Báo Tiếng Dân
Tin trong nước
Tin Biển Đông
Có lẽ đã thấm đòn xảo quyệt của Bắc Kinh, nên “Washington đánh ván bài thách thức tại Biển Đông“. Bài phân tích trên RFI cho rằng, sau tuần trăng mật ngắn ngủi, khi ông Trump tiếp ông Tập Cận Bình hồi tháng 4/2017, Trung Quốc hứa sẽ tỏ thái độ rõ ràng trên hồ sơ Bắc Hàn.
Nhưng chờ hoài mà không thấy Trung Quốc thực hiện lời hứa, “Washington đã đưa ra một loạt biện pháp gây bất bình cho Bắc Kinh”, như bật đèn xanh bán cho Đài Loan 1,4 tỷ đô la vũ khí, thông báo trừng phạt ngân hàng Dandong của Trung Quốc, cáo buộc ngân hàng này vi phạm nghị quyết LHQ cấm vận Bắc Hàn, kêu gọi TQ tôn trọng quyền tự do của người dân Hồng Kông… Và cho khu trục hạm USS Stethem tiến sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, nơi TQ tuyên bố chủ quyền, là hành động thách thức mới nhất của Mỹ đối với TQ:
Hiện vẫn chưa thấy Bộ Ngoại giao VN lên tiếng phản đối hay ủng hộ Mỹ về Biển Đông, mà chỉ có dòng tin ngắn ngủn chúc mừng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cho rằng, Nhà nước CSVN đã nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của VN. Ông viết: “Sự im lặng của VN, trước một sự việc đòi hỏi nhà nước phải có thái độ, được tập quán quốc tế xem như là sự ‘động thuận ám thị’. Nhà nước VN đã mặc thị nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của VN“.
Lời nói như lên đồng của một “đế vương”, nói năm 2011: “Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói biển Đông không phải chỉ quan hệ ta với Trung Quốc. Nói biển Đông không phải toàn bộ vấn đề biển Đông…”, đến nay sau 6 năm, mới có người hiểu nổi.
Với tựa đề tinh tế “Các nước nhập cát mở rộng lãnh thổ, Việt Nam đổ bán rẻ mạt, có lẽ báo VietNamNet muốn ám chỉ, trong khi Trung Quốc đang ồ ạt khai thác cát để xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, thì Việt Nam lại đi “đổ bán rẻ mạt“. Tựa đề này suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: “Nói biển Đông không phải chỉ là biển Đông. Nói Biển Đông là phải nói đến… mở rộng lãnh thổ của láng giềng”. Hu hu…
Cái quái gì nữa đây? Trong một status trên Facebook, ông Chu Mộng Long, đặt câu hỏi: “Huế, Đà Nẵng thuộc Đại Nam Hải?” và cho biết tin như sau:
“Nguồn tin từ cảng Chân Mây (Huế): Sáng nay ‘tàu lạ’ cập cảng Chân Mây cùng nhiều tàu nước ngoài khác. Đây là tàu du lịch 5 sao, đem theo 3100 khách và 1100 thủy thủ. Con tàu này có nhiệm vụ đón một gia đình Trung Quốc sang tham quan Việt Nam.
Sự việc không lạ nếu nhân viên “tàu lạ” kia không căng băng rôn hiên ngang với dòng chữ: “Công ty YANDI Việt Nam chào mừng gia đình YANDI đến với Đại Nam Hải”.
Khi bị nhân viên hải quan hỏi dòng chữ kia có ý nghĩa gì, sao lại đến với Đại Nam Hải? Nhân viên Yandi giải thích “Huế, Đà Nẵng trực thuộc Đại Nam Hải của Trung Quốc.”???
Được biết công ty Yandi là một doanh nghiệp sinh học công nghệ do Thượng Hải đầu tư từ 2005 tại Việt Nam.
Con tàu của Yandi cập cảng Huế được xem như là cập cảng Đại Nam Hải? Hiện cái băng rôn kia đã bị thu giữ và cơ quan chức năng đang làm việc với các nhân viên Yandi để làm rõ sự vụ”.
