Crypto AG: Chương trình tình báo thế kỷ của CIA (P2)

    0
    303
    Hình: Năm 1967, Crypto ra mắt mẫu H-460, một máy điện tử có ruột được thiết kế bởi NSA. (Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
    Nghiên Cứu Quốc Tế

    Nguồn: Greg Miller, “The intelligence coup of the century”, The Washington Post, 11/02/2020.

    Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

    Chiến dịch “chống tiếp cận”

    Chương trình tinh vi, phức tạp này khởi nguồn từ nhu cầu có một thiết bị mã hóa đơn giản nhưng gọn nhẹ của quân đội Mỹ.

    Boris Hagelin, nhà sáng lập Crypto, là một doanh nhân và nhà phát minh sinh ở Nga, nhưng chạy đến Thụy Điển sau khi phe Bolshevik nắm quyền. Ông di cư một lần nữa đến Hoa Kỳ khi phát xít Đức chiếm Na-uy vào năm 1940.

    Người đàn ông này mang theo mình một chiếc máy mã hóa trông giống một hộp nhạc được gia cố, với một lắp quay tay đóng chắc bên hông cùng các cấu trúc và chong chóng kim loại đặt dưới vỏ hộp kim loại cứng.

    Boris Hagelin, người sáng lập Crypto, và vợ tới New York năm 1949. Hagelin chạy sang Mỹ khi Phát xít Đức chiếm Na-uy năm 1940. (Bettmann Archive)

    Vật này không tinh vi, hay bảo mật, như các máy Enigma của Phát xít Đức. Song máy M-209 của Hagelin lại nhỏ gọn, chạy cơ tay và hữu dụng cho binh sĩ trên đường hành quân. Các bức hình ghi lại cho thấy binh lính mang những chiếc hộp nặng 4kg – cùng cỡ với một cuốn sách lớn – buộc xuống dưới gối. Nhiều thiết bị của Hagelin vẫn còn được giữ lại tại một bảo tàng tư nhân ở Eindhoven, Hà Lan.

    Để gửi được một thông điệp mật từ thiết bị này rất tốn công. Người dùng sẽ phải xoay vòng quay chữ, từng chữ một, và xoay mạnh lắp quay tay. Các bộ phận bên trong sẽ xoay và đưa ra một thông điệp đã mã hóa trên một mảnh giấy. Một sĩ quan thông tin sau đó truyền thông điệp này bằng mã Morse tới người nhận, người sẽ làm ngược lại quy trình để đọc mã.

    Thiết bị M-209 của Hagelin, được đùng để gửi các thông báo chiến thuật về hướng di chuyển của binh sĩ. (Jahi Chikwendiu/The Washington Post)

    Mức độ bảo mật của nó yếu tới nỗi gần như ai cũng tin rằng bất kì kẻ địch nào cũng sẽ có thể giải được mã nếu có đủ thời gian. Song việc này mất hàng giờ. Và bởi vì các máy này chỉ được dùng để gửi các thông điệp chiến thuật về hướng tiến quân, nên đến khi Phát xít Đức giải mã được thì giá trị của nó đã không còn.

    Trong suốt cuộc chiến, khoảng 140.000 máy M-209 đã được chế tạo tại nhà máy đánh chữ Smith Corona ở Syracuse, bang New York, thông qua một hợp đồng giữa Crypto với quân đội Mỹ trị giá 8,6 triệu đô. Sau cuộc chiến, Hagelin quay về Thụy Điển để mở lại nhà máy của ông, mang theo một tài sản cá nhân lớn và một lòng trung thành suốt đời với nước Mỹ.

    Dù vậy, các đặc vụ Mỹ vẫn cảnh giác với các hoạt động hậu chiến của ông. Đầu những năm 1950, ông phát triển một phiên bản tốt hơn của chiếc máy thời chiến với trình tự đọc mã cơ mới, “khác thường” mà trong một khoảng thời gian đã làm bất ngờ các nhà giải mã Mỹ.

    Cảnh giác trước khả năng của chiếc máy CX-52 mới và các thiết bị khác đang được Crypto lên kế hoạch, các quan chức Mỹ bắt đầu thảo luận về “vấn đề Hagelin.”

    Đó là “Những ngày Đen tối của ngành cơ yếu Hoa Kỳ,” theo báo cáo của CIA. Liên Xô, Trung Quốc, và Bắc Triều Tiên dùng các hệ thống tạo mã gần như không thể xuyên thủng được. Các cơ quan tình báo Mỹ lo ngại phần còn lại của thế giới cũng sẽ “đen tối đi” nếu các nước có thể mua thiết bị bảo mật của Hagelin.

