Dối trá và Chân thực

0
69
Nguồn ảnh: Stuff.co.nz

S. Alexievich

Nguồn ảnh: Stuff.co.nz

Hàng chục quyển sách đã viết về Chernobyl. Những quyển sách dầy cộm với đầy đủ những lời bình. Nhưng biến cố đã vượt lên trên mọi mô tả mang tính triết học về nó. Có ai nói với tôi, hoặc có thể là chính tôi đã đọc đâu đó, rằng vấn đề đầu tiên mà Chernobyl phải đối đầu là không ai biết cái gì đã xẩy ra cho Chernobyl để hiểu tường tận những rắc rối mà nó đang gặp phải.Xem ra nhận xét này cũng có phần đúng. Tôi đang mong có ai đó đủ thông minh hiểu biết để giải thích cho tôi. Như cái cách người ta soi sáng đầu óc ngu muội của tôi về Stalin, Lenin, về Bôn Sê Vích. Hoặc như cái cách người ta tận tâm tận lực hô hào “Thị trường! Thị Trường! Thị trường tự do!”. Nhưng, chúng tôi, những người lớn lên chưa từng biết Chernobyl là gì, nay bị buộc phải sống với Chernobyl.

Tôi vốn là một chuyên gia về tên lửa, về nhiên liệu dùng cho tên lửa. Tôi đã từng làm việc ở Baikonur (một trung tâm phóng tên lửa). Những chương trình không gian có tên như Vũ Trụ, Liên Vũ Trụ, những thứ đó hầu như đã là những phần không thể tách rời ra với cuộc đời của tôi. Đó khoảng thời gian thật kỳ diệu mà tôi đã sống qua. Tôi đã góp phần đem không gian, đem Bắc Cực, đem cả vũ trụ đến gần với mọi người. Ở liên bang Xô Viết, ai cũng có thể bay vào không gian với Yuri Gagarin, và cùng với Yuri bỏ mặc mặt đất lại phía sau. Và chúng tôi đã làm thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm thấy tình cảm vô bờ mình dành cho Yuri Gagarin, một người Nga tuyệt vời, có nụ cười tuyệt vời không kém. Kể cả cái chết của ông cũng hình như đã được sắp xếp đâu ra đó.

Tôi đã sống qua những quãng ngày thật kỳ diệu! Vì lý do gia đình, tôi xin chuyển đến Belarus và kết thúc sự nghiệp của mình ở đây. Lúc mới dọn đến, tôi đã biết mình phải cố hết sức hòa nhập vào khoảng không gian đặc thù Chernobyl để tự điều chỉnh cách nhìn nhận sự việc của mình. Trước đó, tưởng tượng ra những gì xẩy ra ở đây là một điều bất khả với bất cứ ai, dù rằng tôi đã có một quá trình trải nghiệm trong các lãnh vực kỹ thuật cao cấp và ngoài không gian. Chỉ giải thích thôi cũng đã là một việc không dễ dàng – vì thực tế vượt quá mọi khả năng tưởng tượng của con người. Nó là . .  . {Anh ta đang suy nghĩ}. Bà biết không, mới một giây trước đó tôi nghĩ mình đã hiểu được nó, một giây trước đó, cái mà tôi tự cho là hiểu ấy nó buộc tôi phải tìm cách lý giải nó. Khi nói về Chernobyl, ai cũng tìm cách lý giải sự việc. Riêng tôi, tôi chỉ muốn kể cho bà nghe về những gì chúng tôi đang làm ở đây. Không có việc gì mà chúng tôi không làm. Chúng tôi xây một ngôi nhà thờ – một nhà thờ đặc thù Chernobyl. Và để vinh danh Mẹ Thiên Chúa, chúng tôi xem ngôi nhà thờ ấy như một biểu tượng của “sự trừng phạt”, của sự phán xử cuối cùng. Chúng tôi kêu gọi dâng hiến tiền của, đi thăm người ốm, người sắp qua đời. Chúng tôi ghi chép lại những sự kiện, dựng lên một nhà bảo tàng. Trước đây, có lúc tôi nghĩ rằng, mình không thể nào toàn tâm toàn lực làm được một công việc như vậy. Mới đầu thì tôi bảo mọi người: “Tiền đây, hãy phân chia cho 35 gia đình, có nghĩa là 35 quả phụ”. Cánh đàn ông đều đã ra đi làm công việc của Thanh Lý Viên. Vậy phải làm sao cho công bằng. Nhưng bằng cách nào? Một bà có đứa con gái nhỏ bị ốm, bà kia lại có hai đứa con nhỏ, bà thứ ba đang bị ốm, có tới 4 đứa con và đang đi ở nhà mướn. Cả đêm tôi thao thức suy nghĩ làm sao để không ai bị thiệt thòi. Cứ thế tính tới, tính lui, tính đi, tính lại. Tôi đành chịu thua. Cuối cùng, chúng tôi đem số tiền chia đều cho mọi người có tên trong danh sách.

