CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 7)

0
66
Bạn bè của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biểu tình trước cửa trại giam số 6 đòi trả tự do cho anh.

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

________________

Hôm nay thứ bảy ngày 20/7/2013, ngày tuyệt thực thứ 29.

Rơlan Thick

Sáng nay tôi dậy sớm ngồi bên cửa sổ đợi anh em ra sân tập thể dục.

Nhìn bầu trời hửng sáng, trong xanh, không một gợn mây, nó như ngầm báo hiệu một ngày “nắng chang chang như đổ lửa” của miền tây Nghệ An.

Nắng ở đây nóng rừng rực và khô không khốc, bởi những cơn gió Lào thổi từ phía tây Trường Sơn qua, tiếc là cơn gió qua đây nhưng bỏ lại hơi ẩm ở phía bên kia dãy núi.

Có ngày nắng gắt từ sáng đến chiều ! Mấy cây ớt trồng ở sân trại bị nắng táp bạc cả lá và trái, héo queo, tàn tạ.

Dãy buồng giam xây bằng đá hộc và loại gạch đặc dày tới hơn 30cm, bị nung nóng suốt ngày. Hơi nóng trong buồng giam hầm hập, cứ quẩn trong phòng, không thoát ra được.

Rơlan Thick kêu anh em xếp đồ lên kệ, rồi đổ mấy sô nước lên bệ nằm bằng xi măng. Cứ  thế, nước lênh láng trên sàn cho nguội bớt. Tôi sờ nhẹ vào giòng nước, cảm nhận độ nóng đủ cho những ai thích Jacuzzi ! Chợt nhăn mặt, trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ vừa hài hước vừa “quyền quý”, bởi thứ nước nóng như vậy vốn dành cho những phòng xông hơi sang trọng, chỉ những quý ông thật nhiều tiền mới được bước vào !

Tôi và Rơlan Thick ở buồng số 1 đầu dãy buồng giam. Bức tường đầu hồi lại hướng tây, nên tường nóng như tường lò gạch đang nung. Rơlan Thick phải tưới nước vào cả bên ngoài và bên trong bức tường, mỗi lần Rơlan Thick tưới nước vào, tường sủi bọt lên như nước đang sôi. Cái nóng vẫn hầm hập trong buồng kéo dài đến gần nửa đêm mới dịu bớt. Anh em nằm trằn trọc mãi, ngủ được vài tiếng là kẻng báo thức…

*****

Cựu TNLT Nhà báo Trương Duy Nhất (trái) về Tây Nguyên thăm TNLT Rơlan Thick vào tháng 9 năm 2016. Cả hai đều bị giam ở trại 6 Thanh Chương Nghệ An.

Ngoài sân, mấy con chim sẻ sà xuống ríu rit, tranh nhau ăn chỗ cơm Rơlan Thik để sẵn bên giếng nước.

Bữa nào cũng vậy, Rơlan Thik luôn dành một vài muỗng cơm nuôi chim.

Cơm, Rơlan Thik để từ chiều muộn hôm qua, nên mấy chú chim ngày nào cũng có phần điểm tâm buổi sáng.

Rơlan Thik bảo:

– Trong tù buồn, nhìn mấy con chim bay nhảy, cứ ước ao mọc cánh rồi bay được như chúng! Tự do biết bao! –  Rơlan Thik nhìn lên bầu trời xanh trong vắt với giọng nói khao khát đến nao lòng!

Xa nhà gần mười năm rồi, Rơlan Thick nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ những khu rừng đại ngàn, nơi anh và bạn bè thường hát vang những bài ca Tây Nguyên.

Những lúc rảnh, Thick ôm đàn hát những bài do anh sáng tác. Đọc lời bài hát, tôi biết, ẩn sau cái vẻ giả ngây của Rơlan Thik là một tâm hồn lãng mạn của người đàn ông Tây Nguyên hào sảng.

Cựu TNLT Nhà báo Trương Duy Nhất (trái) về Tây Nguyên thăm TNLT Rơlan Thick vào tháng 9 năm 2016. Cả hai đều bị giam ở trại 6 Thanh Chương Nghệ An và cây đàn huyền thoại đã ra tù cùng Rơlan Thick.

*****

Quản giáo vào mở cửa…

Anh Kim và anh Nghĩa ra sân tập thể dục.

Chúng tôi bàn nhau, xem khi nào VKS Nghệ An vào làm việc.

Tôi nhẩm tính, anh Nghĩa đưa tin ra ngày 17/7/2013, tức là thứ tư. Hôm nay thứ bảy, nhanh nhất cũng phải thứ hai chúng mới vào làm việc. Tôi phải sẵn sàng để “đi” tiếp trong tuần tới.

Một cuộc đàm phán căng thẳng

Khoảng hơn 10h sáng, quản giáo và an ninh vào mở cửa buồng biệt giam tôi. Chuyện gì nữa đây ? – Tôi vừa ráng sức mặc đồ vừa tự hỏi.

Anh Nghĩa đã đưa được tin ra ngoài, chắc chắn truyền thông đã lên tiếng và trại giam đang tìm mọi cách đối phó? Hay Viện Kiểm sát vô làm việc ? Hôm nay là ngày thứ bảy mà, dễ gì chúng làm việc vào ngày thứ bảy?! Những câu hỏi cứ bật lên trong tôi như vậy, với quán tính của những năm tù đày.

Có tiếng nhiều người lao xao ngoài cửa khu an ninh. Một nhóm an ninh trại cùng với mấy người mặc thường phục mà tôi chưa gặp bao giờ bước vào sân, rồi tiếp tục vào buồng quản giáo.

Y Don vào buồng biệt giam, nâng người và dìu tôi lên phòng quản giáo, vì lúc này tôi yếu lắm rồi.

Họ mời tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa gần cửa vào. Y Don dìu tôi bước tới và nhẹ nhàng đỡ tôi ngồi xuống. Vừa ngồi vào chiếc ọp ẹp, một tờ giấy chìa ra trước mặt tôi…

Hiện lên trong ánh nhìn mờ đục của tôi là dòng chữ “Đơn xin thăm gặp”. Họ yêu cầu tôi điền thông tin và ký. Tôi lấy làm lạ, mọi lần ai có người thân lên thăm nuôi, quản giáo vào khu kêu tên rồi đưa ra thăm gặp, tại sao bữa nay lại bày đặt phải viết đơn từ rắc rối thế này!

Tôi đoan chắc là gia đình tôi đã quay trở lại trại 6 lần thứ hai, chỉ sau 4 ngày, với hành trình xa hàng ngàn cây số. Mỗi lần đi như vậy vô cùng vất vả và tốn kém. Những gia đình tù nhân khác như anh em Tây Nguyên thì khó mà thực hiện được.

Lần này gia đình tôi lên trại với thông tin tôi đang tuyệt thực, chắc chắn mang theo sự phẫn nộ, vì lần trước đã bị trại giam lừa và có lẽ quyết phải gặp tôi bằng được.

Linh tính mách bảo tôi rằng bọn chúng lại có âm mưu gì đây.

Trong khi tôi nghi ngờ coi kỹ nội dung tờ giấy “Đơn xin thăm gặp”, thì đám an ninh vây quanh thúc giục tôi ký cho nhanh, rồi còn ra thăm gặp.

Ngoài một số điều khoản như nội quy thăm gặp thường thấy, còn có một điều khoản tù nhân phải cam kết không được đưa thông tin của trại giam ra ngoài. Tôi hiểu ngay rằng, bọn chúng sợ tôi nói về lý do tôi bị biệt giam và cuộc tuyệt thực của tôi.

Tôi thầm nhủ : Tụi này coi thường tôi quá! Tôi sẽ làm cho chúng cảm thấy vui vẻ ngay!

Tôi chầm chậm điền thông tin đầy đủ vào tờ đơn, nhưng ở điều khoản cuối, tôi không gạch bỏ, chỉ ghi thêm: “Tôi chỉ nói những gì liên quan đến bản thân tôi” rồi run run ký xuống dưới.

Rất nhẹ nhàng và lịch sự, tôi chẳng cần lên gân với họ làm gì. Tay quản giáo trẻ mừng rỡ chụp lấy tờ đơn, không kịp xem, vội vã đi ra ngoài. Hắn vội đến mức, ngoái cổ lại và bảo tôi đợi hắn đi xin ý kiến cấp trên.

