Tiếp theo Phần 1
Có thật là vụ cướp không ?
Các ông Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng khi nhận tin thiếu tá Sinh bị chém ở đường vắng trong đêm mưa, đã xác định đây là vụ cướp và tổ chức điều tra theo hướng này.
Án tử hình đã được hai ông định đoạt ngay từ khi chưa biết đối tượng là ai.
Bởi tội giết người cướp của không thể không có án tử hình. Nhất là nạn nhân là sĩ quan công an nữa thì không thể không có án tử hình dành cho đối tượng gây án.
Nhận định ban đầu sẽ quyết định hướng điều tra, nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Những chứng cứ không phù hợp với nhận định của chỉ huy sẽ bị gạt bỏ sang bên, những chứng cứ gián tiếp hoặc mơ hồ nhưng phù hợp với nhận định của chỉ huy sẽ được khai thác tối đa để đưa vào hồ sơ vụ án. Tất cả để khẳng định rằng lãnh đạo đã chỉ ra phương hướng đúng để các đơn vị theo đó mà phá án.
Chẳng những thế lãnh đạo còn ấn định thời gian phá án là bao nhiêu ngày.
Có những chỉ huy công an nhận định sai vụ việc nào đó, khiến hướng điều tra bế tắc và phí công sức đơn vị, họ chấp nhận mình sai và họp bàn xem xét và điều tra theo các hướng khác. Có thể họ bị cấp trên đánh giá là thiếu năng lực, do đánh giá nhận định sai dẫn đến phí công sức, thời gian của đơn vị, tạo điều kiện cho đối tượng xoá dấu vết, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra phá án. Họ biết, nhưng họ chấp nhận mình sai, chấp nhận đánh giá năng lực kém.
Nhưng cũng có những chỉ huy công an độc đoán, bảo thủ và háo danh vọng. Họ đánh giá ban đầu thế nào, bắt các cán bộ điều tra tìm những chứng cứ theo hướng đó, tìm tội phạm khép vào tội đó.
Trường hợp này rơi vào đúng hai kẻ là Đỗ Hưu Ca, Dương Tự Trọng. Hai kẻ công an này biến chất và bất chấp pháp luật như nào thì chúng ta đều rõ, một kẻ cấu kết với tội phạm hình sự để đưa kẻ phạm tội bỏ trốn, một kẻ nhận tiền hối lộ để tìm cách chạy tội cho tội phạm. Với những kẻ mà bán đạo đức, lương tâm như thế để đạt mục đích cá nhân, thì việc chúng chỉ đạo cấp dưới thi hành bằng mọi giá để đạt thành tích cho chúng là điều dễ hiểu.
Hướng điều tra giết người cướp của do Ca và Trọng nhận định ban đầu, thực sự hoàn toàn là chủ quan và áp đặt.
1- Nếu là vụ cướp có bàn bạc, tính toán đến phương án giết người để cướp của. Chúng phải biết chắc nạn nhân là ai, mang theo bao nhiều tiền, đồ vật giá trị phải ở mức nào. Chúng mới xác định giết chết họ để cướp tài sản. Thậm chí chúng còn phải tính đến chuyện khi gây án xong, phải đối phó như nào, phi tang ra sao, tiêu thụ tài sản ở đâu, chạy trốn như nào. Không có bọn cướp nào dắt dao dài nửa mét trong lưng, trong bụng đi lang thang trong đêm mưa, ở khu vực vắng vẻ, hy vọng tình cờ gặp ai đi đường nào vào chém chết để cướp của mà chẳng biết người đó có mang của cải gì hay không. Chém chết người ta xong, lục người không có gì, cả bọn tay không ra về, nhà đứa nào về nhà đứa ấy, mấy hôm sau thiếu tiền mang con dao gây án ra chợ bán , bị bắt khi đang đánh bi a trong quán.
2- Dao bài không phải là vũ khí có thể giết người ngay tức khắc, trong khi tính chất của vụ chủ động giết người cướp của, thứ vũ khí được chọn phải là thứ vũ khí mà nạn nhân bị bất ngờ, thứ vũ khí phải gây sát thương ngay lập tức.
3- Hiện trường án mạng có phải là nơi trong đêm mưa, có phải là nơi có nhiều người có tiền của đi lại để thực hiện mục tiêu cướp hay không ?
Chỉ đến đây thôi, đã thấy mục đích, vũ khí, hiện trường, thời điểm ( đêm, mưa, khu vực vắng ) là những điều không phù hợp với nhận định ban đầu là vụ giết người cướp của.
Trong khi nhận định đây là vụ thanh toán mâu thuẫn lại rất hợp lý hơn.
1- Đêm mưa to, đường vắng, thiếu tá Sinh dắt súng đi tuần một mình, đến đoạn vắng dừng lại gọi điện ( lúc là nghe điện ).
2- Thấy các đối tượng dừng xe, không hề ngạc nhiên.
3- Bị chém bất ngờ, bỏ chạy.
4- Không bị mất mát tài sản gì.
Tại sao ông Ca và Trọng xác định nguyên nhân lại chọn hướng ít thuyết phục nhất mà bác bỏ hướng thuyết phục hơn.
Giả định thiếu tá Sinh có hẹn với nhóm đối tượng gây án ở địa điểm đó để nhận tiền bảo kê quán mại dâm. Các đối tượng quá phẫn uất vì mức tiền quá nhiều, nên vác dao chém cho hả giận. Giả định này phù hợp với việc đường vắng, đêm mưa ít người qua lại thuận tiện cho việc thiếu tá Sinh đi một mình để hẹn đối tượng nhận tiền hối lộ. Thiếu tá khi thấy các đối tượng quen biết trên địa bàn dừng xe cách mình mấy mét trong đêm mưa, chẳng cảm thấy gì bất thường, vì đã hẹn gặp các đối tượng. Dẫn đến bị chém, thiếu tá Sinh hoàn toàn bất ngờ không phản ứng.
Nhưng nếu theo giả định này thì khi phá án, tìm ra nguyên nhân, đưa ra ánh sáng thì hình ảnh công an Hải Phòng quá thảm hại, ảnh hưởng đến công tác quản lý lãnh đạo của ông Ca và ông Trọng.
Thế nên cần có hình ảnh sĩ quan công an tận tuỵ với công việc, đêm mưa một mình một xe dắt súng đi tuần để giữ an ninh trật tự cho địa bàn, và anh đã hy sinh khi đối mặt với bọn tội phạm.
Và cơ quan điều tra dưới sự chỉ đạo sáng suốt của hai anh hùng Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng đã không quản ngày đêm, chỉ ăn mỳ tôm cầm hơi, đã sử dụng những biện pháp nghiệp vụ tinh tuý tìm ra thủ phạm gây án trước thời gian tự ấn định.