AI LÀ TRÍ THỨC VÀ AI MỚI CÓ THỂ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ ?

0
73
 THÔNG LUẬN
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Dương Thành Tân
Trong những chế độ cộng sản, từ Lênin cho đến Mao Trạch Đông đều miệt thị tầng lớp trí thức và so sánh họ như thứ phóng uế của xã hội. Khi chiếm được chính quyền, hạng người đầu tiên bị trừ khử là tầng lớp trí thức.

Nhưng trí thức là tầng lớp tinh hoa của mọi dân tộc. Những chế độ nào đối xử tệ bạc với hạng người này đều lụn bại. Từ Tần Thủy Hoàng với lệnh đốt sách chôn học trò (phần thư khanh nho) đến chế độ cộng sản Khờ-Me Đỏ ngu xuẩn đã tận diệt đến cả những người đeo kính cận thị, tất cả cũng vì họ thù ghét… trí thức.

Ý nghĩa trí thức trong ngôn ngữ Việt Nam khá mù mờ. Nó khác nhau ở từng thời đại và ở trong sự hiểu biết của từng con người. Trong Thủ Đoạn Chính Trị, một cuốn sách hiếm hoi của Việt Nam bàn luận về chính trị có cắt nghĩa :

Phần tử trí thức gọi nôm na là những người đọc sách.

Tác giả Vũ Tài Lục viết: “… tâm lý rất nhạy ứng với hết thảy thống khổ gây nên bởi sự áp bách của các ác thế lực, đối với sinh họat vật chất cũng như tinh thần. Đọc sách, suy nghĩ và phản ứng đối kháng với mọi ác thế lực đã khiến cho phần tử trí thức mặc nhiên thành một lực lượng chính trị và một giai cấp đặc thù không phân biệt giàu nghèo, sang hèn…”

Xin trở ngược về thời xưa, khi những người biết viết và đọc khá ít. So với số đông mù chữ, trí thức chắc hẳn là người thông thái học xa hiểu rộng. Vì vậy tiếng nói của thành phần trí thức rất có trọng lượng với những thành phần khác. Trở lại thời bây giờ, định nghĩa trí thức là người đọc sách xem ra không được trọn vẹn. Vì phần đông dân chúng đều biết viết và biết đọc.

Tự điển Việt Nam ngày nay giải nghĩa trí thức là người chuyên làm việc, lao động bằng đầu óc. Nhưng định nghĩa như vậy cũng chưa hẳn đúng. Vì hiện nay nhiều ngành nghề sử dụng đầu óc như kế toán, kỹ sư, bác sĩ… nhưng họ vẫn chưa hẳn là trí thức.

Sau khi trừ khử hết tầng lớp trí thức-không-cộng sản, đảng cộng sản Việt Nam tạo dựng một tầng lớp trí thức mới bằng cách đánh đồng bằng cấp với trí thức. Với nhiều học vị rất lạ như là tiến sĩ bảo vệ lý luận chính trị. Và làm mọi cách để chỉ có những người này mới được quyền bàn luận về chính trị. Bàn luận chính trị ở đây chỉ vỏn vẹn là bảo vệ chế độ và lý thuyết cộng sản. Còn những người có bằng cấp về những lĩnh vực khác đều liệt vào hàng chuyên gia, giỏi về một chuyên môn nào đó về khoa học. Rồi thôi.

Vậy Rốt Cuộc Trí Thức Là Ai?

Có lẽ phải vay mượn từ ngữ của thế giới tự do để định nghĩa trí thức:

Trí thức là người dám dấn thân vào xã hội để đấu tranh cho những giá trị mà họ cho là đúng đắn.
(Le mot d’intellectuel est utilisé pour désigner quelqu’un qui s’engage dans la sphère publique pour défendre des valeurs. Wikimédia )

Nếu chấp nhận định nghĩa này thì tầng lớp trí thức Việt Nam quả thật là khá ít. Theo ước lượng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, hiện nay chỉ có trên dưới 10 ngàn người trí thức đấu tranh, đang tìm cách đấu tranh, hay ít nhất thì cũng có nhu cầu tâm lý cần đấu tranh. Tại sao một dân tộc 90 triệu dân mà chỉ có chừng ấy người quan tâm đến xã hội và định mệnh của đất nước?