Công trình tôi quan tâm nhất là nhà bảo tàng: Nhà bảo tàng Chernobyl. {Anh ta im lặng}.Có lúc tôi nghĩ cái nhà bảo tàng mà mình đang cố thực hiện sẽ biến thành một nhà quàn cho tang lễ. Tôi cũng là một thành viên trong ủy ban tang lễ. Sáng nay, tôi vừa đến nơi chưa kịp cởi áo khoác thì có một phụ nữ chạy vào, khóc lóc. Cũng không thực sự là khóc, mà là la hét: “Hãy lấy lại hết huy chương, tưởng lục, quyền lợi của chồng tôi, nhưng phải trả lại anh ấy cho tôi!”. Bà ta kêu khóc ầm ĩ như thế một lúc lâu, rồi bỏ đi, để lại huy chương, bằng tưởng lục của chồng bà. Rồi đây, những tấm huy chương, bằng tưởng lục này sẽ được đem ra trưng bày trong nhà bảo tàng. Mọi người sẽ có dịp chiêm ngưỡng chúng. Nhưng tiếng kêu khóc của người vợ, sẽ chẳng có ai nghe được ngoài chính tôi. Tôi sẽ không thể quên được tiếng khóc ấy mỗi khi đem các di vật người chết ra trưng bày.

Đại tá Yaroshuk hiện đang hấp hối. Ông là chuyên gia đo lường mức nhiễm xạ. Vốn có sức vóc to khỏe như con bò mộng, nay ông nằm đó tê liệt cả tay chân. Vợ ông lật người ông như lật một chiếc gối, đút cho ông ăn bằng một chiếc muỗng. Ông bị sạn thận, cần phải tìm cách thải chúng ra ngoài, nhưng ở đây chúng tôi không có tiền để thực hiện cuộc giải phẫu như vậy. Chúng tôi đều là những kẻ cùng khổ, sống còn được là nhờ lòng hảo tâm của mọi người. Còn chính quyền thì hành xử như kẻ cho vay lấy lãi, họ bỏ quên những con người khốn khổ này rồi. Khi ông đại tá chết, người ta sẽ lấy tên ông đặt cho một con đường, một trường học, hoặc một đơn vị quân sự, nhưng chỉ sau khi ông đã chết rồi. Đại tá Yaroshuk. Ông có mặt khắp nơi trong Khu Cấm đế đánh dấu những vùng có độ nhiễm xạ cao nhất. Ông đã bị khai thác đến tận cùng ý nghĩa của sự khai thác, như thể ông chỉ là một dạng máy Robot. Ông biết thế, nhưng vẫn tận tụy với công việc, vẫn ngày ngày đi bộ từ  lò phản ứng đánh một vòng chu vi chung quanh vùng ảnh hưởng với cái máy đo độ nhiễm xạ trên tay. Bắt gặp một “điểm nóng” nào, ông bèn cẩn thận xem xét hết chung quanh để có thể ghi lại một cách chính xác trên bản đồ.

