn Nam. Nhiếp ảnh gia Ngọc Tùng. Trịnh Công Sơn. Ngồi cạnh Sơn? À, nhớ rồi, Phạm Nhuận. Nhiều người nữa, không biết là những ai, tất cả quây quần quanh ông già tóc bạc chấm vai.

“Chào Bác.”

Tôi nói với ông Nguyễn.

“Ê. Nhã Ca đây hả. Ngồi xuống. Ngồi. Không gọi bác. Gọi bằng anh.”

“Dạ. Thì xin phép anh.”

Đã tính bỡn: cả nước chỉ có một ông Bác Hồ thôi, chắc anh kiêng. May sao ngừng kịp.

Chả biết mặt mũi ra sao mà ông Nguyễn gật gù.

“Thôi nghe. Anh em cả. Ngồi xuống. Nhã Ca uống được thứ này chứ?”

Chai rượu có hình ông già đội mũ, cầm ba toong. Rượu vàng sóng sánh.

“Wisky Scott cơ à?”

“Nhã phải nhớ, anh Nguyễn Tuân mà. Luôn luôn phải Scott thứ thiệt chứ.” Sơn cười, nói.

Khó tin. Hẳn là chỉ mới thấy lại thứ này từ ngày vào miền Nam. Ông Nguyễn đang nhìn tôi. Chắc thấy khó ưa rồi. Đành sửa lại cái mặt.

“Thì uống.”

Hình như mọi người đang thi nhau trổ tài nói. Đùa nhiều. Cười nhiều. Đến lượt tôi ngắm lại ông Nguyễn. Tóc bạc phơ, mỏng mịn như tơ, dài rủ xuống vai. Mặt xương. Trán cao. Hói kiểu cách. Miệng mỏng. Ăn nói duyên dáng.

Thấy tôi nhìn, ông Nguyễn cười, né người sang một bên, hỏi:

“Đẹp. Phải không. Nhã Ca?”

Nơi ông Nguyễn vừa nghiêng người, nhô ra hai bông hoa súng nở bung, đỏ loét. Chờ tôi thấy rõ bông hoa rồi, ông nói thêm.

“Hoa súng đấy.”

Tôi đã nhìn rõ hơn. Dựa sát vách tường, ngay bên ghế ông Nguyễn ngồi, từ một bịch ni lông cột lùi xùi để dưới sàn nhà, có hai cọng bông súng vươn lên.

Một người nào đó giải thích:

“Hai bông súng trong hồ cảnh ở Majestic đấy. Ngay cạnh bàn rượu. Anh Nguyễn Tuân thích lắm, bảo hoa đẹp thế này, chỉ có chúng ta mới xứng đáng thưởng thức. Vậy là bọn này ngắt hoa mang về đây. Chị thấy hay không?”

“Hay lắm.” Tôi nói.

“Phải có một tấm ảnh chụp với cô em Nhã Ca chứ.”

Ông Nguyễn nói. Nhiếp ảnh gia Ngọc Tùng vội vã cầm máy hình đứng dậy. Thì chụp.

“Ảnh mầu cơ. Nào. Lại gần đây. Cạn ly.” Ông Nguyễn bảo tôi.

Cạn ly thật. Một người nào đó châm thêm khi ly rượu trên tay ông Nguyễn vừa cạn.

“Chị Nhã Ca, một ly nữa.”

“Cám ơn. Xin đủ.” Tôi nói.

“Nhã Ca giờ còn viết không? Ông Nguyễn hỏi.

“Buôn bán.”

“Giỏi nhỉ. Đàn bà, miền nào cũng giỏi. Cứ lúc hữu sự mới thấy cái tài giỏi của họ.”

“Chắc không giỏi nấu nướng bằng mấy đàn ông đâu. Món Phở anh tả hồi Nhân Văn Giai Phẩm, lâu nay, có thêm thắt được chút gia vị nào chưa?” Tôi hỏi.

“À há. Chị Nhã Ca. Hồi nẫy khi chị chưa tới, anh Nguyễn Tuân có nói không biết Nhã Ca ra sao mà ai cũng gọi là cọp cái, nó có răng nanh à? Đó, bây giờ anh nhìn coi. Chị Nhã Ca bình thường như mọi người. Không có răng nanh.”

Giọng có vẻ quen. Tôi nhìn lại. Phạm Nhuận. Nhà thơ trẻ này mặt mũi đôn hậu, nụ cười hiền lành, lời lẽ thường ôn nhu. Hôm nay, sao có gì khác thường? Tôi không có răng nanh, mà đôi khi cũng lòng lang dạ sói. Có cần nói điều ấy ra không? Không cần. Ông Nguyễn vẫn ôn tồn, kẻ cả:

“Viết lại đi Nhã Ca ạ. Nhã Ca viết tốt lắm. Anh có đọc một vài cuốn của cô.”

Tôi cười”

“Chắc cả Giải Khăn Sô Cho Huế?”