Ảnh: FB Chu Mộng Long
Về nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Tác giả TS Vũ Ngọc Hoàng, cựu Phó ban tuyên giáo TW có bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo 6/2017, nhà báo Kim Dung đăng lại, có thể gây sốc với nhiều người. Ông cho rằng: “Vận động là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là một sự vận động, do vậy, nó cũng là tất yếu khách quan“.
Ối, Tạp chí Tuyên giáo mà dám đăng những lời này sao: “Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người. Mà toàn trị là thứ chống lại tự do – giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với CNXH. CNXH phải là dân chủ và tự do, chứ không phải là toàn trị“.
Và đây nữa: “Thỉnh thoảng tôi thấy có bài viết hoặc nói nhân danh bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ, nhưng toàn đi ‘trên mây’, tung hô ca ngợi thành tích một chiều và cường điệu, hô vang các khẩu hiệu. Kiểu ấy chẳng những không thuyết phục được ai mà còn làm người ta chán, thậm chí nguy hiểm hơn nữa là vô tình “đẩy” đến sụp đổ khi mà tình thế đang đứng trước một bờ vực”.
Ban tuyên giáo đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hay ông Vũ Ngọc Hoàng đang thực hiện nhiệm vụ làm con chim mồi để nhử những người có tư tưởng “phản động” trong đảng?
Vụ xử Blogger Mẹ Nấm
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có bài viết trên facebook: Đứa con nào cũng cần có mẹ. Cô viết, “Là mẹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không được ở gần, chăm sóc con. Là con, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng không được hưởng sự thăm nuôi, chăm sóc của mẹ mình“. Nhưng có thể chưa hẳn đúng với nhiều kẻ liên quan tới vụ án này. Sau phiên xử cô Quỳnh với cái án 10 năm, biết đâu có những đứa con, khi biết sự thật, sẽ không cần những ông bố bà mẹ đã đẩy Mẹ Nấm vào tù như thế.
Nói chuyện trên Facebook, bé Nấm, con gái lớn của blogger Mẹ Nấm nói: “Con xin các cô chú ông bà trên Facebook, hãy cầu nguyện để giúp gia đình con được đoàn tụ, để có thể giúp con được gặp mẹ con“.
Một bài viết đăng trên trang Trí thức VN, có tựa đề: Hai phiên tòa im lặng, so sánh phiên tòa xử Mẹ Nấm với phiên tòa xử cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Bài báo kết luận: “Hai phiên tòa im lặng – với một bên bị cáo phải sử dụng quyền im lặng để tự bảo vệ trước cơ quan tố tụng, với một bên là bị cáo và luật sư không có tiếng nói trong phiên xét xử“.
Nhà văn Phạm Đình Trọng có bài thơ ca ngợi Mẹ Nấm: Em là sự thật, đối đầu với sự dối trá của Nhà nước. “Em là Sự Thật/ Em làm hồ sơ về những cái chết bầm dập, chết tức tưởi trong đồn công an/ Em làm hồ sơ Sự Thật về một thời nhà nước đảng trị và xã hội công an trị/ Con đẻ của dân, ăn cơm dân nuôi, mặc áo dân may mà công an như hung thần với dân/ Vì công an chỉ biết còn đảng còn mình/ Sự Thật về một thời đất nước là một nhà tù lớn nhốt chín mươi triệu dân oan“.
Câu hỏi: “Sau Mẹ Nấm là Tuấn Khanh?” khi tên của nhạc sĩ này được nhắc tới trong bản cáo trạng luận tội Mẹ Nấm. Một bằng chứng được sử dụng để buộc tội blogger Mẹ Nấm, là bài hát Biển Đông của nhạc sĩ Tuấn Khanh, sáng tác năm 2011. Cáo trạng cho rằng, bài hát này “mang nội dung kích động nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động“. Kính mời độc giả nghe lại bài hát “phản động” này:
Mạng xã hội – Xã hội dân sự
New York Times, một tờ báo lớn của Mỹ, hôm 2/7 có bài viết được báo Tiếng Dân dịch với tiêu đề: “Nhờ có mạng xã hội, người bất đồng chính kiến VN trở nên dạn dĩ hơn, dù bị đàn áp“.
