Từ cuộc chiến truyền thông giữa Ukraina và Nga đến “chiến tranh thế giới” về thông tin

0
14
Một cửa sổ bị vỡ tại một bệnh viện vào tháng 3 ở Mariupol, Ukraine. Các quan chức Nga đã nói rõ rằng mục tiêu của họ là thay thế mọi sự gắn bó thời thơ ấu đối với Ukraine bằng tình yêu đối với nước Nga. Ảnh: AP

Tạp chí đặc biệt

Chi Phuong 02/04/2022 – 14:25

Cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã thu hút sự quan tâm của công luận toàn thế giới từ hơn một tháng qua. Giống như bao cuộc chiến khác, các giao tranh không chỉ trên chiến tuyến mà còn cả trên mặt trận thông tin. Nếu như Nga ngăn chặn và kiểm duyệt các kênh truyền thông, các nền tảng mạng xã hội của phương Tây thì Ukraina lại có những chiến lược « úp mở » với con dao hai lưỡi – mạng xã hội để nhận được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Mặt trận truyền thông không chỉ giới hạn ở trong lãnh thổ Ukraina và Nga mà lan ra toàn thế giới. 

Thành phố cảng miền nam Ukraina Mariupol liên tục phải hứng chịu những trận pháo kích dữ dội kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. 80 % khu dân cư đã bị phá huỷ. Cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án thảm hoạ nhân đạo dưới bàn tay Nga ở thành phố – từng là nơi sinh sống của 400 000 dân. Trong vụ pháo kích bệnh viện sản nhi hôm 9/3, hình ảnh một người phụ nữ quấn chăn, bị sơ xước vài chỗ, đứng bơ vơ một mình với ánh nhìn lạc lõng bên cạnh đống đổ nát của bệnh viện, trở thành biểu tượng của tội ác chiến tranh, được chia sẻ trên khắp các mạng xã hội trên toàn thế giới.

Thế nhưng, không lâu sau đó, sứ quán Nga tại Anh đã tố cáo trên Twitter việc cô là diễn viên của quân đội Ukraina và vụ pháo kích chỉ là dàn cảnh. Sứ quán Nga tại Pháp cũng đồng tình với cáo buộc này. Bài đăng hiện đã bị gỡ bỏ do vi phạm quy định của Twitter. Thêm vào đó, một video miêu tả hai diễn viên đang hoá trang bằng máu giả để chuẩn bị quay cảnh chiến tranh ngay lập tức được liên đới với sự kiện. Họ được cho là những diễn viên được thuê để đóng vai nạn nhân trong các vụ đánh bom.  

Những ai đứng về phe nào tin vào những điều mà họ muốn tin. Các cuộc tranh luận sôi nổi cũng nổ ra trên trang Facebook của RFI Tiếng Việt trong một video nói về vụ đánh bom bệnh viện. Hàng loạt các bộ phận factcheck – kiểm chứng thông tin của các tờ báo như Le Parisien, Libération hay BBC ngay lập tức đi tìm lời giải đáp. Người phụ nữ tên là Mariana Vishegirskaya, cô là một influencer – người có sức ảnh hưởng, về các sản phẩm làm đẹp tại Mariupol.

Trên thực tế, cô đã chia sẻ những hình ảnh mang thai từ tháng 1/ 2022. Một tuần sau vụ đánh bom, nhà báo của hãng tin AP có mặt tại Mariupol đã đăng tải cuộc phỏng vấn cô và hình ảnh bé gái mà cô sinh ra. Liên quan đến video về các diễn viên hoá trang thành nạn nhân chiến tranh, thực ra đã được đăng tải lần đầu tiên vào 28/12/ 2021 trên Tiktok và không liên hệ gì đến chiến tranh Ukraina mà chỉ là cảnh hậu trường trong phim Contamin của nhà sản xuất phim Ukraina Driu Production. Trên đây chỉ là một trong những ví dụ về việc loan truyền tin sai lệch. 

Phòng phẫu thuật ở một bệnh viện ở Trostyanets 30/03/2022.  REUTERS – THOMAS PETER

Chiến tranh truyền thông không biên giới 

Chiến tranh giữa Nga và Ukraina dường như không giống bất kỳ cuộc chiến nào khác. Kết nối Internet không bị ngắt, đa số người dân đều có smartphone và vẫn có thể truy cập vào các nền tảng mạng xã hội. Cả Nga và Ukraina đều tìm cách đưa tin trước, nhanh hơn đối phương, trong các “phiên bản sự thật” về cuộc xung đột. Đối tượng tiếp nhận thông tin không chỉ là khán giả trong nước mà là khán giả toàn cầu. 

