CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)

0
779
Blogger Điếu Cày, một trong những tên tuổi hàng đầu trong danh sách những nhà hoạt động ôn hòa mà thế giới thúc giục Hà Nội trả tự do Ảnh : VOA edit

September 23, 2018

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Các bạn thân mến ! Chỉ còn hai ngày nữa là ngày 24/9 , tròn 6 năm ngày xử sơ thẩm vụ án Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, trên các trang facebook của bạn bè hiện lên những hình ảnh đấu tranh vào những ngày này 6 năm về trước cho những thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đang bị cầm tù và sắp bị đưa ra xét xử. Nhìn những hình ảnh đó chúng tôi vô cùng xúc động, tri ân bạn bè và các tổ chức trong và ngoài nước đã đấu tranh cho chúng tôi. Nhân dịp này, tôi gửi đến các bạn loạt bài về cuộc tuyệt thực ở trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An như một lời tri ân những đóng góp của các bạn cho phong trào dân chủ của Việt Nam. Cũng là để nhắc nhở chúng ta không quên các bạn của mình còn đang bị đày đoạ trong lao tù cộng sản.

——————————————-

Bạn bè của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biểu tình trước cửa trại giam số 6 đòi trả tự do cho anh.

Hai án tù tổng cộng 14,5 năm và 5 năm quản chế với gần 7 năm trải qua 11 nhà tù cộng sản, tôi đã hai lần tuyệt thực để phản đối chế độ giam giữ phi nhân và những vi phạm pháp luật của giai đoạn tạm giam cho đến án tù chính thức.

Người CSVN ngang nhiên và rất tự nhiên tước đoạt Quyền Con Người của tù nhân trong quá trình tố tụng và thi hành án.

Năm 2011, ngay sau tết âm lịch Tân Mão, tôi đã tuyệt thực 28 ngày tại trại tạm giam B-34.

Lý do tuyệt thực nhằm để phản đối việc an ninh điều tra cản trở luật sư tham gia trong quá trình điều tra, không thông báo nơi giam giữ cho gia đình tôi theo quy định của pháp luật.

Cuộc tuyệt thực này không ai biết vì không đưa được thông tin ra ngoài.

Một giờ khuya ngày tuyệt thực thứ 28 trại giam B-34, họ đã phải đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện 30-4 .

Tôi sẽ nói về cuộc tuyệt thực này trong một dịp khác.

***

Gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức và bạn bè trước cửa trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An

Những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước sôi sục và phẫn nộ, vừa đăng tin vừa dõi theo và đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương – Nghệ An, yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật, trả tự do trước tiên và không chỉ cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Đặc biệt, khi biết tin gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức lên trại giam số 6 vào ngày 15/9/2018, cũng là ngày thứ 33 anh tuyệt thực, đồng bào trong và ngoài nước vô cùng lo lắng cho tính mạng của anh. Nhiều bà con hải ngoại thức trắng đêm, theo dõi tin tức của anh với tâm trạng âu lo như lo cho người thân ruột thịt.

Một ngày chờ đợi tin tức thật dài và đầy khắc khoải.

Gần 4 giờ chiều (giờ Việt Nam) mọi người mới nhận được thông tin về cuộc gặp ngắn ngủi . Tin tức càng làm cho nhiều người thêm phẫn nộ vì cách cư xử phi pháp của trại giam và thêm lo lắng, khi biết anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tiếp tục tuyệt thực, dù anh đã chạm vào giới hạn nguy hiểm.

Trên truyền thông và mạng xã hội cũng đặt nhiều câu hỏi về cuộc tuyệt thực 33 ngày của tôi vào năm 2013 ở trại giam số 6 và kinh nghiệm của tôi qua cuộc tuyệt thực đó.

Khi anh Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực, tôi muốn chúng ta chỉ tập trung vào sự kiện của anh và đấu tranh đòi nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật.

Sau khi được tin anh Thức chấm dứt tuyệt thực, tôi nghĩ cần phải kể lại cuộc tuyệt thực của mình cách đây 5 năm trước để góp thêm góc nhìn về việc anh Trần Huỳnh Duy Thức đã kiên trì đấu tranh trong tình trạng như thế nào.

Tôi từng ở trại giam số 6, từng tuyệt thực 33 ngày như anh Trần Huỳnh Duy Thức, từng bị trại giam bưng bít thông tin, giở mọi thủ đoạn để che đậy sai phạm , khi thông tin tuyệt thực của tôi lọt ra ngoài.

Tôi biết rõ địa hình khu an ninh, thiết kế từng phòng giam và cách đối phó của trại giam đối với tôi và anh Trần Huỳnh Duy Thức. Do đó, hy vọng bài viết góp thêm góc nhìn từ bên trong để dư luận càng rõ thêm về sự tàn độc cùa nhà tù cộng sản.

Nhập Trại

Ngày 26/4/2013 tôi bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu đến trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An.

Khi đến trại 6 vào buổi chiều ngày 27/4/2013, tôi đã biết các anh: Nguyễn Xuân Nghĩa , Trần Anh Kim, Nguyễn Kim Nhàn ở đấy.

Ngoài 4 anh em chúng tôi, còn có 4 anh người Tây Nguyên bị bắt sau các biến động ở Tây Nguyên năm 2001 và hai người tù là người Tày ở Lạng Sơn làm gián điệp cho Trung Quốc, một người tù hình sự vì tội buôn bán ma tuý do trại giam cài vào. Tất cả là 11 người ở trong khu gọi là “Khu An Ninh” (KAN) của trại giam số 6.

KAN là một khu vực được xây dựng cách biệt với các khu tù hình sự, nằm ở một góc trại giam số 6.

