Nga xâm lược Ukraina và “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam – Tạp chí đặc biệt

0
5
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov (T) và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh trong một cuộc họp báo chung ngày 16/04/2014. AP - Tran Van Minh

23/03/2022 – 11:40

Hoàng Hằng-RFI

Tiến hành xâm lược Ukraina dưới cái tên khá “mỹ miều” là “hoạt động quân sự đặc biệt”, Nga đã vấp phải sự lên án và các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất từ nhiều nước. Trong khi đó, mặc dù lên tiếng, Hà Nội vẫn chỉ lặp đi lặp lại những phát ngôn ngoại giao mang tính biểu trưng và tránh lên án Nga. Đầu tháng 03/2023, Việt Nam cũng nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án Nga xâm lược Ukraina.

Xoay quanh vấn đề này, RFI Tiếng Việt phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, trường Đại học Queensland, Úc châu.

*********

RFI Tiếng Việt : Trong bài viết gần đây, ông cho rằng, Hà Nội đang ở thế lưỡng nan về ngoại giao bởi Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraina. Ông có bình luận thêm gì về thế ngoại giao lưỡng nan này cũng như việc Hà Nội bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ? Theo ông, trong tình thế này, Việt Nam nên làm gì ?

Vâng, đúng như chị nói, trong bài viết của tôi trên trang The Diplomat, tôi cho rằng Việt Nam đang ở thế lưỡng nan trong ngoại giao. Hà Nội không biết phải phát biểu và làm thế nào giữ thế cân bằng với cả Nga và Ukraina, đồng thời phải tính cả những hệ lụy sau này. Sự lưỡng nan đó vừa phải phản đối Nga vì đưa quân xâm lược vô cớ sang một nước có chủ quyền. Đó là hành động không thể chấp nhận được bởi nó vi phạm trắng trợn luật pháp và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, vi phạm Hiến chương LHQ, và thách thức dư luận quốc tế. 

Nếu không phản đối thì đồng nghĩa với việc chấp nhận thêm một tiền lệ nguy hiểm. Song, phản đối như thế nào để lại không làm mếch lòng Nga, nước cung cấp vũ khí chính và chiến lược cho Việt Nam. Thậm chí ở mức độ nào đó, Nga còn được ngầm coi như cái ô bảo vệ cuối cùng cho Việt Nam trong trường hợp nếu có những biến động. Trong khi đó, Việt Nam cũng không thể không thể hiện đồng tình với lập trường của Ukraina chống lại hành động xâm lược của Nga. 

Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại hành vi can thiệp vào công việc nội bộ và sự xâm lược của nước khác là hành động chính nghĩa. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc cốt lõi mà Việt Nam cũng luôn đề cao và bày tỏ trong quan hệ quốc tế. Nhưng bày tỏ làm sao để Nga hiểu là Việt Nam không đứng về phe Ukraina chống Nga và không để Ukraina hiểu là Việt Nam “vô ơn” với sự hỗ trợ của họ trong giai đoạn chiến tranh giải phóng trước đây. Tóm lại, đó thực sự là một sự bối rối đối với các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao Việt Nam khi họ không biết làm sao cho trọn vẹn quan hệ với cả hai nước. Hơn nữa, sự bối rối này còn được đặt trong bối cảnh phải tính tới những hệ lụy của những phát ngôn và hành động đó sau này, nếu giả sử Việt Nam ở vào tình thế tương tự như Ukraina hiện nay.

Tôi cho rằng, thật khó cho Việt Nam và cũng đừng vội trách Việt Nam bỏ phiếu trắng Nghị quyết của LHQ. Thử đặt câu hỏi sòng phẳng với nhau thế này. Nghị quyết được thông qua với 141 quốc gia tán thành. Nếu có thêm hay bớt phiếu của Việt Nam, Nghị quyết vẫn được thông qua với đa số phiếu, đúng không? Trong khi đó, có 5 phiếu chống và Việt Nam không nằm trong số này. Vậy, tại sao không đặt câu hỏi việc không nằm trong số 5 phiếu chống có đồng nghĩa với việc Việt Nam ngầm thể hiện phản đối Nga không, trong khi hai bên có quan hệ chiến lược đặc biệt? Thực tế, khi tuyệt đại đa số nước lên án, Nga đang rất cần và chắt chiu từng tiếng nói ủng hộ. Vậy, việc Việt Nam bỏ phiếu trắng mà không chống lại Nghị quyết có thể hiểu Việt Nam ngầm phản đối Nga không?

