Thư Sài Gòn: ‘Mua láng giềng gần’ trong thời Covid

    0
    6
    SONG MAY
    • Song May
    • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

    Trong tuần qua, nhiều người dân Sài Gòn bất bình việc “bị mời” đi test liên tục ở khu phố.

    Một người quen của tôi, trước kia nói hàng xóm không ra xét nghiệm là “trốn” thì giờ họ cũng đặt câu hỏi: Xét nghiệm mãi để làm gì, khi đã cho phép F0 cách ly tại nhà? Tại sao không dùng hàng ngàn tỷ đồng mua kit xét nghiệm để mua vaccine tốt chích ngừa cho dân?

    Thư Sài Gòn: ‘Vaccine tinh thần’ nào thời chống Covid?

    Thư Sài Gòn: Thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh, vùng đỏ

    Thư Sài Gòn: Chờ mong ngày ‘sống chung với dịch’

    Thư Sài Gòn: ‘Cơn khát’ khi mọi thứ đều cần người ‘đi chợ hộ’

    ‘Xét nghiệm toàn dân’

    Trưa 24/9, một clip quay cảnh ba người dân xô xát với hai nhân viên y tế diễn ra ở con hẻm 608 đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 lan truyền trên mạng.

    Một nhân chứng tại chỗ tường thuật, khoảng 11 giờ trưa có hai nhân viên y tế xuống hẻm trên để lấy mẫu xét nghiệm, có một gia đình đòi tự test, thế là tranh cãi và xảy ra xung đột.

    Điều này thể hiện sự uất ức bị dồn nén bao ngày, khi người dân buộc phải ở nhà hơn hai tháng, không kiếm ra tiền mà cứ phải chịu “ngoáy mũi” – một kiểu xét nghiệm gây đau cho không ít người.

    Giữa tháng 9, dân Sài Gòn giễu nhại chuyện Hà Nội mất gần (hoặc hơn, tùy theo giá kit xét nghiệm) 600 tỷ đồng để “bóc tách” được 19 F0 (tin từ Sở Y tế Hà Nội trưa ngày 14/9 cho biết toàn thành phố đã lấy được 3.128.380 mẫu xét nghiệm, phát hiện 19 ca dương tính).

    Không chơi sang như Hà Nội – ‘bắt’ một F0 tốn hơn 30 tỷ đồng – nhưng TP .HCM cũng tiêu tốn mỗi vòng xét nghiệm (ước tính hơn 20 ngày) hàng ngàn tỷ đồng.

    Trên group ‘Giúp nhau mùa dịch’ của Bác sĩ Phan Xuân Trung cả tuần qua rộ lên chuyện than thở đau mũi vì bị xét nghiệm nhiều lần.

    Một dòng trạng thái đăng trên mạng than phiền về việc bị xét nghiệm nhiều lần OTHER

    Bạn tôi ở vùng xanh một quận nội đô, bảo đến phát điên khi phường bắt test mỗi tuần một lần.

    Hai lần đầu, khi nhân viên y tế gõ cửa mời xuống dưới đường, bạn đòi đưa kit xét nghiệm tự làm. Đến lần thứ ba thì bạn phát cáu, không thèm mở cửa, mặc cho nhân viên y tế bấm chuông.

    Một người bạn khác của tôi ở quận 3 thì luôn đóng cửa giả vờ ngủ mỗi khi có tiếng gọi test của tổ trưởng.

    Anh tôi kể bị ngoáy mũi một lần khi đi khám bệnh, dù nhân viên y tế làm khá nhẹ nhàng, anh tôi cũng bị thốn mũi và họng mất cả tuần nên sau đó khi xã kêu test là anh đóng cửa, không ló mặt ra.

    Cháu tôi còn trẻ nên không sợ chuyện test. Vì ở nhà trọ nên khi chủ nhà đến réo đi xét nghiệm, cháu chấp hành nghiêm chỉnh.

    Đến lần thứ ba, khi sắp ra khỏi nhà trọ đến chỗ xét nghiệm của phường, cháu nghe ông hàng xóm bảo: Họ đang xét nghiệm các F0 ngoài đó kìa, cháu ra để bị lây hả? Nghe vậy, cháu lui ngay vào nhà và từ đó né luôn chuyện xét nghiệm đại trà.

    Test toàn thành phố là việc làm tốn tiền và vô nghĩa, ai cũng thấy mà cứ lặp đi lặp lại trong hơn hai tháng qua ở TP. HCM.

    Cảnh bắt ép test này đang tiếp tục xảy ra ở một số tỉnh thành phía Nam, khiến dư luận đặt câu hỏi: các công ty buôn bán và nhập kit xét nghiệm đang làm giàu ở Việt Nam là “sân sau” của ai?

    Shipper và hành trình lấy giấy xác nhận âm tính

    Hơn hai tháng qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều “khóc ròng” vì các chốt kiểm soát dày đặc ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã làm chuỗi cung ứng nguyên liệu, nông sản và hàng hóa bị đứt gãy.

    Từ ngày 9/7, ngoài 12 trạm kiểm soát đặt tại các cửa ngõ ra vào TP. HCM, trong nội đô có hàng trăm chốt kiểm soát.

    Ngày 13/7, báo Người Lao Động cho biết thành phố gỡ bỏ 300 chốt kiểm soát trong nội đô thì ngày 15/7 lại tái lập hàng trăm chốt để kiểm tra ngẫu nhiên giấy đi đường và giấy âm tính của tài xế.