Xin thưa là vì văn hóa của người Việt Nam. Trong những thói quen , cách sống, tục lệ, kiểu mẫu đạọ đức, phương pháp giáo dục… đã làm dân tộc Việt Nam mất khả năng đề kháng. Họ bị uốn nắn từ nhỏ để xem những chuyện bất công như là chuyện bình thường. Riêng về phương pháp giáo dục, xin kể về một bất công của bản thân.

Ngày xưa, trước cửa nhà tôi có trồng cây cóc vừa mới lớn lơ thơ vài ba lá. Thằng con của người công an khu vực ở đối diện qua hái lá cóc non để ăn mà không thèm xin xỏ ai cả. Tôi kêu dừng lại bằng lời không được nên ném một cục đất vào chân nó để cho nó sợ. Ai dè nó ngu quá, khi cục đất đến gần thì nó ngồi mọp xuống để tránh né. Thế là trúng ngay vào đầu. Vết thương chẳng có gì là trầm trọng nhưng nó khóc ầm ĩ lên. Vì sợ liên lụy, gia đình bắt một mình tôi qua quỳ gối trong nhà nó để xin lỗi.

Ngay trong gia đình, văn hóa Việt nam cho phép cha mẹ đối xử không công bằng với trẻ em. Sự bất công của đảng cộng sản đối với dân chúng chỉ là một sự nối dài của những sự bất công giữa cha mẹ với con cái, thầy cô với học trò, chủ xếp với nhân viên, xã hội đối với công dân… Tóm lại là của người lớn hay có quyền hành đối với trẻ em hay người trong vị trí yếu kém. Chúng ta có thể suy ra rằng :

Sự bất công đã có trước khi cộng sản đến. Và nếu không có ai làm gì, sẽ còn tiếp tục sau khi không còn cộng sản.

Ai không tin thì đây là một trong nhiều bằng chứng :

Sau này tôi được qua bên xứ tự do sinh sống và đi học. Trẻ nhỏ chung đụng với nhau thì thế nào cũng có va chạm. Bị kỳ thị và tự ái dân tộc nổi lên, tôi đã đánh lộn. Về đến nhà, tôi bị đánh còn thê thảm hơn nữa vì theo lời người cầm roi :

Vượt biên qua đây là để đi học để thành tài chứ không phải đi đánh lộn. Còn bị chửi rủa thì ráng nhịn !!!

Sự giáo dục mà nhiều cha mẹ cho là thành đạt gọp lại trong 6 chữ : Học giỏi để có bằng cấp cao. Nếu ai từng sống ở hải ngoại thì cũng sẽ nhận thấy rằng dù được cho phép, vẫn có rất ít người gốc Việt đứng ra ứng cử tham gia vào chính trị tại các quốc gia mà họ sinh sống. Nếu có thì cũng chỉ quanh quẩn trong những nơi có đông cộng đồng người Việt. Người làm chức lớn nhất đến mức bộ trưởng, ông Philipp Rösler, người Đức gốc Việt lại được giáo dục theo kiểu Tây Phương mà cũng chẳng thiết tha gì đến Việt Nam. Làm chính trị là phải đấu tranh, mà đấu tranh lại không phù hợp với văn hóa luồn lách lẫn luồn cúi của người Việt.

Sự Hiểu Biết Chưa Đủ Để Làm Trí Thức.

Làm trí thức, trước hết là một lựa chọn. Sự lựa chọn bảo vệ những giá trị mà họ cho là đúng. Nhưng cái đúng của giới trí thức thường đi ngược với cái đúng của các thế lực cầm quyền. Bởi vậy, không ít thì nhiều, trong mỗi người trí thức có sẵn mầm mống của một người đấu tranh. Dám làm người trí thức cũng là dám chấp nhận bị chống đối. Từ khoa học đến chính trị, từ quân sự đến kinh tế, từ Socrate, Plato, dài dài cho đến Darwin, Freud, Copernic, Tocqueville, Clausewwitz , Kondratiev,…

Một trí lớn hiển nhiên là một nhà đấu tranh lớn.

