CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)

0
240
Gia đình Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đến Trại giam số 6 thăm nuôi.
   

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Đàn áp tù chính trị

Chiều ngày 19/6, trại giam cho người lắp thêm cửa và lưới B40 chắn bên ngoài buồng số 4. Chúng tôi nghĩ ngay đến việc sẽ có một vài anh em mới chuyển đến.

Nghĩ đến việc anh em tù bị chuyển từ xa tới rất mệt mỏi, tôi kêu gọi mọi người cùng sang phòng số 4 quét mạng nhện, dội rửa và lau dọn, để người mới tới có thể ở ngay.

Chiều ngày 20/6/2013, phó giám thị Thái Văn Thuỷ dẫn đầu một lực lượng an ninh, quản giáo và một số công an vũ trang mang theo súng AK vào khu an ninh, yêu cầu tất cả tù chính trị đội A tập trung nghe đọc quyết định biệt giam tôi 3 tháng.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kể lại trong hồi ký của mình :

“Buổi chiều ngày 20 tháng 6, toàn tù nhân đội A (Đội an ninh quốc gia), gồm 10 người: Tôi (Nguyễn Xuân Nghĩa), Nguyễn Kim Nhàn, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Hải (ĐC); hai tù người VN làm gián điệp cho cục tình báo Hoa Nam – Trung quốc và 4 tù nhân người dân tộc Tây Nguyên được lệnh tập trung tại lán lao động (Lán được xây dựng ngay trong khu giam giữ). Nhóm cán bộ quản lý tù gồm 12 người, trong đó có viên trưởng phân trại 1 (phân trại đang giam giữ chúng tôi) mang hàm thượng tá tên là Thái văn Thụy và viên trung tá quản giáo đội A (An ninh quốc gia) tên là Nguyễn Văn Khánh. Các viên còn lại thuộc lực lượng công an vũ trang, vài ba người mang súng ngắn, súng AK, dùi cui điện và cồng số 8.

Một không khí trấn áp hiện rõ trong từng bước đi, từng cái nhìn của họ hướng về phía chúng tôi. Viên cán bộ trưởng phân trại bước lên phía trước và dõng dạc đọc quyết định do Đại tá giám thị trưởng trại giam số 6 – Bộ công an, Nguyễn Văn Hoàn, đã ký, nội dung: kỷ luật “phạm nhân Nguyễn Văn Hải, tức Hải Điếu Cày. Lý do: không tuân lệnh cán bộ, lôi kéo, mua chuộc phạm nhân khác, nói xấu đảng, nhà nước. Hình thức kỷ luật: Giam riêng ba tháng (biệt giam), tước bỏ mọi quyền lợi gọi điện, thăm gặp, nhận quà gia đình trong thời hạn kỷ luật…

Lập tức nhóm cán bộ có vũ trang gồm 6 người xô đến vây quanh, kẹp anh Hải vào giữa. Anh Hải bình tĩnh nói to “Tôi phản đối”. Tiếng anh bị chìm hẳn trong tiếng của viên trưởng phân trại “Các đồng chí thực hiện nhiệm vụ!”

Nhóm cán bộ có vũ trang, kẻ đẩy, người kéo anh Hải ra sân lán, rồi đẩy vào buồng biệt giam. Bởi vì xà lim dùng giam giữ tù nhân biệt giam nằm ngay trong khu giam ANQG, chỉ cách lán lao động chục bước chân nên anh Hải không bị còng tay, (khác trường hợp tôi, anh Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội ở trại giam Ba Sao – Nam Hà trước kia. Đọc quyết định xong, họ còng tay và dẫn giải ra khu biệt giam ngay tắp lự).

Một tù nhân người Tây Nguyên được lệnh vào buồng giam cũ của anh Hải lấy cho anh một ít đồ dùng cá nhân: cái bát nhựa ăn cơm, cái chiếu, cái màn, vài bộ quần áo lót và bộ đồ tù sọc trắng đen-Juventus. Số đồ đạc này đã được lập biên bản kiểm đếm chi tiết và yêu cầu anh Y Don ký vào cùng các cán bộ quản giáo. Tiếng cửa sắt xà lim biệt giam đóng sầm như một lệnh nhắc nhở những người còn lại.