Tôi chia sẻ sự thất vọng của nhiều người, trong đó có cả đại biện lâm thời của Ukraina tại Hà Nội như truyền thông đã đưa tin, với việc Việt Nam bỏ phiếu trắng sau phát biểu “khá mạnh” của đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ tại phiên họp khẩn cấp của Đại Hội Đồng. Phần lớn nội dung của Nghị quyết là về bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, và vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên, trong Nghị quyết có chỗ này chỗ kia dùng từ “lên án”. Vì vậy, có thể với Việt Nam, từ ngữ mạnh như vậy nhạy cảm trong quan hệ Việt-Nga. Vì thế, tôi hiểu rằng Việt Nam chọn cách an toàn trong trường hợp này là bỏ phiếu trắng.

Mỗi người sẽ có cách lý giải khác nhau về lá phiếu trắng của Việt Nam. Hệ quả của lá phiếu trắng này như thế nào hãy để thời gian trả lời đặt trong ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Nga, Ukraina, các nước phương Tây và phần còn lại của thế giới. Riêng với Trung Quốc – nước láng giềng xét cả chiều dài lịch sử cho đến tận bây giờ và hẳn là mãi mãi sau này, chưa bao giờ, (tôi nhấn mạnh “chưa bao giờ”, ngay cả ở thời điểm tốt đẹp nhất giữa những người đồng chí cộng sản với nhau, tạm coi như vậy nếu có), lại không tồn tại tranh chấp lãnh thổ. Thực tế, Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và luôn ở vị thế cá lớn muốn nuốt cá bé. 

Tuần trước, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam lần lượt có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga và Ukraina. Đây là một động thái cố gắng cân bằng nữa của Việt Nam. Xét về quan hệ “bạn bè truyền thống gần gũi với cả Nga và Ukraina”, như bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam nói trong các cuộc điện đàm trên, tôi cho rằng, Việt Nam ở vị thế đặc biệt trong quan hệ với hai nước mà ít nước nào có. Vì vậy, Việt Nam có thể làm được nhiều hơn những gì mà cho đến nay chúng ta thấy. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của hậu bỏ phiếu Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ và kỳ vọng của các đại sứ Liên Hiệp Châu Âu trong một Thư ngỏ gần đây với vai trò đóng góp của Việt Nam, tôi tiếc là cho đến nay Việt Nam chưa phát huy được vai trò và vị thế quan hệ đặc biệt này, ngay cả nội dung thể hiện trong các cuộc điện đàm như truyền thông Việt Nam đưa tin. 

Tôi nghĩ, đúng là ngoại giao Việt Nam có thế khó và lưỡng nan trong vấn đề chiến tranh Nga-Ukraina. Nhưng đây chính là thời điểm phát huy phương châm 14 chữ của ngoại giao Việt Nam như thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội Nghị Ngoại Giao lần thứ 31 (tháng 12/2021) rằng “Tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, hiệu quả, và cùng phát triển”. Ngoại giao Việt Nam hãy “tình cảm và chân thành” trên cơ sở quan hệ “tin cậy” với Nga và Ukraina để phát huy đóng góp của mình trong việc chấm dứt chiến tranh giữa hai nước. Khi cuộc chiến không biết đến khi nào sẽ kết thúc, tôi hy vọng các nhà ngoại giao Việt Nam đủ khôn khéo và khôn ngoan cân nhắc làm thế nào phát huy “tình cảm và chân thành” nhằm góp phần “hiệu quả” nhất định trong tình huống này. 

RFI Tiếng Việt : Việc Nga xâm lược Ukraina tạo ra tiền lệ nguy hiểm tiềm tàng và gây lo ngại với các quốc gia nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, cách ứng xử với cuộc chiến khiến nhiều người hoài nghi về “Ngoại giao cây tre” (bamboo diplomacy) của Hà Nội. Liệu rằng, phương thức ngoại giao này có thật sự hiệu quả và kêu gọi được sự ủng hộ của các nước trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia hay không nếu một mai Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam. Ông nghĩ sao về sự hoài nghi này?

