CUỘC ĐÀM PHÁN BÍ MẬT GIỮA BIDEN VÀ TẬP VỀ UKRAINE

1
4

Việt Hoàng 

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, mặc dù ít công khai nhưng Trung Quốc đã đóng vai trò quyết định trong việc ra quyết định chiến lược ở cả Washington và Moskva. Như Owen Matthews – nhà văn, nhà lịch sử và là nhà báo người Anh – đề cập lần đầu trong cuốn sách “Overreach” của mình được phát hành hôm 10/11, đó là một sự can thiệp không chính thức được Bắc Kinh chấp thuận để Mỹ “bật đèn xanh” cho Ba Lan cung cấp máy bay tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất cho Không quân Ukraine vào tháng 3. Và từ tháng 9, một loạt hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đã dẫn đến một thỏa thuận công khai về Nga, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia), rằng thế giới “cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân trên lục địa Á-Âu”.

Trong suốt cuộc chiến, quan điểm thực sự của Trung Quốc về cuộc xung đột Nga-Ukraine rất khó xác định, không phải là vì Bắc Kinh luôn nói với cả hai bên những gì họ muốn nghe. Vào tháng 3, ông Vương Nghị đã ngầm đổ lỗi cho Mỹ vì “gây ra căng thẳng” và “gieo rắc mối bất hòa” với Nga. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc, tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tháng trước, ông Vương Nghị khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết ủng hộ nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Nga”. Ông Vương Nghị còn hứa: “Trung Quốc sẵn sàng tiếp xúc sâu sắc hơn với Nga ở mọi cấp độ”. Tuy nhiên, vào tháng 9, bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ông Vương Nghị nói với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng Trung Quốc “cởi mở trong các cuộc đối thoại và trao đổi với NATO, sẵn sàng cùng thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ song phương… trên tinh thần trung thực và tôn trọng lẫn nhau”.

Vậy Bắc Kinh thực sự đứng về phía ai? Thực tế là Trung Quốc nhất quán chỉ ủng hộ một phía – đó là chính họ. Nhưng ảo tưởng về sự ủng hộ của Trung Quốc là một trong nhiều tính toán sai lầm khiến Vladimir Putin sa vào cuộc chiến. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh vào ngày 4/2 năm nay, ông Tập và ông Putin tuyên bố “tình bạn không giới hạn” với sự hợp tác “không có vùng cấm”. Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định cấp độ mới của quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga là “vượt trội” so với các liên minh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo một nguồn tin có quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Trung Quốc, Bắc Kinh đã biết về kế hoạch quân sự của Nga, nhưng Moskva tiết lộ rằng hoạt động quân sự sắp tới là “hoạt động hạn chế nhằm khôi phục một tỉnh đã mất của Nga và thống nhất nước Nga trong các ranh giới lịch sử”. Câu chuyện đó phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan – mặc dù nó đã được làm rõ rằng hoạt động của Nga không được ảnh hưởng đến Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, kết thúc vào ngày 20/2 – 4 ngày trước cuộc xâm lược của Putin.

Nguồn tin cho biết, quan trọng nhất là trong một phụ lục bí mật của “tình bạn không giới hạn” là đảm bảo an ninh chung mà Nga đã tìm kiếm từ Trung Quốc trong nhiều thập kỷ nhưng đến nay chưa đạt được. Giống như Điều 5 của NATO khẳng định “một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên”, Bắc Kinh và Moskva cam kết sẽ viện trợ quân sự cho nhau trong trường hợp nước ngoài xâm lược lãnh thổ của họ và nếu thỏa mãn các điều kiện đặc biệt về nguyên nhân của cuộc tấn công đó. Điều khoản khôn ngoan và mang tính tiên tri này, được thêm vào theo yêu cầu nhất quyết của Trung Quốc, đã loại trừ các vùng lãnh thổ được sáp nhập gần đây trong cuộc chiến, do đó Bắc Kinh sẽ không phải cam kết đáp trả các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ đã sáp nhập ở Ukraine.