Sự việc diễn ra từ lúc chúng tôi được lệnh tập trung, nghe lệnh kỷ luật anh Hải, đến lúc anh Hải bị đẩy vào xà lim biệt giam dài không đầy 10 phút. Rồi chúng tôi được lệnh giải tán.

Thấy sự việc trở nên trầm trọng hơn suy đoán, bốn anh em Tây nguyên lặng lẽ bỏ vào buồng. Tôi, anh Kim, anh Nhàn đứng nguyên vị trí cũ đưa mắt nhìn nhau. Trong 3 người còn lại, chỉ có tôi biết thế nào là “giam riêng”. Tôi đã trải qua 2 lần, tổng cộng cả hai là 6 tháng 7 ngày. Và cũng chỉ tôi hiểu sâu hơn cái nguyên nhân bên trong dẫn đến người ta biệt giam anh Hải. Các lý do như: “lôi kéo, dụ dỗ tù nhân khác, nói xấu đảng, nhà nước cũng là lý do đã từng đưa tôi và anh Trội vào xà lim biệt giam ở Nam Hà. Tôi biết kẻ nào đã tố cáo anh…

Buổi chiều, trước khi được lệnh vào buồng giam, nhìn hai khuôn mặt hả hê của bọn tù gián điệp cho TQ, khi nhìn trộm nhóm anh em dân chủ chúng tôi, tôi đã bảo với ông Kim nhận xét của mình…”

Tuyệt thực

Ngay khi Thái Văn Thuỷ cao giọng hùng hổ đọc quyết định giam riêng , tôi hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra với mình.

Việc tôi ký đại diện cho anh em tù chính trị là nguyên nhân của chuyện biệt giam.

Trong khi Thái Văn Thuỷ đọc quyết định, bọn an ninh trại bu quanh tôi.

Thái Văn Thuỷ vừa đọc xong, tôi đứng bật lên phản đối, liền bị chúng xúm vào lôi thẳng vào buồng số 4 khoá cửa lại.

Tôi nhìn quanh buồng biệt giam, bất giác mỉm cười! Lạ thật! Hôm qua tưởng dọn rửa buồng này cho anh em mới tới ở, không ngờ lại tự dọn cho chính mình.

Lát sau, quản giáo mở cửa đưa tôi xem và ký tờ biên bản kiểm kê đồ đạc đưa vào phòng giam. Tôi quyết định không ký, bởi từ khi đi tù đến giờ tôi chỉ ký vào sổ mua hàng cantin, chưa bao giờ ký vào bất kỳ giấy tờ nào của trại.

Tôi ngồi trong buồng nhìn ra qua hai lớp cửa…

Buổi chiều trôi qua nặng nề, không nghe tiếng nói chuyện đùa giỡn như hàng ngày.

Thường ngày, sau bữa ăn, Rolan Thik chuẩn bị ấm trà để mọi người cùng uống, hôm nay… thật lặng lẽ.

Anh Kim và anh Nghĩa ngồi gần phía cửa buồng biệt giam, thỉnh thoảng, nhìn vào cửa sổ nơi tôi đang ngồi, vừa muốn nói chuyện vừa canh chừng mấy tên an ninh trại.

Tôi nói Knoon tối nay mở TV lớn tiếng để tôi nghe thời sự vì Knoon ở buồng số 3 sát bên buồng số 4, nơi biệt giam tôi.

Rồi cũng đến giờ vào buồng, anh em đã vào hết để lại cái sân trống trong bóng tối.

Tôi vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài và suy nghĩ về những bước đi sắp tới.

Mới lên trại này, quản giáo và giám thị chưa biết nhiều về tôi.

Cũng như nhiều trại giam khác, việc một người tù mới nhập trại bị “dập” cấp tập sẽ làm cho họ sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành, với những người cứng đầu và có bản lĩnh thì sẽ phải vượt qua lần lượt từng cửa một.