Trí thức không hẵn phải là một người văn sĩ, nhà báo, luật sư, chuyên gia… vì những nghề nghiệp chỉ giúp cho họ phương tiện để đấu tranh. Thời gian gần đây, nhờ internet, một trí thức cũng không hẳn cần có sẵn học vấn cao siêu. Vì cứ truy cập vào mạng là tiếp cận được đủ thứ hiểu biết. Ăn thua là làm sao để dùng những dữ liệu này để nghiên cứu và tìm giải đáp cho những vấn đề mà người trí thức muốn đấu tranh. Trí thức không dừng lại ở mức hiểu biết. Trí thức là một lối sống.

Trí Thức Chính Trị, Danh Từ Nên Cần Hạn Chế.

Mâu thuẫn lớn của người Việt là không chú ý và tham gia vào chính trị nhưng lại rất yêu nước. Ở buổi tiệc hay họp mặt nào thì người ta cũng nói về đất nước. Đôi khi đưa đến cãi vã, không nhìn mặt nhau. Rồi thôi. Họ chẳng có nhiên cứu xâu xa hơn về chính trị nên bị nhiều ngộ nhận đáng tiếc.

Họ đã từ chối hình ảnh Hồ Chí Minh. Nhưng vì thiếu kém hiểu biết về chính trị, họ vẫn ao ước và đang tìm một vị lãnh tụ có những đức tính siêu việt. Những người đấu tranh bị cộng sản cầm tù được phóng thích qua xứ tự do bị chìm dần dần vào quên lãng sau khi được chào đón tưng bừng. Tại sao?

Theo ý kiến của bản thân thì những người này không cung cấp được cho cộng đồng ở hải ngoại một mẫu người có tiêu chuẩn siêu nhiên của một người lãnh tụ. Quần chúng từ chối Hồ Chí Minh nhưng lại đồng ý với kiểu mẫu của huyền thoại không có thực do đảng cộng sản tạo dựng. Can đảm chống lại cộng sản là một chuyện. Nhưng đủ tài trí bản lãnh để đứng lên lãnh đạo những người khác là một chuyện khác nữa.

Tài ba của một trí thức chính trị, cũng như một người lãnh đạo những công ty hùng mạnh đa quốc gia là có bốn khả năng: Chiến lược, tổ chức, truyền đạt, chuyên môn.

Một chiến lược gia sẽ biết phân chia từng giai đoạn đấu tranh, biết làm gì ở từng giai đoạn một để đi đến thành công. Từ không thành có. Trong lịch sử nước ta, có rất nhiều người thủ lĩnh yêu nước bị hy sinh vì không có khả năng này. Trong thời cận đại chống Pháp, chúng ta có thể liệt kê ra hàng trăm người như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng…

Một mình giỏi hay có thiện chí vẫn chưa đủ. Cái giỏi hơn là làm sao để thuyết phục những người tài ba khác chấp nhận cộng tác chung với nhau. Vì sự thông minh của một người không bao giờ đủ đánh bại được sự thông minh của một tổ chức.

Khi gia nhập vào một tổ chức, trách nhiệm càng lớn thì khả năng truyền đạt thông tin lại càng phải giỏi. Người đứng mũi chịu sào phải biết phát biểu sao cho đầy đủ, không dài lê thê mà không ngắn cụt ngủn.

Điều cuối cùng của mọi người hoạt động chính trị là phải hiểu biết về …chính trị. Ít nhất cũng phải biết phân biệt những hệ thống chính trị, cơ cấu của các loại chính phủ, ưu điểm và khuyết điểm của từng cách thức bầu cử …

Buồn thay, văn học Việt Nam không tạo điều kiện cho công dân trau dồi bốn khả năng này. Hễ đã hy sinh là anh hùng. Và đã là anh hùng thì những nhược điểm khác đều được xí xóa. Nếu con em được dạy dổ để bắt chước theo gương anh dũng của người xưa, thì cũng dừng lại ở mức gương dám hy sinh. Văn hóa Việt Nam không cho phép bàn luận về những thất bại của họ. Câu nói mà nhiều người đấu tranh cho là chân lý để sống là của lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học , trước khi bị hành hình:

Không thành công cũng thành nhân.

