Công nhân nhà máy ở Việt Nam trên tuyến đầu của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng cho phương Tây

    0
    17
    Công nhân nhà máy phải chịu đựng điều kiện mệt mỏi, sống và ăn ngủ trong cùng một nhà máy mà họ làm việc nhiều giờ, tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt của chính phủ nhằm giảm thiểu sự lây lan của Covid. Ảnh: Nhac Nguyen / AFP / Getty Images

    Những công nhân nhập cư ở Việt Nam ăn ngủ trong các nhà máy ngập COVID-19, bị phong tỏa với thế giới bên ngoài

    The Guarrdian / TAIPEI TIMES by Rebecca Ratcliffe and Nhung Nguyen –  The Guardian, Ho Chi Minh City – Thu 23 Dec 2021

    Ba Sàm lược dịch

    Trong nhiều tuần, Hoàng Thị Quỳnh (*) làm việc và ngủ trong một xưởng may ở tỉnh Tiền Giang, miền Nam Việt Nam. Cô bắt đầu đi ca lúc 7h 15 sáng và sau đó, qua một ngày ngồi may những bộ quần áo thể thao, cô bước vào một sảnh trống của khu phức hợp nhà máy và nghỉ ngơi qua đêm.

    Mỗi công nhân có một cái lều, dựng cách nhau một hoặc hai mét, chứa một tấm lót giấy bạc, gối, chăn và một cái hộp để đựng đồ đạc của họ. Không công nhân nào được phép gặp bất kỳ ai từ bên ngoài nhà máy. Ngay cả việc nói chuyện với khách đi qua cổng cũng bị cấm.

    Một làn sóng COVID-19 lan rộng khắp các khu vực công nghiệp của Việt Nam vào đầu năm nay đã đặt áp lực lớn lên lĩnh vực sản xuất của đất nước, cũng như những nhà máy đang sản xuất sản phẩm dành cho các cửa hàng trước Giáng sinh.

    Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á và sản xuất hàng hóa cho một số thương hiệu phương Tây lớn nhất về công nghệ, hàng may mặc và đồ thể thao. Các bản tin về đợt bùng phát đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc giao hàng iPhone 13 và sự gián đoạn trong việc cung cấp mọi thứ, từ xe Toyota đến rèm cửa của IKEA.

    “Việt Nam có thể sản xuất một phần ba tổng sản lượng hàng may mặc [cho Mỹ],” Jana Gold, giám đốc cấp cao của Tập đoàn bán lẻ và tiêu dùng Alvarez & Marsal tại Washington cho biết. “Trong số tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thì nơi đây đã thực sự ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này.”

    Nhiều nhà máy đã yêu cầu công nhân ở lại công xưởng để tuân thủ các quy tắc của chính phủ, được đưa ra để giảm thiểu số ca nhiễm bệnh – một chính sách nay đã bị bãi bỏ, bao gồm cả tại nơi làm việc của Quỳnh, cho phép cô đi làm lại từ nhà, vào tháng trước.

    Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn chưa trở lại bình thường và các nhà phân tích dự đoán có thể nó sẽ không hoạt động cho đến cuối quý đầu tiên của năm sau. Trước thềm Giáng sinh, các nhà bán lẻ đã tranh giành để ưu tiên lựa chọn sản phẩm nào là cần thiết nhất cho các cửa hàng. Một số hàng hóa được tiếp tục vận chuyển bằng đường biển vào cuối tháng trước, và thậm chí còn phải thuê cả máy bay để đưa đồ may mặc đến các khu phố buôn bán cho đúng giờ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thực sự đã được cảm nhận bởi những người lao động – nhiều người trong số họ là những người di cư nội địa – những người cung cấp năng lượng cho các nhà máy của đất nước.

    Vào tháng 7, khi số những trường hợp mắc COVID-19 tăng nhanh, một lệnh phong tỏa khắt khe đã được áp dụng trên khắp các khu vực công nghiệp, cấm mọi người rời khỏi nhà của họ, thậm chí cả việc mua thực phẩm. Hàng trăm nghìn công nhân đã chuyển đến ở lại trong các nhà máy, thông qua một sự sắp xếp được gọi là “ba tại chỗ”, theo đó các công nhân ngủ, làm việc và ăn ngay tại nhà máy của mình. Tính đến tháng 10, chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã có khoảng 300.000 công nhân làm việc theo kiểu này.

    Đối với những công nhân của các nhà máy phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, không có giải pháp thay thế nào, ngoại trừ việc phải tạm trú trong những căn phòng cho thuê của họ, giữa tình trạng như ở chốn lao tù. Họ không thể kiếm sống, nhưng lại bị ngăn cản trở về nhà với gia đình của mình. Nguyễn Phương Tú, một thành viên nghiên cứu tại Đại học Adelaide chuyên về quyền lao động của công nhân nhà máy, cho biết:

    “Hầu hết họ sẽ cố gắng chuyển tiền tiết kiệm về cho các thành viên trong gia đình ở quê nhà, vì vậy số tiền tiết kiệm mà họ dành cho bản thân không còn được bao nhiêu”. Mặc dù đã có một số hỗ trợ của chính phủ nhưng vẫn chưa đủ.

    Khi các hạn chế di chuyển được dỡ bỏ vào đầu tháng 10, nhiều công nhân quyết định rằng họ chịu đựng như vậy đã là quá đủ và nhất loạt quyết rời khỏi các khu công nghiệp ngay lập tức. Những chiếc xe máy quấn đầy túi ni-lông chất đầy đồ đạc tràn ra đường. Theo truyền thông nhà nước cho biết, có tới 90.000 người đã rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh để về các tỉnh trong ngày cuối tuần đầu tiên của lệnh dỡ bỏ phong tỏa.