Bên ngoài sân trại đang nắng chói chang.

Anh Kim và anh Nghĩa đi qua đi lại nhìn về phía buồng quản giáo chờ đợi…

Phương đã mang cơm vào phát cho anh em. Mọi người vừa lấy cơm vừa theo dõi việc đối phó của tôi trên phòng quản giáo.

Mấy tay an ninh trong buồng quản giáo lom lom nhìn tôi như thăm dò phản ứng. Tôi quá mỏi mệt, nên đẩy cái lưng ghế nhựa vào sát tường, rồi ngồi dựa lưng vào cho chắc chắn. Mắt tôi khép hờ, nhưng trong đầu tôi đang nghĩ nhanh, nên làm những gì để đối phó trong tình huống mới.

Khoảng ba mươi phút sau, tay quản giáo quay trở lại với một tờ giấy khác.

Anh ta tỉnh bơ nói:

– Tờ vừa rồi không được, ban giám thị yêu cầu anh viết lại một tờ đơn khác.

Lúc này đã là 11 giờ trưa. Chỉ còn ít phút nữa là hết giờ thăm gặp buổi sáng. Chắc ngoài kia, gia đình tôi cũng mong được gặp sớm trong buổi sáng, để còn lên xe về Vinh.

Bọn ban giám thị muốn dùng yếu tố thời gian để gây sức ép tâm lý lên tôi. Nếu tôi không viết, liệu gia đình tôi không đợi được, có đành chấp nhận quay về không? Tôi tự hỏi và tự trả lời ngay:

– Không bao giờ! Gia đình tôi đã đi thăm nuôi tôi đến nhà tù này là nhà tù thứ 10.  Đã gặp đủ trò đối phó bẩn thỉu của bọn cộng sản. Từ chuyện tôi bị nhốt một trại (B34) rồi lừa gia đình tôi đi thăm nuôi một trại khác (PA 24) cho đến chuyện như hôm 16/7/2013 vừa rồi, chỉ cho nhận quà mà không cho gặp mặt.

– Chắc chắn gia đình tôi biết tôi đang tuyệt thực nên đã lập tức quay lại ngay lần nữa. Lần này không gặp được, nhất định không về.

Tôi hiểu, tôi đang ở trong một cuộc “đàm phán tay ba” căng thẳng:  Tôi –  Gia đình tôi – Bọn cai ngục.

Dù bị cách ly với gia đình và bạn bè, nhưng tôi biết chắc chắn gia đình tôi không bao giờ  bỏ cuộc, chưa kể tôi còn có được sự giúp sức của truyền thông quốc tế. Tôi đang nắm một đầu dây trong trò chơi kéo co này và ai buông dây trước sẽ thua cuộc. Tôi tươi tỉnh hẳn lên.

Bọn an ninh vây quanh, lớn tiếng thúc giục tôi viết mau, kẻo hết giờ thăm gặp.

Tôi chăm chú xem kỹ lại tờ giấy mới được đánh vi tính. Nội dung có khác tờ trước một chút, mềm dẻo hơn, nhưng điều khoản về thông tin vẫn không  thay đổi.

Tôi bỏ tờ giấy xuống bàn và cất giọng ôn tồn:

– Có viết 100 bản nữa tôi cũng viết y như vậy. Tôi không viết nữa.

Tay quản giáo lại cun cút ra ngoài xin ý kiến lãnh đạo. Nhìn bộ dạng hắn lóng ngóng và loắng quắng chạy đi, tôi thấy tức cười khi chợt nghĩ đến mấy chú cún con.

Không khí trong buồng quản giáo căng thẳng hẳn lên.

Cảm giác vừa nóng vừa ngột ngạt, khiến tôi đưa mắt nhìn tới cái cửa sổ duy nhất trông ra sân trại. Nó đã bị đóng lại tự lúc nào. Bọn cai ngục không muốn mọi người có cơ hội nhìn thấy tôi.

Gần chục mạng người trong buồng mà chỉ có một chiếc quạt nhỏ chạy uể oải.