Tôi cho rằng có nhiều người chưa thực sự hiểu rõ hàm ý của cụm từ “Ngoại giao cây tre” của Hà Nội. Trước hết, “Ngoại giao cây tre” là một cách diễn ngôn khác và cũng chỉ là một trong những phương thức ngoại giao, chứ nó không phải là triết lý đương đại của ngoại giao Việt Nam, và càng không nên hiểu nó là “chính sách” hay “đường lối ngoại giao” của Việt Nam. Chính sách/ đường lối ngoại giao và phương thức ngoại giao là hai khái niệm và vấn đề khác nhau.

“Ngoại giao cây tre” của Hà Nội đặt trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đó là ngoại giao lấy vấn đề chủ quyền và an ninh quốc gia làm cái gốc, nền tảng và bất biến. Vì bất biến nên không được phép thỏa nhượng. Nhưng cách thức bảo vệ thì uyển chuyển và linh hoạt. 

Như tôi đã nói ở trên, hệ lụy từ ứng xử ngoại giao, bao gồm cả việc bỏ phiếu trắng, hãy để thời gian trả lời. Hơn nữa, nó sẽ phụ thuộc những chuyển động trong quan hệ quốc tế giữa các nước lớn, các trung tâm chính trị có ảnh hưởng trên thế giới, cũng như cách tiếp cận khôn ngoan của ngoại giao Việt Nam nếu biết tận dụng vị thế đặc biệt trong quan hệ với cả Nga và Ukraina để đóng góp vào việc giải quyết và chấm dứt cuộc chiến.

Nhưng, dù là phương thức ngoại giao gì đi nữa, tôi cho rằng, để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và có thể chống lại mọi cuộc chiến tranh xâm lược, phải dựa vào sức mình. Bài học kinh nghiệm trong quá khứ và qua cuộc chiến Nga-Ukraina hiện nay cho thấy, phải có sự chuẩn bị và không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của bên ngoài. Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tham vọng chủ quyền và sự trỗi dậy của Trung Quốc nhắc nhở Việt Nam phải luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng. Có câu nói rằng “cách tốt nhất để tránh chiến tranh là chuẩn bị cho chiến tranh”

RFI Tiếng Việt : Liên quan đến một bài khác viết cho truyền thông Việt Nam, ông nêu ra những luận chứng văn hóa và lịch sử để lý giải cho cuộc chiến mà ông Putin phát động. Nếu thuận theo cách lý giải này, ông Tập Cận Bình cũng có thể làm điều tương tự với Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh của nguồn tin cho rằng, Nga kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn kinh tế và quân sự cho cuộc chiến. Liệu rằng, những điều này có làm cho chính quyền Hà Nội bất an và thiết lập những hành động dự phòng như thế nào nếu có?  

Vâng, tôi đã nói ở trên, hành động Nga xâm lược Ukraina tạo ra, và thực chất là tiếp nối, tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế. Mục đích bài viết về cuộc chiến tranh Nga-Ukraina xét từ góc độ lịch sử trên truyền thông Việt Nam mà chị nhắc đến là để những ai còn ảo tưởng và thần tượng ông Putin, tin vào những gì ông ấy nói khi phát động cuộc chiến tranh này, thì hãy xem xét lại vấn đề một cách khách quan, không nên để tình cảm lấn át lý trí và tính khách quan của lịch sử. Bởi, chính ông Putin khi phát động chiến tranh cũng viện dẫn vấn đề lịch sử. 

Về giả thiết “ông Tập Cận Bình cũng có thể làm điều tương tự với Việt Nam”, tôi nghĩ nó không quá đơn giản như vậy. Nếu cứ suy luận như vậy thì thế giới này sẽ loạn và sớm đi đến diệt vong lắm. Không nên bi quan quá mức, và để đi đến một cuộc chiến tranh, đâu phải nói hôm nay và ngày mai chiến tranh ngay được. Nhưng tôi nhắc lại câu bình luận của tôi ở trên, rằng “lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tham vọng chủ quyền và sự trỗi dậy của Trung Quốc nhắc nhở Việt Nam phải luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng”.

Về câu hỏi của chị rằng liệu Hà Nội có bất an khi Nga kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn, tôi nghĩ đương nhiên việc này sẽ phải nằm trong tính toán của giới lãnh đạo Hà Nội. Tôi lấy ví dụ về những dự án hợp tác khai thác dầu khí của Nga với Việt Nam trên Biển Đông và các dự án khác của Nga ở Việt Nam, hay việc Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Với những dự án hợp tác với Nga như vậy, giả sử Trung Quốc “ngầm” viện trợ cho Nga và ép Nga có những thỏa nhượng về những vấn đề này thì sao? Và nếu như vậy, Việt Nam sẽ phải ứng xử thế nào?