Nếu như không gian truyền thông Nga ngày càng khép kín, đóng cửa với thế giới bên ngoài và bị chính sách tuyên truyền thân Kremlin ngự trị, thì ở Ukraina, bất cứ ai cũng có thể đưa tin về chiến tranh qua điện thoại di động qua vài thao tác đơn giản. Điều đáng chú ý ở đây đó là “hiện tượng chiến tranh truyền thông toàn cầu” đến nỗi mà ta không nhận thức được “ở đâu là thời bình, ở đâu là thời chiến”, theo nhận định của ông  Laurent Gervereau, chuyên gia phân tích hình ảnh, tác giả của cuốn sách Guerre mondiale médiatique (Chiến tranh truyền thông toàn cầu) và Montrer la guerre ? Information ou propagande (Đưa tin về chiến tranh ? Thông tin hay là tuyên truyền). Trả lời RFI Tiếng Việt, ông cho biết :  

Chiến tranh quân sự thường xảy ra song song với cuộc chiến tranh thông tin. Cuộc chiến này xảy ra cả ở những vùng không có chiến sự và  thậm chí còn nghiêm trọng những gì thực sự diễn ra trên chiến trường. Dĩ nhiên, những gì xảy ra ở chiến tuyến đều có tác động không nhỏ. Một trong những bất ngờ trong cuộc xung đột này, theo tôi, đó là việc mà người ta có thể cho rằng các cơ quan của Nga đã từng can thiệp vào Pháp, Mỹ hay các quốc gia khác để loan truyền thông tin có lợi, ủng hộ một số nhân vật như trường hợp của Donald Trump ở Mỹ. Nga có lẽ đã có chuẩn bị và có dự tính cho cuộc chiến thông tin này ở Ukraina. Cho dù chiến tranh thông tin không có gì mới mẻ nhưng khi xét đến tính phổ biến và sự lan toả thông tin, hay những chiến lược tuyên truyền, các kết quả cho thấy Nga đã thất bại trên mặt trận thông tin và đây là một trong những điều khá ngạc nhiên.   

Nga – bậc thầy về chiến tranh thông tin nhưng thất bại thảm hại 

Ngạc nhiên bởi vì Nga là kẻ châm ngòi cuộc chiến hỗn hợp này và đã đầu tư rất nhiều về cả quân sự lẫn truyền thông. Nga là một trong những nước đầu tiên thừa nhận tầm quan trọng của thông tin đối với an ninh đất nước và xây dựng học thuyết an ninh quốc gia. Vào năm 2012, tổng thống Nga Vladimir Putin định nghĩa chiến tranh thông tin là một “ma trận các công cụ và phương pháp nhằm đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại mà không sử dụng vũ lực bằng cách sử dụng thông tin và các đòn bẩy gây ảnh hưởng khác.”  

Trên thực tế, cuộc Cách mạng Maidan ở Ukraina năm 2014 đã khiến Nga phải xem xét lại chiến lược khi sử dụng các ván bài xung đột, đó là kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn thông tin mà công dân Nga có thể tiếp cận, và nhất là kiểm duyệt với các phương tiện truyền thông phương Tây. Nga đã ra lệnh cấm đối với các nền tảng điện tử, báo và mạng xã hội của phương Tây như Meta, Twitter, LinkdIn, Instagram, được cho là động thái trả đũa việc Russia Today và Sputnik, hai kênh truyền hình do Nhà nước Nga kiểm soát, bị đóng cửa ở nhiều nơi vì chiến tranh Ukraina. Động thái này được cho là con dao hai lưỡi, minh chứng cho chế độ Nga độc tài, kiểm duyệt thông tin. 

Hãng tin AP cho biết, kênh truyền hình quốc gia Nga như RTR liên tục đưa tin để biện minh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” là để thanh trừng phe tân phát xít, trả tự do cho Ukraina và tố cáo Ukraina phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt cùng phương Tây nhắm vào Nga. Truyền thông của Matxcơva cáo buộc Kiev sử dụng dân thường làm bia đỡ đạn, và đề cao hành động nhân đạo của lính Nga phát nhu yếu phẩm cho những người Ukraina khốn khổ. Trong các phóng sự, các từ ngữ như “chiến tranh” và “xâm lược” bị cấm sử dụng.   

