Làm sao người Việt có thể giới hạn tình trạng chia rẽ vì Trump?

0
3

LS Nguyễn Văn Thân

Ngày 6 tháng 1 vừa qua đánh dấu hai sự kiện quan trọng tại Mỹ. Thứ nhất là cuộc bầu cử bổ túc tại tiểu bang Georgia mà Đảng Dân chủ thắng cả hai ghế thượng viện và sẽ nắm quyền lực cả ba nhánh chính quyền đó là tổng thống, hạ viện và thượng viện. Nhưng điều đáng nói là cuộc biểu tình bạo loạn ngay trong Quốc hội Mỹ. Hậu quả là có 5 người bị chết và hàng trăm người bị bắt và truy tố gồm có các tội trạng nghiêm trọng chẳng hạn như nổi loạn chống nhà nước.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tổ chức vào ngày 3/11/2020. Tổng cộng có 538 phiếu cử tri đoàn. Ứng viên nào chiếm được 270 phiếu thì sẽ đương nhiên thắng cử. Chỉ vài ngày sau thì các thông tấn xã và các cơ quan truyền thông chính mạch như AP (The Associated Press), The Washington Post, The New York Times, Reuters, Bloomberg, CNN, ABC, CBS, NBC, MSNBC, Fox News đã công bố kết quả là ứng viên Joe Biden thắng vì đạt hơn 270 phiếu. Tới thời điểm này, AP cũng cho biết là ông Biden đạt được 81,283,485 phiếu cá nhân (51.4%) và ông Trump đạt được 74,223,744 phiếu (46.9%). Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử của Mỹ thì tiểu bang có trách nhiệm tổ chức bầu cử và có tới ngày 14/12/2020 để chính thức công bố kết quả và phiếu cử tri đoàn. Tức là các nhà làm luật cũng đã nghĩ tới việc sẽ có khiếu kiện sau ngày bầu cử và cho các bên tham dự một khoảng thời gian để đưa hồ sơ ra tòa. Bên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã tiến hành hơn 60 vụ kiện nhưng tất cả đều bị tòa án các cấp gồm có Tối cao Pháp viện bác bỏ vì không có bằng chứng gian lận đáng kể có thể thay đổi được kết quả bầu cử cũng như không có cơ sở pháp lý. Do đó vào đúng ngày 14/12/2020 thì tất cả các tiểu bang đã nhóm họp và chứng thực kết quả cử tri đoàn là 306 phiếu cho ông Biden và 232 phiếu cho Tổng thống Trump.

Đáng lẽ ra thì Tổng thống Trump nên chấp nhận kết quả và chúc mừng ông Biden vào lúc này. Nhưng ông Trump môt mực tiếp tục lên tiếng trên twitter là ông đã thắng vẻ vang nhưng chỉ thua vì bầu cử gian lận. Do đó, ông muốn lật kèo vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021 khi lưỡng viện Quốc hội nhóm họp đếm phiếu cử tri đoàn dưới sự chủ tọa của Phó Tổng thống Mike Pence. Trước đó vài ngày, Tổng thống Trump đã gọi điện thoại nói chuyện với ông Brad Raffensberger là Tổng Thư ký tiểu bang Georgia và viên chức điều hành cuộc bầu cử tại đây. Cuộc điện đàm này đã được đưa ra công luận mà trong đó, Tổng thống Trump ngỏ ý yêu cầu Raffensberger kiếm cho ông thêm 11,780 phiếu (vì ông Biden thắng tiểu bang Georgia với 11,779 phiếu).

Theo Điều II(1) của Hiến pháp Mỹ, phiên họp Quốc hội lưỡng viện chỉ mang tính nghi thức đếm phiếu cử tri đoàn. Tuy nhiên, nếu có một dân biểu Hạ viện và một nghị sĩ Thượng viện ký tên vào văn bản phản đối thì Quốc hội sẽ thảo luận và ra quyết định. Vào ngày 6/1/2017 của cuộc bầu cử trước, có một vài dân biểu Đảng Dân chủ phản đối kết quả cuộc bầu cử 2016 nhưng không có chữ ký của bất cứ thượng nghị sĩ nào nên chính ông Joe Biden (trong cương vị Phó Tổng thống) đã nhanh chóng thông qua và công bố kết quả xác nhận Tổng thống Trump thắng cử. Lần này thì có tới 137 dân biểu và 8 thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối.

