Đảng và Nhà nước ca ngợi ‘bầu cử thành công tốt đẹp’, thực tế ra sao?

0
9
Một người phụ nữ đi bỏ phiếu tại Hà Nội hôm 23/5/2021 AFP

RFA

‘Ngày hội lớn toàn dân’ là cụm từ lại được mang ra sử dụng cho ngày 23 tháng 5 năm nay.

Mạng báo VTV News vào tối Chủ Nhật đưa tin “Ngày Hội Toàn Dân thành công, an toàn”. Mạng báo VN Express đăng bản tin với tựa “Tổng thư ký Quốc hội: Cuộc bầu cử thành công tốt đẹp”. Báo Nhân dân dẫn nguồn Hội đồng Bầu cử Quốc gia rằng 98,43% tổng số cử tri đã bỏ phiếu tham gia bầu cử theo báo cáo cho đến 22 giờ tối ngày 23 của 44 trên 63 tỉnh, thành. Mạng báo VN Economy ghi nhận, TP HCM đạt tỷ lệ 99,38% cử tri tham gia bầu cử.

Tuy nhiên Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, qua phản ảnh trên mạng xã hội và qua tiếp xúc với cử tri, nhiều người đã chọn ngày 23 tháng 5, giữa đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, để ngồi nhà.

Từ chối, không đi bầu

Từ Hà Nội, blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết ông là một trong số cử tri đó, đã từ chối không đi bầu.

“Tôi bị công an khu vực gọi điện hai, ba lần. Rồi người ta cho một người đại diện Dân phố đến bấm chuông, họ gõ cửa từ sáng cho đến tận 4 giờ chiều họ vẫn còn giục đi bầu”. 

Ông Thắng nói, đây là lần bầu cử Quốc hội thứ nhì liên tiếp ông không tham gia. Ông giải thích lý do:

“Tôi bảo là tôi cần phải suy nghĩ cho sáng suốt. Tôi cũng nhắc lại lời của ông Sinh Hùng. Trước đây ông ấy có nói là ‘Người dân đi bầu thì nếu có cái gì sai thì người dân phải chịu’. Thế thì tôi nói với công an là việc mà tôi đi bầu sai, đúng tôi phải chịu cho nên tôi phải suy nghĩ cho sáng suốt. Các anh không được thúc giục chúng tôi”.

Cũng như ông Thắng, bà Đỗ Thị Na vào khóa Quốc Hội 14 cũng đã không đi bầu, khóa 15 năm nay người vợ của ứng cử viên độc lập Lê Trọng Hùng cũng từ chối tham gia vì bà nói, là một người biết suy nghĩ, bà cho rằng bà phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của mình, thế nhưng khi mà không hiểu biết gì về các ứng cử viên, không rõ chương trình hành động, cam kết cụ thể khi trúng cử của họ, thì bà không thể bỏ phiếu. Hơn nữa, chồng bà, nhà báo Lê Trọng Hùng, đã bị bắt tạm giam từ ngày 27 tháng 3 sau khi ông tuyên bố ứng cử độc lập.

000_9AK84K.jpg
Cử trị xếp hàng trước khi bỏ phiếu tại Hà Nội vào ngày 23/5/2021.

Bà Na kể lại sự việc vào chiều ngày 23 tháng 5, khi tổ dân phố, cảnh sát khu vực, một người có thể là dân phòng và một anh công an nữa kéo đến nhà bà thúc giục bà đi bầu:

“Mình có đặt câu hỏi rất nhẹ nhàng với họ thôi. Đầu tiên mình cảm ơn họ. Rồi mình giải thích cho họ về quy định của Hiến pháp và Luật bầu cử, nghĩa là bầu cử chỉ là quyền thôi. Thứ Ba mình cũng đặt câu hỏi với họ: ‘Nếu như họ rơi vào hoàn cảnh của mình, có người thân ứng cử Đại biểu Quốc hội mà nhà cầm quyền bắt đi, thì họ sẽ ứng xử như thế nào’? Họ có đi bầu hay không? Chỉ hỏi như vậy thôi nhưng mà họ không dám trả lời câu của mình. Họ nói là chuyện anh Hùng là chuyện khác. Còn chuyện của mình là chuyện khác. Thì mình nói OK thôi. Mình sẽ thực hiện quyền công dân của mình, mình từ chối đi bầu cử và mình sẽ đưa ra lý do. Còn mọi người thích lập biên bản thì cứ lập. 

Nhưng trong trường hợp này thì mình thấy họ rất đáng thương. Đáng thương cho sự hiểu biết nông cạn của họ. Đáng thương cho cái sự mẫn cán một cách mù quáng của họ. Họ không cần phải suy nghĩ gì hết, bên trên bảo thế nào là họ làm”. 