Trong đó có một dãy buồng giam 5 phòng, nhưng chỉ 3 phòng có người ở (1-2-3), một phòng làm việc của quản giáo và y tế, một phòng kỷ luật có cùm sắt được sử dụng làm kho chứa đồ, một nhà xưởng nhỏ vừa làm nơi cho tù lao động họp. Ở giữa, có cái sân nhỏ với vài chậu cây cảnh, bồn cây trồng vài loại rau, một giếng nước được bịt kín miệng, bằng lưới B40.

Tôi về buồng số 1 đầu dãy nhà, ở chung với một người Tây Nguyên tên là Rơlan Thik . Anh Rơlan Thik bị án 14 năm, ở được gần 10 năm và một gián điệp Trung Quốc tên là Trần Văn Tiến, nhà ở Lạng Sơn. Tiến bị án chung thân, ở được gần 10 năm.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Phòng số 2 có anh Nguyễn Xuân Nghĩa và anh Trần Anh Kim. Cả hai anh đều bị bắt năm 2009 và cùng chịu mức án 6,5 năm tù.

Anh Nghĩa bị điều 88, anh Kim bị điều 79. Cả hai đều chuyển từ trại Nam Hà vào đây, do cùng không nhận tội.

Ở chung với hai anh Nghĩa và Kim, có một người tù hình sự tên Trần Việt Phương. Phương bị án 20 năm vì tội buôn bán ma tuý. Anh ta được giám thị cài vào để lo chuyện lấy cơm nước, cantin v.v… cho tù nhân ở KAN. Phương có nhiệm vụ báo cáo hàng ngày cho ban giám thị những hoạt động của từng người tù trong KAN. Anh ta là mối liên lạc duy nhất từ KAN ra ngoài, bởi KAN được xây dựng biệt lập, theo cách “nhà tù trong nhà tù”.

Phòng số 3 có anh Nguyễn Kim Nhàn, chuyển vào được mấy tháng.

Anh Nhàn từng bị bắt cùng vụ với anh Nguyễn Xuân Nghĩa và hết án trước anh Nghĩa. Vừa ra tù được mấy tháng, anh bị bắt lại. Án sau của anh cũng là 6,5 năm với điều 88. Ngoài anh Nhàn còn có 2 anh: Knoon bị án 20 năm và Kso Trung bị án 18 năm.

Tập hợp đấu tranh

Tôi vào trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An với hai túi đồ gọn nhẹ, nhưng mang theo được từ trong Nam ra bản Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (do luật sư Hà Huy Sơn gửi vào theo yêu cầu của tôi tại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu từ năm 2012), một quyển Luật Thi hành án hình sự và một số tập vở ghi chép những thông tin mà tôi rút tỉa được từ những bài báo hay truyền hình. Đó là những tài liệu để “chiến” với đám quản giáo và giám thị luôn biến nhà tù thành lãnh địa riêng của chúng với quyền sinh quyền sát trong tay.

Buổi sáng, khi quản giáo vào mở của 3 phòng giam, để mọi người ra sân tập thể dục, vệ sinh cá nhân, rồi sau đó chờ nước nóng ở ngoài vào để pha mỳ gói và tập trung nhau nói chuyện quanh bàn trà.

Đến giờ lao động, những anh em còn trong độ tuổi làm việc ngay trong nhà xưởng. Công việc lúc đó là đan những chiếc giỏ nhỏ mà trại giam nhận gia công cho các công ty xuất khẩu.

Trong những buổi nói chuyện vào buổi sáng, chúng tôi hỏi thăm án tù của nhau, hoàn cảnh gia đình của từng người v.v…

Là người duy nhất từ Sài Gòn ra, tôi kể cho anh em nghe chuyện chúng tôi thành lập CLBNBTD, biểu tình chống Trung Quốc, sử dụng mạng lưới truyền thông tự do để đưa tiếng nói của dân oan, của công nhân… Dùng truyền thông để đấu tranh trong các nhà tù từ Cà Mau tới Xuyên Mộc…

Tôi cũng chia sẻ Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Anh em luân phiên nhau mượn bản Công ước này về chép lại và đánh dấu, ghi chép, giải nghĩa những từ ngữ trong công ước để vận dụng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Chúng tôi cũng thảo luận về một số nội dung trong Luật Thi hành án Hình sự và hình thức giam giữ tù chính trị hiện nay, hoàn toàn không có trong luật này. Anh em thống nhất với nhau phải kiến nghị tập thể yêu cầu trại giam tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện giam giữ tù chính trị.

Thường thì mỗi tuần, buổi chiều ngày thứ sáu là ngày họp tổ để kiểm điểm việc lao động trong tuần. Tôi mới lên trại, lại hết độ tuổi lao động nên chỉ nêu ý kiến yêu cầu thay đổi điều kiện giam giữ theo Luật Thi hành án Hình sự.

Chiều ngày 10/5/2013, anh em trong đội yêu cầu trại giam cải thiện điều kiện giam giữ; yêu cầu được đối xử công bằng và được tập thể thao; được nhận sách vở và được ở trong những buồng giam tập thể. Yêu cầu của chúng tôi được ghi vào biên bản cuộc họp và có chữ ký của tôi đại diện.

Từ sau buổi họp đó, trại giam không trả lời cũng không giải quyết.

Những buổi chiều thứ sáu sau đó không còn các buổi họp. Có lẽ, độc giả cũng đoán ra sự trốn tránh của người CS trong trường hợp này, giống như tất cả những trốn tránh khác trong xã hội hiện nay.

Chuột bọ cần trốn. Con người thì không. Người cộng sản không bao giờ hiểu ra điều đơn giản như vậy.

(Còn nữa)
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 6)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 7)