“Thằng đó cứng đầu phải không ? Để tao trị nó “ – Tôi nhớ lại, hầu hết bọn cai ngục “đầu bò đầu bướu”, chỉ độc nhất giống nhau một câu như vậy.

“Kết quả” đó là quá trình giáo dục nhồi sọ của bọn CS “đời đầu”. Vì vốn chuộng bạo lực, nên chỉ biết lấy cái tàn ác cùng sự thủ đoạn dạy cho “cộng sản con”, “cộng sản cháu” v.v…. Vậy nên mới ra cớ sự ngày nay mà cái chết của Trần Đại Quang là “sản phẩm đặc hiệu” – hiện thân của cái ác mang tên “Mác – Lê – Mao – Hồ” mà trước đây Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ v.v… lãnh đủ hoặc Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh đang ngắc ngoải!

Khi nào người tù cứng đầu ấy đã “chiến” giáp vòng từ quản giáo, cán bộ giáo dục, an ninh cho tới giám thị mà vẫn không khuất phục được thì chúng mới buông. Nhưng, đó cũng là lúc chúng sẽ chuyển người tù cứng đầu này đến một trại giam khác, xa hơn và khắc nghiệt hơn.

Đến trại mới, người tù lại bắt đầu một “quy trình” mới, bị “dập” rồi lại tiếp tục chiến giáp vòng từ quản giáo tới giám thị…

Đời “tù không tội” như chiếc vỏ xe mòn vẹt, lăn lông lốc khắp dải đất chữ S ốm o và tăm tối!

Chiếc “vỏ xe Điếu Cày” bị bọn bán nước hại dân đá lông lốc qua 11 trại giam với hơn 20 lần chuyển trại.

Tại số 4 Phan Đăng Lưu. “vỏ xe Điếu Cày” đã lăn vào lăn ra 5 lần.

Lần này, K1 trại giam số 6 là nhà tù thứ 10, “vỏ xe Điếu Cày” tiếp tục bị đá lăn vào. Nó – Vỏ xe Điếu Cày – sẵn sàng cho một cuộc chiến mới với những tên ác ôn nhất, thủ đoạn thâm độc nhất…

Biệt giam tôi 3 tháng, họ căn cứ vào quy định pháp luật nào để làm việc đó ? Biên bản vi phạm đâu ? Nếu không có biên bản vi phạm làm sao ban hành được quyết định kỷ luật ? Ngay cả khi có biên bản vi phạm nội quy trại giam và có chữ ký của tù nhân, tối đa kỷ luật 10 ngày giam riêng, hết 10 ngày đó vẫn được thăm gặp bình thường.

Luật Thi hành án Hình sự quy định rõ như vậy, nên bất cứ văn bản nào có nội dung trái luật mà họ áp dụng với tôi đều bất hợp pháp. Rõ ràng trại giam đã bất chấp pháp luật để đá “vỏ xe Điếu Cày” vào biệt giam.

Phải “chiến” thôi ! Tôi nghĩ vậy…

Hôm nay đã là ngày 20/6.

Thường thì ngày thứ sáu cuối tháng, anh em sẽ được gọi điện về nhà.

Tôi suy nghĩ: “Nếu tuyên bố tuyệt thực ngay hôm nay, có thể ngày mai anh em mất một suất gọi điện về nhà vì chắc chắn chúng sẽ ngăn chặn. Thôi chờ qua ngày mai, xem có ai được gọi điện không đã rồi tính”.

Chiều hôm đó khi Phương và quản giáo đưa cơm vào, tôi bảo Phương nói anh Nguyễn Kim Nhàn đưa cho tôi lọ muối trắng.

Tôi cần muối cho cuộc chiến của mình.

Ngày 21/6/2013 trôi qua. Không có ai được gọi điện.

Hy vong mong manh – khi ai đó gọi điện sẽ thông báo tôi bị biệt giam – đã tắt ngấm.

Phải chiến thôi, không đợi được nữa – Tôi thầm nghĩ.

Mục tiêu cuộc tuyệt thực lần này: Yêu cầu VKS Nghệ An vào giải quyết khiếu nại của tôi về quyết định biệt giam 3 tháng của Ban giám thị trại giam số 6.