Truyền hình Nga tố cáo lính Ukraina trà trộn vào khu dân cư

Hình ảnh vệ tinh các tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol 29/03/2022. Maxar Techonlogies.  AP

Cuộc chiến xây dựng hình ảnh giữa Putin và Zelensky 

Bao nhiêu nỗ lực kiểm duyệt của Nga dường như thất bại thảm hại khi mà công luận thế giới nghiêng về phía Ukraina. Cuộc chiến truyền thông giữa Matxcơva và Kiev dường như là hoá thân của Vladimir Putin và Zelensky.   

Nếu như tổng thống Nga Putin thường xuất hiện trong văn phòng tổng thống đơn độc, tạo khoảng cách, thảo luận với cấp dưới, hay đưa những phát biểu trên các kênh truyền hình Nhà nước, thì bên kia, tổng thống Ukraina Zelensky mặc áo phông, màu xanh của quân đội, liên tục truyền tin qua các đoạn video đăng tải trên mạng xã hội, thường là các video tự quay (selfie) ở ngoài đường hay trong phòng làm việc. Lãnh đạo Ukraina tạo dựng hình ảnh một vị tổng thống gần gũi, “anh hùng” của Ukraina, dễ dàng huy động đội quân ảo hùng mạnh từ các mạng xã hội. Sự khác biệt giữa Putin và Zelensky không chỉ là vấn đề về xuất thân hay kinh nghiệm lãnh đạo mà còn cả về cách biệt thế hệ. Trên kênh truyền hình TV5 Monde, Joséphine Staron, giám đốc nghiên cứu về quan hệ quốc tế của Think Tank Synopia nhận định về chiến thuật truyền thông của Zelensky, vị tổng thống đi lên từ nghệ sỹ hài như sau :  

“Tôi không chắc là tổng thống có phải là vai diễn trọn đời của Zelensky hay không, nhưng thực ra, ông rất biết cách xây dựng hình ảnh một vị tổng thống kháng cự, sẵn sàng hy sinh tất cả cho đất nước. Zelensky trở thành biểu tượng của sự kháng cự. Và đó cũng chính là lý do tại sao ông chiến thắng, bởi vì ông đã sử dụng những phương pháp truyền thông khá hiện đại với các quy tắc hiện đại. Chúng ta thấy một Vladimir Putin bên cạnh quốc kỳ Nga, một mình trong văn phòng tổng thống. Tôi cho rằng đây là do “phần mềm của Liên Xô” đã lỗi thời. Trong khi đó, Zelensky thay vì mặc áo sơ mi, thắt cà vạt chỉnh tề, thì lại xuất hiện trong các bộ trang phục quân sự, sẵn sàng tác chiến. Chúng ta có thể thấy sự trái ngược này.” 

Truyền thông – vũ khí chiến lược của Kiev 

Từ những ngày đầu của cuộc chiến, cộng đồng mạng xã hội đã lan truyền câu chuyện về Ghost of Kyiv – bóng ma của Kiev – hình ảnh người phi công Ukraina hy sinh, một mình chiến đấu bắn hạ nhiều máy bay của Nga, thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Cùng lúc đó, quân đội Ukraina cũng không ngừng công bố số lính Nga thương vong từ hàng trăm lên đến hàng nghìn, nhưng không cơ quan độc lập nào có thể xác nhận được thông tin này. New York Times cho rằng bóng ma Kiev có lẽ chỉ là một huyền thoại vì không có báo cáo chính thức thiệt hại nào về máy bay của Nga bị bắn hạ bởi một phi công duy nhất.   

Tài khoản Twitter của quân đội Ukraina gần đây đã đăng tải một thước phim dựng cảnh Paris và tháp Eiffel bị đánh bom, khiến cộng đồng mạng gây sốc. Chính quyền Ukraina như muốn cảnh báo phương Tây nếu như “hôm nay là Ukraina thì ngày mai sẽ là châu Âu” vì “Nga sẽ không dừng lại”, và gây áp lực, kêu gọi phương Tây thiết lập vùng cấm bay ở Ukraina, một yêu cầu mà Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã từ chối sau đó.   

Thay vì đưa ra những cáo buộc không có cơ sở, tố cáo kẻ thù đánh bom bệnh viện giết hại thường dân như cách mà Nga làm, thì Ukraina tập trung vào việc đưa tin những anh hùng, liệt sỹ hi sinh vì tổ quốc, kịch tính hoá những câu chuyện về lòng kiên cường của lực lượng Ukraina và sự hung hăng của Nga.  