    Giấy xétnghiệm âm tính cứ 2 – 3 ngày phải đổi một lần đã làm khổ cánh tài xế đường dài và nay làm khổ các shipper vận chuyển thực phẩm và hàng tiêu dùng cho người dân.

    SONG MAY

    Khi cho phép shipper vận chuyển hàng liên quận ngày 16/9, số lượng shipper tăng lên gấp năm lần, ước tính lên đến 90.000 shipper, dẫn đến các trạm y tế lưu động tại phường xã không đủ nhân viên làm việc.

    Tình trạng shipper xếp hàng dài cả buổi sáng không được xét nghiệm đã xảy ra, nên Sở Công Thương lại thay đổi quy định, từ ngày 24/9 buộc các doanh nghiệp công nghệ như Grap, Go Việt, AhaMove, Baemin, NowFood… tự xét nghiệm cho shipper, với kit xét nghiệm được ngành y tế cung cấp miễn phí đến 30/9.

    Tuy đến ngày 24/9 doanh nghiệp mới tiếp nhận việc xét nghiệm nhưng từ 22/9, các cơ sở y tế đã treo biển ngừng test cho tài xế, khiến nhiều tài xế phải ngưng hoạt động ngày 22 và 23/9, việc tìm kiếm shipper giao hàng liên quận trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.

    Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Vận chuyển hàng hóa và nông sản ách tắc trong hơn hai tháng qua cũng chỉ vì cái giấy âm tính và cái giấy đi đường.

    Trưa 25/9, khi tôi lấy đồ ăn từ một shipper của hãng Baemin, em bảo: “May bây giờ tụi em ba ngày mới phải xét nghiệm một lần, chứ lúc trước hai ngày một lần khổ lắm chị. Hiện tại phí xét nghiệm được miễn chứ bắt tụi em chịu, chả ai thèm chạy đâu chị. Tụi em chích ngừa một mũi hết rồi, còn đợi mũi thứ hai. Mong sao chích đủ hai mũi thì đừng xét nghiệm nữa, mất cả buổi sáng mà đơn hàng nổ quá trời phải từ chối!”

    Tại sao không ưu tiên chích ngừa đủ hai mũi cho tất cả những ai hành nghề tài xế, dù đường ngắn hay đường dài, và kiểm soát di chuyển của họ bằng một app dữ liệu dân cư kết hợp với y tế?

    Cư dân giúp nhau

    Chiều 23/9,lần đầu tiên từ hôm 9/7 tôi nhìn thấy một nơi gần nhà bán rau củ và trái cây có thể lựa chọn và giá không đắt. Lúc trước, nơi này là một salon tóc.

    Điều hay là việc mua bán không còn cảnh “mắt trước mắt sau” lo sợ bị công an hay dân phòng rầy rà. Dường như họ bắt đầu ngó lơ.

    Dù chưa đi được xa vì có nhiều chốt chặn và hàng rào “liên phường”, “liên quận”, tôi đã có thể đi bộ hay đạp xe vòng quanh khu phố mà không phải lo “đối đầu” với “trực thăng” (công an) như trước. Một tuần nay, không thấy “trực thăng” rảo quanh khu phố để phạt người ra đường như tuần trước.

    SONG MAY Công viên nhỏ xíu trong lòng khu dân cư vùng xanh ngày 24/9 vẫn đóng cửa

    Ra khỏi nhà chạy vòng quanh là điều bình thường trước kia bỗng trở thành điều quý giá, khi tôi có thể ngừng trước một cửa hàng tiện ích để chọn mua đồ dùng trong nhà mà không cần phải khai báo y tế, thậm chí ngừng trước một quán bán nước rau má để mua về nhà mà không bị ai rầy rà.

    Trong xóm tôi, mọi người gom hàng “mua chung” trên mạng để bớt được tiền ship đắt đỏ.

    Còn bà tổ trưởng từ hôm bị tịch thu giấy đi chợ hộ đã biết đặt rau và trái cây từ nhà vườn về bán cho mọi người với giá bình thường như trước khi có dịch.

    Khi bị phong tỏa, nhiều người bỗng thấy mình may mắn khi ở trong khu phố có hàng xóm biết san sẻ, có ông/bà tổ trưởng biết quan tâm đến dân.

    SONG MAY Rau củ, trái cây tươi ngon như ngày thường đã xuất hiện trở lại

    Định nghĩa về nơi sống tốt của dân Sài Gòn bây giờ là “nơi có tổ trưởng và hàng xóm tốt”.

    Sau nhiều lần đặt hàng online, tôi đã lập được danh sách các địa chỉ mua hàng mới trong nội quận, trong đó có vài nơi bán đồ ăn chế biến sẵn khá ngon như bún chả, bún riêu, bún bò, cháo gỏi vịt/gà… và tạm hài lòng vì có thể rời xa cái bếp vài ngày trong tuần.

    Đến 30/9 là đúng 84 ngày TP.HCM bị phong tỏa. Điều gì sẽ xảy ra trong ngày 1/10?

    Tôi đã lên danh sách những người mình cần đến thăm ngay sau khi tất cả những hàng rào, chốt kiểm soát được dỡ bỏ. Và để đợi được đến ngày đó, trước tiên tôi cần phải tìm cách tồn tại.

    * Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của bạn đọc Song May từ TP Hồ Chí Minh.