Ngày 24/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bầu làm Chủ tịch Nhà nước. Ngày 30/5/2024, hệ thống truyền thông ở Slovakia loan báo, Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc hôm 29/4/2024 đối với ông Tô Lâm vì các Điều tra viên của Cơ quan phòng chống tội phạm Quốc gia (NAKA) đã có sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Đồng thời phía công tố đã yêu cầu Thanh tra cảnh sát của Bộ Nội vụ phải xử lý chuyện này vì đó là nơi thực hiện các thủ tục tố tụng đối với các hành vi tương tự. Theo báo chí Slovakia, ông Tô Lâm vẫn có nguy cơ bị phạt đến 15 năm tù nếu tiếp tục bị truy tố và bị kết án trong tương lai. Một chuyên gia pháp lý tên là Thomas Stremy, làm việc tại Đại học Comenius ở Bratislava bảo với báo giới, theo luật pháp quốc tế, việc ông Tô Lâm được bầu làm CTNN của Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ cho ông được hưởng quyền miễn trừ đối với nguyên thủ quốc gia trong quá trình đảm nhiệm vai trò này. Đó có thể cũng là lý do việc truy tố sẽ bị đình chỉ [1].
Tô Lâm – Bộ trưởng Công an Việt Nam không phải là nhân vật tên xa lạ với dân chúng Đức, đặc biệt là với dân chúng Slovakia. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào tháng 7/2017 đã khiến Đức quyết định ngưng quan hệ ngoại giao với Việt Nam vì công an Việt Nam tổ chức bắt cóc trên lãnh thổ Đức, xâm phạm chủ quyền Đức. Đức đã trục xuất hai viên chức ngoại giao của Việt Nam vì dính líu đến vụ bắt cóc. Đến nay, Đức vẫn còn tiếp tục điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã “hoạt động gián điệp và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác”. Năm 2018, Nguyễn Hải Long – một người Việt cư ngụ ở Czech bị Đức phạt ba năm 10 tháng tù. Tháng 6/2022, Anh TL – một người Việt khác cũng cư trú ở Czech bị bắt và đến tháng 6/2022 Czech giải giao ông ta cho Tòa án Đức xét xử. Tháng 1/2023, thêm một người Việt cư trú ở Czech là Lê Anh Tú bị Tòa án Đức phạt năm năm tù… Cuộc điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của hệ thống tư pháp Đức vẫn còn tiếp diễn.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ đầu độc quan hệ giữa Việt Nam với Đức mà còn làm vẩn đục quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia. Bởi có đủ bằng chứng về việc công an Việt Nam đã lén lút đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức sang Slovakia và ông Tô Lâm đã dùng danh nghĩa Bộ trưởng Công an Việt Nam mượn một phi cơ của Slovakia đưa ông Thanh sang Nga, rồi tiếp tục đưa ông Thanh từ Nga về Việt Nam, Đức đã yêu cầu Slovakia điều tra. Thủ tướng Slovakia hứa với dân chúng Slovakia và chính quyền Đức rằng ông sẽ yêu cầu một bản báo cáo chi tiết xem Slovakia có can dự vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không [2]… Tháng năm vừa qua, báo chí Slovakia cho biết, ngoài ông Tô Lâm, còn bảy công dân Việt Nam, trong đó có Quang Lê Hồng, cựu cố vấn của Thủ tướng Robert Fico, bị cáo buộc dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bị NAKA khởi tố trước khi Văn phòng Công tố khu vực Bratislava hủy bỏ cáo buộc vì sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Tên bình diện quốc tế, ông Tô Lâm không chỉ nổi tiếng về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh! Tháng 11/2021, báo chí ngoại quốc đưa tin ông dùng “bò dát vàng 24K” khi đến London do đích thân đầu bếp Nusret Gokce người Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ. Trong những tin liên quan đến sự kiện này, các cơ quan truyền thông ngoại quốc không quên lưu ý, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu nhập bình quân của một người Việt chỉ khoảng 184 Mỹ kim/tháng, trong khi bữa “bò dát vàng 24K” mà ông Tô Lâm thưởng thức tối thiểu phải trên 1.000 Mỹ kim [3]. BBC có trụ sở ở London thì cho biết cặn kẽ hơn – bữa ăn mà ông Tô Lâm đã dùng có giá từ 1.140 Mỹ kim đến 2.015 Mỹ kim [4]. Trước sự phẫn nộ của công chúng, cuối tháng 11/2021, ông Võ Văn Thưởng trấn an: Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ [5]. Hai tuần sau, ngày 9/12/2021, tại một hội nghị thảo luận về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nói khơi khơi: Con người cũng có không ít tật. ‘Kém một miếng không chịu được’. ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu’. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ [6]… Tuy nhiên không rõ vì sao ông Tô Lâm vẫn tiếp tục đi tiên phong trong công cuộc “chống tham nhũng, tiêu cực” để… “chỉnh đốn đảng”?
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo khắp nơi nhưng không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào làm gì cả. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ (TTCP) thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo phòng – chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng TTCP vẫn không công bố Kết luận Thanh tra (KLTT). Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Hai hôm sau – 14/3/2018 – TTCP công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone. Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ TTTT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an… cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi TTCP chính thức công bố kết luận rõ ràng là có… đạo diễn lành nghề giúp sức! Nhờ chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi TTCP công bố KLTT hai… ngày, cho nên dù là chủ mưu, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù! Đáng lưu ý là trong KLTT vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, TTCP xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản: “Công văn 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015” là “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định” [7].
Những công văn vừa kể đã mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là “hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị”, nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này. Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà TTCP đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân [8] tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ TTTT ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét – chỉ đạo – soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn… bốn ngày. Sự can dự còn được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên. Chưa kể, không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại “Mật” hoặc “Tối mật” .
Không phải tự nhiên mà trong KLTT, TTCP kiến nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II. Trên thực tế, đến giờ, khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm, cho dù cứ lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của ông tương đương với các bị án. Bản chất những “vi phạm, khuyết điểm” của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đã bị xử lý có khác gì với hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG? Liệu sẽ có lúc hành vi ấy trở thành… “vi phạm, khuyết điểm”? Quyền lực ở Việt Nam không trong tay nhân dân nhưng trong tay ai? Vì sao lại thế?
Chú thích
[1] https://spectator.sme.sk/c/23336677/vietnamese-president-charges-slovakia.html
[4] https://www.bbc.com/news/world-asia-59174383
[6] https://vietnamnet.vn/nhung-cau-noi-tham-thia-cua-tong-bi-thu-trong-nam-2021-805787.html
BaddieHub I like the efforts you have put in this, regards for all the great content.