Còn về những người lính được lệnh dọn dẹp trên nóc lò phản ứng thì như thế nào? Tổng cộng 210 đơn vị quân đội được điều động đến để làm công việc thanh lý những hậu quả của thảm họa hạt nhân Chernobyl với con số nhân lực là 340,000. Trong số đó, những người ở trên nóc lò phản ứng hứng chịu nhiều nguy hiểm nhất. Tuy họ được cấp phát áo chì mặc bảo hộ, nhưng do chất phóng xạ tỏa từ dưới lên trên, lại chỉ mang những đôi ủng giả da rẻ tiền, nên hầu như họ không được bảo vệ gì cả. Mỗi ngày, họ làm việc trên nóc lò, vào khoảng từ một phút rưỡi đến 2 phút. Hết thời hạn trưng dụng, họ được cho về với một tấm bằng tưởng lục và 100 rúp, rồi biến mất tăm đâu đó trên đất nước rộng mênh mông. Công việc trên nóc lò đơn giản, họ chỉ phải gom lại những mảnh than chì, xi măng, sắt bị vỡ từng mảnh. Khoảng thời gian cần thiết để đổ đầy những mảnh vụn ấy vào chiếc xe cút kít chiếm khoảng từ 20 giây cho đến 30 giây và cũng bằng ấy thời gian sẽ dùng để đổ chiếc xe đầy mảnh vụn ấy xuống dưới đất. Bà có thể hình dung ra được hoạt cảnh của đám thanh lý viên trên nóc lò  rồi chứ: Chiếc áo bằng chì mặc bảo hộ, mặt nạ, chiếc xe cút kít và tốc độ làm việc điên rồ .

Trong viện bảo tàng ở Kiev, người ta trưng bày một hình mẫu mảnh than chì bằng cỡ chiếc mũ của người lính mà nếu đó là than chì thật thì trọng lượng của nó phải là 16 kí lô gram. Sức nặng như vậy chứng tỏ than chì có độ ép dầy như thế nào. Máy móc điều khiển bằng sóng vô tuyến thường bị tê liệt hoặc đôi khi làm ngược lại ý người điều khiển vì những nhiễu loạn gây ra bởi nồng độ xạ cao. Do đó, những “người máy” đáng tin cậy nhất chính là những con người làm việc trên đó. Họ được đặt cho biệt danh “Rô Bô Xanh” vì màu đồng phục xanh họ mặc trên người. Ba ngàn sáu trăm người lính thay phiên nhau làm việc trên nóc lò phản ứng bị phát nổ.

Những người lính ấy còn rất trẻ. Giờ thì họ đang chết dần mòn. Họ hiểu rằng nếu không có họ làm những công việc hy sinh như vậy . . . Về bản chất, những người lính trẻ này thuộc về một nền văn hóa hướng tới những thành tựu vĩ đại, vì thế họ không quản ngại hy sinh. Sau khi lò phản ứng phát nổ, đã tiềm tàng một nguy cơ khác có thể dẫn đến một hiểm họa thậm chí lớn hơn. Đó là lượng nước đọng lại dưới lò phản ứng, nếu trộn lẫn với than chì và chất uranium thải ra từ lò phản ứng sẽ gây nên một vụ nổ khác, lớn hơn, nguy hiểm hơn vì chứa đầy chất phóng xạ nguyên tử, với quy mô có thể từ 3 cho đến 5 megaton. Với sức nổ lớn như vậy, không chỉ toàn bộ vùng Kiev và Minsk, mà cả một phần lớn diện tích châu Âu sẽ trở thành vùng đất chết, con người không thể ở được. Bà tưởng tượng ra được rồi chứ? một thảm họa cho toàn thể châu Âu. Vậy để cứu vãn, không cho thảm họa ấy xẩy ra, người ta phải khẩn cấp hoạch định công việc: Phải có người lặn xuống nước mở khóa van an toàn! Ai tình nguyện làm việc này sẽ được thưởng một chiếc xe, một căn hộ chung cư, một nhà nghỉ ở thôn quê và gia đình sẽ hưởng trợ cấp vô hạn định. Lời kêu gọi tình nguyện có sự đáp trả ngay lập tức. Cũng những người lính trẻ ấy. Họ lặn xuống không chỉ một lần, mà nhiều lần. Họ mở được cái chốt van an toàn. Cả đơn vị được thưởng 7 ngàn rúp. Còn xe và căn hộ ở chung cư thì lời hứa ban đầu đã nhanh chóng bị quên lãng. Nhưng đâu có phải vì những thứ đó mà những người lính trẻ sẵn sàng hi sinh thân mình. Chẳng phải vì những thứ phần thưởng vật chất, huống hồ gì chỉ là những lời hứa suông.{Tỏ vẻ bực tức}. Những người trẻ ấy không còn tồn tại trên mặt đất này nữa. Có còn chăng chỉ là những gì được ghi lại trên giấy, và tên tuổi của họ, để lưu trữ trong viện bảo tàng. Nếu không có những sự hy sinh ấy của họ thì những gì sẽ xẩy ra hẳn sẽ không có một sự so sánh tương đối cân bằng.

