Báo CAND phản bác báo cáo “Việt Nam đàn áp người lưu vong” của Freedom House

0
17

RFA

Mạng báo Công an Nhân dân online, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam hôm 6 tháng 6 nói “Báo cáo bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong” của tổ chức Freedom House chứa nhiều thông tin bịa đặt về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Trong bài “Freedom House lại xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam,” tác giả Anh Tú cho rằng tổ chức này có mục đích ủng hộ sự tiến bộ và thúc đẩy, mở rộng tự do, dân chủ trên toàn thế giới nhưng lại “đưa thông tin sai lệch thực tế về Việt Nam và mang động cơ tiêu cực về chính trị.”

Bài viết nằm trong chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” quy kết tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ “bắt tay với các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng các cá nhân, tổ chức nước ngoài có định kiến với Việt Nam để tiến hành phỏng vấn, thu thập thông tin, từ đó vu khống Việt Nam xâm phạm các quyền tự do, dân chủ.”

Freedom House nói không nhắm mục tiêu Việt Nam

Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 2/6, Freedom House nói Việt Nam là một trong số quốc gia thực hiện đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương bằng các hình thức như đe dọa giết và đánh đập người hoạt động ngay cả khi họ đang sống lưu vong ở nước ngoài, tấn công mạng của tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ở nước ngoài v.v…

Khi được phóng viên Đài Á Châu Tự Do đề nghị bình luận về nội dung bài viết của báo Công an Nhân dân, Elizabeth Rosen  – Giám đốc truyền thông của Freedom House cho hay qua email rằng, bà đã nói chuyện với nhóm tác giả của báo cáo và được họ cho biết là đã thu thập thông tin về việc đàn áp xuyên biên giới dựa vào phương pháp nghiên cứu vốn được áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Theo thông tin về dự án được công bố công khai trên trang chủ của tổ chức phi chính phủ này, các tác giả kết hợp phân tích các chính sách của chín quốc gia trong đó có Việt Nam, phỏng vấn những người nhập cư bị nhắm mục tiêu bởi đàn áp xuyên quốc gia đang cư trú tại Hoa Kỳ, phỏng vấn nhân viên tại các công ty công nghệ và dữ liệu về 735 vụ trấn áp vật lý, trực tiếp xuyên quốc gia xảy ra từ năm 2014 đến năm 2021.

Trong khoảng thời gian 16 tháng, họ đã phát triển một phương pháp luận ban đầu để đánh giá các phản ứng chính sách đối với đàn áp xuyên quốc gia, được đào tạo và hợp tác với 19 nhà phân tích trong nước để thu thập dữ liệu và tổ chức hai bàn tròn để xem xét và tinh chỉnh các phát hiện và khuyến nghị của mình. 

Quy kết những nhân vật, tổ chức được đề cập là “phản động”, “Việt Tân”

Nhằm biện hộ cho việc tấn công mạng đối với tổ chức dân sự Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại (VOICE) và đàn áp cựu nhân viên hay tình nguyện viên của tổ chức này, tác giả của bài viết trên báo của ngành công an nói rằng VOICE là tổ chức “phản động ngoại vi của Việt Tân”, điều mà tổ chức xã hội dân sự này nhiều lần phủ nhận.

Ảnh minh họa: Những người Việt ở Hoa Kỳ biểu tình chống Thủ tướng Phạm Minh Chính trước Nhà Trắng hôm 12/5/2022

Trong báo cáo, Freedom House đề cập đến trường hợp của mục sư A Ga, một người Thượng Tây Nguyên đang tị nạn ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn nhận được tin nhắn đe dọa qua Facebook mà ông nghi ngờ là từ quan chức Việt Nam, trong đó đề cập đến khả năng bắt cóc ông như trường hợp ở Berlin. 

Tác giả Anh Tú mặc nhiên cho rằng nhóm đạo Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên mà mục sư A Ga thành lập năm 2020 là tổ chức phản động động đội lốt tôn giáo để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.”