    Trần Thị Lan (*) là một trong số 300.000 người, được báo cáo thống kê, đã rời Bình Dương, một phần của trung tâm sản xuất hàng may mặc ở miền Nam. Khu vực cô ở là trung tâm của đợt bùng phát COVID-19 và cô đã trải qua bốn tháng bị phong tỏa.

    Cuối cùng, cô đã bị nhiễm COVID-19.

    “Tôi biết rằng sẽ đến lượt mình bị nhiễm bệnh. Cứ hai tuần một lần, mọi người phải xét nghiệm và các phòng trọ có người nhiễm bệnh ngày càng nhiều,” cô kể ngay sau khi trở về nhà.

    Thông thường, mức lương cơ bản hàng tháng của cô khoảng 4,8 triệu đồng (210 đô la Mỹ) trong giai đoạn thử việc. Sẽ nhận được thêm 20.000 đồng mỗi giờ làm thêm và 300.000 đồng tiền ăn. Theo Lan, với mức độ căng thẳng mệt mỏi của công việc thì mức thu nhập đó là không nhiều. Trong khi công ty phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa, cô không được sự hỗ trợ nào.

    Thay vào đó, cô dựa vào các gói thực phẩm từ thiện. Cô nhận được 800.000 đồng từ quỹ cứu trợ và chủ nhà đã giúp đỡ bằng cách giảm một nửa tiền thuê nhà.

    Cuộc khủng hoảng đã làm rõ hơn tính dễ bị tổn thương trong cuộc sống của người lao động nhập cư và sự cần thiết của việc chính phủ phải bảo vệ đời sống cho họ tốt hơn, Tú nhận định. Công việc của họ được trả mức lương thấp và bấp bênh. Trước đó, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được cho biết chỉ đơn giản là đóng cửa, mà không có chuyện trả lương cho người lao động hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội.

    Quyền tiếp cận các dịch vụ công cũng gắn liền với địa chỉ đăng ký cư trú của một người tại tỉnh quê nhà của họ, có nghĩa là họ không thể tiếp cận các dịch vụ chính như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em hoặc giáo dục trẻ em khi làm việc ở các khu vực công nghiệp.

    “Tôi nghĩ rằng tầm quan trọng về đời sống kinh tế của những người lao động này đã bị đánh giá thấp,” Tú nói. “Mặc dù chúng ta biết Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên sức hấp dẫn của chi phí lao động thấp và nguồn cung lao động dồi dào”.

    Các nhà máy hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động đáng kể do quá nhiều công nhân đã nghỉ việc. Nhiều người dự kiến sẽ ở nhà với gia đình của họ ít nhất cho đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

    Jana Gold ước tính rằng, trong số các nhà cung cấp đối tác của mình, có 60 đến 70% công nhân đã quay trở lại công việc của họ.

    “Trong những thời điểm bình thường, [các nhà cung cấp] có thể xoay sở được, nhưng với sự gia tăng nhu cầu hàng hóa ngay bây giờ, nó chỉ làm vấn đề phức tạp hơn,” cô cho biết.

    Ngoài ra còn có các đợt bùng phát COVID-19 lẻ tẻ, liên tục, dẫn đến việc ngừng hoạt động tạm thời. Trên hết, các nhà sản xuất và hãng kinh doanh phải đối mặt với sự gián đoạn liên tục đối với việc cung cấp nguyên liệu thô và khâu vận chuyển.

    Mohamed Faiz Nagutha, Chuyên gia kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities ở Singapore, cho biết sản lượng sẽ khó có thể trở lại mức bình thường cho đến cuối quý đầu tiên của năm sau.

    Theo Jana Gold, cuộc khủng hoảng đã khiến một số nhà bán lẻ phải suy nghĩ lại về cách họ cân bằng giữa việc có một chuỗi cung ứng có hiệu quả và chuỗi cung ứng ít bị bấp bênh hơn. Những một số khác lại đang áp dụng cách tiếp cận có chọn lọc hơn trong việc mua hàng và giảm khuyến mãi hơn, từ đó đòi hỏi phải bán sản phẩm với số lượng lớn hơn nhiều để có được cùng một mức doanh thu.

    Tuy nhiên, Tú hoài nghi liệu cuộc khủng hoảng có mang lại quyền lợi lớn hơn cho người lao động hay không. Một số ông chủ đã đề nghị trả lương cao hơn để lôi kéo người lao động trở lại nhà máy, nhưng những đặc quyền này có thể chỉ là tạm thời, bà nói thêm rằng chính quyền địa phương cần phải thay đổi chính sách cụ thể.

    “Tôi sẽ thận trọng khi nói rằng khả năng thương lượng của người lao động đã tăng lên trong khoảng thời gian cụ thể này,” bà nhận xét.

    Thay vào đó, bà lo ngại rằng áp lực lên những công nhân ở lại các khu công nghiệp có thể tăng lên, khi các nhà máy phải đối mặt với nhiệm vụ khổng lồ là vượt qua nhiều tháng sản xuất bị đình trệ. Chính phủ đã đề xuất nâng giới hạn thời gian làm thêm hàng năm từ 200 giờ lên 300 giờ để thúc đẩy sự phục hồi của ngành từ COVID-19.

    Hiện tại, nhiều công nhân đã bỏ phiếu bằng chân.

    “Khi mắc kẹt bên trong phòng trọ, tôi thực sự sợ bị lây bệnh, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”, Lan tâm sự. “Cùng với nó, tiền mặt của tôi cũng cạn kiệt. Tôi sợ hãi với ý nghĩ rằng tôi có thể sẽ không được gặp gia đình một lần nữa”.

    (*) Tên của các công nhân trong bài báo này đã được thay đổi để đảm bảo tính ẩn danh.