    Người Mỹ có nhiều đòn bẩy ảnh hưởng đối với Hagelin: ông thân thuộc với ý thức hệ của Mỹ, ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục là một khách hàng lớn, cùng với mối đe dọa tiềm tàng rằng người Mỹ có thể gây hại cho tương lai công ty ông bằng cách bán tháo các máy M-209 dư thừa sau cuộc chiến.

    Hoa Kỳ còn có một át chủ bài: William Friedman. Thường được công nhận là cha đẻ của ngành mã học Mỹ, Friedman quen biết Hagelin từ những năm 1930. Họ có một tình bạn lâu dài vì cùng một xuất thân và đam mê, tức cùng gốc Nga và cùng say mê sự phức tạp của công việc mã hóa.

    Có lẽ đã chẳng có Chương trình Rubicon nếu hai người đàn ông này không bắt tay nhau về một thỏa thuận mật đầu tiên giữa Hagelin và tình báo Mỹ tại một bữa ăn tối ở quán Cosmos ở Washington năm 1951.

    Thỏa thuận yêu cầu Hagelin, người đã chuyển công ty sang Thụy Sĩ, chỉ bán các thiết bị tinh vi nhất của hãng cho các quốc gia được chấp thuận bởi Mỹ. Các nước không có trong danh sách sẽ chỉ được bán các hệ thống cũ và yếu hơn. Hagelin sẽ được đền bù cho phần doanh thu tổn thất: 700.000 đô trả trước.

    Phải mất vài năm để Hoa Kỳ định rõ đường đi nước bước của mình, khi mà các quan chức hàng đầu ở CIA và NSA mãi cãi nhau về các điều khoản và lợi ích của chương trình. Nhưng Hagelin tôn trọng thỏa thuận ngay từ đầu, và trong vòng hai thập niên kế tiếp, mối quan hệ bí mật của ông với các cơ quan tình báo Mỹ càng sâu sắc hơn.

    Năm 1960, CIA và Hagelin đồng ý với một “thỏa thuận cấp phép” chi trả cho ông 855.000 đô để ông tiếp tục kế hoạch ban đầu. Sau đó, cơ quan này trả khoản phí duy trì 70.000 đô mỗi năm và bắt đầu bơm cho công ty các khoản 10.000 đô phí “tiếp thị” để bảo đảm rằng Crypto – chứ không phải các công ty mới nổi trên thị trường mã hóa – mới là bên kí được các hợp đồng bảo mật với các chính phủ trên khắp thế giới.

    Đó là một “chiến dịch chống tiếp cận” điển hình theo cách nói của giới tình báo, một kế hoạch được lập nên nhằm ngăn chặn kẻ thù sở hữu các loại vũ khí hoặc công nghệ sẽ mang lại lợi thế cho họ. Dù vậy, đó chỉ mới là bước khởi đầu của mối hợp tác giữa Crypto và tình báo Mỹ. Trong vòng một thập niên tiếp theo, toàn bộ chương trình rơi vào tay CIA và BND.

    Một thế giới mới tươi đẹp

    Các quan chức Mỹ ngay từ đầu đã thăm dò xem liệu Hagelin có sẵn sàng để các nhà mã học Mỹ tùy chỉnh các thiết bị của ông hay không. Song Friedman cản họ, tin rằng Hagelin sẽ xem đó là một bước quá xa.

    CIA và NSA nhận thấy một cơ hội mới vào giữa những năm 1960, khi sự lan truyền của mạch điện tử buộc Hagelin phải chấp nhận hỗ trợ từ bên ngoài để thích nghi với công nghệ mới, hoặc dần đi vào suy thoái nếu tiếp tục bám lấy thiết bị cơ học.

    Các nhà mã học của NSA cũng đồng thời nhận thấy ảnh hưởng tiềm tàng của vi mạch, thứ dường như sẽ mở ra thời kỳ của công nghệ mã hóa không thể bị phá. Song một trong những nhà phân tích cấp cao của cơ quan này, Peter Jenks, lại xác định được một lỗ hổng tiềm năng.

    Nếu “được thiết kế một cách cẩn thận bởi một nhà toán  học – mã học thông minh,” ông nói, một hệ thống dựa trên mạch điện tử có thể trông như một chuỗi vô tận các ký tự ngẫu nhiên, trong khi trên thực tế nó lặp lại chính mình với các khoảng đủ ngắn để chuyên gia của NSA – và những chiếc máy tính mạnh mẽ của họ – có thể giải mã.

    Hai năm sau, năm 1967, Crypto ra mắt dòng máy mới, hoàn toàn điện tử, máy H-460, với toàn bộ phần lõi bên trong được thiết kế bởi NSA.

    Báo cáo của CIA rất hả hê khi nói về bước phát triển này. “Hãy tưởng tượng chính phủ Mỹ thuyết phục được một nhà sản suất nước ngoài tùy chỉnh thiết bị của mình theo ý Mỹ,” báo cáo nói. “Hãy nói về một thế giới mới tươi đẹp.”

