Ai cũng đúng, sao mọi thứ lại thành ra thế này?

0
1049
Ảnh : Lê Nguyễn Hương Trà

Nhà báo Bùi Lan Anh

Ảnh : Bùi Lan Anh
Nhiệt điện Vĩnh Tân

Tôi vừa bước ra khỏi cửa một trong những căn phòng này, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, chỉ có trò chuyện, không phỏng vấn, không ghi âm. Đó là cánh cửa văn phòng của một trong những doanh nhân tầm cỡ của Bình Thuận, và của cả nước, đi lên từ hai bàn tay trắng và nay đang là chủ sở hữu một trong những doanh nghiệp tôm giống lớn nhất cả nước.

Văn phòng này, và gần chục cơ sở khác nuôi tôm giống ở vựa tôm lớn của Bình Thuận, nằm ngay cạnh nhiệt điện Vĩnh Tân, nơi đang tập trung sự chú ý của dư luận, bởi một quyết định cấp phép nhận chìm đổ thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một quyết định dù đúng luật, nhưng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các doanh nghiệp chăn nuôi thủy sản ở khu vực này.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng cái lắc đầu ngao ngán, mệt mỏi của người đàn ông mới ngoại tứ tuần, nhưng đã sở hữu cơ ngơi khiến nhiều người thèm muốn. Đó là cái lắc đầu của một người đàn ông được đánh giá là dám nghĩ, dám làm, quyết đoán trong mọi việc. Và cũng là chỗ dựa cho cả ngàn công nhân, cho nhiều những doanh nghiệp khác, đang nuôi tôm giống ở khu vực này.

Trên bàn làm việc của anh, là quyết định cấp phép nhận chìm, xả thải. Cũng là tờ giấy mà tôi cảm nhận đang tác động không nhỏ tới xúc cảm của người đối thoại với mình. Sau cái chán nản, là sự bất lực.

Ảnh : Lê Nguyễn Hương Trà

– Anh nói, nếu em tới để nói chuyện, anh nói với em. Nếu em phỏng vấn, anh ko trả lời, anh chán quá rồi. Ở đây, anh là người nói nhiều nhất, lên tiếng nhiều nhất, nhưng nói không có ai nghe, nói để làm gì? Anh nói tới cả những cấp quản lý cao nhất, nhưng đâu có ai nghe đâu. Ai cũng bảo: cái đó là có luật pháp. Dzậy mình làm theo luật pháp, đáng lý mọi thứ nó phải đẹp hơn, sao giờ lại thành ra thế này? Luật ở đâu, luật trong tay những người có quyền em ạ. Anh nói, mà anh đưa cả nghìn tỷ có khi người ta nghe. Nhưng anh nói suông, anh có nói đúng cũng không có ai nghe. Đó, rồi nhỡ anh đưa 1000 tỷ, có thằng nào nó đưa 5000 tỷ, vậy anh ra rìa. Nói chi nữa… đùng cái, nói lắm, giờ tới cả triệu tấn chất thải, nó đổ xuống đây, rồi sao? Rồi những doanh nghiệp như anh, sống sao? Cả một vùng biển đẹp như thế này, mọc lên một cái nhiệt điện! Chưa hết khói bụi, xỉ than, giờ đùng cái, cả triệu tấn thải đổ biển. Tính lấp hết vùng này sao? Bọn anh đâu biết gì đâu! Cái này đúng luật nè. Giờ nó đổ nha. Tôm lâu nay lay lắt, nuôi đã khó, giờ đổ tiếp nha, còn mấy triệu tấn nữa, 4 nhà máy mà, đổ hết là mất luôn vùng biển này đi. Không chỉ anh bất ngờ nha, cả cái dọc này, không một ông nuôi tôm nào không ngỡ ngàng. Mấy nay nuôi đã khó rồi…

Ảnh : Lê Nguyễn Hương Trà

Hôm nọ, anh ra Hòn Cau đi câu, quá trời là nhum biển, san hô, cá nè. Ảnh đây, đẹp không em? Đó, giờ đổ ra đây đi, mấy nữa không biết có còn Hòn Cau không nữa… anh nói quá trời, kêu quá trời mà đâu có ai nghe? Nói nữa là anh từ biểu tượng, anh thành hiện tượng của xã hội luôn á, mà lúc đó anh chết! Kiến nghị anh để kia, sẽ gửi. Nhưng không biết có ai nghe không. Buông quá, chắc anh buông… Mất tiền, anh làm lại được,nhưng mất niềm tin lấy sao nổi em? Sao ai nói cũng hay mà làm chán dzậy trời?

Ảnh : Lê Nguyễn Hương Trà

Đó là lời tâm sự của một doanh nhân có máu mặt, được đặt kỳ vọng để thay đổi cơ cấu chăn nuôi thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm của VN. Cũng có thể là lúc anh chán nản, anh buông những lời chua xót. Nhưng những gì đang diễn ra cạnh nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân những ngày này, có cùng một điểm chung, là sự nản và sự hoang mang của nhiều người dân, doanh nghiệp.

Di dọc quốc lộ 1A, qua địa phận Cà Ná, Ninh Thuận là tới Vĩnh Tân. Dọc đường là biển hiệu của những doanh nghiệp tôm giống. Càng vào phía trong, ống khói của nhiệt điện càng hiện rõ. Bất chợt, tự hỏi, sao ở một vùng đầy nắng gió, là vựa tôm giống của cả nước, là 1 trong 16 vùng nước trồi của cả thế giới, lại mọc ra một tổ hợp nhà máy nhiệt điện công nghệ Tàu đầy tai tiếng từ lúc xây dựng tới lúc vận hành?

Vựa tôm giống, tức là nơi cung cấp giống tôm cho khắp nơi trong cả nước. Vựa tôm chịu tác động, tức là tác động tới cả ngành chăn nuôi tôm cả nước. Vùng nước trồi, tức là nơi có hệ sinh thái độc đáo, chỉ 16 vùng biển trên khắp thế giới có, nếu đem thải xả ra biển, tức là vùi lấp hệ sinh thái hiếm có đó…

Ở Vĩnh Tân bây giờ, người ta nói nhiều tới sự lật lọng, sự bất ngờ ô nhiễm. Sự quá tải trong sức chịu đựng và mòn mỏi chờ đợi của người dân.

Ảnh : Lê Nguyễn Hương Trà

Một ông chủ đầm tôm, những câu chuyện nhiều lúc bất lực, tưởng như anh sắp khóc. Không hẳn, trong cái bất lực đó là sự buông bỏ giống như lời anh nói. Anh bảo, vẫn yêu nước, vẫn xây dựng quê hương, yêu theo cách của riêng mình. Hai đứa con, đã tị nạn giáo dục, đã tị nạn môi trường. Anh ở lại, để tự mình yêu quê theo cách mà anh nói. Ở đó có sự liên kết, đoàn kết giữa các doanh nhân, doanh nghiệp, để tìm được hướng đi và có chỗ đứng trên trường quốc tế. Bạn bè quốc tế càng nhiều, giao thương càng mạnh, lợi ích tăng lên, có thêm sức mạnh để chống đỡ những thế lực nào đó, mà theo anh, đang tàn phá quê hương của mình.

Trong câu chuyện của anh, có lúc tôi cảm nhận sự băn khoăn, niềm tha thiết giữ lại vùng biển xanh đầy nắng gió. Có cả những câu chuyện mà tôi đã hứa với anh, chỉ để chia sẻ, không lên mặt báo, càng không phỏng vấn. Là biết, để mà biết. Là biết để hiểu và thêm buồn. Đó là sự nản của người nắm trong tay quyền lực kinh tế. Những người khác, tâm trạng, còn tồi tệ hơn nhiều.

Ở Vĩnh Tân bây giờ, những tiếng thở dài như vậy, nhiều hơn mỗi ngày. Có những người, bức xúc. Cũng có những người bất ngờ. Có cả những người đã mất niềm tin tới độ không buồn nói… mọi thứ nặng nề trôi qua.

Bước ra khỏi phòng anh, không một giây hình phỏng vấn như kỳ vọng. Nhưng với tôi, điều đó chẳng quá quan trọng. Thứ mà tôi cảm nhận được, có lẽ, tốt hơn nhiều so với đúp phỏng vấn đó. Ám ảnh nhất vẫn là câu hỏi: sao ai cũng đúng, đâu cũng làm theo pháp luật, mà đất nước, lại thành ra thế này?

Nhà báo Bùi Lan Anh