Trước đó, Tổng thống Trump đã đặt áp lực yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence đơn phương loại bỏ các lá phiếu cử tri đoàn bầu cho ông Biden ở các tiểu bang chiến trường để lật ngược kết quả bầu cử. Nhưng Phó Tổng thống Pence từ chối yêu cầu này vì nó vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên ông Trump không chịu bỏ cuộc và ông đã kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về thủ đô Washington để biểu tình và đặt áp lực với Quốc hội nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Tổng thống Trump đã phát biểu trước hàng chục ngàn người biểu tình là “chúng ta có mặt ở đây vì không muốn thấy cuộc thắng cử của chúng ta bị đánh cắp… Tôi đã thắng long trời lở đất” (All of us here today do not want to see our election victory stolen… We won it by a landslide). Ông kêu gọi đoàn người biểu tình hãy tiến vào Quốc hội và “nếu không chiến đấu tới cùng thì quý vị sẽ không còn giữ được đất nước này” (if you don’t fight like hell, you’re not going to have a country anymore). Dân biểu Cộng Hòa bà Liz Cheney (con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney) đã nói với Fox News rằng chính Tổng thống Trump đã triệu tập đám nổi loạn, sách động và châm ngòi cho cuộc bạo loạn. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là ông Mitt Romney cũng đồng ý rằng đây là một cuộc nổi loạn do chính Tổng thống Mỹ cầm đầu và chủ mưu.

Lúc đầu có khoảng 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa có ý định phản đối phiếu cử tri đoàn theo lời yêu cầu của ông Trump, nhưng sau cuộc bạo loạn thì đã có vài người đổi ý. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh tụ Thượng viện của Đảng Cộng hòa đã phát biểu rằng nếu Quốc hội tước đi lá phiếu cử tri đoàn đại diện cho hàng chục triệu cử tri ở các tiểu bang chiến trường đã được tòa án và các tiểu bang chứng thực thì nền dân chủ cộng hòa của Mỹ sẽ bị sụp đổ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham là người ủng hộ và cộng tác đắc lực nhất của Tổng thống Trump cũng không chấp nhận yêu cầu vi hiến này. Trong phần phát biểu, ông Graham cũng cho biết là bên Tổng thống Trump cáo buộc là có 66,000 người dưới 18 tuổi tại tiểu bang Georgia và hơn 8,000 tù nhân ở Arizona bỏ phiếu. Khi ông yêu cầu họ cung cấp 10 cái tên thì họ chỉ đưa cho ông được 1 tên. Có lẽ vì vậy mà ông William Barr cựu Bộ trưởng Tư pháp đã tuyên bố là hành vi của Tổng thống Trump đã phản bội lại lời thề khi ông tuyên thệ nhậm chức là sẽ làm hết sức mình để thực thi trách nhiệm của một tổng thống và bảo vệ Hiến pháp.

Tổng thống Trump không chỉ gây chia rẽ trong nước Mỹ mà luôn đối với cả người Việt trong và ngoài nước. Theo cuộc thăm dò cử tri người Mỹ gốc Á 2020, cộng đồng người Việt là sắc tộc có tỷ lệ ủng hộ Trump cao nhất với 48% so với 36% cho Biden. Dường như tỷ lệ người Việt ủng hộ Trump trong nước còn cao hơn thế nữa. Cộng đồng mạng cũng chia hai phe rõ rệt. Một bên chống Trump kịch liệt và một bên thì ủng hộ Trump hết mình.

Có lẽ nhiều người chống Trump cho rằng Trump là một người thô lỗ, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, chuyên nói láo, mị dân và tham quyền cố vị không có chuẩn mực đạo đức tối thiểu để làm tổng thống lãnh đạo Mỹ và thế giới tự do. Một số cũng không đồng tình với chính sách mang tính dân túy của Trump. Ngay cả khi Trump đạt một số thành quả về mặt chính sách ví dụ như đối với Trung quốc hoặc giúp nối liền quan hệ bang giao giữa Do thái và các quốc gia Ả rập thì cũng bị họ đánh giá thấp hoặc xem nhẹ.