Có người bảo tôi, sở dĩ có sự hy sinh ấy là vì chúng ta không đánh giá cao mạng sống con người. Rằng đó là biểu hiện của quan niệm theo thuyết số mệnh của phương Đông. Một người sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình không hề cho mình là một cá nhân độc nhất. Anh ta bị thôi thúc bởi một mong ước khẳng định mình trong cuộc sống. Trước đó, anh ta là một con người bình thường, không bản sắc, chìm khuất ở phía sau. Bỗng nhiên, anh ta trở thành nhân vật chính, thu hút sự chú ý, với sự khao khát tìm ra ý nghĩa cho đời sống. Hệ thống tuyên truyền của chúng ta bao gồm những gì? ý thức hệ chăng? Mình được cho có cơ hội chết ngõ hầu tìm ra ý nghĩa cuộc sống và được vinh danh. Người ta sẽ cho mình một chỗ đứng, một vị trí, một vai trò. Đó chính là sự đánh giá cao cái chết, vì chết là sự vĩnh cửu vô cùng. Anh ta biện luận với tôi bằng cách chứng tỏ những điều như thế đấy.

Nhưng tôi phản bác lập luận này, một cách dứt khoát! Đúng vậy, chúng ta được giáo dục để trở thành những người lính. Chúng ta lớn lên với ý tưởng đó. Chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng để lên đường, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn không thể thực hiện. Khi tốt nghiệp trung học, tôi ngỏ ý muốn được theo học ở một trường đại học dân sự, cha tôi bất bình: “Bố là một người lính chuyên nghiệp, còn con thì lại thích được tự do bay nhảy trong bộ đồ dân sự? Đất mẹ cần phải được bảo vệ, con hiểu chưa?”. Sau lần đó, cha tôi không buồn nhìn mặt tôi trong nhiều tháng, cho đến khi tôi nộp đơn thi vào một trường đại học quân sự. Cha tôi từng nhiều lần tham gia chiến trận. Bây giờ thì ông đã qua đời. Thực tế cha tôi không có nhiều của cải vật chất, giống như đa phần những người cùng thế hệ. Chết đi, cha tôi chẳng để lại gì: không nhà cửa, xe cộ, đất đai. Vật thừa hưởng duy nhất dành cho tôi là cái túi nhà binh đặc biệt dành cho sĩ quan trực tiếp chiến đấu trên chiến địa cha tôi nhận được sau khi hoàn thành một chiến dịch ở Phần Lan, trong đó có đựng các huy chương của ông. Ngoài ra, mẹ tôi còn giữ được một túi đầy, đựng 300 bức thư cha tôi viết ngoài mặt trận, khởi đầu từ năm 1941. Đó là tất cả những gì cha tôi để lại khi qua đời. Với tôi, đó là những thứ thật vô giá.

Bây giờ thì chắc bà hiểu được cái nhà bảo tàng này có giá trị lớn như thế nào đối với tôi rồi chứ? Trong cái hũ nhỏ đó có chứa một nắm đất lấy ở Chernobyl. Kìa là cái mũ bảo hộ của người thợ mỏ. Cũng lấy từ đó. Cả một số dụng cụ của người nông dân ở trong Khu Cấm. Chúng tôi không thể trưng bày những cái dụng cụ đo độ phóng xạ được. Cả phòng sẽ “rực sáng” lên mất thôi. Ngoài ra, tất cả những gì bà thấy ở đây đều là thật. Không một chút giả tạo màu mè diễn kịch. Chúng tôi cần được mọi người tin tưởng. Và người ta chỉ tin những gì là thật, bởi vì đã có quá nhiều những điều giả dối xẩy ra chung quanh Chernobyl rồi. Đã từng có, và vẫn còn có rất nhiều những sự giả dối. Người ta còn lợi dụng Chernobyl làm chiêu bài gây quỹ, hoặc quảng cáo cho các dịch vụ thương mại . . .