Kiểm duyệt thông tin kiểu Ukraina 

Đa số các hình ảnh về bom đạn, chiến tranh đều là do quân đội Ukraina đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Telegram, Twitter hay Facebook. Một video mà chính quyền Ukraina đăng tải về đoạn hội thoại cuối cùng của lính Ukraina và Nga tại đảo Snake Island được loan truyền trên mạng xã hội, thể hiện sự kháng cự không chịu đầu hàng dù phải hy sinh của lính Ukraina. Sau khi ca ngợi những người lính hy sinh trong vụ đánh bom, tôn vinh là những anh hùng thì không lâu sau đó giới chức Ukraina lại cho biết vui mừng vì họ còn sống do Nga đã trao trả tù binh. New York Times cho rằng Ukraina đã biết cách sử dụng mạng xã hội để tạo ra làn sóng đồng cảm cho số phận Ukraina, thu hút đội quân ảo hùng hậu ủng hộ cuộc chiến của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh.   

Gần đây, một số nhà báo có mặt tại Ukraina lên án việc chính quyền Kiev ngăn chặn nhà báo đưa hình ảnh về chiến tranh, Liberation cho biết. Cụ thể, từ ngày 26/03, theo luật thiết luật quân, Ukraina cấm phát các hình ảnh, video trên mạng xã hội các thông tin liên quan đến vị trí cụ thể của các vụ đánh bom và cảnh thiệt hại, luật này được cho là để bảo vệ lực lượng Ukraina và được đông đảo cộng đồng mạng ủng hộ. Chỉ duy nhất chính quyền được phép đăng tải các nội dung nói trên. 

Những nhà báo Ukraina và nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Ukraina gặp khó khăn, chỉ cầm máy quay đi trên đường cũng bị người dân địa phương chỉ trích là những kẻ chỉ điểm cho quân đội Nga. Hai đài truyền hình CNN và BBC phát các phóng sự trực tiếp từ Ukraina đã nhận được vố số bình luận chỉ trích từ mạng xã hội Ukraina và cho là đang chỉ điểm giết hại người Ukraina.     

Big Tech chọn phe trong cuộc chiến 

Các Big Tech như Google hay Meta, vốn bị cáo buộc do sử dụng thuật toán để làm “lu mờ” các cuộc thảo luận chính trị thì trong cuộc chiến này, dường như đã chọn phe cho riêng mình và đóng vai trong trò quan trọng trong cuộc chiến thông tin. Về phía Twitter, trong khi nền tảng này có đội ngũ kiểm duyệt, giám sát, gỡ bỏ các bài đăng loan tải thông tin sai lệch thì lại làm ngơ trước một số nội dung. Chẳng hạn như video về bóng ma Kiev bị gắn nhãn “nội dung không phù hợp” nếu đăng từ một tài khoản cá nhân nhưng lại không có vấn đề gì trên tài khoản của chính quyền Ukraina.  

Người Ukraina chạy lánh nạn đến Pháp

Larysa đến từ Krivoy Rog, Ukraina sang Pháp xin tị nạn.  © Chi Phuong

Sự thật là nạn nhân của chiến tranh 

Cho đến nay, diễn biến cuộc chiến giữa Kiev và Matxcơva vẫn phức tạp và chưa có dấu hiệu hòa dịu. Nạn nhân trực tiếp là những người Ukraina, phải sống trong cảnh bom đạn, loạn lạc, bỏ nhà bỏ cửa. Sau đó là cuộc khủng hoảng di dân chưa từng có kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến thách thức việc tiếp đón tị nạn ở châu Âu. Vậy trong cuộc chiến tranh thế giới về thông tin, ai là những nạn nhân ? ông  Laurent Gervereau kết luận như sau : 

Trong chiến tranh thế giới về truyền thông về hình ảnh, trong một số trường hợp, sự thật chính là nạn nhân. Nhưng sự thật là gì và đâu mới là sự thật ? Đó là câu hỏi đặt ra cho chúng ta. Và để tìm ra câu trả lời cho nó thì phải mở các cuộc điều tra. Sự thật là sự đối chiếu các quan điểm khác nhau. Nhưng phải nói rằng, tôi đã rất bối rối khi xem kết quả những cuộc thăm đo dư luận gần đây về việc mọi người thường không đợi người khác kể một câu chuyện mà thay vào đó họ muốn nhận được các yếu tố thông tin và nhờ đó có thể đánh giá, xác nhận lại lựa chọn và quan điểm của riêng mình. Đó là việc mà người ta có thể tự xây dựng cho mình một đánh giá dựa trên những thông tin mà họ tin vào, và khẳng định lại dù thông tin đó được xác nhận, kiểm chứng bởi chuyên gia về thông tin hoặc hay không. ”     

