Chính sách ngoại giao của Chính quyền tân Tổng thống Mỹ về Biển Đông và Việt Nam

0
22
Ảnh minh họa. Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ ngày 19/1/2021. AFP
   
Hoà Ái / RFA

Thượng viện Hoa Kỳ, vào ngày 26/1, chuẩn thuận ông Antony Bliken đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Mỹ dưới Chính quyền mới của tân Tổng thống Joe Biden.

Đài RFA thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam để tìm hiểu ông nhận định thế nào về chính sách ngoại giao của Chính quyền Tổng thống Mỹ thứ 46 đối với Việt Nam và vấn đề Biển Đông.

Trước hết, luật sư Vũ Đức Khanh nêu lên quan điểm của ông về chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ có những thay đổi nào đối trong mối bang giao với Việt Nam:

Luật sư Vũ Đức Khanh:  Mỗi khi ở Hoa Thịnh Đốn có sự thay đổi chính quyền, nhất là từ chính quyền của đảng này sang đảng kia thì chắc chắn là có rất nhiều sự xáo trộn trong các chính sách; thậm chí người mới lên có thể làm ngược lại tất cả những gì của người tiền nhiệm. Riêng đặc biệt đối với hai vị tổng thống mà chúng ta vừa chứng kiến, tức là ông cựu Tổng thống Donald Trump và ông tân Tổng thống Joe Biden, thì chúng ta thấy có sự thay đổi hoàn toàn về chính sách.

Tuy nhiên, nếu nói về chính sách đối ngoại của Chính quyền ông Biden đối với Việt Nam thì hiện tại tôi có thể phát họa về căn bản không có gì thay đổi lớn so với chính sách của ông Donald Trump trước đây.

Trong chính sách đối ngoại của Mỹ gồm có bốn điểm. Thứ nhất về chính trị-ngoại giao. Thứ hai về kinh tế. Thứ ba về quân sự và an ninh quốc phòng. Và thứ tư về vấn đề nhân quyền và các giá trị có tính chất gọi là ‘quyền lực mềm’.

Tôi cho rằng ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và sẽ còn làm sâu đậm thêm mối quan hệ, vì hai bên có những quyền lợi khá tương đồng. Tuy nhiên một trong bốn trụ cột của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là vấn đề về nhân quyền và dân quyền mà tôi nghĩ rằng sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Tôi hy vọng khoảng 12 giờ trưa, theo giờ ở Hoa Thịnh Đốn, ông Antony Blinken được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua việc bổ nhiệm ông ấy làm tân Ngoại trưởng Mỹ. Tôi tin chắc rằng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ nói rất mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Tôi nghĩ rằng nhân quyền là là vấn đề mà Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cố gắng làm việc trong tinh thần trọng thị để hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn.

RFA: Ông vừa nhắc đến tân Ngoại trưởng Antony Blinken. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào hôm 19/1, ông Blinken đã nói rằng Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc và họ sẽ liên kết chặt chẽ đối với các đồng minh, chứ không theo chính sách ngoại giao đơn phương như của cựu Tổng thống Donald Trump.

Luật sư nhận định thế nào về vai trò của Việt Nam qua tuyên bố vừa nêu của tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken?

Luật sư Vũ Đức Khanh:  Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội cho Việt Nam được đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực, đặc biệt trong khối ASEAN và Việt Nam sẽ có vai trò tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như sự tòan vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng vì Chính quyền Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định với thế giới rằng họ sẽ quay trở lại để tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Họ muốn dùng chính sách đa phương và dùng thế chính trị-ngoại giao để làm sao đưa Trung Quốc trở lại chính trường quốc tế. Vì thái độ của Trung Quốc có thể nói là họ hưởng rất nhiều những thành quả của các cơ chế và định chế mà thế giới phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã xây dựng từ sau Đệ nhị Thế chiến. Trung Quốc thừa hưởng, nhưng họ không xây dựng, không đóng góp mà ngược lại họ còn muốn cố tình phá hoại những cơ chế đó.

Tôi nghĩ rằng thông điệp của Chính quyền ông Biden rất rõ ràng trong vấn đề này và có sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ cũng như có sự đồng thuận của các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và các đồng minh trong khối NATO.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cộng đồng thế giới sẽ hợp tác với nhau và cùng lập ra một liên minh mặt trận chung để làm sao cho Trung Quốc chấp nhận những luật định được đặt ra từ 75 năm qua.

Một trong những vấn đề quan trọng là Trung Quốc phải giải quyết những bài toán ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đó là về vấn đề của Bắc Hàn, vấn đề của Hong Kong, vấn đề của Đài Loan, vấn đề Biển Hoa Đông (tức là quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản) và vấn đề cuối cùng mà quan trọng nhất là vấn đề Biển Đông.