Để có thể viết về Chernobyl một cách trung thực, bà cần xem một số băng hình ghi lại những cảnh chỉ có ở Chernobyl. Chúng tôi tom góp chúng mỗi ngày một chút. Đây không phải là cuốn biên niên sử Chernobyl bằng hình, vì họ không bao giờ cho phép ai làm việc đó, hoàn toàn cấm ngặt. Nếu họ bắt gặp bất cứ ai làm việc này, lập tức băng hình sẽ bị tịch thu và thiêu hủy. Cho nên, không có những hình ảnh dân làng di tản, hình ảnh gia súc bị lùa đi. Chính quyền không cho quay những cảnh phim bất lợi cho họ, chỉ có những gì được cho là có lợi mới được phép ghi lại mà thôi. Cũng có một vài tập hình ảnh về Chernobyl hiện nay được cho lưu truyền, những lẽ ra còn nhiều hơn thế nữa nếu không có sự kiện rất nhiều máy quay phim, máy chụp hình bị đập vỡ. Đám quan lại cửa quyền ấy hành hạ dân chúng không ít. Phải có thật nhiều can đảm người ta mới dám nói hết sự thực về Chernobyl. Tình hình tồi tệ ấy đến nay vẫn còn. Hãy tin tôi đi, bà phải xem những băng hình này để nhìn thấy bằng mắt bà khuôn mặt đen xạm của những người lính cứu hỏa, đen như than chì. Để nhìn thấy đôi mắt họ, đôi mắt của những kẻ biết rằng mình sắp vĩnh viễn xa rời trần thế. Có một cảnh chiếu đôi chân của một người phụ nữ vào buổi sáng hôm sau khi vụ nổ xẩy ra bước đi trên cánh đồng để đến thửa đất của mình nằm sát ngay bên khu vực lò phản ứng. Cỏ dưới chân bà ướt đẫm sương đêm. Đôi chân người phụ nữ ấy gợi cho bà nghĩ ngay đến hình ảnh chiếc vỉ lò, với những lỗ nhỏ phủ đầy đôi chân lên tới tận đầu gối. Nếu bà muốn viết sách về Chernobyl, bà phải xem cảnh phim này.

Về nhà, tôi không thể ôm ấp đứa con trai nhỏ trước khi uống cạn 50 hoặc 100 grams rượu Vodka.

Trong nhà bảo tàng, chúng tôi dành hẳn riêng một khu cho những phi công lái trực thăng. Kia là đại tá Vodolazhsky, một anh hùng của nước Nga, xác ông được chôn trong ngôi làng Zhukov Lug, một phần đất của Belarus. Khi cơ thể bị nhiễm xạ ở mức độ tối đa cho phép, lẽ ra ông có quyền được miễn nhiệm và về nhà, nhưng ông đã tình nguyện  ở lại để huấn luyện thêm 33 phi công trực thăng mới đến. Bản thân ông đã thực hiện 120 chuyến bay và vận chuyển 230 tấn hàng. Trung bình mỗi ngày ông đảm nhiệm từ 4 đến 5 chuyến bay, ở độ cao 30 mét phía trên lò phản ứng và nhiệt độ trong buồng máy có lúc nóng tới 60 độ Celsius. Thử tưởng tượng những gì diễn ra dưới đất khi từ trên không tới tấp rơi xuống những bao đựng cát. Hoạt động đó kích thích độ phóng xạ dầy khoảng 1800 đơn vị bức xạ một giờ. Dù ở trên không, các phi công vẫn có thể cảm được sức lan tỏa của phóng xạ. Để thả những bao cát xuống đúng mục tiêu, là những cái hố lửa còn cháy âm ỉ, phi công phải đưa mặt ra khỏi cửa máy bay dùng mắt trần để ước tính khoảng cách từ trên xuống. Không thể có cách nào khác. Tại các cuộc họp của giới chức thẩm quyền, mỗi ngày họ đều phán quyết một cách đơn giản: “Chúng ta cần phải hy sinh 3 mạng người cho việc này. Còn việc kia thì cần 1 mạng người.”. Thật đơn giản như thế. Và mỗi ngày.