Ông Nguyễn cũng cười, giọng càng ôn tồn hơn:

“Anh đọc hết rồi. Chuyện cũng không có gì mới mẻ. Chỉ có một hình ảnh cô tả anh rất thích là cái nón từ trên trực thăng rớt xuống mặt biển…”

Tôi phì cười.

“Bộ ở ngoài Bắc không còn tới cả cái nón lá?”

Tôi nhớ tên cuốn sách mới của ông Nguyễn vừa thấy ở hiệu sách: Nhân dân ta đánh Mỹ giỏi thật. Đang tính thêm: Những chuyện giết chóc kiểu Mậu Thân Huế, đối với các anh ngoài Bắc, hẳn thấy là thường rồi. Đâu còn gì có thể gọi là mới. Nhưng Trịnh Công Sơn đã ngắt lời.

Sơn nói gì, tôi không nhớ rõ. Chắc cũng chỉ với ý tốt, muốn chuyển hướng câu chuyện. Cười thôi. Nhưng ông Nguyễn lại hỏi:

“Còn.. hắn? Đang được học tập cải tạo ở đâu?”

“Cái gì mà học tập cải tạo. Anh muốn hỏi về ông chồng tôi à? Tù thôi. Đi tù thì nói đi tù, việc gì phải dùng chữ hoa mỹ.”

Ông Nguyễn cười, không có vẻ gì phật ý. Tôi bắt gặp ánh mắt Phạm Nhuận nhìn sang, gật đầu kín đáo.

Có người hỏi về một bài hát mới nào đó của Trịnh Công Sơn. Sẵn đàn, mọi người yêu cầu hát nhưng Sơn từ chối, nói thôi để khi khác.

Tới lúc cáo lui rồi. Không chừng chính sự có mặt của tôi làm cụt hứng những bài ca vui vẻ. Sơn vốn không phải là người thích nói nhiều, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn.

Sơn Nam có nói gì không? Có. Một lúc nào đó, nhìn cái áo bà ba tôi tha từ nhà tù về, anh nói:

“Nhã Ca bây giờ đứng chủ một cửa tiệm lớn ngay trên đường Tự Do, trông oai vệ quá.”

Rồi:

“Cô em chả còn dáng dấp gì một nhà văn cả. Như bà chủ hụi. Buồn năm phút.”

Đúng là căn nhà tôi đang ở cứ khiêu khích mọi người. Đã tính trả lễ. Nhưng thôi, nhìn kìa. Anh chỉ còn da bọc xương, ốm tới nỗi cả khuôn mặt, chỉ còn thấy linh động ở miệng và răng. Mới đó hồi nào, Hà Thúc Cần dựng phim Đất Khổ do tôi viết đối thoại, cạnh các nhân vật chính như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Kim Cương, Dương Vân Quỳnh, có cả anh Sơn Nam ké vô một vai phụ. Trong vai một ông nhà văn nghèo mê đồ cổ, dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong cảnh một quán nước ngọai ô, anh Sơn Nam lúc ấy còn linh hoạt, bén nhậy biết bao. Tội nghiệp anh ấy.

Tôi đứng dậy, chào ông Nguyễn. Hai cọng bông súng đã lìa gốc vẫn chờn bên vai ông. Mầu đỏ của bông súng tàn kề bên mái tóc bạc. Có hai người cùng chủ nhà tiễn khách. Phạm Nhuận:

“Nhuận bắt tay chị một cái. Chị Nhã Ca.”

Và Sơn Nam:

“Cô em. Lì xì anh đi.”

Ngó anh. Con Chim Quyên Xuống Đất ốm yếu, tong teo. Vẫn còn lòng quý mến chút Hương Rừng Cà Mau.

“Anh cầm lấy đi.”

“Thôi mà. Cầm đi. Đùa gì…”

Trịnh Công Sơn, ít lâu sau ghé lại, nhắc:

“Bà gặp anh Nguyễn Tuân đi. Có khó khăn gì, anh góp ý được.”

Xin đủ.

Đó là lần duy nhất tôi gặp ông Nguyễn. Cũng là lần duy nhất dự vào một buổi họp mặt có anh em nhà văn kẻ Nam người Bắc. Không bao giờ tôi có dịp nhìn thấy tấm ảnh mình đứng cạnh ông Nguyễn do anh Ngọc Tùng chụp.

Chỉ gặp lại Phạm Nhuận. Vài tháng sau, tới:

“Chị Nhã Ca. Nhuận tới thăm chị. Vội lắm.”

Mắt nhìn, cách chào, có vẻ lạ.

“Làm gì vội vậy. Không uống được với chị ly nước chanh hay sao?”

Hai chị em, hai ly nước chanh. Tới lúc từ giã, lại bắt tay, nắm chặt. Ai ngờ, từ giã thật. Ít lâu, nghe Nhuận đã đi thóat.

Mừng Nhuận. Bây giờ, là phần người còn ở lại.

NHÃ CA