Vì không mổ sẻ nguyên nhân thất bại nên không có đầu mối để tìm cách đối phó. Người đấu tranh đi sau rơi vào vòng lẩn quẩn của những người đi trước. Chỉ loay hoay làm những anh hùng cá nhân thất bại mà không có kiến thức để đi đến thành công.

Còn những người đã thành công thì ngược lại, được tâng bốc đến chín tầng mây như những kẻ tài giỏi đến mức siêu phàm. Những khuyết điểm của họ đều bị giấu giếm hay lấp lửng. Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân. Ít ai viết tiếp rằng Đinh Bộ Lĩnh cũng chỉ là một sứ quân, nhờ hung bạo hơn mà đánh bại được những sứ quân khác. Nguyễn Huệ là anh hùng áo vải, nhưng ít ai dám truy thêm ra gia đình Nguyễn Huệ thuộc vào hạng đầu trộm đuôi cướp, kiêm luôn bảo kê để được chia phần. Ngay cả đảng cộng sản vô thần cũng dựng chuyện rằng nhờ phong thủy của tổ tiên tốt, Hồ Chí Minh mới là Hồ Chí Minh!
Nhưng một trí thức chính trị có đầy đủ bốn khả năng kể trên là cực hiếm. Không những ở thời bây giờ mà còn hiếm hoi trong chiều dài của lịch sử. Trước khi lên làm tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu lẫn Ngô Đình Diệm đều không phải là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Một người xem việc mình làm tổng thống là việc hiển nhiên không thể chối cải và cư xử như vua chúa cai trị dân chúng nên bị mang tiếng độc đoán. Một người thì đem mô hình quân đội để áp đặt vào guồng máy dân sự nên tạo dựng một hình ảnh của chế độ quân phiệt. Hồ Chí Minh có vóc dáng lãnh tụ chỉ nhờ khéo đóng kịch và được thuộc cấp của mình tô hồng. Những lãnh đạo cộng sản Việt Nam khác thì không có khả năng truyền đạt thông tin với những diễn văn dài lê thê và rối rắm.

Không những trí thức chính trị đầy đủ và trọn vẹn là hàng hiếm ở Việt Nam mà còn cả thế giới. Aung San Suu Kyi là người thiếu khả năng tổ chức. Bà chỉ nổi bật trong vai trò biểu tượng. Trong đảng phái của bà đã và đang xảy ra sự xung đột giữa những người theo bà lâu năm và những người mới gia nhập. Còn Churchill thì chỉ nổi bật trong thời chiến. Những gì ông làm trước và sau giai đoạn này đều thất bại. Trước khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, các thành viên trong đảng của ông cũng đồng ý cho ông… hạ cánh!

Lăn lộn trong quần thể đấu tranh chính trị, tôi thấy có những người kiệt xuất, có những người bình thường mà cũng có những người rất tầm thường. Thậm chí có người ngộ nhận hẳn về chính trị. Họ cho rằng có bằng cấp hoặc chức vụ gì đó trong xã hội là có đủ thẩm quyền và kiến thức để hoạt động chính trị. Nhưng những gì họ đề nghị hoặc phát biểu chẳng có gì lạ. Nghe chưa hết câu đầu thì biết câu sau. Nếu họ có viết bài đăng trên mạng thì cũng chỉ là vạch tội, than thở, năn nỉ, mong chờ… Nhưng đi tìm những giải pháp để thành công thì họ mù mờ, và cách thức để đạt đến những giải pháp đó thì hoàn toàn mù tịt. Những cá nhân hay đảng phái hoạt động chính trị kiểu này cứ loay hoay trong một phạm vi nhỏ và ì ạch mãi mà không phát triển được.

Ai Là Trí Thức Và Ai Mới Có Thể Đấu Tranh Chính trị?

Bản thân tác giả viết bài này vấp phải một sai lầm cực lớn, mà chắc nhiều người cũng đang gặp, là cho rằng phải tài ba hơn người mới có quyền tham gia chính trị. Nhưng không hẳn đúng như vậy. Cứ dấn thân rồi lần hồi sẽ có kinh nghiệm, cái khó ló cái khôn.

Chuyện chú ý và gia nhập vào một tổ chức chính trị của tôi cũng rất tình cờ. Bạn tôi bị cộng sản bắt giam. Tôi muốn làm một gì đó có ích để nên gia nhập vào một tổ chức chính trị trong mục đích làm những chuyện lặt vặt như bưng nước, lái xe. Bản tính của một người có thể hoạt động chính trị lâu dài là có đủ đam mê để làm việc chung với người khác. Khi gia nhập và làm việc chung trong một tổ chức chính trị thì bản thân thành viên sẽ tự khám phá ra nhiều ưu điểm lẫn khuyết điểm của mình. Một tổ chức đáng để gia nhập và trụ lại sẽ tạo điều kiện cho mỗi thành viên phát huy sở trường của mình. Mặt khác, tổ chức đó sẽ có những nhân sự bồi lấp vào những thiếu sót mà cá nhân nào cũng mắc phải.

Vì sống trong một môi trường gia đình khắc nghiệt nên tôi đã bỏ học và đi bụi đời sớm, có lúc vô gia cư, có lúc sống chung chạ với những kẻ sì ke ma túy lẫn vô lại. Với quá khứ như vậy thì chẳng đời nào tôi dám tự cho mình là trí thức. Đừng nói chi dám viết lách về chính trị. Khi đọc nhiều bài vở của nhiều người hoạt động chính trị bàn luận về những vấn đề xã hội mà tôi đã sống qua, tôi thường thấy họ chỉ vạch ra một phần vấn đề và chỉ cho một phần giải pháp. Cũng phải thôi vì họ đấu tranh với cái nhìn của người thành đạt có học vấn đứng trên bục giảng bài. Tôi thì đấu tranh bằng cái nhìn của một nạn nhân từng thất bại trong trường học lẫn trường đời. Bị chà đạp nằm dưới đất ngước lên. Tùy theo thế đứng của mỗi người, nếu không độc đáo hơn thì vẫn cho đọc giả thấy những gốc độ khác.

Đừng tưởng đã là một nạn nhân là không có thể làm chính trị. Ngược lại, trong quốc gia dân chủ mà tôi cư ngụ, nhiều người bắt đầu hoạt động chính trị vì một oan ức trong cuộc sống. Con cái họ bị chết oan thì họ lựa chọn chính trị làm phương tiện để đấu tranh cho có luật lệ nghiêm khắc hơn. Bị kỳ thị thì họ dùng chính trị để phấn đấu cho một xã hội công bằng hơn. Những gì họ làm xuất phát bằng trái tim nên có kết quả và được cử tri đồng tình lẫn ủng hộ. Người nông dân đã thành bộ trưởng, anh đồng tính đã trở thành thủ tướng. Trở về Việt Nam, đâu có ai đại diện thành phần dân oan bằng một dân oan? Cũng như đâu có ai có thể cải cách hệ thống tù tội hay cho bằng những người oan ức bị vướng vào vòng tù tội?

Tôi viết bài này để kêu gọi những người khác, cũng như tôi, bị đối xử bất công mà không dám đấu tranh vì tự cho mình không phải là trí thức. Rồi chăm bẳm chờ đợi ở những người tự xưng là trí thức nhưng không chịu đấu tranh. Ngay cả khi có học lực hay bằng cấp cao chót vót, chúng ta vẫn không thể xem họ là những người trí thức.

Nếu không phải người đấu tranh nào cũng là trí thức, thì một người trí thức chân chính, trước tiên và quan trọng nhất, phải là một người biết đấu tranh.

Dương Thành Tân