Đại tá Vodolazhsky đã chết. Trên tấm thẻ y tế xác định lượng nhiễm xạ của ông, các bác sĩ ghi là 7 becs. Thực tế thì độ nhiễm xạ của cơ thể ông là 600 becs.

Còn có 400 thợ mỏ làm việc ở đường hầm ngay phía dưới lò phản ứng. Người ta cần một đường hầm để có thể đổ chất nitrogen lỏng vào đó với mục đích làm đóng băng cái gối bằng đất của lò, cái tên mà các viên kỹ sư gọi lớp đất nền dưới lò. Nếu không làm thế, lò phản ứng sẽ bị mạch nước ngầm dưới đất ngấm vào. Thợ mỏ được huy động khắp nơi từ Moscow, Kiev, Dniepropetrovsk. Không biết có ai còn nhắc đến họ không, nhưng ở đây giữa cái nóng 55 độ Celsius,  những người thợ mỏ trần truồng nhoài mình đẩy xe. Hàng trăm đơn vị bức xạ bay lượn chung quanh. Giờ thì những người thợ mỏ ấy cũng đang chết dần dần. Nếu không có những sự hy sinh này thì điều gì sẽ xẩy ra? Tôi xem họ như những anh hùng, chứ không phải nạn nhân, của cuộc chiến Chernobyl, điều mà lẽ ra không xẩy ra. Người ta gọi Chernobyl là một tai nạn, một thảm họa. Nhưng thực chất đó là một cuộc chiến tranh. Tượng đài Chernobyl trông giống như một tượng đài chiến tranh.

Có những điều chúng tôi không bao giờ nhắc đến, vì bản chất khép kín thừa hưởng từ nền văn hóa Slavic. Nhưng bà cần phải biết vì bà đang viết sách về Chernobyl. Những người làm việc ở lò phản ứng, hay chỉ gần đó thôi, đều mắc một chứng bệnh rất phổ biến, đó là chức năng sinh dục của họ không còn hoạt động như trước nữa. Điều này cũng xẩy ra cho những người làm việc trong ngành tên lửa. Nhưng không ai công khai nói đến điều này.Vì nói ra là một điều cấm kỵ. Tôi đã có lần đi theo một ký giả người Anh, anh ta đưa ra nhiều câu hỏi rất thú vị. Đặc biệt là về chủ đề này – anh ta quan tâm nhiều đến khía cạnh con người của sự việc. Anh ta muốn biết cuộc sống riêng của chúng tôi như thế nào khi về với gia đình, mọi sinh hoạt, quan hệ thân mật v.v.. Nhưng viên ký giả này không thể nào có được những câu trả lời trung thực. Anh ta nhờ tôi gọi các phi công trực thăng đến để anh ta có thể nói chuyện trực tiếp với họ trong một nhóm người toàn đàn ông. Họ có mặt đầy đủ. Có người đã giải ngũ khi mới chỉ 35 hoặc 40 tuổi. Một người trong số họ bị gẫy chân vì chất phóng xạ làm xương chân mềm đi, nhưng cũng được bạn bè dìu đến. Viên ký giả người Anh đặt ra câu hỏi: Cuộc sống của các anh giờ như thế nào với gia đình, với người vợ trẻ? Các phi công im lặng, không trả lời. Họ đến để nói về thành tích 5 chuyến bay mỗi ngày của họ, vậy mà anh chàng ký giả người Anh lại chỉ hỏi về vợ họ ở nhà? Chỉ hỏi vậy thôi sao? Buộc lòng, viên ký giả phải đặt riêng câu hỏi với từng người, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời giống hệt nhau: Chúng tôi đều khỏe mạnh cả, chính phủ trân trọng công lao của chúng tôi, và trong gia đình chúng tôi thì lúc nào cũng tràn ngập tình yêu. Không một ai, không một người nào trả lời thực với viên ký giả. Khi tất cả ra về rồi, tôi có cảm tưởng viên ký giả người Anh thất vọng ghê lắm. Anh ta bảo tôi: “Giờ thì anh hiểu cái lý do mà không một ai tin các anh hết chưa? Các anh tự dối chính mình.”. Cuộc gặp xẩy ra ở một tiệm cà phê. Hai cô gái trẻ hầu bàn phục vụ chúng tôi. Anh ký giả hỏi hai cô gái: “Các cô có thể cho tôi hỏi vài câu được không?”. Thế là hai cô gái giải thích tường tận mọi điều. Viên ký giả hỏi: “Các cô có muốn lập gia đình không?” “Có chứ! nhưng không phải ở đây. Chúng tôi ai cũng muốn lấy chồng người không phải ở đây, để có thể sinh những đứa con khỏe mạnh.”. Được thể, viên ký giả tiến xa hơn: “Các cô có bạn trai không? Họ thế nào? Họ có làm các cô thỏa mãn không? Hẳn các cô hiểu ý tôi muốn nói gì phải không?”. Hai cô gái cười to. “Anh đã nhìn thấy họ rồi chứ gì, mấy anh chàng phi công ấy! Tướng tá cao lớn. Ngực đầy huy chương sáng chói. Họ rất đẹp mã để ngồi trên bàn chủ tọa các buổi họp nhưng không được như vậy khi ở trên giường.”. Viên ký giả người Anh chụp hình hai cô hầu bàn, rồi quay qua tôi anh ta lập lại cùng một câu: “Giờ thì anh hiểu cái lý do mà không một ai tin các anh hết chưa? Các anh tự dối chính mình.”.