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đài – người đang tị nạn chính trị tại Đức khẳng định báo cáo của Freedom House là hoàn toàn khách quan. Ông lý giải:

Ngày nay, cho dù người bất đồng chính kiến ở Hà Nội, Sài Gòn, London, Paris, hay ở Washington D.C- bất kỳ nơi nào trên thế giới, nếu sử dụng tốt truyền thông xã hội thì hoàn toàn có thể đấu tranh như ở trong nước. 

Do vậy, người bất đồng chính kiến không chỉ nguy hiểm đối với chế độ khi còn ở trong nước mà khi họ ở ngoài rồi họ vẫn còn nguy hiểm bởi vậy chế độ độc tài ở Việt Nam tìm mọi cách đe doạ uy hiếp h…”

Cũng theo người khởi xướng thành lập Hội Anh em dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự không được Hà Nội công nhận, thì bản thân ông và chủ bút của tờ thoibao.de là nhà báo Lê Trung Khoa thường xuyên nhận được sự đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp từ những người mà ông nghi ngờ là lực lượng an ninh trá hình hay những đặc tình của an ninh Việt Nam.

Do vậy, cảnh sát Đức phải đưa nhân viên đến gần tư gia và nơi làm việc của hai ông để bảo đảm an toàn, đặc biệt là trong những dịp có phái đoàn Việt Nam sang Châu Âu.

Hành động đàn áp xuyên quốc gia của Việt Nam là nghiêm trọng”

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trong email trả lời phỏng vấn của chúng tôi khẳng định “trong việc đàn áp ​​xuyên quốc gia đối với những người bất đồng chính kiến thì chính phủ Việt Nam là một trong những chính phủ tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.”

Nhắc lại, hai trường hợp chính quyền Việt Nam dùng mật vụ để bắt cóc và cưỡng bức người bất đồng chính kiến hay quan chức tham nhũng về nước ở Thái Lan và Đức, ông Phil Robertson cho rằng, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền ở nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với các mối đe dọa.

“Hà Nội cũng đối xử khinh thường người gốc Việt ở các nước khác, hoàn toàn coi thường nghĩa vụ quốc tế – như trường hợp của Châu Văn Khảm đến từ Úc, người đã bị bỏ tù hơn 3 năm vì chỉ thực hiện quyền của mình, và nhiều công dân từ Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu. 

Việc Việt Nam sử dụng Internet để đe dọa những người đăng nội dung trực tuyến chỉ trích chính phủ Việt Nam cũng cho thấy thái độ ‘bất chấp pháp luật’ của nhà chức trách khi cố gắng dẹp bỏ bất đồng chính kiến.  

Chúng tôi cũng đã chứng kiến ​​Việt Nam gây áp lực thành công cho các nước láng giềng, như Thái Lan, đóng cửa các cuộc họp báo ở Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan và các nơi khác vì chỉ trích hồ sơ nhân quyền kém ci ca chính phủ Việt Nam. 

Hành động đàn áp xuyên quốc gia của Việt Nam là nghiêm trọng và không thể chấp nhận được và các chính phủ trên toàn thế giới nên khiến Hà Nội phải trả giá đắt cho những hành vi này, bao gồm cả việc bảo trợ một nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhằm kêu gọi Việt Nam và thúc giục trong các cuộc thảo luận song phương với Việt Nam để buộc Việt Nam ngay lập tức dừng những hành động này,” chuyên gia của Human Rights Watch nói trong email 

Ngay sau khi Freedom House công bố báo cáo, chúng tôi có liên lạc bằng email với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỏi phản ứng của hai cơ quan này về báo cáo của Freedom House. Tuy nhiên, cho đến nay, đài vẫn chưa nhận được phản hồi của hai cơ quan này.

Trong khi Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra phản bác chính thức về báo cáo của Freedom House thì báo Công an Nhân dân viết tổ chức nhân quyền này lợi dụng danh nghĩa thúc đẩy tự do, dân chủ để tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam” và khẳng định đây là hoạt động lợi dụng dân chủ, vi phạm quy định của pháp luật quốc tế, xâm phạm trực tiếđến quyền, lợi ích của nhân dân Việt Nam.”