    NSA đã không cài đặt các “cửa hậu” hay bí mật lập trình để các thiết bị làm lộ chìa khóa mã. Và cơ quan này vẫn phải đối mặt với công việc khó khăn là chặn được các liên lạc mật của các chính phủ, bất kể là tín hiệu truyền trong không khí, hay trong những năm sau này, là can thiệp vào đường dẫn cáp quang.

    Nhưng việc thao túng các thuật toán của Crypto đã giúp hợp lý hóa quy trình phá mã, đôi khi giúp giảm quy trình xuống chỉ còn vài giây một công việc vốn đã từng tiêu tốn hàng tháng trời. Công ty luôn sản xuất ít nhất hai phiên bản của các sản phẩm – dòng bảo mật bán cho các chính phủ thân thiện (với Mỹ), và dòng bị tùy chỉnh bán cho phần còn lại của thế giới.

    Trong quá trình này, mối hợp tác Hoa Kỳ-Hagelin đã tiến hóa từ “chống tiếp cận” sang “biện pháp chủ động”. Crypto không còn chỉ bán các thiết bị tốt nhất, mà giờ đây còn bán các thiết bị đã được tùy chỉnh để phản bội chính khách hàng của mình.

    Lợi ích của việc này không chỉ dừng lại ở quyền theo dõi các thiết bị. Bước chuyển của Crypto sang hệ thống điện tử giúp doanh thu tăng trưởng lớn đến nỗi họ trở nên ưa thích việc phụ thuộc vào NSA. Các chính phủ nước ngoài cũng thích các thiết bị mới vốn trông tốt hơn hẳn các máy cơ nặng nề, không hề biết rằng chúng dễ bị tình báo Mỹ theo dõi hơn.

    Cái bắt tay Đức-Mỹ

    Cuối những năm 1960, Hagelin đã gần 80 tuổi và trăn trở cách bảo vệ tương lai của công ty, bấy giờ đã thuê tới 180 nhân viên. Các quan chức CIA cũng lo lắng về tương lai của chương trình nếu Hagelin bất ngờ bán công ty hoặc qua đời.

    Hagelin từng muốn con trai mình, Bo, kế tục. Nhưng các quan chức tình báo Mỹ chỉ xem anh này là “kẻ ngoài lề” và cố gắng che đậy mối hợp tác khỏi mắt Bo. Bo Hagelin chết trong một tai nạn xe hơi ở Đường vành đai Washington vào năm 1970. Không có dấu hiệu chơi xấu.

    Các quan chức tình báo Mỹ thảo luận việc mua Crypto suốt nhiều năm, song tranh cãi giữa NSA và CIA ngăn trở kế hoạch này mãi cho đến khi chương trình chào đón thêm hai cơ quan tình báo mới.

    Người Pháp, Tây Đức và các cơ quan tình báo Châu Âu khác đã được nghe nói về hợp tác giữa Mỹ với Crypto, hoặc đã tự mình phát hiện ra. Một số đã ganh tỵ và tìm cách đạt được một thỏa thuận tương tự cho chính mình.

    Năm 1967, Hagelin được cơ quan tình báo Pháp đề nghị mua lại công ty trong một liên doanh với tình báo Đức. Hagelin từ chối và báo về cho CIA. Nhưng rồi 2 năm sau, người Đức quay lại với lời đề nghị hợp tác mới, lần này với sự ủng hộ của người Mỹ.

    Trong một cuộc gặp đầu năm 1969 tại Đại sứ quán Tây Đức ở Washington, người đứng đầu cơ quan mật mã của nước này, Wilhelm Goeing, đưa ra đề nghị và đánh tiếng xem liệu người Mỹ “có hứng thú cùng trở thành đối tác không.”

    Vài tháng sau, Giám đốc CIA Richard Helms chấp thuận kế hoạch mua Crypto và cử một cấp dưới đến Bonn (thủ đô Tây Đức) để vạch rõ các điều khoản cùng một điều kiện tiên quyết: người Pháp phải bị “dẹp qua một bên,” theo lời các quan chức CIA nói với Goeing.

    Tây Đức đồng ý với Mỹ, và thỏa thuận giữa hai cơ quan tình báo được ghi lại trong một bản ghi nhớ vào tháng 6 năm 1970, trong đó bao gồm chữ ký run run của một quan chức CIA cấp cao ở Munich, người lúc đó đang ở kì đầu của bệnh Parkinson, bên cạnh chữ ký không tài nào đọc được của người đồng cấp BND.

    Hai cơ quan đồng ý góp số vốn bằng nhau để mua số cổ phần của Hagelin với giá khoảng 5,75 triệu đô, song CIA gần như tín thác cho người Đức việc che giấu giao dịch này khỏi mắt công chúng.

