Bác sĩ Đức, Mỹ chấp thuận phương thức chữa trị ung thư cho Lưu Hiểu Ba

0
873
Tư liệu - Lưu Hiểu Ba trả lời phỏng vấn của hãng tin AP tại nhà riêng của ông ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6 tháng 1, 2008.
VOA

Hai bác sĩ từ các nước phương Tây đã đến thăm ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đoạt Giải Nobel Hòa bình, tại một bệnh viện ở Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã chấp thuận phương thức chữa trị cho ông.

Ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù giam vào năm 2009 vì “cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông đối vì nhân quyền căn bản ở Trung Quốc” trước khi được chuyển vào bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương ở vùng đông bắc để điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.

Bệnh viện Số Một Đại học Y khoa Trung Quốc cho biết họ đã mời hai bác sĩ này, một từ Mỹ và một từ Đức, tới để giúp chữa trị cho ông Lưu.

Bệnh viện xác định danh tính của hai bác sĩ này là Joseph Herman từ Trung tâm Ung thư Anderson Anderson ở Mỹ và Markus Buchler từ Đại học Heidelberg ở Đức.

Sau khi xem xét bệnh sử của ông Lưu và bản báo cáo về phương thức chữa trị cho ông, hai bác sĩ, cùng với các chuyên gia Trung Quốc đang chữa trị cho ông Lưu, đã trao đổi về bệnh tình của ông với ông và người nhà của ông.

“Các chuyên gia Mỹ và Đức hoàn toàn chấp thuận hoàn toàn phương thức trị của nhóm chuyên gia trong nước và những gì họ đã làm,” bệnh viện cho biết trong một thông cáo.

Ông Lưu bị cầm tù sau khi bị kết tội “kích động lật đổ quyền hành nhà nước.” Trước đó ông đã viết một thỉnh nguyện thư được gọi là Hiến chương 08 kêu gọi cải tổ dân chủ ở Trung Quốc.

Ông được thả ra trước thời hạn vì lý do y tế để nhập viện vào cuối tháng 6.

Các biện pháp an ninh mới

An ninh tại bệnh viện đã được tăng cường trong vài ngày qua. Một khu trên tầng 23 đã bị chặn lại bằng một vách ngăn. Một phóng viên của VOA tìm cách đi ra đằng sau vách ngăn thị bị những người đàn ông ở phía bên kia vách ngăn chặn lại.

Hai người canh gác thang máy ở tầng 23. Một người đàn ông giao thức ăn cho bệnh nhân không rõ là ai được yêu cầu đợi như người canh gác. Ông ta gọi người nhà bệnh nhân đến nhận thức ăn. Cả người giao thức ăn lẫn người nhà bệnh nhân đều nói với VOA rằng mới có các biện pháp an ninh này và những tầng khác của bệnh viện thì không có.

Trung Quốc từ chối bình luận

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu từ chối bình luận về chuyện chữa trị cho ông Lưu và sự tiếp cận của truyền thông đối với gia đình ông.

Tuy nhiên, ông bày tỏ bất mãn về sự can dự của Liên Hiệp Quốc, sau khi ông Zeid Ra’ad al-Hussein, Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để nói về trường hợp ông Lưu.

“Các quan chức hữu quan của Liên Hiệp Quốc nên tuân thủ nghiêm ngặt những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nên tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cho biết họ rất lo ngại về tin tức cho hay sức khỏe của ông Lưu đang xấu đi.

“Trưởng Cao ủy đã yêu cầu để một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận khẩn cấp Lưu Hiểu Ba và Lưu Hà,” cơ quan này cho biết trong một ghi chú báo cáo. “Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính phủ Trung Quốc đối với yêu cầu này.”