Bài báo phỏng vấn một số nhà hoạt động nổi tiếng như TS Nguyễn Quang A (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Đà Nẵng), Nguyễn Chí Tuyến (Hà Nội)… Những người này đánh giá cao tác dụng của internet và mạng xã hội mang lại, như việc giúp gắn kết mọi người với nhau, giúp chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn và phơi bày sự thật… bất chấp đe dọa từ chính quyền.
Thể hiện sự trân trọng mà nước Mỹ và thế giới văn minh mang lại cho người dân, các nhà hoạt động nhân quyền thường gửi hoa hàng năm, chúc mừng lễ Độc Lập ở Mỹ, trong đó có những lẵng hoa đến từ chốn lao tù Việt Nam:
Thêm một hành động trấn áp các nhà hoạt động, hôm 3/7, Công an TP Hà Nội đã thông báo ‘bắt bị can để tạm giam’ đối với nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, theo điều 88 BLHS.
Đài RFA cho biết, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của nạn nhân trong vụ bắt giữ mới nhất, đã xác nhận thông tin con mình bị bắt từ ngày 29 tháng 6: “Ngày 3 tháng 7 tôi đến làm việc với Công an Hà Nội thì mới được thông báo Phúc bị tạm giữ”.
Anh Trần Hoàng Phúc là thành viên nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á (YSEALI), do tổng thống Barack Obama thành lập khi ông còn đương chức. Năm ngoái, khi TT Obama đến VN và có một buổi nói chuyện với các thành viên của nhóm này ở Sài Gòn, anh Phúc được mời đến dự, nhưng đã bị an ninh ngăn chặn, không cho tham dự.
Vụ bắt phóng viên Duy Phong và kiểm duyệt báo chí
Báo Pháp luật Thành phố đưa tin, vụ bắt ông Lê Duy Phong, phóng viên báo GDVN là để xem xét xử lý một số PV liên quan. Đao phủ 4 dao, à nhầm, 4T Trương Minh Tuấn, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý một số phóng viên liên quan trong vụ này”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện có hiện tượng các phóng viên liên kết với nhau thành một số nhóm “đánh” doanh nghiệp. Ông nói: “Sáng đăng bài, trưa bắt đầu mời đi nhậu gặp gỡ người ta nhận phong bì, chiều về gỡ bài. Cứ như thế có tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ rồi thành lập những nhóm đánh hội đồng“.
Liên quan đến các trang mạng giả mạo, ông Tuấn cho biết: “Đến nay, theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã gỡ bỏ 106 tài khoản Facebook giả mạo, 1 kênh phản động với 500 clip, 132 tài khoản phản động nói xấu lãnh đạo cấp cao…“. Còn các trang giả mạo lãnh đạo, giả mạo Hội Nhà báo Độc lập như: https://nguyenphutrong.org; https://trandaiquang.org; https://nguyentandung.org; https://vntb.org… bao giờ ông Tuấn mới cho gỡ?
Cũng tin báo chí, theo đài VOV, chắc do sốt ruột vì tình trạng mất kiểm soát và toàn bị hít khói các nhà báo công dân, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo “Tuyên giáo cần phải bám sát tình hình trong nước và quốc tế để chủ động dự báo tình hình“.
Tự do báo chí ở Việt Nam đồng nghĩa với tự kiểm duyệt, nếu không muốn bị kiểm duyệt. Trong một bài viết về vụ cháy tòa nhà Vinhomes Central Park, thuộc tập đoàn Vingroup đầy thế lực, báo chí đã tự/ bị kiểm duyệt, sửa chữ “cháy” thành chữ “khói” trong toàn bộ bài viết trên báo CafeLand.
Lên tiếng về chuyện kiểm duyệt này, TS Đặng Hoàng Giang viết trên Facebook: “Khói, không phải cháy”. Ông viết: “Liệu lực lượng phòng cháy chữa cháy nên được đổi tên / thêm tên thành ‘Phòng khói chữa khói’, đặc biệt khi họ tác nghiệp ở các công trình của Vingroup? Ngoài chữ ‘cháy’ bị cho là phạm huý, và bị đổi thành ‘khói’, sẽ còn những chữ nào nữa?“
Chính phủ – Kinh tế
Sau khi bị báo Tiếng Dân chê là chính phủ thiếu đói, phải đi ăn xin, thì hôm qua, ngày 4/7, TBKTSG đưa tin: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD. Đây tiếp tục là mức cao nhất từ trước tới nay“.