Tôi đưa anh ta vào Khu Cấm. Bản thống kê nhiều người biết đưa ra con số 800 bãi chôn rác thải chung quanh nhà máy Chernobyl. Viên ký giả mong đợi được nhìn thấy những cấu trúc hi-tech an toàn, nhưng lại chỉ có những hố chôn bình thường. Ở đó, người ta vùi đầy những “cây màu da cam” chặt ra từ diện tích 150 héc-ta rừng bao quanh khu nhà máy {Những ngày sau khi vụ nổ xẩy ra, những cây thông và cây xanh quanh đó đổi màu thành đỏ, rồi sau đó là màu da cam}.Còn có những hố chứa hàng tấn sắt thép thải, ống nước, quần áo bảo hộ, bê tông vụn v.v.. Anh ta cho tôi xem một bức hình cắt ra từ một tờ tạp chí xuất bản ở Anh, chụp toàn cảnh khu vực từ trên cao. Trong hình, tôi nhìn thấy hàng ngàn những chiếc xe vận chuyển, máy móc, xe cứu hỏa và xe cứu thương. Nghĩa trang lớn nhất nằm ngay cạnh nhà máy. Tay ký giả muốn chụp lại bức ảnh đó, bây giờ sau 10 năm . Có người hứa trả anh ta nhiều tiền hơn nếu anh ta chụp lại được bức ảnh. Thế là chúng tôi đi hết chỗ này đến chỗ kia, gặp hết quan chức này tới quan chức khác, kẻ thì bảo không còn giữ bản đồ, kẻ thì bảo không được phép. Sau khi đi cùng khắp mọi nơi, cho đến khi bỗng nhiên tôi nhận ra một điều: Cái nghĩa trang khổng lồ ấy, trong thực tế, đã không còn nữa. Nó chỉ còn hiện hữu trên sổ sách kế toán mà thôi. Nó đã bị phá rỡ, lấy đi tất cả phụ kiện vật dụng, đem bán ngoài chợ để  người ta mua về xây văn phòng hợp tác xã, xây nhà cửa. Mọi thứ đều bị đánh cắp, lấy đi hết. Viên ký giả người Anh không hiểu gì cả. Tôi nói cho anh ta nghe sự thực, anh ta vẫn không tin tôi. Thậm chí chính tôi, khi đọc những bài báo can đảm vạch ra những điều tệ hại ấy, tôi cũng không thể tin rằng đó chính là sự thật. Có lúc tôi tự nghĩ: “Nếu giả sử như đây chỉ là những lời bịa đặt thì sao?”. Nó đã trở thành điển hình để đánh dấu một bi kịch. Một cách chào hỏi, một thứ hình nộm bù nhìn!”. {Anh ta có vẻ trong trạng thái tuyệt vọng, rồi im lặng .}.