Mặt khác, trong số 74 triệu cử tri bỏ phiếu cho Trump có những lý do khác. Một số là cử tri bảo thủ của Đảng Cộng hòa tin tưởng vào vai trò giới hạn của nhà nước, đề cao chủ nghĩa trách nhiệm cá nhân cũng như vai trò của một gia đình truyền thống (một nam, một nữ) và của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Đối với người Việt, yếu tố Trung Quốc là rõ ràng nhất. Dĩ nhiên là người ta có thể tranh luận về mức độ hiệu quả nhưng không thể phủ nhận Trump là vị tổng thống bày tỏ thái độ chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất so với các vị tổng thống tiền nhiệm. Nhiều người Việt cảm thấy hả hê và đây là một tâm lý dễ hiểu. Đặc biệt là đối với những người Công giáo. Họ đã ghét Trung quốc mà Trump lại thực thi các chính sách chống phá thai và hôn nhân đồng tính phù hợp với niềm tin và tín ngưỡng của họ. Bất kể khiếm khuyết nào của Trump thì họ cũng sẵn sàng bỏ qua hoặc xem nhẹ. Dĩ nhiên là người khác có quyền không đồng ý với quan điểm và lập trường như vậy với những lập luận như phụ nữ có quyền tự định đoạt cơ thể hoặc khả năng sinh đẻ và đời sống của họ hoặc quyền bình đẳng giới tính là một hình thức nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc ghi nhận và bảo vệ trong đó có quyền kết hôn với người mình yêu thích không phân biệt giới tính. Trong một bầu trời xã hội dân chủ bao la thì có đủ chỗ cho các chính kiến và quan điểm đối nghịch với nhau như vậy tồn tại như một vườn hoa muôn màu muôn sắc.

Vấn đề là khi người ta trở thành cực đoan. Ví dụ như giở trò tấn công cá nhân hoặc chụp mũ những người ủng hộ ông Biden là “thân cộng” hoặc “thân Trung quốc”, hoặc ủng hộ một tên “sát thủ” thai nhi (vì Biden chấp nhận Roe v Wade là phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ vào năm 1973 bảo về quyền được chọn phá thai trong 28 tuần đầu).

Mặt khác, có một số người chống Trump hả hê nhạo báng những người ủng hộ Trump như là những kẻ ngu dốt, đần độn bị Trump lừa gạt. Có người ghét Trump đến nỗi ghét luôn những người ủng hộ Trump khi nhận định rằng người nào ủng hộ Trump thì cũng vô liêm sỉ và bất lương như Trump.

Trong số những người ủng hộ Trump mạnh mẽ nhất thì cũng có những người thuộc nhóm kỳ thị chủng tộc và Da trắng Thượng đẳng, chẳng hạn như Proud Boys và QAnon. Họ tin lời Trump là hệ thống hành chính quan liêu (bureaucracy) thật sự là những thế lực ngầm (deep state) phục vụ cho các nhóm lợi ích và chỉ có Trump mới ‘tát cạn đầm lầy’ (drain the swamp) quét sạch các nhóm lợi ích này. Đặc biệt QAnon là một nhóm cực hữu ước lượng có hàng triệu thành viên kết nối với nhau trên Facebook. Họ chuyên phát tán thuyết âm mưu vu khống Đảng Dân chủ là thành thần tội phạm ấu dâm tôn thờ Satan và ăn thịt người. Họ cũng tin Trump là Đấng cứu thế đã được giao nhiệm vụ tiêu diệt hết loài quỷ dữ là các đảng viên của Đảng Dân chủ.

Một hiện tượng đáng lo ngại là có một số người Việt ủng hộ Trump hầu như là đã bị tẩy não. Họ chìm đắm trong thế giới ảo tràn ngập tin giả và tin độc hại rồi lại phát tán tin giả khắp mọi nơi. Họ có sẵn định kiến nên công thức toán học (algorithm) của Facebook, Google, Youtube… đưa họ lạc vào mê hồn trận của thế giới tin giả. Lâu ngày rồi trở thành nghiện tin giả mà không biết. Đối với họ, chỉ có những nguồn tin trên internet từ các nhóm cực hữu mà họ theo dõi là tin thật, còn các cơ quan thông tấn xã quốc tế và truyền thông chính mạch thì đều đã bị Bắc Kinh… mua hết. Thật ra những người này là nạn nhân của một cái buồng vang (echo chamber) mà chính bản thân họ không nhận ra được. Từ một cái nhìn nào đó thì họ đáng được thương hại hơn là đáng ghét hoặc đáng trách.