Tôi chọn cách viết đơn khiếu nại gửi VKS Nghệ An theo Điều 152. Khoản 8 và Điều 159. Tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại trong thi hành án hình sự

Theo cách này, đơn của tôi sẽ đến VKS Nghệ An trong 24h và việc giải quyết khiếu nại sẽ diễn ra sau đó 3 ngày.

Mục tiêu rất rõ ràng với thời hạn thực hiện cuộc tuyệt thực khoảng 1 tuần nếu họ chậm trễ.

Tất nhiên, tôi căn cứ theo luật định, còn thời gian thực tế phải đi trong cuộc chiến lần này bao lâu tôi chưa biết.

Một thực tế thật tỏ tường, tôi không đánh động được dư luận, nếu như không gửi được thông tin ra ngoài, bởi ai cũng biết, đơn khiếu nại dù gửi VKS Nghệ An, vẫn phải đưa cho quản giáo và Ban Giám Thị xem và chuyển đi.

Không có gì đảm bảo rằng, những kẻ luôn tước đoạt quyền con người lại sẵn sàng chuyển đơn của anh ta khiếu nại họ đến VKS ?! Và kể cả khi đơn đã đến nơi, liệu những kẻ “đồng hội đồng thuyền” có vào để giải quyết không ?! Những câu hỏi kèm cả chấm than như dáng người tù cong queo và khô đét trong những đêm tù gục đầu nhớ nhà! Cảm giác buồn bã xâm chiếm hồn tôi…

Những vụ giải quyết khiếu nại của tù chính trị đều do bọn an ninh thuộc BCA giật dây, trại giam chỉ là nơi cầm “chìa khoá giữ kho”, vốn là nghề của những tên cai ngục!

Tôi viết đơn khiếu nại và chuẩn bị mọi thứ cho cuộc chiến sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Kinh nghiệm của cuộc tuyệt thực lần trước nhắc tôi phải chuẩn bị tâm thế để “đi” dài ngày, trong trường hợp xấu nhất không đưa được thông tin ra ngoài.

Tôi không biết phía trước sẽ xảy ra những chuyện gì, nhưng nếu đã chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp xấu nhất thì tôi sẽ không bị sốc.

Ngay từ bây giờ, trước cuộc chiến tôi đã phải biết tiết kiệm năng lượng.

Lợi thế của cuộc tuyệt thực lần này là tất cả anh em trong đội A đều chứng kiến.

Việc thông tin ra ngoài chỉ là sớm hay muộn, vì vậy tinh thần của tôi cũng tốt hơn cuộc tuyệt thực lần trước ở trại giam B-34.

Tôi không cảm thấy đơn độc. Trong tù, “cảm giác không đơn độc” trở thành liều thuốc quý giá mà tôi may mắn có được.

Ngày 22/6/2013.

Sáng ra, tôi dậy sớm. Ngồi bên cửa sổ chờ anh em được mở cửa ra ngoài sân tập thể dục.

Tôi muốn báo anh em biết để chuẩn bị tinh thần.

Khi quản giáo vào mở buồng…

Anh Kim và anh Nghĩa ra tập thể dục đi quanh sân, tôi lập tức thông báo cho cả hai biết ý định tuyệt thực.

Tôi nhờ các anh, bằng mọi cách, giúp tôi đưa được thông tin ra ngoài.

Tôi nhắn anh Kim và anh Nghĩa gửi cho tôi vài quyển sách để tôi đọc khi quản giáo vào đưa cơm.

Y Don xuất hiện với sô nước tưới cây, cậu ấy đến bồn cây cạnh cửa buồng biệt giam.

Tưới giàn dưa leo, liếc quanh không thấy ai, Y Don rì rầm :

– Đêm qua chú ngủ được không ?

Tôi hồi đáp: Chú ngủ tốt, phải dành sức mà chiến chứ.

Y Don là đội trưởng đội A (Đội an ninh quốc gia), tôi vào sau, nên không biết lý do Y Don được làm đội trưởng.