Bọn chúng tỏ ra sốt ruột, vì đã gần 12 giờ. Giờ này khu thăm nuôi đã nghỉ trưa. Chúng có lẽ đói rồi. Cái buồng quản giáo nhỏ xíu, mà cả đám vừa đứng vừa ngồi vây quanh tôi, miệng liên hồi giục giã, tìm đủ mọi cách gây sức ép. Tuyệt nhiên, không có chút kết quả nào cho chúng…

Du hỏi gặng tôi một lần nữa:

– Anh có viết không?

Tôi nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát:

– Không.

Tôi biết cuộc đàm phán của mình đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Cả đôi bên đều quyết  không nhượng bộ.

Niềm tin gia đình mình không bỏ cuộc, dù phải ở lại đến ngày mai, đã tạo cho tôi sức mạnh tinh thần kỳ lạ! Yếu tố thời gian không thể gây áp lực được tôi .

Thông tin tôi tuyệt thực, anh Nghĩa đã báo ra ngoài. Gia đình tôi lên gặp chỉ để xác quyết thôi. Điều đó làm tôi càng vững tâm.

Tay quản giáo đi xin ý kiến lãnh đạo trở vào. Hắn giả lả với vẻ thăm dò:

– Anh Hải ơi! Gia đình anh không còn ngoài nhà thăm gặp nữa, có lẽ họ đi về rồi hay sao ấy!

Một đòn cân não, đánh vào “Vỏ Xe Điếu Cày” đang xơ xác đây mà!  Tôi quyết định  không biểu lộ gì.

Du bước ra ngoài sân mấy bước và gọi điện nói gì đó, đoạn hắn vào và nói :

– Anh không muốn viết đơn để gặp gia đình thì thôi vậy.

Tôi cười nhẹ :

– Anh nghĩ rằng anh có quyền đó sao?

Du kêu quản giáo đưa tôi trở lại buồng biệt giam.

Bên ngoài, anh em đã ăn trưa xong và chuẩn bị vào buồng. Khi thấy tôi ráng lê bước ra, tiếng anh Nghĩa từ lán lao động la lớn về phía tôi :

– Thôi viết vài chữ rồi đi ra thăm gặp đi!

Tôi khó nhọc lê bước và nói:

– Không được anh ơi ! Em phải nói những gì liên quan tới em.

Có lẽ anh Nghĩa nghe ai đó nói tôi không chịu viết đơn thăm gặp và không biết những điều khoản chúng ghi trong tờ giấy. Anh Nghĩa lo cho gia đình tôi đang vất vả chờ đợi ngoài kia. Hay anh Nghĩa muốn tôi áp dụng chiêu của anh hôm trước ra gặp chị Nga, cứ hứa với chúng nhằm được ra gặp gia đình và khi ra gặp thì phá vỡ cam kết, chuyển thông tin cần chuyển ra ngoài ?

Tay quản giáo trẻ đưa tôi vào. Trước khi khóa cửa buồng biệt giam, tôi hỏi anh ta một lần nữa :

– Gia đình tôi còn ngoài đó hay về rồi ?

– Chắc gia đình anh đi kiếm gì ăn trưa, tôi không thấy ai ngoài đó.

Nói xong, hắn đóng cửa và khóa lại.

Tôi từ từ ngả lưng xuống sàn. Sáng nay phải ngồi quá lâu trên chiếc ghế nhựa, nên tôi thấy mỏi lưng, cộng với cái nóng bức ngột ngạt làm tôi mất sức nhiều.

Tôi điểm lại tình hình buổi sáng và chuẩn bị tâm thế cho các tình huống gặp phải trong cuộc thăm gặp kỳ này.

Có thể đầu giờ chiều họ sẽ nhượng bộ và cho tôi gặp gia đình? Cũng có thể họ cương quyết không cho gặp và gia đình tôi sẽ tiếp tục đấu tranh ở ngoài kia? Những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi như thế.

Tôi chợt nhớ đến chuyến công du Mỹ Quốc sắp tới của Trương Tấn Sang vào ngày 24/7.

Chắc chắn trại tù càng cố bưng bít tin tôi tuyệt thực sẽ càng khiến sự phẫn nộ của dư luận tăng cao và càng phơi bày bộ mặt xấu xa của nhà cầm quyền cộng sản, trước chuyến đi của Sang.

