Bàn về đọc sách

2
146
Hình dưới đây chụp vào tháng 9/2008, hơn 8 năm từ khi tốt nghiệp Tulane Law School ở New Orleans, nhân chuyến trở lại thăm trường luật cũ sau khi dự hội nghị với các đồng nghiệp của hiệp hội luật sư quốc tế Lawyers Associated Worldwide (LAW).
Có thể nói trong cuộc đời mình kể từ năm 7 tuổi đến nay, tôi đọc rất nhiều sách. Cho đến khi internet phát triển, Việt Nam thời ấy không có gì đọc ngoài sách giấy. Vì vậy tôi vẫn giữ thói quen đọc sách giấy dù ngày nay đã có nhiều phương tiện khác.
Lúc học Trường Đại học Luật Hà Nội, tiếng là sinh viên luật nhưng thời kỳ 1985-1989 chả có sách luật nào được ấn hành rộng rãi để đọc và tham khảo, ngoại trừ các tác phẩm chẳng liên quan gì đến luật khoa của Marx, Engel và Lenin.
Do vậy, thời đó tôi cứ la cà các hiệu sách cũ ở Sài Gòn mua sách giáo khoa của Luật khoa Đại học đường Sài Gòn trước 1975 để nghiên cứu và học hỏi. Đọc tới đọc lui đến mức thuộc lòng.
Nhân tiện nhắc lại, năm ngoái đọc “sách luật” của “tiến sĩ sử học” Huỳnh Công Bá, trong đó sao chép hầu như nguyên văn các giáo sư luật trước 1975, tôi đã dễ dàng phát hiện ra câu nào, dòng nào sao chép của tác giả nào trong sách nào ngay lập tức (kể cũng xui xẻo cho ông Bá!)
Năm 1989 ra trường đi làm ở Phòng Công chứng TPHCM, vớ được kho sách của Phòng Chưởng khế Sài Gòn trước 1975, tôi lại ngấu nghiến đọc để học, vừa tiếng Việt, vừa tiếng Pháp.
Đến năm 1995 vào hãng luật Coudert Brothers của Mỹ làm việc, tôi bắt đầu chuyển sang đọc sách luật bằng tiếng Anh do thư viện của hãng luật khá phong phú, và cũng vì nhu cầu công việc.
Tuy nhiên, thời gian đọc nhiều sách nhất trong đời tôi chính là lúc ở tù gần 4 năm. Khi đó, tôi quá rảnh rỗi nên dành toàn thời gian để đọc sách, nhờ đó phát hiện ra việc đọc đi đọc lại một quyển sách triết học ít nhất 3 lần giúp ta thấu hiểu hơn tư tưởng và thông điệp của tác giả. Điều này tôi vẫn áp dụng đến nay.
Hơn 10 năm sau khi ra tù, thú thật chưa bao giờ tôi đọc hết hẳn một quyển sách nào, bởi lẽ lối đọc của tôi ngày nay đã khác trước, chỉ chú trọng ở phần nào giúp ích cho việc khảo cứu và viết sách của mình mà thôi.
Dù vẫn giữ thói quen đọc đi đọc lại phần mình quan tâm rất nhiều lần, thực sự tôi không thấy cần thiết phải đọc hết toàn bộ quyển sách khi chưa cần đến những phần khác của nó.
Việc đọc sách, do vậy, luôn khác đi trong từng giai đoạn cuộc đời của mỗi người, tùy theo nhu cầu công việc, tìm hiểu, thậm chí giải trí của riêng họ.
Tóm lại, đừng nên áp đặt thói quen, nhu cầu và khả năng đọc sách của mình cho người khác. Thay vì công kích cô hoa hậu bộc trực việc mình không đọc hết một quyển sách trong một năm bao giờ, tôi thấy cuộc sống của cô ấy khác mình thôi.
Mỗi người hẳn nhiên có thói quen, nhu cầu và khả năng đọc sách hoàn toàn khác nhau. Trong những người công kích cô gái ấy, chắc gì có ai đọc sách nhiều hơn tôi cho đến nay? Đó là chưa nói, đọc sách là một lẽ, lĩnh hội tư tưởng và thông điệp từ một quyển sách lại là lẽ khác đấy thưa quý ông, quý bà cao đạo ạ!
PS: Hình dưới đây chụp vào tháng 9/2008, hơn 8 năm từ khi tốt nghiệp Tulane Law School ở New Orleans, nhân chuyến trở lại thăm trường luật cũ sau khi dự hội nghị với các đồng nghiệp của hiệp hội luật sư quốc tế Lawyers Associated Worldwide (LAW).

2 COMMENTS

  1. Usually I do not read article on blogs however I would like to say that this writeup very compelled me to take a look at and do so Your writing taste has been amazed me Thanks quite nice post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here