VNTB-Thường Sơn
(VNTB) – Quy mô chiến dịch gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2019 đã được đẩy lên một mức cao hơn so với vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014: đồng thời với việc tung ra một số lượng lớn từ 35 – 80 tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu thương mại dân sự bên cạnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, Trung Quốc đang cấp tốc triển khai cấp tốc thiết lập một căn cứ quân sự hải quân lớn tại Cambodia và nằm sát lãnh thổ Việt Nam.
Hàng đàn tàu cá bọc sắt của Trung Quốc chỉ chực chờ lao vào Bãi Tư Chính
Những thông tin trên, tất nhiên không được cho biết bởi chế độ ‘chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thàng phản động’, mà từ giáo sư người Úc – Carlyle Alan Thayer – công bố trên trang Twitter của ông.
Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ có khoảng một chục tàu. ‘Thế nước đang lên’ của Việt Nam so với Trung Quốc là hoàn toàn chổng ngược…
Đã có thể khớp nối thông tin trên với một phát ngôn công khai gần đây của quan chức bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là Ngô Xuân Lịch về ‘chủ động đánh giá đúng tình hình biên giới Tây Nam’. Theo đó, giới quân sự Việt Nam đang phải cấp tốc điều quân đội và khí tài quân sự nhằm đối phó với ‘mặt trận thứ hai’ của Trung Quốc tại vùng biên giới Campuchia – Việt Nam.
Vào năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 rốt cuộc chỉ là cú răn đe của Bắc Kinh đối với Bộ Chính trị Việt Nam, nhằm mục đích tranh cướp các lô dầu khí ở Biển Đông. Khi đó, Trung Quốc cũng cho nhiều tàu hải cảnh, dân quân biển và tàu thương mại dân sự chạy vòng quanh giàn khoan Hải Dương 981, cùng xịt vòi rồng và đâm va ở mức độ nhẹ với tàu Việt Nam. Khoảng hơn hai tháng sau, trong lúc giới chóp bu Việt Nam vẫn hoàn toàn bất lực về đối sách với Trung Quốc và cũng chẳng dám có hành động mạnh mẽ nào trước Trung Quốc, Bắc Kinh chợt tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước vì ‘đã hoàn thành nhiệm vụ’.
Nhưng vụ Bãi Tư Chính năm 2019 có vẻ không còn ‘đơn giản’ như năm 2014. Cho tới nay, tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ nó vẫn ngự trị ngay trươc mũi hải quân Việt Nam , và tình trạng đó đã kéo dài cả tháng trời, nếu không muốn nói là đã tròn hai tháng kể từ khi Trung Quốc điều tàu gây hấn tại mỏ Lan Đỏ – dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga.
Cũng cho tới nay và rất tương đồng với tinh thần ‘hèn với giặc, ác với dân’ của năm 2014 và tại nhiều thời điểm khác, chính quyền và giới quân sự Việt Nam vẫn ‘rúc mặt’ mà không dám hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc. Vào lần này, kịch bản mà có lẽ được giới chóp bu Việt Nam kỳ vọng nhất là đành chấp nhận một phần hải phận cho tàu Trung Quốc khai triển và thực thi chiến thuật’ vờn tàu’, chờ cho đến khi ‘bạn vàng’ phải tự động rút tàu – chủ yếu do gánh nặng kinh phí.
Nhưng đó chỉ là tính toán chủ quan của những kẻ bất lực. Trong khi đó, chẳng có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ rút tàu hải Dương 8 sau 2 tháng, thậm chí sau 3 tháng ngự trị ở khu vực Bãi Tư Chính.
Và thậm chí cho tới thời điểm này, Trung Quốc còn tạm thời giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế: Hội nghị các bộ trưởng ASEAN vừa diễn ra ở Thái Lan đã chỉ đề cập khá chung chung và ‘quan ngại’ về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ – đối trọng duy nhất của Trung Quốc trên thế giới, cũng là quốc gia đầu tiên và có lẽ duy nhất lên tiếng gián tiếp ủng hộ chính quyền Việt Nam phản đối Trung Quốc can thiệp vào Bãi Tư Chính, đã trở nên dè dặt hẳn về những phát ngôn và hành động tiếp theo, sau khi chứng kiến giới chóp bu Việt Nam vẫn như bị vẹo xương sống trước ‘người dồng chí tốt’.
Trung Quốc đã hờm sẵn thế chiến tranh và chực chờ nổ súng ở Biển Đông.