Nhưng đừng có nghĩ là mình đang ở thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhé, chỉ 2.0 thôi, không tin thì đọc bài của TS Vũ Thành Tự Anh nhé. Ông tiến sĩ quan ngại về chuyện Bộ Giao thông Vận tải ra lệnh cấm dịch vụ UberPool và Grabshare, dẫn tới cạnh tranh không công bằng, làm lợi cho hãng taxi truyền thống. Ông viết: “Hô hào CN 4.0 mà thể chế – cả chính thức và phi chính thức – vẫn tắc tị ở 2.0 thì chặng đường quá độ lên 4.0 còn rất gian truân”.
Chia sẻ quan điểm với TS Vũ Thành Tự Anh, nhà báo Mạnh Kim viết: “Trong lịch sử phát triển nhân loại, các cơn lốc thời đại luôn phớt lờ và đôi khi nghiền nát sự trì trệ níu kéo. Nhìn quanh, nhìn ra bên ngoài và nhìn từ chính bên trong, Việt Nam dường như đang bị hoặc tự nghiền nát bởi sự trì độn của cái thể chế quản lý kỳ lạ và ngược ngạo này“.
Còn cựu ĐBQH Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhận định rằng, “Lợi ích của Uber và Grab là không thể chối cãi” và “để tiếp tục tồn tại, taxi truyền thống cũng phải không ngừng đổi mới ý tưởng kinh doanh và áp dụng công nghệ hiện đại. Uber và Grab chưa phải là thách thức lớn nhất ở đây. Thách thức lớn nhất đang chờ là những chiếc xe tự lái đang bắt đầu lăn bánh ngày một nhiều hơn ở khắp nơi trên thế giới“.
Trong khi đó, đương kim ĐBQH kiêm “diễn viên đóng thế”, Dương Lạ này vẫn nhất quyết cho rằng “Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước”. Theo ông Dương Trung Quốc thì vì Grab và Uber “tàng hình” và “tiêu cực” nên dẹp.
Một kinh nghiệm nhỏ cho bà con khi đi taxi hoặc xe ôm: Nếu muốn khách hàng đi đoạn đường ngắn, thì họ sẽ giả vờ là không biết nơi đến, nhưng thật ra là do gần quá, họ không muốn đi. Nếu người nào hào phóng thì nên “boa” cho họ khoảng 40-50%, thậm chí 100%, nhất là khi bắt taxi ở phi trường “tai tiếng” Tân Sơn Nhất, thì sẽ được “đi đến nơi, về đến chốn”.
À đây rồi! Không chỉ báo Tiếng Dân, trang Việt Nam Thời Báo (xịn) chạy dòng tựa “Giây phút cáo chung của nền ngân sách rỗng ruột đang sắp điểm!” Theo phân tích, do ngân sách Chính phủ đang thiếu hụt khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng, nên“cần phải ‘tái cơ cấu’ và do vậy thuế ‘bảo vệ môi trường’ cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới”.
Tin quan trọng về cô con gái rượu của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng: Bà Nguyễn Thanh Phượng không còn là cổ đông lớn của VCSC. Theo báo Vietnam Finance, bà Nguyễn Thanh Phượng chỉ còn sở hữu 5.000.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), do đó, không còn là cổ đông lớn của VCSC nữa.
Giờ mới biết tin này: “Bà [Phượng] từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Tài chính Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam – thuộc Tập đoàn đa quốc gia Thụy Sĩ”. Công ty Holcim có 4 nhà máy, trong đó có một nhà máy đặt tại Hòn Chông, Kiên Giang. Thảo nào!
Sự kiện Đồng Tâm
Theo tin từ báo Tiền Phong, VKSND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã ra cáo trạng, truy tố 14 bị can liên quan đến sai phạm đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức. Các bị can này từng là cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm và của huyện Mỹ Đức “bị truy tố về các tội: ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ theo quy định tại Điều 281 – Bộ luật Hình sự và ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo quy định tại Điều 285 – Bộ luật Hình sự”.