Quy mô hoạt động quân sự của Nga, đặc biệt là cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào Kiev đã được giữ bí mật đến mức ngay cả Ngoại trưởng Lavrov cũng không hề hay biết cho đến cuối ngày 21/2, đã khiến Bắc Kinh ngạc nhiên. Mặc dù Trung Quốc chính thức ủng hộ Putin về mặt ngoại giao, đổ lỗi cho NATO kích động xung đột, nhưng lo ngại sâu sắc (và hoàn toàn có cơ sở) rằng Putin đã quá khích và sẽ kích động phương Tây thành lập một mặt trận thống nhất, từ đó tránh được chiến dịch hạn chế ở Donbass. Mối đe dọa leo thang hạt nhân của Putin vào ngày 27/2 đã báo động cả thế giới, bao gồm Trung Quốc. Theo nguồn tin trên, ưu tiên hàng đầu đối với Bắc Kinh là cuộc đối đầu Nga-NATO phải “tránh bất kỳ leo thang hạt nhân nào và giúp đạt được một lệnh ngừng bắn”. Giờ đây, Putin đã – liều lĩnh trong mắt Trung Quốc – chơi con bài nguy hiểm nhất của mình ngay khi bắt đầu cuộc xung đột.

Vì vậy, vài ngày sau, lo ngại của Trung Quốc càng leo thang khi chính phủ Ba Lan đề nghị cung cấp cho Ukraine toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 của mình có từ thời Liên Xô. Trên thực tế, có rất ít khả năng những chiếc MiG của Ba Lan tạo ra nhiều khác biệt trên chiến trường. 26-33 chiếc MiG-29 của Ba Lan được chế tạo vào đầu những năm 1980 cho Không quân Đông Đức và năm 2003 được bán cho Vacsava với giá tượng trưng là 1 Euro/chiếc. Rumani, quốc gia sở hữu 20 chiếc MiG-29 tương tự, đã ngừng sử dụng chúng nhiều năm trước. Tuy nhiên, một quốc gia NATO cung cấp bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào cho Kiev sẽ thể hiện một biểu tượng quan trọng, nếu không nhất thiết phải có ý nghĩa về mặt hoạt động, thì đều hướng tới sự can dự trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột. Ban đầu, Washington tỏ ra tích cực. Nhưng một ngày sau, vào ngày 8/3, Lầu Năm góc đã đột ngột đảo ngược quan điểm của mình, tuyên bố rằng đề xuất của Ba Lan là “không khả thi”.

Điều gì đã khiến Washington thay đổi suy nghĩ? Một phần, đó là một sáng kiến theo kênh không chính thức khẩn cấp và bí mật có sự tham gia của các cựu lãnh đạo, quan chức cấp cao châu Âu và được Trung Quốc tán thành. Sau khi Putin tuyên bố sẵn sàng sử dụng hạt nhân, Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng đã tiếp cận thông qua các kênh quân sự (trái ngược với các kênh ngoại giao hoặc chính trị) với các tướng lĩnh cấp cao của Nga, những người mà họ có liên lạc cá nhân sau nhiều năm tham gia tập trận chung và đàm phán mua sắm quân sự. Mục đích của Bắc Kinh là đảm bảo rằng ngay cả khi có quyết định chính trị về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, quân đội Nga sẽ kiên quyết tuân theo học thuyết quân sự hạt nhân lâu đời của mình và chỉ sử dụng chúng nếu bị khiêu khích bởi các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Thông qua các cuộc tiếp xúc không chính thức này, Washington và PLA đã đồng ý, tuy là bất thường do mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đi trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, rằng nếu Mỹ ngừng thỏa thuận MiG, các tướng lĩnh của Bắc Kinh sẽ làm hết sức mình để xoa dịu mối đe dọa hạt nhân của Putin ở cấp độ chiến dịch. Nguồn tin Trung Quốc cho biết: “Thỏa thuận đã có tác dụng. Mỹ đã quyết định rằng việc cung cấp máy bay sẽ đẩy mọi việc đi quá xa”.