Lúc đó là 4 giờ chiều, nhóm người nói với bà rằng họ chưa có thể lập biên bản được. Đến 6:30 chiều họ trở lại, một lần nữa thúc giục, vận động bà. Khi bà vẫn kiên quyết không đi bầu, họ yêu cầu lập biên bản. Bà Đỗ Lê Na nói tiếp:

“Họ nghĩ rằng đưa công an, đưa tổ dân phố, đưa hội phụ nữ đầy đủ đến nhà mình thì mình sẽ sợ như các gia đình khác. Nhưng mà không phải như vậy. Bởi vì nhà cầm quyền đã đẩy gia đình mình đến bước như thế rồi thì gia đình mình không còn gì để mất. Không còn gì phải lo sợ với họ nữa và chính việc họ định răn đe mình, mình nghĩ là nó sẽ phản tác dụng bởi vì nó sẽ giúp tố cáo việc sai trái mà nhà cầm quyền đã làm với gia đình mình. Đó, bầu cử là quyền, thế mà mình từ chối quyền đó của mình thì họ lại cho người đến lập biên bản… Mình vui vẻ và làm cho hai bên đạt được mục đích: Họ thì lập được biên bản, trung thành về khoe với cấp trên là đã hoàn thành nhiệm vụ còn mình thì đạt mục đích là tố cáo”.

Buộc phải đi bầu, thôi thì nộp luôn cho cả dòng họ

Cô Đoàn Thị Hồng, một cựu Tù Nhân Lương Tâm vừa mãn án tù hôm 9 tháng 3, cho biết, từ hôm 22 tháng 5, cô đã bị an ninh đến nhà thúc cô đi bầu.

“Em viện lý do là dịch em không đi, nhưng mà họ nói là chị nên đi. An ninh huyện vô làm việc với em luôn mà”. 

Cô đi bầu và nhân dịp, bỏ phiếu luôn cho cả gia đình.

“Nhà có bảy phiếu lấy hết. Hồng bầu một người bên Hội Phụ nữ, đó là bạn học. Hồng đã quen biết. Và bầu một người cũng là bạn học luôn, làm ở dưới huyện. Còn đại biểu quốc hội thì không có bầu. Gạch hết, tại vì những người đó mình không biết, mình không bầu. Em cầm hết phiếu em đi nguyên đại gia đình em bầu y chang vậy”.

Một cử tri Hà Nội không muốn nêu tên nói, chị có ý định không đi bầu và đã tuyên bố như thế với người xung quanh. Nhưng một ngày sau chị lại khám phá rằng, mẹ của chị đã mang phiếu cử tri của chị đi bầu vì bà sợ chính quyền kéo đến làm biên bản. Bà đã nói với người chị ẩn danh này rằng cả làng nhà nào cũng chỉ một người đi bầu cho cả nhà. Hỏi vậy mẹ còn nhớ mẹ bầu cho ai, thì mẹ của chị không biết.

Tại Đắk Lắk, một người sắc tộc Ê Đê nói ông cũng chỉ đi bỏ phiếu cho có mà thôi:

“Nói chung mình đi bầu chả qua là mình đi nộp giấy xong rồi tự họ bầu đó chứ. Người hướng dẫn họ chỉ cho mình gạch”.

Chọn lựa bằng cách “gạch bỏ”

Với những người đã quyết định đi bầu thì vẫn có một ít cách để điền phiếu theo ý của họ, cho dù không biết rõ lý lịch, thành tích hoặc đạo đức của những người trong danh sách.

Facebooker Nguyễn Thị Ninh thì lập luận rằng: “Tôi gạch: 1-Người thứ nhất là người cao tuổi nhất trong 5 người! (Già rồi nghỉ ngơi cho sướng. Chẳng còn bao năm nữa đi theo Các mác- Lê nin). 2- Người nhiều bằng cấp nhất! (Đây chính là những kẻ tốn cơm dân nuôi nhất vì suốt bao năm đi làm chúng chỉ ăn lương rồi đi học đủ mọi thứ bằng để đáp ứng cho chức vụ này chức vụ kia. Đây cũng chính là kẻ theo chủ nghĩa cơ hội nhất, láu cá nhất. Không phải là người tài thật sự!)

Facebooker Trưởng Thôn thì nhận định: “Tui dự định ai là đảng viên thì tui gạch, nhưng nhìn không thấy ai ngoài đảng cả, toàn đỏ cả người”.

Còn một người tên Nguyễn Phúc Khang thì hỏi: “Ai bầu, bầu ai đâu có quan trọng? Vấn đề ở chỗ là ai kiểm phiếu?”

000_9AK844.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điền phiếu bầu cử tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hôm 23/5/2021. Ảnh: AFP

Thế lực thù địch chống phá bầu cử?

Những người cho biết họ đã không đi bầu đều nói đây là quyền công dân từ chối bỏ phiếu của họ.

Tuy nhiên Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tại một cuộc họp báo ngày 21 tháng 5 cho biết bộ này đã có chính sách đối với 124 đối tượng phản động, chống đối bầu cử, trong đó có bốn nhóm phản động, hai chiến dịch tuyên truyền chống phá bầu cử, khởi tố 14 đối tượng, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên mạng, và gỡ bỏ 658 video clip liên quan đến chống phá hoặc đưa tin sai sự thật về bầu cử.

Theo Vietnamnet, lực lượng công an ngoài ra cũng đã đưa cán bộ công an làm nhiệm vụ tại 84.687 tổ bầu cử để đảm bảo “Ngày hội Toàn dân” diễn ra tốt đẹp theo đúng quy định.