Nó trở thành lợi thế đối với tôi mà lại là  áp lực đối với những tên mất gốc làm người Việt Nam.

Tôi chuẩn bị trước trong đầu những điều tôi sẽ nói, khi gặp gia đình. Điều gì cần nói trước và điều gì cần nói sau. Điều gì trước khi kết thúc mới nói. Bởi người tù chính trị gặp gia đình giữa vòng vây an ninh và cách nhau hai lớp kính chắn, cầm điện thoại để nói chuyện, nhưng có thể bị cắt bất cứ lúc nào hoặc bị dừng cuộc thăm gặp đột ngột. Vì lẽ đó, tính toán trước như thế rất quan trọng để bảo đảm đưa tin hiệu quả nhất.

Tôi ráng ngủ để lấy lại sức sau cả buổi sáng ngồi đấu với chúng nó.

Đầu giờ chiều, quản giáo vào mở cửa các buồng giam khác, tôi dậy rửa mặt cho tỉnh táo và ngồi bên cửa sổ đợi anh em.

Ngoài sân, nắng vẫn hừng hực như “lò bát quái” khổng lồ từ trên trời ập xuống thế gian này.

Anh Kim đội chiếc mũ lá đi ngang chỗ tôi. Tôi báo nhanh cho anh ấy biết, bọn chúng muốn tôi cam kết không đưa thông tin ra ngoài.

Anh Kim trầm giọng nói:

– Cũng khổ cho gia đình em đợi ở ngoài kia! Nhưng… phải nói để mọi người biết. Càng nhiều người biết càng tốt!

Nguyễn Trí Dũng và mẹ đến thăm bố tại trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An.

Tiếp tục cuộc đàm phán

Hơn 2 giờ chiều, nhóm an ninh và quản giáo lại vào khu an ninh.

Y Don lại dìu tôi lên buồng quản giáo lần nữa.

Họ mời tôi ngồi và tiếp tục để trước mặt tôi một tờ giấy yêu cầu tôi điền thông tin để ra thăm gặp.

Có lẽ, họ nghĩ việc đưa tôi trở lại buồng giam trưa nay, khi tôi không chịu cam kết, sẽ khiến tôi phải suy nghĩ lại.

Những người thăm nuôi sẽ lên chuyến xe cuối ngày rời trại vào lúc 5 giờ chiều.

Thời gian thăm gặp vào buổi chiều đang rút ngắn dần…

Họ đã biết phản ứng của tôi ra sao rồi, lúc mà tôi bị chặn thăm gặp vào ngày 16/7. Họ hiểu gia đình tôi đã phải đi hai lần trong 4 ngày vừa qua với đoạn đường hơn bốn ngàn cây số sẽ tác động đến tôi thế nào.

Tôi thì nghĩ khác. Ngay khi họ mở cửa buồng giam vào buổi chiều, tôi đủ tinh ý để nhận ra họ muốn tiếp tục cuộc thương lượng.

Tôi hiểu  áp lực thời gian và tâm lý, bởi họ là kẻ chủ động áp đặt, còn tôi – không có cách nào khác – phải chuẩn bị tâm thế đối phó và giữ vững mục tiêu của mình.

Rất đơn giản, tôi sẽ nói tất cả những gì liên quan đến tôi, bởi đó là sự thật.

Bọn cai ngục quả buồn cười, bởi tôi tuyệt thực gần cả tháng nay, giờ tôi lại sợ chúng gây áp lực bằng cách như vậy sao!

Dứt khoát, tôi sẽ nói tất cả những gì liên quan tới tôi dù trại 6 có để tôi gặp gia đình hay không. Lúc bấy giờ, trong đầu tôi quyết định sẽ nói thẳng với lũ cai ngục, không phân vân gì cả!

Tay quản giáo trẻ lại chạy đi báo cáo và tất cả tiếp tục chờ đợi…

Đã gần 4h chiều, thời gian trôi đi lặng lẽ và nặng nề…

Khoảng cách còn lại của ngày thăm gặp ngắn dần và ngắn dần… Chưa bao giờ, tôi cảm nhận khoảnh khắc “tiếng thời gian” đập khẽ khàng trong trái tim mòn mỏi đến như vậy! Sự hòa quyện ngọt lịm và đớn đau đó, tạo thành ký ức “khắc cốt ghi tâm” mãi cho đến hôm nay.