Tôi dặn Y Don phần bánh mì ăn sáng của tôi đừng đưa vào nữa, chuyển cho Rơlan Thik hay Knoon. Tháng tới vẫn cứ đăng ký cantin bằng sổ của tôi mua 4 thùng mì Hảo Hảo cho anh em Tây Nguyên ăn sáng như trước, không có gì thay đổi.

Trưa, quản giáo vào mở cửa đưa cơm, có Phương và Y Don đi cùng.

Tôi đưa cho quản giáo tờ đơn gửi VKS Nghệ An và không nhận cơm, tuyên bố tuyệt thực để phản đối quyết định biệt giam 3 tháng trái pháp luật, vi phạm nhân quyền của BGT trại giam số 6.

Tay quản giáo hơi ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lá đơn. Tôi bảo Y Don mang phần cơm ra ngoài .

Khi cánh cửa buồng giam đóng lại, tôi bắt đầu cuộc chiến của mình. Tôi nhớ lại những cảm giác của lần tuyệt thực trước và sẵn sàng chờ đợi nó đến…

Mưu hèn kế bẩn

Tôi đang nằm đọc sách thì nghe tiếng mở cửa buồng giam.

Giờ này anh em các phòng khác đang ngủ trưa, tay quản giáo quay trở lại vào cùng với Diệu cán bộ giáo dục và Y Don.

Chúng mang theo một tờ giấy biên bản, đưa tôi xem và yêu cầu tôi ký. Tôi cầm tờ biên bản coi kỹ và nhận ra nội dung của tờ biên bản này giống tờ biên bản đã làm với tôi ở trại tạm giam B-34.

Chuyện là thế này : Lần tuyệt thực trước đó – vào năm 2011 – ở trại tạm giam B-34. Ngay sau khi tôi tuyên bố tuyệt thực và không nhận cơm, tay quản giáo đưa ra một tờ biên bản, yêu cầu tôi ký. Tôi xem và đọc kỹ tờ biên bản vốn được in sẵn. Nội dung cho rằng tù nhân đã vi phạm nội quy trại giam. Tất nhiên, tôi không ký các loại giấy tờ biên bản như vậy.

Biên bản loại này, vì được in sẵn theo mẫu, nên quản giáo chỉ việc điền tên tù nhân. Người CS cho thấy sự đối phó rất nghèo nàn về ý tưởng của trại B-34 với tù nhân tuyệt thực đã quá nhiều. Mục đích duy nhất là “gài” tù nhân ký nhận đã vi phạm nội quy.

Tôi vứt tờ biên bản ra ngoài và nghiêm giọng hỏi:

– Không nhận cơm thì vi phạm điều nào trong nội quy ?

Tất nhiên là hắn không trả lời được khi bị tôi bóc mẽ.

Sau đó, khoảng 2h, tay quản giáo quay lại với một tờ biên bản, có nội dung hoàn toàn khác. Nó được đánh vi tính và dành riêng cho tôi. Trong đó ghi rằng, quản giáo có phát cơm cho tôi nhưng tôi không nhận.

Dù tôi vẫn không ký vào biên bản đó, vẫn có người làm chứng ký vào để xác nhận nội dung biên bản.

Bây giờ, sau hơn hai năm và cách xa hơn ngàn cây số, nội dung tờ biên bản dành riêng để đối phó với tôi lại xuất hiện ở trại giam số 6. Y Don đội trưởng đội A là người ký làm chứng.

Tôi hiểu vụ tuyệt thực của tôi đã được báo ra BCA. Trại giam số 6 đã được chỉ đạo đối phó.

Như vậy tôi sẽ không chỉ đối phó với mấy tay ở trại này mà còn phải tính xa hơn với nhưng mưu mô từ xa chỉ đạo.

Tôi vẫn bình thản trước những “xảo thuật” đã quá quen thuộc.

Tôi ngã lưng xuống nền gạch và tiếp tục cầm cuốn sách đang đọc dang dở…

(Còn nữa)

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 1)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 2)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 3)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 4)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 5)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 6)
CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 7)

 

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here