Từ tháng 7/2016, Tòa án Quốc tế La Haye đã khẳng định đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông là vô nghĩa. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng mưu mẹo trong các vấn đề về chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự để gây ra sự mất ổn định trong khu vực. Điều này rất quan trọng và Việt Nam cần phải hiểu rằng đã đến lúc họ phải lên tiếng. Và họ muốn lên tiếng trong vấn đề này thì họ cần phải có sự đoàn kết giữa những người Việt Nam với nhau để đạt được mục tiêu là giữ vững nền độc lập cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, đồng thời giữ vững được an ninh nội bộ và phát triển kinh tế.

Luật sư Vũ Đức Khanh. Courtesy of luật sư Vũ Đức Khanh

RFA: Theo như ông vừa phân tích thì Việt Nam cần tận dụng cơ hội với chính quyền mới của Hoa Kỳ. Thế nhưng việc đó có thể xem như là một thách thức đầy cam go đối với Việt Nam hay không khi mới trong đầu năm 2021, Trung Quốc có những động thái như chuẩn bị triển khai giàn khoan dầu biển sâu mới ra Biển Đông hay Trung Quốc cải tạo gia cố bờ căn cứ đảo Phú Lâm để ngăn xói mòn? Những động thái này sẽ gây ảnh hưởng nguy hiểm đến toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam hay không?

Luật sư Vũ Đức Khanh:  Theo tôi nghĩ thì người Việt Nam có truyền thống từ thời Bà Trưng-Bà Triệu, vào những năm 40 sau Công nguyên, đã đứng lên để chống lại sự đô hộ của Chính quyền phương Bắc. Theo chiều dài lịch sử của Việt Nam thì tôi không bao giờ thấy rằng người Việt Nam khuất phục Trung quốc. Dù cho Trung Quốc mạnh bao nhiêu chăng nữa thì người Việt Nam cũng vẫn có thể giành được chủ quyền độc lập mà không cần tới Hoa Kỳ hay bất cứ liên minh nào. Đó là ý chí của người Việt trong vấn đề độc lập dân tộc.

Do đó, tôi có thể nói rằng Việt Nam chỉ có thể giữ vững độc lập dân tộc khi người Việt và người Việt đồng thuận với nhau trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Muốn như thế thì Đảng CSVN cần phải có sự liên kết với tất cả các thành phần chính trị, phải tập hợp được lực lượng ở trong nước để đủ sức chống lại Trung Quốc.

Việt Nam cần thực hiện một chính sách mà tôi tạm gọi là ‘chính sách đoàn kết quốc gia’, một chính sách như Hội nghị Diên Hồng trước đây thì không có gì mà không thể làm được.

Hiện tại, nội tình của Việt Nam không phải là giữa những người không Cộng sản với những người Cộng sản mà thậm chí giữa những người Cộng sản vẫn không có sự đồng thuận nhất định. Đó là điểm yếu của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục khai thác điểm yếu này. Cho nên, vấn đề đầu tiên là Việt Nam cần phải đoàn kết được quốc gia dân tộc để có thể làm sao giữ vững được độc lập cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thỏ, lãnh hải.

Thứ hai, thế giới đã nhìn rõ được bộ mặt của Chính quyền Bắc Kinh hiện tại và qua những buổi qua điện đàm giữa tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với các nguyên thủ quốc gia đều thảo luận làm sao để đối phó với Trung Quốc. Do đó cần có một mặt trận chung. Và Chính quyền Hà Nội cần có sự lựa chọn. Hôm nay, nếu Chính quyền Hà Nội muốn đứng với Trung Quốc thì Chính quyền Hà Nội đã tự đặt mình ra khỏi dân tộc Việt Nam. Còn nếu Chính quyền Hà Nội nhìn nhận được rằng đây là thời cơ để hội nhập vào cộng đồng thế giới thì việc đầu tiên là cần phải chia sẻ những giá trị chung mà cộng đồng thế giới đang theo đuổi.

Còn về tính chiến lược trong vấn đề khu vực thì cần nhìn kỹ lại những gì Trung Quốc đã làm như đường vành đai-con đường tơ lụa mới của họ, cách thức họ liên kết với Pakistan như thế nào, ứng xử với Ấn Độ ra sao, họ làm những chuyện gì với Nga và họ có những vấn đề gì đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với Nhật Bản thì có thể nhận thấy rõ ràng rằng tứ giác kim cương, theo khái niệm mà ông Donald Trump đưa ra gọi là vùng Ấn-Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cho tới giờ phút này đã có sự đồng thuận và tôi tin rằng Hà Nội đang đóng vai trò khá quan trọng, mặc dù chúng ta không có đầy đủ nguồn tin nhưng Hà Nội đã được mời tham gia rất nhiều cuộc họp của tứ giác kim cương gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

Nếu nhìn vào tứ giác kim cương thì có thể thấy rõ ràng rằng Việt Nam và ASEAN đóng vai trò trung tâm của vấn đề và tất cả những tranh chấp có và sẽ có thể xảy ra  trong tương lai đều từ tranh chấp giữa các quốc gia ASEAN đối với Trung Quốc.