Dĩ nhiên là không ai có thể chấp nhận được ý đồ sử dụng bạo lực để lật ngược kết quả bầu cử cũng như phát tán tin giả nhằm lừa gạt công chúng. Một xã hội tự do dân chủ phải dựa trên nền tảng của 2 yếu tố là tranh luận và giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và tôn trọng sự thật. Bạo lực và dối trá là sản phẩm đặc thù của những kẻ độc tài và chủ nghĩa cộng sản.

Làm sao người Việt có thể giới hạn tình trạng chia rẽ vì Trump? Thứ nhất là phải đồng lòng nói không với tin giả. Có nghĩa là không phát tán, chia sẻ thông tin không có nguồn rõ ràng và minh bạch hoặc chỉ chia sẻ thông tin xuất phát từ các nguồn tin đáng tin cậy là các thông tấn xã quốc tế và cơ quan truyền thông chính mạch. Với những người đã bị “nhiễm” tin giả thì chúng ta cần có một cuộc ‘cách ly mạng xã hội’ với họ để kiểm soát và chế ngự vi khuẩn độc hại này. Nếu họ tiếp tục thì cứ thẳng tay unfollow hoặc unfriend. Mọi cuộc tranh luận có văn hóa và dân chủ lành mạnh chỉ có thể diễn ra dựa trên thông tin đúng với sự thật. Bất cứ ai cũng có quyền có ý kiến và quan điểm khác biệt nhưng không có quyền ngụy tạo sự thật khác biệt.

Thứ hai là khi muốn trình bày quan điểm về một đề tài quan trọng và nhạy cảm thì hãy chịu khó đánh máy một bài luận văn có đầu đuôi rõ ràng. Phải xem các status trên Facebook thuộc về công luận chớ không đơn thuần giới hạn trong phạm vị những người bạn trên Facebook. Viết nhanh trên điện thoại rất dễ gây hiểu lầm và xúc phạm người khác vì biểu lộ quá nhiều cảm xúc. Khi người ta viết một bài luận văn dài thì họ thường phải đắn đo, nắn nuốt từng câu từng chữ để cho ra đời một bài viết là sản phẩm của trái tim và khối óc. Sau khi viết xong thì có thể copy và paste vào trang Facebook của mình. Món ăn tinh thần đó sẽ ‘dễ nuốt’ hơn.

Thứ ba là tuân thủ nguyên tắc tranh luận và trình bày quan điểm trong tinh thần ôn hòa bằng cách tránh né sử dụng từ ngữ nặng nề dễ xúc phạm gây tổn thương cho người khác. Có thể thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình mà không cần tấn công hoặc gây áp lực cho những người bất đồng quan điểm. Tôn trọng người khác cũng có nghĩa là tôn trọng chính bản thân mình.

Sau cùng, chúng ta phải chấp nhận và tập làm quen với hiện tượng bất đồng không chỉ vì Trump mà đối với nhiều đề tài khác. Có lúc phải chấm dứt cuộc tranh luận với kết luận là “chúng ta đồng ý là bất đồng với nhau”.

Trong tiến trình tranh đấu cho tự do dân chủ cho Việt nam, ngoài những cơ chế dân chủ thì tất cả mọi người đều có thể góp phần trong việc xây dựng văn hóa tranh luận dân chủ và lành mạnh. Mạng xã hội như Facebook kết nối người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thuận với nhau một vài nguyên tắc căn bản khi tranh luận trên mạng có thể giúp chúng ta tránh được tình trạng chia rẽ trầm trọng để cùng nhau góp phần xây dựng một đất nước Việt nam dân chủ, văn minh và tiến bộ.

LS Nguyễn Văn Thân

Sydney, 26/01/2021