Ngoài ra, hãng tin AFP hôm 29/03 đã cảnh báo việc phổ biến thông tin và hình ảnh liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina thách thức giới truyền thông, nếu không cẩn thận có thể dễ dàng trở thành kẻ tiếp tay cho cuộc chiến thông tin diễn ra song song với cuộc chiến trên chiến tuyến. Ông Laurent Gervereau cho rằng giới truyền thông báo chí đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa tin hình ảnh khi không chỉ mô tả rõ địa điểm thời gian mà cả bối cảnh mà một bức ảnh hay video được ghi lại khi đưa tin về chiến tranh. Nhiều cơ quan báo chí đã thiết lập các dịch vụ kiểm chứng thông tin.

Tuy nhiên trong thời đại số hóa và thông tin tràn lan trên mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh chiến tranh, nhiều nơi nhà báo không thể tiếp cận được, chính những người dùng mạng xã hội là người đưa tin nhanh nhất và cụ thể nhất. Chỉ có điều rất khó để kiểm chứng độ tin cậy của thông tin. Chính vì vậy, theo ông Gervereau, cần phải có một nền tảng trung gian (plateforme intermédiare), kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn trong một xã hội mà “người tiếp nhận thông tin cũng là người đưa tin.”  

Chiến tranh thông tin là gì ?

Theo định nghĩa của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, chiến tranh thông tin là một hoạt động được tiến hành nhằm đạt được lợi thế về thông tin so với đối thủ, bao gồm việc kiểm soát không gian thông tin, bảo vệ quyền truy cập thông tin của một thực thể, các nhân, cùng lúc đó, thu thập và sử dụng thông tin của đối thủ, nhằm phá hủy hệ thống thông tin và làm gián đoạn luồng thông tin của đối thủ. Chiến lược sử dụng đó là phát tán tuyên truyền thông tin sai lệch để làm mất tinh thần hoặc thao túng đối thủ và công chúng. Chiến tranh thông tin có quan hệ chặt chẽ với chiến tranh tâm lý. 

Chiến tranh thông tin không phải là một hiện tượng mới, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet, thông tin dễ dàng tiếp cận được công dân của một quốc gia và cả cộng đồng quốc tế trong thời gian ngắn chi phí thấp. 
Theo phân tích của trường Chiến tranh Kinh tế (Ecole de guerre économique,) một hình thức chiến tranh thông tin đã xuất hiện từ khi các quốc gia được thành lập và các cuộc chiến mở rộng lãnh thổ bắt đầu. 

Khoảng năm 500 trước Công nguyên, cuốn “Binh Pháp Tôn Tử” đã đề cập đến “việc làm suy yếu hoặc tiêu diệt kẻ thù qua việc sử dụng khéo léo một tin đồn đúng thời điểm hoặc được lặp đi lặp lại một cách thông minh”. “Phương pháp vô hiệu hóa đối thủ này thường được sử dụng trong mối tương quan lực lượng giữa phe yếu và phe mạnh.” 

Trong Đệ Nhất Thế Chiến, máy bay vừa đóng vai trò là vũ khí chiến đấu, vừa là phương tiện truyền thông qua việc thả truyền đơn nói về chiến tuyến kẻ thù, theo The Conversation. Đến Đệ Nhị Thế Chiến, mỗi sư đoàn của quân đội Đức đều có đội quay phim riêng ở chiến tuyến. Năm 1943, khi quân đội thiếu nguồn lực, hàng nghìn binh sĩ tham gia một bộ phim tuyên truyền nhằm cổ vũ tinh thần cho quân Đức.

Đối với chiến tranh Việt Nam, được cho là cuộc chiến không kiểm duyệt đầu tiên. Một trong những lý do khiến Mỹ thất bại là vì quân đội Mỹ đã mở rộng cánh cửa cho cánh nhà báo, ngay cả trên tiền tuyến. Kể từ đó Mỹ và các quốc gia khác, tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông trong bối cảnh chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.