Chính điểm này mà tôi mới nhận thấy ‘chính sách ba không’ của Hà Nội, mặc dù mới đây họ nêu lên rằng họ thay đổi thêm cái ‘không’ thứ tư, mà tôi tạm thời dùng chữ bình dân gọi là ‘chính sách đu dây’ hay là ‘chính sách cân bằng giữa các cường quốc’, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã đến giai đoạn chấm dứt vì thế giới đã có một mặt trận mới. Dĩ nhiên mặt trận mới đó, thế giới không coi Trung Quốc như là một kẻ thù mà là một đối tác vô cùng quan ngại và thế giới sẽ có những biện pháp cụ thể đối với Trung Quốc, phải làm như thế nào để Trung Quốc chấp nhận ‘luật chơi’ của thế giới.

Tôi nghĩ rằng Hà Nội đang chuẩn bị Đại hội Đảng XIII. Hy vọng dàn lãnh đạo mới của Đảng CSVN sẽ đưa ra những chính sách mới phù hợp với xu thế của thời đại.

Tôi muốn chuyển đạt thông điệp đến với Đảng CSVN rằng giữa người Việt với nhau thì không nên coi nhau là kẻ thù, mà cùng có trách nhiệm đối với đất nước là bảo vệ chủ quyền cũng như sự độc lập của Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm làm sao cho đời sống của người dân ở trong nước được cơm no áo ấm và càng ngày càng có cuộc sống khả giả và thịnh vượng hơn. Người Việt phải nên ngồi lại với nhau và nên cùng nhau xây lại mái nhà được tốt đẹp hơn.

RFA: RFA ghi nhận từ trước Đại hội Đảng XII cho đến thời điểm hiện tại, có một yếu tố quan trọng là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng có thể ông sẽ tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba và bởi vì ông Trọng vẫn duy trì tư tương tử bảo thủ, thế nên luật sư cảm thấy lạc quan về sự thay đổi theo như ông kêu gọi không?

Ảnh minh họa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 2/4/2018. Reuters

Luật sư Vũ Đức Khanh:  Chúng ta nghe rất nhiều về ông Nguyễn Phú Trọng là người bảo thủ và thân Trung Quốc…Tôi không phủ nhận vấn đề đó. Nhưng tôi nghĩ rằng ít nhất thời gian gần đây, từ hai năm vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng có một số những dè dặt đối với Trung Quốc. Có thể do sức khỏe của ông Trọng bị yếu và ông Trọng đứng trong một nhóm của những chính trị gia khác mà họ không ra mặt nhưng họ quyết định một số chính sách thì có sự mưu tìm sự đồng thuận nào đó. Từ năm 2013 cho đến bây giờ, chúng ta thấy mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng được nhân rộng, kết sâu thêm và đang theo chiều hướng tốt. Trong khi đó, giữa Việt Nam và Trung Quốc thì không thấy có điều gì gọi là ‘cơm lành canh ngọt’ cho lắm. Có thể cá nhân tôi không nhìn thấy, còn những người khác có thể thấy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Washington rất gần gũi với nhau, chỉ có điều là họ không nói ra những vấn đề đó.

Trở lại câu hỏi đặt ra, tôi cầu chúc rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được tái cử ở những chức vụ mà ông ấy mong muốn. Và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người Cộng sản Việt Nam cuối cùng, giống như ông Gobachev, làm cho tiến trình tự do và dân chủ hóa Việt Nam được đi tới.

Điều tôi mong đợi nhiều nhất là Việt Nam đừng đi ngược với thế giới mà hãy đi theo xu hướng của thời đại. Việt Nam hãy hòa mình vào trong các giá trị phổ quát mà cả thế giới đều tôn trọng.

RFA: Cảm ơn luật sư Vũ Đức Khanh rất nhiều dành thời gian cho cuộc trao đổi này với RFA.

Luật sư Vũ Đức Khanh: Chúng ta đang sắp sửa đón mùa xuân đến và tôi chúc cho tất cả mọi người Việt được vạn sự như ý và một năm mới tốt đẹp hơn.
Nguồn : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/foreign-policy-of-the-new-us-presidential-administration-on-the-eastsea-n-vn-01262021175151.html

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here