Hành trình thâm nhập vào mạng lưới người Mỹ gốc Hoa cực hữu

0
2
Asian and Chinese-American Trump supporters rally in Manhattan in 2016

NGƯỜI THÔNG DỊCH

Translated from BBC News’s article Going undercover to infiltrate Chinese-American far-right networks

Wu Qian dán mắt vào điện thoại. Cô liên tục kiểm tra hơn chục phòng chat tiếng Trung trên Telegram, nơi hàng nghìn người Mỹ gốc Hoa bảo thủ bàn luận về tin tức, chính trị – và thỉnh thoảng, các thuyết âm mưu QAnon.

By Zhaoyin Feng, on 07-07-2021, 07:00:00

Wu Qian dán mắt vào điện thoại. Cô liên tục kiểm tra hơn chục phòng chat tiếng Trung trên Telegram, nơi hàng nghìn người Mỹ gốc Hoa bảo thủ bàn luận về tin tức, chính trị – và thỉnh thoảng, các thuyết âm mưu QAnon. Nhà nghiên cứu 33 tuổi người Úc đề nghị che giấu tên thật của mình trong bài báo này. Cô dò dẫm xâm nhập vào mạng lưới người Mỹ gốc Hoa cực hữu với vai trò ”gián điệp“ nhằm tìm hiểu cách thức tin giả lan truyền trong cộng đồng hải ngoại này. “Tôi nhìn thấy những thông tin sai lệch giống nhau mỗi ngày,“ cô nói. “Tôi ngán ngẩm với điều đó và muốn tìm hiểu nguồn gốc của nó.” Đầu tiên, cô nhận thấy sự gia tăng của tin giả liên quan đến đại dịch trong cộng đồng người Hoa hải ngoại vào mùa hè năm ngoái khi coronavirus lan ra toàn cầu. Để chống lại sự lây lan của những tin sai lệch, cô tổ chức một nhóm gồm hàng trăm tình nguyện viên nhằm vạch trần các tin này. Tuy nhiên, nhóm đã bị quá tải bởi làn sóng thông tin giả mới liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Đặc biệt, các cáo buộc vô căn cứ về gian lận bầu cử lan nhanh như cháy rừng trong nhóm người nhập cư cực hữu gốc Hoa tại Bắc Mỹ – một nhóm tuy nhỏ nhưng lớn tiếng trong các cộng đồng hải ngoại. “Họ rất hay tham gia vào chính trị và thường hành động tập thể,” Wu cho biết. Phần lớn thành viên trong các phòng chat là người ủng hộ cuồng nhiệt của cựu tổng thống Donald Trump, theo Thiên Chúa giáo và ấp ủ quan điểm thù địch đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Wu không đăng gì trong các phòng chat. Cô chỉ theo dõi những cuộc thảo luận. Song, các thành viên khác trao đổi hàng chục nghìn tin nhắn mỗi ngày. Quyên góp cho nhóm Proud Boys Tháng 12 vừa qua, Wu phát hiện lời kêu gọi gây quỹ cho Proud Boys – nhóm cực hữu mà chính phủ Canada coi là “tổ chức khủng bố thân phát xít” – để chi trả cho chí phí điều trị của những thành viên bị thương trong cuộc mít tinh ủng hộ Trump tại Washington DC vài ngày trước đó.

