Lạm dụng Luật An ninh mạng khi yêu cầu xử lý người góp ý

0
28
Bộ nhận diện thương hiệu Sea Games 31 bị phát hiện lỗi, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao RFA edited

RFA

Vụ việc Ban tổ chức SEA Games 31 tuyên bố sẽ báo An ninh Mạng xử lý những ý kiến chê bai bộ nhận diện thương hiệu, hay vụ Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý cán bộ làm lộ thông tin về việc thi công dự án trùng tu di tích Tháp Bánh Ít xảy ra trong vài ngày qua cho thấy cán bộ nhà nước khi xử lý khủng hoảng truyền thông đang lạm dụng Luật An ninh mạng để đe doạ tiếng nói chỉ trích.

Vừa qua, trên mạng xã hội tại Việt Nam lan truyền hình ảnh về Bộ nhận diện SEA Games 31 với nhiều ý kiến cho rằng bộ ảnh này bị mắc lỗi về thiết kế, lỗi phông chữ và lỗi chính tả.

Trước các ý kiến chê bai của cư dân mạng, ngày 21/3, đại diện tiểu ban Thông tin – Truyền thông của SEA Games 31 có phản hồi cho rằng đó là những ý kiến mang tính chủ quan, phiến diện và đầy ác ý của một nhóm cá nhân trên mạng xã hội.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao khẳng định “Tất cả Bộ nhận diện của SEA Games 31 gồm logo (biểu tượng), mascot (linh vật), khẩu hiệu, hình ảnh biểu tượng các môn đều được phê duyệt và đảm bảo tính pháp lý.”

Đồng thời bà Yến cho biết sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng để xử lý những người đã đăng tải những thông tin trên.

Một vụ việc tương tự xảy ra tại tỉnh Bình Định. Trong quá trình tu bổ di tích tháp Bánh Ít của người Chăm, báo chí trong nước và mạng xã hội đã chỉ ra một số sai sót của nhà thầu khi trùng tu di tích bằng gạch đá và bê tông. Điều đó có thể làm mất đi giá trị nguyên sơ của toàn bộ di tích và vi phạm Luật di sản.

Thay vì tiếp thu và sửa chữa, giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh, hôm 18/3 gởi văn bản có nội dung “Một số báo, trang mạng và dư luận vẫn còn một số thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin và gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hạng mục di tích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh”. Do đó  yêu cầu tìm và xử lý nghiêm cán bộ nào đã cung cấp các hình ảnh, video việc tu bổ di tích này.

Chiều 21/3, ông Chánh cho báo chí trong nước biết vừa thu hồi văn bản này vì lý do “Một số anh em soạn thảo câu chữ cũng chưa rõ ràng, dẫn đến hiểu nhầm; giờ thu hồi để định hướng lại cho tốt hơn.”

thapbanhit.jpeg

Tháp Bánh Ít ở Bình Thuận. Hình: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Cách xử lý truyền thông kém

Một luật sư không muốn nêu tên nói rằng, các vụ việc cán bộ công quyền đe doạ và yêu cầu xử lý các ý kiến góp ý trên mạng xã hội cho thấy cách ứng xử kiểu độc tài, xử lý truyền thông rất kém:

“Theo tôi họ nên cảm ơn, tiếp thu ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.”

Ngọc Linh, một thạc sỹ về nhân quyền, nói với RFA rằng về phản ứng của ban tổ chức SEA Games là quá thiếu chín chắn và hẹp hòi:

“Với bộ nhận diện sự kiện cấp khu vực, khán giả lẫn các designer đều muốn đảm bảo hình ảnh đẹp và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm không những lỗi phông chữ, sai chính tả, phối màu cũng sai luôn. Khi họ góý là họ muốn mọi thứ được cải thiện và tốt lên, nhưng lại vấp phải phản ứng thiếu chuyên nghiệp từ Ban tổ chức.

Phản hồi từ tiểu ban truyền thông rất thiếu chuyên nghiệp, khi cung cấp “tính pháp lý” của sản phẩm, trong khi thứ mà khán giả phản biện là chất lượng sản phẩm.”

Thay vì đe doạ những người góp ý, theo Ngọc Linh, có ba việc mà ban tổ chức SEA Games 31 cần phải làm để giải quyết khủng hoảng truyền thông trước mắt:

“Thứ nhất là rà soát li càng sớm càng tốt bộ nhận diện, ít nhất là vụ lỗi phông chữ và sai chính tả là phải sửa hết trước khi các bên in ấn đại trà.

Hai là phải công khai quá trinh đấu thầu, cái này xài ngân sách Nhà nước, nếu không rõ ràng thì càng mất uy tín.

Ba là công khai tuyển tư vấn để sửa bộ nhận diện và website chính thức.”

Cán bộ lạm dụng quyền hạn

Các sự việc trên cho thấy cán bộ Việt Nam có thói quen lợi dụng chức vụ, lạm dụng Luật An ninh Mạng để dập tắt những ý kiến, quan điểm trái chiều, Ngọc Linh nói:

“Thái độ thiếu cầu thị và có phần áp chế, khi lấy an ninh mạng ra để doạ dẫm, cũng tương đối phổ biến ở những lĩnh vực khác tại Việt Nam, đặc biệt trong các dự án Nhà nước.

Điều này càng cho thấy luật “an ninh mạng” thay vì bảo vệ thông tin và an toàn mạng của người dân thì lại được lạm dụng trở thành công cụ áp chế tiếng nói phản biện, góý xây dựng.”

Về khía cạnh pháp lý, vị luật sư giấu tên, nói rằng trong phát biểu Ban tổ chức SEA Games hay văn bản của lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng không chỉ ra rõ ràng, cụ thể là yêu cầu xử lý hành vi gì, hay có thể là chính họ cũng không hiểu luật khi phát ngôn như vậy:

“Tôi không rõ họ muốn xử lý về hành vi gì khi báo chí và mọi người đăng bài viết chỉ ra lỗi sai rất chính xác.

Kể từ ngày ban hành Luật An ninh mạng, rất nhiều cơ quan đã phát biểu theo hướng đe doạ như vậy. Tôi nghĩ nhiều khi họ không hiểu đâu nhưng họ muốn dựa vào Luật An ninh mạng để đe dọa tiếng nói trái chiều.”

Luật An Ninh Mạng Việt Nam được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2018, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước vào thời điểm ban hành bộ luật này, khẳng định rằng Luật An ninh Mạng ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, tổ chức, chứ không xâm phạm đời tư của công dân.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế nhận định luật này có thể làm tổn hại đến triển vọng kinh tế của Việt Nam và cho phép chính phủ độc đảng tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và đàn áp tự do ngôn luận.