Tôi nghĩ, gia đình mình đang ngồi vật vạ đâu đó ngoài kia, mòn mỏi không kém tôi, dưới cái nóng gay gắt của mùa gió Lào miền tây Nghệ An. Nhưng… tôi phải kiên tâm! Nhất định như vậy!

Tôi nghĩ, gia đình mình đang ngồi vật vạ đâu đó ngoài kia, mòn mỏi không kém tôi, dưới cái nóng gay gắt của mùa gió Lào miền tây Nghệ An. Nhưng… tôi phải kiên tâm! Nhất định như vậy!

Hơn 4 giờ chiều, tay quản giáo quay trở lại, báo cho nhóm an ninh trại biết quyết định của trại giam.

Y Don được gọi lên để dìu tôi ra thăm gặp gia đình. Họ nói tôi chỉ được gặp trong 10 phút.

Tôi đã chiến thắng!

Mười phút thăm gặp

Tôi linh hoạt hẳn lên. Như một cái computer hoạt động trở lại thông suốt sau quãng thời gian dài “cúp điện”, tôi nhanh chóng sắp xếp lại trong đầu những dữ liệu đã chuẩn bị trước, vì cuộc gặp quá ngắn.

Chỉ có mười phút! Chỉ có mười phút thôi! Não bộ thúc hối tôi lẹ làng “typing”, “copy”, “past”, “insert” toàn bộ “chương trình” đã “set up” trong đầu.

Trong mười phút đó tôi sẽ chuyển tin ra hay nhận tin vào là chủ yếu ? Thông tin tôi tuyệt thực ngoài kia mọi người đã biết cả rồi, nhưng chưa biết lý do dẫn đến việc tôi tuyệt thực, chưa biết việc tôi chọn cách khiếu nại bằng cách viết đơn cho Viện Kiểm sát Nghệ An và mục tiêu tuyệt thực của tôi là yêu cầu Viện Kiểm sát Nghệ An phải vào trại  giam số 6 để giải quyết. Thời gian trại giam buộc phải chuyển đơn của tôi đến Viện Kiểm sát Nghệ An là 24 giờ nhưng trại giam đã chuyển đơn đi chưa mà đến nay đã 29 ngày Viện Kiểm sát vẫn chưa vào giải quyết?

Tôi trở nên hơi rối trí và  quắt quay bởi “thần thời gian” thúc ép!

Việc giải thích các điều luật với gia đình tôi là thừa và mất nhiều thời gian. Chỉ cần con tôi ghi lại số các điều luật liên quan, các bạn tôi ở ngoài sẽ tư vấn cho gia đình tôi làm tiếp phần còn lại.

Bạn bè của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biểu tình trước cửa VKS Nghệ An đòi trả tự do cho anh.

Mục tiêu cuộc tuyệt thực rất rõ: Gia đình và bạn bè cần gây áp lực là Viện Kiểm sát Nghệ An, nơi chịu trách nhiệm kiểm sát giam giữ theo pháp luật của trại giam số 6. Làm sao buộc Viện Kiểm sát Nghệ An phải vào trại 6 làm việc và tôi sớm chấm dứt cuộc chiến này.

Tôi nhanh chóng khẳng định trong đầu rằng: Phải chọn mục tiêu chuyển tin ra là chủ yếu.

Y Don dìu tôi ra nhà thăm gặp.

Đoạn đường quen thuộc chỉ khoảng 400m mà tôi phải nghỉ mấy lần. Chứng ù tai và  chóng mặt xuất hiện ngay sau khi ra khỏi khu an ninh một đoạn ngắn chừng 50 m. Tôi cố giữ nhịp thở đều và đi chậm. Tôi nhắc mình cố gắng tỉnh táo trong mười phút thăm gặp ngắn ngủi đó.

Y Don kiên nhẫn dìu tôi chầm chậm, thỉnh thoảng tôi phải ngồi xuống nghỉ để lấy sức đi tiếp.

Tôi lê bước vào phòng thăm gặp, đụng ngay 3 bộ mặt an ninh đang “chào đón”!

