Con quỳ lạy Mẹ! Con đi…!

    0
    425
    Đàm Ngọc Tuyên và Mẹ
    Đàm Ngọc Tuyên

    Mỗi lần trở về thăm quê, rồi ra đi, tôi không bao giờ cho Mẹ tôi tiễn tôi một đoạn đường, bởi giản đơn, tôi ngại bà nhìn thấy tôi khóc, hơn nữa Mẹ tôi cũng khóc. Tôi buồn nhất cảnh “Mẹ tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình Mẹ đội cả trời nắng to…, làng tôi quanh co, quanh co, quanh co, có sợi rơm khô…”!

    Nên thường thì, khi tôi rời nhà xa quê, Mẹ tôi chỉ tựa cửa nhìn con mình khuất dần trong tầm mắt. Đó cũng là lúc, những giọt nước mắt tôi lăn dài trên má! Trong sâu thẳm tình cảm của người Mẹ, bà hiểu rằng, con trai bà cũng có những thói hư tật xấu, nhưng bà luôn hãnh diện về tôi. Dù rằng con trai bà đã ở vào tuổi “bước qua cái dốc bên kia cuộc đời” mà vẫn cứ lang bạt, rày đây mai đó, ăn cơm “nhân dân”.

    Mỗi khi tôi rời nhà ra đi, Mẹ nói rằng:

    – Tao đẻ mày ra, tao hiểu tính con tao! Tính mày cương trực như Ba mày! Cả đời ổng nghèo khổ, nhưng tao luôn ủng hộ những điều ổng làm! Nên con hãy làm những điều gì đừng hại người, làm những điều lương tri con mách bảo! Ra đường một điều nhịn chín điều lành, mọi việc cẩn thận, giữ gìn sức khỏe nghe con!

    Nghe bà nói, tôi gạt phắt ngay, chỉ để trấn an bà, nhưng tôi lén quay mặt đi để bà không thấy tôi đang khóc;

    – Má cứ lo xa! Bao năm rồi con xa nhà! Con biết tự lo liệu mà! Má ở nhà đừng ham công việc,…!

    Mẹ tôi năm nay đã ngoài 60 rồi! Bà sinh ra trong một gia đình tiểu địa chủ! Thời con gái, nhan sắc bà mặn mà xinh đẹp, khiến bao anh trai làng đem trầu cau dạm hỏi, nhưng bà từ chối, dù ông ngoại tôi “cũng ham giàu”! Khi bà chọn Ba tôi, một quân nhân “ngụy”, mồ côi cha mẹ, lí lịch tù CS, nghèo rớt mồng tơi, đã khiến ông ngoại tôi nổi trận lôi đình! Nhưng rồi thấy con gái mình quyết lấy anh lính “ngụy”, ông tôi cũng chỉ biết thở dài!

    Mẹ tôi kể, bà thương và lấy Ba tôi vì với bà ông là người đức độ, thêm vào đó là những bài thơ ông tặng bà! Một tình yêu đẹp! Tôi xin chép lại một trong những vần thơ Ba tôi viết tặng Mẹ tôi:

    “Cùng nhau giữ vẹn lời nguyền
    Thác ghềnh không thể ngăn thuyền đôi ta
    Nhưng một ngày qua tin đến
    Khiến lòng anh xao xuyến biết là bao
    Bướm kia sắp chọn vườn đào
    Tình yêu anh đã trót trao cho người….!”

    Bài thơ ông viết khá dài, khi hay tin ông ngoại tôi có dự dịnh gả Mẹ tôi cho người khác, giàu có ở một vùng khác. Nhưng không, Mẹ tôi đã kiên định, và ba anh em chúng tôi là kết tinh của tình yêu đầy hương hoa mật ngọt ấy! Bà làm vợ và sắt son, thủy chung với Ba tôi cho đến tận khi Ba tôi rời xa trần thế. Cho đến tận bây giờ, hằng đêm Mẹ tôi vẫn lên lầu, ngồi bên trang thờ và nguyện cầu cho linh hồn ông siêu thoát, miên viễn. Cũng như bà nguyện cầu cho anh em tôi “không thành công cũng thành nhân”, bình an, sức khỏe…!

    Bao năm Mẹ tôi tảo tần buôn bán cùng Ba tôi, lo cho chúng tôi ăn học, dạy dỗ đạo làm Người! Bà cũng nghèo khổ, cần lao, yêu chồng thương con, những đức tính trân quý giống như bao nhiêu người Mẹ Việt khác trên quê hương này.

    Hôm nay, tôi lại rời xa quê, như lời Mẹ nói: – Con hãy đi đi! Hãy làm điều mà lương tri con mách bảo! Đừng quanh quẩn bên Mẹ biết ngày nào khôn! Con xin viết vài dòng, là lời cảm ơn Mẹ luôn yêu thương đứa con trai bất hiếu này!

    Con quỳ lạy Mẹ! Con đi…!

    Quảng Ngãi, 21/6/2018
    Con của Mẹ

    ……….

    THƯA MẸ CON ĐI…!

    Viết thơ cho đời, cho người tình bao bận
    Nhưng con chưa một lần viết tặng Mẹ kính yêu
    Đến hôm nay Mẹ tuổi đã xế chiều
    Vẫn lam lũ, vẫn một đời vất vả

    Tuổi thanh xuân yêu chồng, thương con không mặc cả
    Lặn lội thân cò gánh gạo nuôi con
    Ơn dưỡng dục của Người tựa núi, tựa non
    Dòng sữa Mẹ ngọt ngào, bao la như biển lớn

    Thế nhưng con chưa trả hiếu được chi nhiều
    Còn làm Mẹ thêm lo âu phiền muộn
    Những khi con rời nhà cầu thực phương xa
    Trong tim Mẹ, con trai mình luôn nhỏ dại

    Người muốn chở che cho con yêu mãi mãi
    Giữa cuộc đời bão táp, phong ba
    Như bao lần, con sắp phải đi xa
    Chiều, dáng Mẹ cặm cụi ngoài vườn, hoàng hôn xuống

    Con cúi đầu thưa Mẹ, con đi…!

    (Đăng lại bài viết cũ, bài thơ cũ, nhưng ăm ắp nỗi niềm không mới – người vừa xa quê)