Tôi tha đủ thứ về nhà bảo tàng. Đôi khi tôi bảo chính mình: “Quên phứt đi thôi! Buông bỏ hết đi thôi!”. Ý tôi là mình lấy tư cách gì để lấy những thứ này.

Tôi có dịp trò chuyện với một vị tu sĩ trẻ. Chúng tôi đứng trước ngôi mộ của viên Trung sĩ Nhất Sasha Goncharov. Anh này đã từng làm việc trên nóc lò phản ứng. Hôm ấy trời đổ tuyết và gió thổi mạnh. Một thứ thời tiết kinh khủng. Vị tu sĩ đang đọc kinh cầu nguyện cho người chết với chiếc đầu để trần. Sau đó, tôi nói với ông: “Hình như cha không cảm được thời tiết thì phải ?” Ông bảo: “Đúng vậy. Trong những khoảnh khắc như vậy tôi cảm thấy mình tràn đầy sức mạnh. Không có một nghi thức lễ thánh nào cho tôi được cảm giác đó bằng khi đọc kinh cầu cho người chết.”. Tôi nhớ rõ – những lời của một người luôn luôn ở gần cái chết. Tôi thường hỏi những ký giả ngoại quốc, có người đã từng đến đây nhiều lần, lý do họ đến đây, lý do họ muốn vào thăm Khu Cấm? Sẽ là ngu xuẩn khi nghĩ rằng họ đến đây vì tiền hay vì muốn có thành tích trong nghề nghiệp. Đây là câu trả lời: “Chúng tôi thích đến đây vì mỗi lần như thế chúng tôi cảm giác dường như chính mình đang nhận được một nguồn kích thích sinh lực rất bất ngờ.”. Đó là một câu trả lời không ai mong đợi, phải không? Tôi cho rằng, với những ký giả ngoại quốc, con người chúng ta hiện hữu nơi đây tạo cho họ cảm tưởng đang đối diện với những điều ký bí, chưa từng được khám phá. Thực sự, tôi đã không hỏi họ xem điều mà họ quan tâm nhất là chính con người chúng tôi ở đây, những gì họ có thể viết về chúng tôi, hay những gì họ có thể hiểu được về chúng tôi.

Tại sao lúc nào chúng tôi cũng cứ băn khoăn về cái chết?

Chernobyl – Chúng tôi đã không thể tách rời khỏi Chernobyl để sống ở một thế giới khác nữa được rồi. Những gì xẩy ra,  thoạt đầu, gây cho chúng tôi cảm giác hụt hẫng, cảm giác nặng nề một nỗi đau. Nhưng với thời gian, chúng tôi đã nhận ra mình chẳng còn có một thế giới khác, một nơi chốn nào khác nữa để tìm nơi trú ẩn. Giờ đây, cảm giác mình đã ổn cố nơi mình đang sinh sống, dù đó chỉ là một lựa chọn đầy bi kịch, cũng đã cho chúng tôi một thế giới quan hoàn toàn khác hẳn.

Những người trở về sau một cuộc chiến được gọi những người thuộc về một thế hệ “đã bị mất”. Chúng tôi cũng thế, “đã bị mất”. Điều duy nhất không bao giờ thay đổi là nỗi thống khổ của con người. Đó là thứ tài sản duy nhất của chúng tôi. Là vật vô giá nhất mà chúng tôi sở hữu.

Tôi về lại mái nhà gia đình. Vợ tôi lắng nghe tôi kể những gì đã xẩy ra. Sau đó, cô ấy lặng lẽ bảo tôi: “Em yêu anh, nhưng em sẽ không thể để anh đến gần con trai chúng ta. Em sẽ không cho phép bất cứ ai chiếm đoạt nó. Chernobyl, hay Chechnya, hay bất cứ ai, hãy để cho con em được yên!”. Nỗi sợ đã chế ngự hoàn toàn cô ấy mất rồi.

 Sergei Vasilyevich Sobolev, Phó Trưởng Ban điều hành hiệp hội bảo vệ di sản Chernobyl.