Tin Quốc tế
Bắc Hàn – Thế giới
Báo VnExpress cho biết, đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Liu Jieyi cảnh báo, “khủng hoảng Triều Tiên ‘vượt tầm kiểm soát’,” và rằng cuộc khủng hoảng này là “rất, rất nghiệm trọng“. Trung Quốc là quốc gia bảo trợ chính cho Bắc Hàn, nhưng có vẻ như do quá được nuông chiều, nên Bắc Hàn ngày càng trở nên bất trị.
Ngay sau lời cảnh báo trên, hôm 4/7, đúng ngày Quốc khánh Mỹ, Bắc Hàn đã cho phóng thử tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản. Hãng tin Reuters cho biết, dường như Bắc Hàn sử dụng xe tải Trung Quốc để thực hiện vụ phóng phi đạn này. Theo đài RFI, Hoa Kỳ và Nhật bản ngay lập tức đã lên án hành động của Bắc Hàn.
Bức ảnh phóng tên lửa không ghi ngày, đã được hãng tin KCNA của Bình Nhưỡng đăng tải ngày 4-7-2017. Nguồn: KCNA/ via Reuters.
Hiện chưa thấy Trung Quốc và Nga phản ứng gì, chỉ thấy Nga nói rằng đó chỉ là tên lửa “tầm trung“.
Có cách nào xử lý Bắc Hàn? Bài trên BBC đưa ra 4 phương án: Đàm phán; cô lập kinh tế; quân sự; ám sát lãnh tụ. Và cho rằng việc ám sát “có thể là một cách đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán“. Tuy nhiên làm sao để ám sát được lãnh tụ Bắc Hàn thì không thấy nói.
Nga – Trung Quốc – Mỹ
Ba cường quốc thế giới này không phải hợp tác, mà “Nga – Trung hợp lực đối đầu với Mỹ“. Bài báo được đài RFI đăng tải, cho thấy, ông Tập Cận Bình cùng ông Putin chia sẻ quan ngại đối với hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.
Cũng theo RFI, ông Tập cho rằng “việc triển khai THAAD đang ‘làm rối loạn thế cân bằng chiến lược trong khu vực’ và ‘đe dọa đến lợi ích an ninh của toàn bộ các quốc gia trong vùng, trong đó có Trung Quốc và Nga’.” Và “Đây cũng là lập luận mà hai lãnh đạo Nga-Trung nhắc lại trong cuộc gặp không chính thức ngày 03/07, theo tin của Tân Hoa Xã“.
Về hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong khi ông Mỹ Donald Trump tỏ thái độ cứng rắn, thì “ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin chủ trương nên ‘đối thoại và thương lượng’ với chế độ Bình Nhưỡng“.
Malaysia – Singapore
Theo báo Thanh Niên, “Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hồi cuối tuần thông báo đã nhận được đơn của Malaysia, yêu cầu xem xét lại phán quyết đưa ra ngày 23.8.2008 về chủ quyền đối với đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, dải đá Middle Rocks và dải South Ledge. Những thực thể này nằm gần nhau ở phía đông eo biển Singapore và phía tây Biển Đông. Theo phán quyết, Pedra Branca thuộc chủ quyền của Singapore, Middle Rocks thuộc về Malaysia, còn South Ledge nằm trong lãnh hải quốc gia nào thì thuộc chủ quyền nước đó“.
Nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba
Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba, được chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối, đã được đưa ra khỏi nhà tù và nhập viện. Mới đây, Chính phủ Đức đã hối thúc Trung Quốc cho ông Lưu Hiểu Ba đi ra nước ngoài chữa bệnh. Tuần trước, Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi TQ cho nhà hoạt động nhân quyền này ra nước ngoài chữa bệnh, đáp lại, phía TQ nói Mỹ không nên “can thiệp vào chuyện nội bộ” của TQ.
Một video clip đăng tải trên YouTube cho thấy, có vẻ như tình trạng sức khỏe của ông Lưu Hiểu Ba đã ổn định: