Vì sao Tạp chí Chim Lợn biến mất?

0
60
TẠP CHÍ CHIM LỢN

Biên Thùy

Cư dân mạng facebook chắc ai cũng từng nghe đến tên Tạp Chí Chim Lợn (TCCL) – trang tổng hợp tin tức giải trí, chính trị, xã hội khá nổi tiếng. Page này có tới 1,4 triệu like – lượng view đáng mơ ước của bất cứ fanpage nào ở Việt Nam tại thời điểm đó, hoạt động khá mạnh trong một thời gian dài từ 2010 đến 2015 bỗng dưng biến mất.

Tạp chí Chim Lợn

Thành công của Tạp chí chim lợn

TCCL – một cái tên khá ngộ nghĩnh – được thành lập vào năm 2010 với hình ảnh con lợn đất màu đen cách điệu thêm đôi cánh trên nền vàng và slogan “Không muốn người khác biết thì ĐỪNG LÀM”. Chỉ sau một năm hoạt động đã lọt vào top 10 fanpage phi lợi nhuận ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2011 (theo Genk), top 10 fanpage hot nhất 2012 theo thống kê của Yeah 1. Tiêu chí đánh giá dựa trên số liệu thống kê lượng like và hoạt động của người dùng trên fanpage ấy. Hai bảng xếp hạng này chủ yếu nhắm đến những page hài hước, giải trí kiểu “trẻ trâu’’ như các bạn facebooker hay nói. Do đó, việc TCCL – một trang chủ yếu đưa tin chính trị – lọt vào danh sách này là kỳ tích. Vậy điều gì đã tạo nên sức hút của TCCL?

Trong những ngày đầu phát triển, TCCL là một trang chuyên “hóng hớt” thói hư tật xấu của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người nổi tiếng. Từng khẩu chiến với blogger Gào gây bão dư luận trên Genk và Kenh14, đúng chất “chim lợn” chuyên đâm chọt, soi mói, nên bị gắn cái mác không mấy đẹp đẽ là tạp chí lá cải chuyên đăng bài câu view.

Sau một thời gian, TCCL đã trở thành một cổng thông tin đáng tin cậy trên Facebook. Các bài của TCCL rất đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực từ giải trí, văn hóa, đến thể thao… đặc biệt là những tin tức chính trị trong nước và trên thế giới.

Từ khi TCCL dần chuyển sang mảng đưa tin tức chính trị thì số lượng người đọc quan tâm tăng đột biến. Tạp chí thu hút khá đông giới trẻ bình luận và theo dõi. Ngoài tít, lời dẫn và hình ảnh minh họa thì mỗi post còn kèm theo lời bình khá hài hước. Nội dung bình luận dưới mỗi bài khá phong phú rôm rả, phản ánh ý kiến đa chiều về tình hình chính trị trong và ngoài nước không thua kém các page như Nhật ký yêu nước, BBC,….

Với thành công trên mặt trận fanpage, TCCL còn đầu tư mở riêng cho mình cả website và diễn đàn.

Và đóng cửa….

Từ tháng 7/2015, không ai còn thấy page TCCL đâu. Bạn đọc truy cập vào page thì page bị khóa, truy cập vào website thì chỉ còn một trang trống. Dân mạng nháo nhác kháo nhau về sự biến mất của “chim lợn”. Cuộc bàn tán diễn ra sôi nổi từ báo chí, diễn đàn cho đến những hot facebook như soha, voz, Robbey… Người cho là bị report, kẻ nói bị hacker đánh sập, bị facebook khóa tài khoản do không đáp ứng tiêu chuẩn cộng đồng… nhưng vẫn chưa có câu trả lời hợp lý. Cùng thời điểm TCCL bị khóa tài khoản, có hai page nổi tiếng cùng chung số phận trên là Haivl, Beat.vn.

Có vẻ như Beat.vn may mắn hơn, page đã quay trở lại hoạt động sau một thời gian ngắn bị khóa. Còn TCCL và Haivl đóng cửa vĩnh viễn… Qua tìm hiểu, page TCCL sau sự cố này đã đổi tên thành “Bánh mỳ nóng” nhưng không còn được quan tâm như trước nữa, dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn fanpage, website và diễn đàn.

Điều gì đã xảy ra?

Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo…, một số cơ quan báo chí mở fanpage facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận “để một số đối tượng lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng”. Vì lý do đó, theo Dân Luận, Bộ TT&TT đã yêu cầu các cơ quan báo chí truyền thông phải “tăng cường kiểm duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung bình luận của người dùng trên fanpage Facebook” theo Nghị định 72 (một nghị định theo đó người dùng facebook có thể bị xử lý hình sự nếu nói xấu lãnh đạo)”.

Tuy nhiên, TCCL lại đã nêu rõ trong phần tự giới thiệu rằng họ “không kiểm soát ngôn từ hay nội dung các bình luận”.

Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến page bị đóng cửa.

Đội ngũ ban quản trị page hiểu rằng việc kiểm duyệt nội dung bình luận chính là cửa tử cho page. Nếu kiểm duyệt bình luận thì TCCL không còn là TCCL nữa. Hoặc là chấp thuận kiểm duyệt hoặc là đóng cửa vĩnh viễn. Họ đã chọn cách đóng cửa lặng lẽ không một lời giải thích. Nhưng sau này hàng loạt fanpage các báo nổi tiếng như VNE, Tuổi Trẻ, Thanh Niên cũng đều đóng phần bình luận dưới bài thì ai cũng biết nguyên nhân vì sao.

Phóng viên đã cố liên hệ với nhóm admin để biết thêm thông tin nhưng chỉ nhận được icon mặt cười (“ ”) từ một thành viên ban quản trị. Nguồn tin riêng cho biết họ là một nhóm thanh niên ở Sài Gòn và rất kín tiếng.

Biên Thùy