    Một hãng luật Liechtenstein, Marxer and Goop, đã giúp che giấu danh tính của những người sở hữu mới bằng một loạt các công ty vỏ bọc và loại cổ phiếu không yêu cầu danh tính trong tài liệu đăng ký. Hãng này được trả một khoản tiền hàng năm “không phải vì công việc nặng nhọc mà nhằm khiến họ im lặng và chấp nhận,” báo cáo của BND nói. Hãng này, giờ mang tên Marxer and Partner, từ chối bình luận.

    Một hội đồng quản trị mới được thành lập để quản lý công ty. Chỉ một thành viên của nó, Sture Nyberg, người từng được Hagelin ủy thác quản lý công việc hằng ngày, biết việc CIA có tham gia. “Thông qua cơ chế này,” báo cáo của CIA viết, “CIA và BND kiểm soát các hoạt động” của Crypto. Nyberg rời công ty vào năm 1976. Chúng tôi không thể tìm ra và cũng không thể xác định được liệu ông còn sống hay không.

    Hai cơ quan tình báo tổ chức họp thường kỳ để quản lý chương trình. CIA dùng một căn cứ bí mật ở Munich, ban đầu tại một cơ sở được dùng bởi quân đội Mỹ và về sau nằm trong tầng mái của một tòa nhà gần lãnh sự quán Mỹ, làm tổng hành dinh của chương trình.

    CIA và BND thống nhất tên bí mật của chương trình và các cấu thành của nó. Crypto được gọi là “Minerva,” đồng thời cũng là tên bản báo cáo của CIA. Chương trình có tên bí mật ban đầu là “Thesaurus,” và từ những năm 1980 gọi là “Rubicon.”

    Mỗi năm, CIA và BND phân chia số lợi nhuận Crypto mang lại, theo báo cáo của Đức; BND lo việc kế toán và chuyển tiền cho CIA tại một hầm ga-ra đỗ xe.

    Từ đầu, mối hợp tác bị bao phủ bởi bất đồng và căng thẳng lặt vặt. Đối với các điệp viên CIA, BND trông quá tập trung vào lợi nhuận, và người Mỹ phải “liên tục nhắc nhở người Đức rằng đây là một chương trình tình báo, không phải công việc làm ăn.” Trong khi đó, người Đức choáng váng với việc Mỹ sẵn sàng do thám tất cả chỉ trừ các đồng minh thân cận nhất, trong số mục tiêu có cả các đồng minh NATO như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ý.

    Nhận thức rõ hạn chế của mình trong việc vận hành một hãng công nghệ, hai cơ quan mang vào chương trình các công ty tư nhân. Người Đức bổ sung Siemens, một tập đoàn đóng ở Munich, để cố vấn cho Crypto về các vấn đề kinh doanh và công nghệ, đổi lấy 5% doanh số của công ty. Ở chiều ngược lại, Mỹ bổ sung Motorola để sửa các thiết bị dính lỗi, đánh một tín hiệu rõ ràng cho vị CEO rằng việc này được thực hiện cho tình báo Mỹ. Siemens từ chối bình luận. Các quan chức Motorola cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.

    Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp gỡ trong giai đoạn đàm phán hòa bình Ai Cập – Israel tại Trại David vào tháng 9/1978. Trong thời gian đó, NSA đã bí mật theo dõi các liên lạc giữa Sadat với thủ đô Cairo. (White House/CNP/Getty Images)

    Dù không hài lòng, Đức chưa bao giờ được kết nạp vào nhóm “Five Eyes” nức tiếng, liên minh tình báo lâu đời giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada, và New Zealand. Nhưng với cái bắt tay Crypto, Đức tiến gần vào vòng thân cận với tình báo Mỹ hơn so với khi Thế chiến 2 vừa kết thúc. Với sự hậu thuẫn bí mật của hai cơ quan tình báo hàng đầu thế giới và hỗ trợ từ hai trong số các công ty lớn nhất thế giới, việc kinh doanh của Crypto nở rộ.

    Một bảng kê trong báo cáo của CIA cho thấy doanh số tăng từ 15 triệu Franc Thụy Sĩ vào năm 1970 lên hơn 51 triệu vào năm 1975 (19 triệu đô). Bảng lương của công ty giờ có tới 250 nhân viên.

    “Vụ mua lại Minerva đã mang lại một khoản lợi nhuận tốt,” bản báo cáo CIA bình luận về giai đoạn này. Chương trình từ đây bước vào hai thập niên do thám chưa từng có đối với liên lạc của các chính phủ nước ngoài.

    (Còn tiếp 3 kỳ)

    Hình: Năm 1967, Crypto ra mắt mẫu H-460, một máy điện tử có ruột được thiết kế bởi NSA. (Jahi Chikwendiu/The Washington Post)