Phía bên kia hai lớp kính, con trai tôi ngồi đợi với mấy tên an ninh đứng phía sau nó.

Tôi run run đặt tay lên tấm kinh phía trên, trước mặt thằng Dũng. Nó cũng đặt tay lên phía bên kia tấm kính áp vào tay tôi.

Đó là cách quen thuộc mà cha con tôi chào nhau.

Thằng Dũng hỏi ngay với giọng nôn nóng:

– Sức khoẻ bố thế nào bố?

Tôi ngồi xuống ghế, một cùi chỏ chống xuống kệ trước mặt, bàn tay phải nâng cằm, vì cổ không giữ nổi cái đầu chực chờ gục xuống tận ngực. Tay trái cầm điện thoại, trấn tỉnh, tôi cố cất giọng nói chậm và rõ :

– Con sẽ chỉ nghe và ghi chép cho đến khi bố nói xong nhé! Sau đó con nói. Mình chỉ có mười phút thôi. Con chú ý ghi lại số các điều luật liên quan và nhờ bạn bè tư vấn giúp.

Có tiếng tay an ninh trại từ phía sau tôi, hét lên:

– Anh không được viết.

Con tôi nhìn hắn và nắm chặt cây viết trong tay, giọng dứt khoát:

– Bố cứ nói đi bố.

Chúng tôi bỏ qua những sự gây nhiễu của chúng để tập trung cho việc chuyển tải thông tin. Tôi đọc và con tôi viết cũng như nhiều lần trước đó.

Tôi chưa bao giờ e dè trong việc chuyển tin ra ngoài và con tôi luôn ghi chép lại đầy đủ.

Tôi thông báo ngày bị biệt giam với lệnh biệt giam 3 tháng, ngày bắt đầu tuyệt thực và gửi đơn cho Viện Kiểm sát Nghệ An, khiếu nại theo điều, khoản, số…yêu cầu…

Xong rồi ! Con nói đi.

Giọng thằng Dũng tha thiết:

Bố ơi ! Mọi người rất quan tâm đến bố, thông tin bố tuyệt thực cả thế giới đã biết rồi. Mọi người đang đồng hành cùng bố. Hôm nay không chỉ có con và mẹ đi thăm bố đâu, các cô bác gửi lời hỏi thăm bố nhiều lắm, bố nhớ giữ sức khoẻ, mọi người rất lo lắng cho bố.

Tôi tiếp tục, dù tiếng nói hơi bị hụt hơi :

– Bố sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi Viện Kiểm sát Nghệ An vào đây giải quyết khiếu nại của bố. Con và các bạn giúp bố yêu cầu Viện Kiểm sát Nghệ An vào giải quyết khiếu nại của bố…

– Bố phải giữ sức khoẻ, bố phải nghĩ đến các con chứ !

Tôi thoáng thấy nó hơi bất ngờ khi tôi tuyên bố sẽ tuyệt thực tiếp.

– Hết giờ rồi ! Tiếng của tên an ninh khô khốc như tiếng chiếc búa đập vào đá.

Y Don bước đến đỡ tôi lên…

Tôi ráng với tay và run rẩy đặt tay lên tấm kính lần nữa…Thằng Dũng lại áp tay vào kính ở phía bên kia.

Tôi giữ rịt chiếc điện thoại và khẽ khàng:

Cho bố gửi lời hỏi thăm và cảm ơn tất cả mọi ngưới nhé, bố yêu mọi người.

Giọng nói và ánh mắt của con tôi, mãi cho đến bây giờ vẫn hằn in trong tôi với câu ngắn gọn:

– Vâng ! Bố yên tâm, mọi người đang đồng hành cùng bố.

Y Don dìu tôi bước ra khỏi nhà thăm gặp. Ra ngoài một đoạn, tôi cố ngoái nhìn lại phía sau…

Thằng Dũng gầy nhom và lẻ loi đứng ở cuối con đường, trước cửa nhà thăm gặp nhìn theo trong chiều sẫm dần…

Hoàng hôn buông xuống cùng không gian u tịch lặng lẽ đưa tôi về chốn cũ…

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải

Còn nữa

——————

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (phần 6)

CUỘC CHIẾN SAU SONG SẮT (Phần 8)