Đấy là những giả thuyết thôi, mặc dù chúng ta hiểu rằng không nên đơn giản hóa mọi thứ. Lời khuyên với các nhà hoạch định chiến lược là không nên xem nhẹ vấn đề nào. Thậm chí, phải hoạch định chính sách chiến lược cả với trường hợp giả tưởng thì mới có thể chuẩn bị tốt cho mọi tình huống. Đừng lạc quan tếu kiểu như những phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Ukraina mà báo chí cũng đã đưa tin. 

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm rằng việc Trung Quốc có muốn hậu thuẫn cho Nga cũng không đơn giản và dễ dàng. Trung Quốc phải hiểu cái giá họ sẽ trả nếu hậu thuẫn Nga như tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với ông Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến của hai ông ngày 17/3/2022 vừa rồi.

RFI Tiếng Việt : Có ý kiến cho rằng, thật khó để biện minh cho Nga về cuộc chiến Ukraina và cũng thật khó để có thể đồng tình với nhóm người được coi là “giới tinh hoa” chính trị và cả những người dân Việt Nam đề cao và ủng hộ những hành động chiến tranh xâm lược tàn bạo của vị lãnh đạo nước Nga, Putin trong thời hiện đại. Ông nghĩ sao về vấn đề này? 

Về vấn đề này, tôi nghĩ có ba khía cạnh ở đây. Thứ nhất, không nên coi đó là những phát ngôn chính thức của chính phủ hay nhà nước Việt Nam để có cách nhìn nhận chính xác về phản ứng của Việt Nam. Thứ hai, tôi hiểu chị ám chỉ “giới tinh hoa” chính trị ở đây là những ai. Đó là mấy ông tướng tá phải không ạ? Tôi nghĩ, không nên coi họ là “giới tinh hoa” chính trị để tránh hiểu nhầm. Hơn nữa, họ chỉ là những ông tướng tá đã về hưu, những phát biểu của họ mang tính cá nhân, không có ảnh hưởng gì cả, càng không phải là quan điểm chính thức đại diện cho nhà nước hay cơ quan họ công tác. Vì thế, cũng nên bình thường hóa những phát biểu của họ như bao ý kiến dư luận khác. Và, nếu chị để ý, hầu như không có ông tướng tá đương chức nào phát biểu về chuyện này. Họ cẩn trọng hơn những ông tướng tá về hưu.

Nhân đây, nếu được phép bình luận về những ý kiến của mấy ông tướng tá về hưu này, tôi cho rằng họ phát biểu theo cảm tính, bị chi phối bởi tư duy nghề nghiệp, dựa trên thông tin không đầy đủ và một chiều. Họ lẫn lộn giữa những vấn đề thuộc về nguyên tắc và lợi ích nên vô tình tạo cảm giác cổ súy cho một hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Đặc biệt, ở một góc độ nào đó, phát biểu của họ trái ngược với quan điểm chính thức của nhà nước Việt Nam thông qua tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam, đi ngược lại với bang giao có thể nói là tốt đẹp giữa Việt Nam với cả Nga và Ukraina. 

Tháng 1/2022 vừa qua, lãnh đạo Việt Nam còn gửi điện chúc mừng đến tổng thống Ukraina nhân 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thế nhưng, lại có những bình luận trong số này vuốt theo tuyên bố của phía Nga cho rằng, chính quyền Ukraina thực hiện chính sách phát-xít và việc Nga xâm lược Ukraina một phần là phi phát-xít hóa Ukraina. Tôi không hiểu khi bình luận như vậy, họ có nghĩ đến hệ lụy của những bình luận đó trong quan hệ Việt Nam – Ukraina và ảnh hưởng đến uy tín của chính giới lãnh đạo Việt Nam hay không? 

Thứ ba, nói đi cũng phải nói lại, trong khi có ý kiến ủng hộ Nga, cũng có ý kiến lên án Nga. Nói cách khác, dư luận ở Việt Nam cũng đa chiều. Tôi nghĩ như vậy cũng là bình thường, và việc phản biện lại nhau cũng là bình thường. Tôi được biết, cũng có cơ quan này hay tổ chức kia ở Việt Nam tổ chức tọa đàm về cuộc chiến Nga-Ukraina và ở đó cũng có những quan điểm khách quan.

RFI Tiếng Việt cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải.