Đọc ‘Những bài viết về chính trị’ của Nguyễn Hưng Quốc

    0
    13
    Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. (Hình: Trần Triết)

    Phạm Phú Khải

    Cuối năm 2021, tôi thật hân hạnh nhận được tác phẩm “Những bài viết về chính trị” mà nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc gửi tặng.

    Trong số những người Việt viết phê bình, về văn học, chính trị hay những lĩnh vực khác, hiếm ai có ngòi bút sắc bén và uyên bác như Nguyễn Hưng Quốc. 

    Tôi đọc phần lớn các tác phẩm ông đã xuất bản và các bài viết trên VOA blog của ông. Còn nhớ sau khi đọc xong tác phẩm “Văn học Việt Năm từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại”, xuất bản năm 2000, nhiều ấn tượng sâu sắc còn ở lại trong tôi mãi đến bây giờ. Trên hết, vào lúc đó, tôi mong ước một ngày nào đó ông sẽ viết phê bình về chính trị. 

    Tôi thích thú đọc Nguyễn Hưng Quốc vì kiến thức, lý luận và văn phong của ông, và cách nhìn vấn đề sắc bén nhưng tinh thần bao dung. 

    Thứ nhất, đọc Nguyễn Hưng Quốc giúp chúng ta có thêm vô vàn kiến thức căn bản và nền tảng về lĩnh vực ông viết, dù là văn học, trước đây, hay về chính trị, sau này. Mỗi tác phẩm ông viết đều có sự nghiên cứu, tham khảo tài liệu sâu rộng từ những chuyên gia hàng đầu của mọi ngành liên hệ. Ngay cả về lĩnh vực chính trị, không phải là chuyên môn, nhưng ông đã tham khảo, tìm hiểu và trích dẫn các tác phẩm hay khảo luận mang tính định hình lĩnh vực đó. Mỗi cuốn sách ông viết cho thấy ông nghiên cứu hàng trăm cuốn sách như thế. 

    Thứ hai, với những vấn đề chuyên môn phức tạp và có khi đầy ý kiến mâu thuẫn hay trái chiều trong từng lĩnh vực, nó trở thành dễ hiểu hơn và dễ nắm bắt những điều cốt lõi qua ngòi bút của Nguyễn Hưng Quốc. Ông có khả năng giúp người đọc không chỉ biết mà còn hiểu những gì ông trình bày. Ông đi thẳng vào vấn đề một cách nhanh và gọn, không dư thừa và không làm mất thì giờ của độc giả. Cách phê bình của ông như kiểu đánh võ: đấm thẳng vào chỗ trọng yếu, knock-out, rồi đi qua vấn đề khác. Hiếm khi nào đọc ông mà tôi cảm thấy khó hiểu hay lúng túng (confused), ngay cả với những ý tưởng, khái niệm phức tạp.

    Thứ ba, đọc Nguyễn Hưng Quốc, qua các tác phẩm hoặc trên các đoạn văn ngắn trên Facebook, chúng ta có thể thấy tâm tư tình cảm của ông dành cho Việt Nam, và đặc biệt dành cho tiếng Việt, thật đong đầy. Qua đó đã làm cho tôi cảm thấy yêu chữ nghĩa hơn, yêu văn chương hơn, yêu lý luận và triết học hơn. Tôi cho đó là cái tài viết của ông. Cái nhìn bi quan hay lạc quan của người cầm bút, nhất là một nhà phê bình, sẽ tác động lên tâm tư của người đọc. Trong vô số những điều bi quan, trong chính trị văn hóa hay lịch sử Việt Nam lẫn thế giới, ông vẫn nhìn nửa ly nước đầy hơn vơi. Bị ở tù Cộng sản trước đây vì tội vượt biên, rồi bị cấm nhập cảnh Việt Nam hai lần, tuy vẫn mong được gặp bố ông lần cuối trước khi quá trễ, ông vẫn luôn yêu Việt Nam và chỉ mong một ngày nào đó được trở về đất nước này.

    Sau khi đọc “Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản”, rồi “Văn học Việt Năm từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại”, vào đầu thập niên 2000, tôi nghĩ trong đầu với hy vọng rằng một ngày nào đó, ông sẽ viết về các vấn đề chính trị như hai cuốn sách trên. Lúc đó ông vẫn chủ yếu phê bình về văn học. Lúc đó chắc chắn ông vẫn quan tâm đến chính trị với tư cách là một người Việt Nam, một người tị nạn, và là một trí thức. Nhưng ông dường như vẫn còn sự dè dặt nào đó về lĩnh vực chính trị. Ông vẫn chủ trương nghiên hẳn về phê bình văn học, thay vì chấp nhận một vai trò mới đến với ông một cách tự nhiên: một trí thức công chúng (public intellectual). 

    Rõ ràng triết học và văn học gắn bó mật thiết với nhau, tác động lên nhau. Hai tác phẩm trên phân tích sâu sắc mối quan hệ này. Triết học và văn học định hình uốn nắn tư tưởng con người, kể cả tư tưởng chính trị. Tác phẩm “Văn học Việt Năm từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại” giới thiệu bao nhiêu lý thuyết phê bình văn học, mà rất nhiều lý thuyết, hay triết học này, nếu không phải là tất cả, cũng là dụng cụ/phương pháp được dùng cho phê bình trong khoa học chính trị. 

    Do đó tác phẩm “Những bài viết về chính trị”, theo tôi, đáp ứng được nhu cầu này. Những bài viết này, như Nguyễn Hưng Quốc chia sẻ, là tập hợp một số bài viết trên VOA blog của ông trước đây. Đọc thì mới nhận ra rằng nhiều bài mình đã được đọc trước đây, nhưng cũng có nhiều bài khác tôi chưa đọc. 

    Những chủ đề chính của tác phẩm này đều là những vấn đề rất lớn, và hệ trọng, không chỉ cho Việt Nam mà là cho mọi quốc gia, dân chủ hay độc tài, tiến bộ hay lạc hậu: văn hoá và chính trị; lòng tin và sự tín nhiệm; trí thức và chính trị; độc tài và dân chủ; xã hội dân sự; tính chính trị của ngôn ngữ; từ chống cộng đến chống độc tài vv…

    Trong tất cả các chủ đề chính nêu trên, dân chủ là chủ đề được tác giả đào sâu nhất, về nhiều khía cạnh khác nhau, từ lý thuyết đến thực hành, từ văn hoá đến pháp luật, từ tính cách cá nhân đến tính cách liên cá nhân, tập thể/quốc gia. Bàng bạc từ trang đầu đến trang cuối thể hiện ước mong Việt Nam được dân chủ. Vì dân chủ, tuy không hề là một cái gì hoàn hảo, nhưng vẫn tốt nhất trong mọi thể chế mà con người đã thử nghiệm. Hơn nữa dân chủ sẽ tập hợp và vận dụng được sức mạnh tổng thể của người dân Việt Nam, như thế sẽ là giải pháp tốt nhất để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc hiện nay. Tuy hiểu rất rõ hiện thực xã hội, văn hoá và con người Việt Nam, cũng như hệ thống chính trị với ý thức hệ không tưởng mà đã tạo ra bao thử thách và cản trở cho sự phát triển và cho con đường dân chủ hoá Việt Nan, Nguyễn Hưng Quốc vẫn tin rằng dân chủ hoá là con đường tất yếu. Ông cũng chia sẻ cái nhìn lạc quan về tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam.

    Hai điều khác mà tôi muốn chia sẻ về tác phẩm này là về chương “Tính chính trị của ngôn ngữ”, và “Từ chống Cộng đến chống độc tài”. 

    Tôi đặc biệt thích chương “Tính chính trị của ngôn ngữ” vì khó tìm ra ai khác viết được như thế, nhất là về chính trị và ngôn ngữ Việt. 

    Nguyễn Hưng Quốc cho biết ngôn ngữ luôn gắn liền với quyền lực ở cả ba phạm vi quốc tế, quốc gia và liên cá nhân, và do đó đều có tính chính trị (trang 328). Lãnh đạo cộng sản mọi nơi, hơn ai hết, đều hiểu rõ và tận dụng tối đa để khai thác nó, nhất là chính trị hoá ngôn ngữ (trang 332 đến 351). Các biện pháp nhồi sọ của chế độ cộng sản được thực hiện rộng khắp trong mọi lĩnh vực, từ gia đình đến nhà trường và xã hội, triền miên từ năm này sang năm khác (trang 341). Theo ông, “Cuối cùng, ngôn ngữ, thay vì phản ánh hiện thực, lại tạo ra những ảo tưởng về hiện thực mới. Với nhiều người, ảo tưởng ấy thay thế cho hiện thực. Sống dưới chế độ cộng sản là sống trong ảo tưởng và sống với những sáo ngữ như thế. Sáo ngữ trở thành thông hành cho mọi người.” (trang 341). Tôi cũng rất tâm đắc và được thuyết phục khi ông cho rằng hiện tượng phản ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam thể hiện sự phản kháng lại tính chính trị nói trên, nhưng dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng. 

    Về vấn đề chống Cộng, Nguyễn Hưng Quốc đã dành nguyên chương cuối để chia sẻ các cuộc đấu tranh chống độc tài thành công trên thế giới, và nguyên do vì sao xu hướng chung trên thế giới là thay đổi chiến lược từ chống Cộng sang chống độc tài/chuyên chế và toàn trị. Chủ nghĩa phát xít và Cộng sản, tuy đối nghịch nhau như không đội trời chung, nhưng bản chất toàn trị của nó giống nhau (trang 383 đến 388). Trong khi đó những cá nhân hay đảng phái chống Cộng cực đoan, hành xử độc đoán và thô bạo không khác gì Cộng sản, như Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, đã làm mất đi chính nghĩa của mục đích cao cả ban đầu. Điều này tạo ra hiện tượng chống-chống Cộng. Người ta vừa không thích chủ nghĩa cộng sản, vừa không thích những người chống lại cộng sản. Tây phương nhìn thấy hiểm hoạ cộng sản về mặt ý thức hệ, nhưng thay vì tìm cách triệt tiêu ý thức hệ, họ vẫn cho phép các đảng cộng sản khắp nơi hoạt động công khai. Chiến thắng của thế giới tự do/Tây phương là nhắm vào tính chất độc tài của Cộng sản. 

    70 năm kể từ bài học McCarthy tại Mỹ, phong trào chống Cộng của Việt Nam có thể rút ra được nhiều bài học thành công lẫn thất bại khắp nơi. 

    Nếu phong trào đấu tranh của Việt Nam ngay từ đầu, dựa trên xu hướng chung của quốc tế vào lúc đó, xây dựng sách lược lấy nhân quyền và dân chủ làm nền tảng để chống lại độc tài, toàn trị, thì kết quả hôm nay chắc đã khác nhiều. 

    Tác phẩm “Những bài viết về chính trị” có một số đoạn hoặc ý tưởng lập lại vì tác giả tổng hợp từ rất nhiều bài viết ngắn khác nhau trải dài từ nhiều năm. Đó là điều khó tránh khỏi khi tổng hợp rồi chia chủ đề/chương để biên soạn thành sách. Nhưng ngoài điều này ra, cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu và lôi cuốn. Tác phẩm này có giá trị cho những người dầy kinh nghiệm và kiến thức về chính trị, vì tác giả đặt ra những câu hỏi nền tảng trong đó để họ cùng suy ngẫm. Nó cũng là cuốn sách cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai và vận mệnh Việt Nam vì tất cả các vấn đề này sẽ còn giá trị theo thời gian, trừ phi Việt Nam sau này đã trở thành một nền dân chủ cấp tiến thực sự. Hiện nay chính trị và ngôn ngữ chính trị bàng bạc trong mọi mặt đời sống, trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, dù ý thức hay vô thức. Đây cũng là lý do chính đáng để càng nhiều người tìm đọc, vì chỉ có “sự thật” mới thực sự giải thoát con người. 

    Tôi tin rằng ngày nào mà đại đa số người Việt không còn sợ, hay dị ứng, với chính trị, và nhiều người sẵn sàng đi tìm đọc một tác phẩm về chính trị có giá trị, như cuốn này, thì đó sẽ là sự bắt đầu của một sự kết thúc chế độ toàn trị tại Việt Nam.