Mặc dù sáng kiến tiếp xúc không chính thức vào đầu tháng 3 này chưa được đề cập trước đó, nhưng việc Mỹ vẫn giữ thái độ cơ bản thận trọng trong việc cung cấp vũ khí chiến lược cho Ukraine trong suốt cuộc chiến đã khẳng định một cách hiệu quả rằng Washington vẫn nhận thức sâu sắc về những lo ngại của Trung Quốc, điều mà cũng được nhiều quốc gia lớn nhất trong EU chia sẻ. Bất chấp việc gia tăng đáng kể về nguồn cung cấp tiền và khí tài quân sự – bao gồm pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO có khả năng bắn đạn dẫn đường và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao, NATO đã hạn chế cung cấp máy bay tấn công, trực thăng, xe tăng tiêu chuẩn NATO, tên lửa chiến trường tầm xa và các hệ thống tên lửa hành trình.

Trong khi đó, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga vẫn không kém phần thận trọng. Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ ngoại giao và thông tin, ngoại trừ hợp tác quân sự quan trọng, đã buộc Nga phải mua máy bay không người lái (UAV) từ Iran, mổ sẻ các thiết bị gia dụng để lấy chip máy tính và cố gắng mua lại trực thăng, tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa từ các khách hàng quân sự của Bắc Kinh trên khắp thế giới. Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động toàn cầu đã buộc nhiều ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc, như Ngân hàng công thương (ICBC), Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIID) rút vốn tín dụng và tài trợ khỏi Nga. Các đại gia năng lượng của Trung Quốc như Sinochem cũng đình chỉ tất cả các khoản đầu tư và liên doanh tại Nga. Vào tháng 8/2022, Union Pay, được coi là Visa và Master card của Trung Quốc, cũng đã ngừng hợp tác với các ngân hàng Nga để tránh các lệnh trừng phạt. Động lực để các tập đoàn của Bắc Kinh rút khỏi Nga là rất rõ ràng: trước chiến tranh, trao đổi thương mại của Trung Quốc với Nga đạt 100 tỷ USD (dự kiến tăng 30 tỷ USD trong năm nay nhờ nhập khẩu dầu tăng), trao đổi của nước này với Mỹ và EU là hơn 1,5 nghìn tỷ USD.

Với việc ông Biden và ông Tập cùng lên án mối đe dọa hạt nhân tại Bali vào đầu tháng này, kênh liên lạc không chính thức từ tháng 3 đã trở thành kênh chính thức. Theo nguồn tin từ Trung Quốc, nhờ chính sách ngoại giao con thoi của Vương Nghị, NATO và Trung Quốc đã có cùng quan điểm trong việc không làm leo thang xung đột Ukraine-Nga. Trong một loạt cuộc gặp với ban lãnh đạo NATO kể từ đầu tháng 9, Vương Nghị đã cam kết sử dụng đòn bẩy đáng kể của Trung Quốc ở Moskva để ngăn cản Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, trong khi ngược lại, NATO khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí chiến lược cho Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh Bali, Tập Cận Bình (được sự ủng hộ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi) đã công khai kêu gọi “quay trở lại giải pháp ngoại giao và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình”. Đó là một lập trường vẫn chưa được NATO chính thức chấp nhận, trong đó khẳng định Ukraine sẽ quyết định khi nào ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói cấp cao trong NATO, như Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã gợi ý rằng Kiev nên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình. Và các đảm bảo an ninh của Trung Quốc về biên giới của Nga trước cuộc xâm lược được đưa ra hồi tháng 2 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho Điện Kremlin một giải pháp để chống lại các đảm bảo an ninh có thể có của NATO đối với Ukraine.

Cái giá phải trả cho việc kiến tạo hòa bình của Trung Quốc như thế nào? Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ với NATO và châu Âu, đồng thời chấm dứt một cuộc chiến đẫm máu và vô ích mà đồng minh của nước này là Putin đã bắt đầu một cách thiếu thận trọng. Tại Ukraine, theo lời của nguồn tin trên, “Trung Quốc cuối cùng đã định vị mình như là hy vọng cuối cùng cho hòa bình của thế giới này”. Nhưng người Ukraine – những người có khả năng sẽ được yêu cầu phải “hy sinh đất đai để đối lấy hòa bình”- có thể sẽ không bao giờ đồng ý.

Nguồn: https://spectatorworld.com/topic/revealed-biden-xi-secret-ukraine-talks/