Thông điệp bắt đầu bằng một dòng tiếng Trung xúc động – “Với những người mở đường cho tự do, đừng bắt họ vật lộn với chông gai”- và đi cùng với biểu tượng hoa hồng và trái tim cũng như đường liên kết đến một trang gây quỹ trực tuyến. Mặc dù nhóm Proud Boys phản đối người nhập cư, trong mắt giới cực hữu người Mỹ gốc Hoa, họ là các chiến binh vì tự do chống lại lục lượng cộng sản. Thông điệp gây quỹ đã được chia sẻ trên nhiều phòng chat Telegram chỉ trong vài tiếng, và tiếp cận hàng chục nghìn người Mỹ gốc Hoa bảo thủ. “Càng nhiều (quyên góp), càng vui,” thông điệp này viết. Một chục người ủng hộ tuyên bố trên trang gây quỹ rằng họ là người Mỹ hoặc Canada có gốc Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Đài Loan. Một số bình luận bằng tiếng Trung chúc các thành viên Proud Boy bị thương “mau chóng bình phục.“ Trong vòng dưới một tháng, chiến dịch gây quỹ này đã kiếm được hơn 100,000 USD (72,000 GBP), theo số liệu của trang Distributed Denial of Secrets được BBC News kiểm chứng. Trong số hơn một nghìn đóng góp cá nhân, hơn 80% thuộc về những người mang họ tiếng Trung. Một phụ nữ đóng góp $500 chia sẻ với USA Today: “Bạn phải hiểu cảm giác của chúng tôi – chúng tôi đến từ Trung Quốc dưới chế độ cộng sản và chúng tôi rất cảm kích việc mình được đến và sống tại đây.” Sự trỗi dậy của giới cánh hữu Mỹ gốc Hoa Dân nhập cư tại Mỹ đến từ Trung Quốc đã trở thành một thế lực đang lên trong giới bảo thủ. Với nhiều người, tham gia vào giới chính trị bảo thủ xuất phát từ việc phản đối chính sách “affirmative action” (chính sách đặc cách dành cho các nhóm chủng tộc thiểu số), một chính sách nhằm giảm bất bình đẳng trong giáo dục và lao động. Tuy nhiên, với một số người Mỹ gốc Hoa, nó ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội học tập của con cháu mình. Tư tưởng chống cộng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động người Mỹ gốc Hoa bảo thủ vì một số tin rằng chính sách cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh và đẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản. “Trump là tổng thống ủng hộ quyền con người tại Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong lịch sử Mỹ,” một người nhập cư Trung Quốc tại Los Angeles nói.

Khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát lên Hồng Kông và tăng cường sức ép quân sự lên Đài Loan, số lượng người Hồng Kông và Đài Loan đặt niềm tin vào chính sách cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên. Trong đại dịch, khi Washington và Bắc Kinh tranh cãi về nguồn gốc Covid-19, một liên minh khó ngờ giữa cộng đồng hải ngoại nói tiếng Trung và những người bảo thủ tại Mỹ xuất hiện. Đối với những người chống đối Bắc Kinh kịch liệt, đổ lỗi cho Trung Quốc vì không ngăn được virus lây lan ra ngoài biên giới của nước này là một cơ hội nữa để chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Mặt khác, với cánh hữu Mỹ, đổ trách nhiệm về đại dịch cho Trung Quốc sẽ đánh lạc hướng dư luận khỏi chỉ trích về cách đối phó của chính quyền Trump và tận dụng được dư luận ngày càng tiêu cực về Trung Quốc. Việc cộng tác giữa cựu trợ lý của Trump Steve Bannon và doanh nhân Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý (Guo Wengui) là ví dụ của liên minh này. Hai người có liên quan đến một hệ thống số rộng lớn truyền bá tin tức sai lệch về gian lận bầu cử, vaccine chống coronavirus và các thuyết QAnon trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Theo tổ chức phi lợi nhuận First Draft, người nhập cư Trung Quốc thường bỏ qua các nguồn thông tin truyền thống khi đọc tin tức. Do rào cản ngôn ngữ và thói quen, nhiều thành viên của cộng đồng người Hoa tại hải ngoại thường lấy tin tức từ những nhóm kín hoặc nửa kín trên mạng xã hội. Bởi sự tin tưởng sẵn có giữa các thành viên, họ ít kiểm chứng thông tin hơn và cho phép hiện tượng “buồng vang (echo chamber) thông tin sai lệch” lên ngôi (“echo chamber” là một thuật ngữ mô tả môi trường kín nơi người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin hay quan điểm giúp củng cố góc nhìn sẵn có của họ). “Một khi bạn đã tiếp xúc với hệ thống tin sai lệch, bạn rất khó thoát ra khỏi nó,” Wu nói với BBC. “Chúng tôi, Nhân dân” Khi những kẻ bạo loạn ủng hộ Trump xông vào điện Capitol vào tháng Một, cảm xúc của các thành viên cực hữu trong cộng đồng người Hoa hải ngọai bắt đầu “cuồng hóa” trong cả thế giới ảo và thật. Trong các phòng chat Telegram, mọi người “vô cùng phấn khích,” Wu nhớ lại. Họ cổ vũ cho những kẻ bạo loạn và ăn mừng “lật đổ” kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Vào cùng ngày, chiến dịch quyên góp cho nhóm Proud Boys nhận được số lượng ủng hộ tăng vọt. Một người ủng hộ viết bằng tiếng Trung rằng “chúng ta cần ngăn quỷ Satan cướp cuộc bầu cử này. Trước đó, nhiều thành viên trong các phòng chat đã chuẩn bị hậu cần cho cuộc mít tinh ủng hộ Trump tại Washington DC bằng cách đặt áo phông với dòng chữ “Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ Trump” và thuê xe buýt từ nhiều thành phố đến thủ đô. Vào ngày 6 tháng 1, hơn 100 người Mỹ gốc Hoa đến Washington để tham gia cùng với những người ủng hộ Trump khác vào cuộc diễu hành phản đối kết quả bầu cử. Hàng chục người trong đám đông đã vẫy cờ Mỹ, hô to nhiều khẩu hiệu ủng hộ Trump và cầm những biểu ngữ với dòng chữ “Kết thúc sự độc tài. Kết thúc ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc).” Một người biểu tình nói với một YouTuber bảo thủ người Mỹ gốc Hoa rằng ngày hôm đó đánh dấu một thời kỳ mới cho cộng đồng Mỹ gốc Hoa. “Chúng ta đã thực sự trở thành người Mỹ. Chúng ta cuối cùng đã tham gia vào lĩnh vực chính trị tại Mỹ,” người đàn ông trung niên nói bằng tiếng Trung. Không rõ bao nhiêu trong số họ đã xông vào điện Capitol. Trong một video được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng Hoa hải ngọai, nó cho thấy Quốc hội bị tàn phá khi người ủng hộ Trump xông vào toà nhà. Một người đàn ông hét lên lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ bằng tiếng Trung và Anh ở phía sau: “Chúng ta đã chiếm đóng điện Capitol… Chúng ta, Nhân dân. Nhân dân tuyệt vời!” Nhưng Wu nghĩ rằng những người biểu tình người Mỹ gốc Hoa, mặc dù được trao quyền tự do và dân chủ tại Mỹ, lại trở nên mù quáng vì các tin tức chính trị sai lệch và thiếu suy nghĩ thấu đáo. “Họ muốn thể hiện ”quyền lực của nhân dân” cho những nhà lập pháp,” cô cho biết, “nhưng họ không hề biết hậu quả của nó.” Khi hầu hết người Mỹ bắt đầu chỉ trích vụ tấn công vào điện Capitol, các nhóm Telegram nhanh chóng xoá những tin nhắn liên quan đến vụ bạo loạn. Những thảo luận về cáo buộc của Trump đã lắng xuống, tuy nhiên các phòng chat vẫn hoạt động tích cực với nhiều thành viên chia sẻ vô số thuyết âm mưu về vaccine chống Covid và quan hệ của tổng thống Joe Biden với Trung Quốc. Rất nhiều người tin vào cáo buộc vô căn cứ rằng Biden đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc hoặc thậm chí bị kiểm soát bởi Bắc Kinh vì con ông, Hunter Biden, đã có quan hệ làm ăn trước đó với các công ty Trung Quốc. Khi tổng thống Biden bỏ quên một từ trong bài diễn văn nói về Trung Quốc, Wu cho hay, vài người trong các phòng chat đã kết luận nhà lãnh đạo Mỹ đang “gửi tín hiệu” cho những người điều khiển của ông trong chính phủ Trung Quốc.

Trong các góc khuất của không gian mạng, cánh cực hữu người Mỹ gốc Hoa trực chờ cơn bão chính trị tiếp theo.

Người dịch: Nghia Nguyen

Biên tập: Derek Phan