Bao giờ thì “Quốc khánh – 國罄” ?

    0
    920

     

    Theo lịch thì ngày mai, ngày 2 tháng chín là ngày “quốc khánh 國慶”, tức ngày lễ lớn, vui mừng đất nước “độc lập”.

    Nhưng với sức nặng “nợ công” như hiện nay (khoảng 450 tỉ đô la), mỗi người dân VN, kể cả những đứa trẻ trót sinh ra, đều mang khoảng nợ 4.500 đô la. Điều lo là số nợ này (lời mẹ sinh lời con) ngày càng lớn.

    Thế hệ hiện tại, ngoài rau quả, cá mắm…, thành quả sản xuất của các chính sách “trông cây gì nuôi con gì” từ nhiều thập niên qua, thì chưa làm ra được sản phẩm công nghệ nào ra hồn. Công nhân cả nước hầu hết đều làm mướn cho tài phiệt nước ngoài.
    Tình hình làm ăn như vậy thì đóng góp vào GDP quả là không bao nhiêu. Tay làm hàm nhai, tiền đâu trả nợ ?

    Trong khi chi phí, chỉ tính lương hưu cho bộ sậu sĩ quan quân đội, tướng lãnh, đảng viên cộng sản về hưu, đã ngốn phần lớn ngân sách quốc gia.

    Tất cả “sinh khí” của lãnh đạo Việt Cộng từ hơn 4 thập niên qua là nhờ vào các mỏ dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu và các “quĩ đất”.

    Mà hiện tại các mỏ dầu đang khai thác ngày càng cạn kiệt. Muốn mở các dầu mới phải đi ra ngoài xa, lại gặp TQ hăm dọa. Vụ giàn khoan Repsol khoan trên lô 136-03 bị dọa “mầy không rút tao đánh” vài tuần trước là thí dụ điển hình.

    Còn các “quĩ đất” thì rõ ràng trở thành con dao hai lưỡi. Chính sách “làm giàu theo đường tắt” qua việc “thổi phồng” giá địa ốc thực ra đã làm cho một số nông dân, ngày trước ngày sau, trở thành triệu phú. Nhiều ông nông dân bán ruộng ôm được cục đô la tiền triệu. Việc này cũng giúp cho tầng lớp cán bộ đảng viên “có cơ hội làm giàu lớn”. Vì vậy mới có khẩu hiệu “đảng viên phải biết làm giàu”.

    Vấn đề là ông nông dân, hay cán bộ đảng viên (xuất thân từ dép râu nón cối ở trong rừng), khi có cục tiền (bạc triệu đô la) trong tay, thì ngoài việc nhậu nhẹt và chơi gái cho đã đời, tới khi hết tiền. Chớ bọn họ biết cái gì mà “kinh doanh” với “làm kinh tế” ?
    Rốt cục chính sách “làm giàu tắt bằng địa ốc” đã đưa đất nước vào tình trạng vật giá đắt đỏ kinh hồn. Ngoài kinh doanh bằng “vốn tự có”, qua các hình thức “thi hoa hậu”, “tuyển lựa hoa khôi”, du hí… là “thịnh”. Các thứ khác “điêu tàn”. Trong khi lương công nhân (ở các xí nghiệp nước ngoài) một tháng không đủ trả chầu nhậu.

    Nhưng cuộc “vui” sắp tàn. Dầu khí đã hút cạn kiệt trong lúc giá cả trên thế giới sụt thê thảm. Còn “bong bóng” địa ốc, các đại gia chổng đít thổi, cách nào thì nó cũng phải xì.

    Khi cuộc vui “tàn” thì “Quốc khánh 國慶” trở thành “Quốc khánh – 國罄”.

    “Khánh罄” ở đây tĩnh từ, có nghĩa hết nhẵn. Chữ “khánh” ghép với chữ “tận” (khánh tận) có nghĩa là “không còn gì cả”.

    Người ta thường nghe một đại gia bị “khánh tận”, khi đại gia này tuyên bố “phá sản”, tất cả tài sản bị “tịch biên” để trả nợ cho người ta.

    “Quốc khánh-國罄” ở đây có nghĩa là một quốc gia khánh tận, không có tiền trả nợ, phá sản.

    Hiện tượng báo trước về một đất nước sắp “phá sản” có nhiều, mà dấu hiệu rõ rệt nhất là sự “rã đàn” của dân tộc.

    Lịch sử thế giới người ta thường thấy các phong trào di dân to lớn. Dân chúng từ vùng lãnh thổ (bất ổn) này di chuyển sang một vùng lãnh thổ khác bình yên hơn. Chỉ nói các hiện tượng gần đây nhất, những cuộc di dân lớn lao hiện nay đều đến từ các quốc gia đang sụp đổ, như Irak, Syrie, Libye… Việc này đã làm xáo trộn địa chính trị trong khu vực Châu Âu.

    Người ta cũng thấy một hiện tượng di dân khác, ở mức độ nhỏ hơn, di dân về lý do kinh tế. Một vùng đất (quốc gia) trù phú luôn thu hút dân chúng ở các nơi hội tụ về đó. Nước Mỹ và các nước tiên tiến Tâu u là những thí dụ điển hình như các trung tâm trù phú thu hút di dân về lý do kinh tế. Dân chúng các nước Nam Mỹ có khuynh hướng di về phía Bắc Mỹ. Dân các khu vực Châu Phi, Đông Âu… thì có khuynh hướng di về Tây Âu (Đức, Pháp, Anh…)

    Dân tộc VN không có thói quen “di dân” sang sinh sống ở một nước khác (có khác biệt về văn hóa, tiếng nói…), ngay cả lúc bị chiến tranh tàn phá hay bị nạn đói.

    Trong suốt một thời kỳ lịch sử hơn 1 ngàn năm, dân tộc VN không bỏ nước đi đâu hết.

    Cho đến sau 1975, dân tộc VN đã thay đổi.

    Bằng nhiều phương cách khác nhau, một số đông đảo người Việt đã (thành công) bỏ nước ra ngoài sinh sống. Nếu không có rào cản từ các nước, con số người dân tình nguyện di dân sẽ vô cùng lớn.

    Nguyện vọng của mọi người VN hiện nay là gì ?

    Câu trả lời (chắc chắn) là được ra nước ngoài (nước Mỹ) sinh sống.

    Người VN hiện nay ngày càng cảm thấy khó khăn để sinh sống trên đất nước của mình.

    Đe dọa “quốc khánh” càng rõ rệt hơn, dân tộc VN sẽ phân rã nhanh hơn, nếu các nước chung quanh VN trở thành những trung tâm trù phú, thu hút di dân.

    “Quốc khánh” vì vậy có hai nghĩa. Ngày đất nước mừng vui hay là ngày “quốc gia khánh tận”, phá sản.

    Người dân không còn tha thiết với đất nước mình. Phải giải thể quốc gia.