Đền bù sự cố môi trường biển ở thị trấn Thiên Cầm: Nhiều dấu hiệu khuất tất cần được làm rõ

0
944
biển ở thị trấn Thiên Cầm

Nguyễn Minh Dung: ĐUV Đảng bộ, BT Chi bộ, Phó CT UB MTTQ, Nguyễn Xuân Linh: Tổ trưởng TDP, Nguyễn Văn Dương: Thôn đội trưởng… Đã lợi dụng “quyền lực” và sự quản lý lỏng lẻo của địa phương để trục lợi bất chính, gây bất bình dư luận.

Danh sách những người không đi biển (màu vàng) nhưng vẫn được nhận tiền đền bù.

Đền bù sự cố môi trường biển ở thị trấn Thiên Cầm: Nhiều dấu hiệu khuất tất cần được làm rõ (Danh sách những người không đi biển (màu vàng) nhưng vẫn được nhận tiền đền bù.

Sự cố Formosa Hà Tĩnh xả thải đã làm cho đời sống của hàng chục ngàn hộ dân 4 tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thấu cảm nỗi khó khăn của người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với đó là sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, từ đó các đối tượng trong diện được đền bù đã được nhận tiền, giúp họ tháo gỡ bớt phần nào khó khăn.

Thế nhưng, có không ít đối tượng đã lợi dụng “quyền lực” và sự quản lý lỏng lẻo của địa phương để trục lợi bất chính, gây bất bình dư luận. Câu chuyện hi hữu trên đã xảy ra ở Tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ ba cán bộ thôn đua nhau trục lợi!

Thời gian gần đây, Báo Biên phòng liên tục nhận được thông tin qua đường dây nóng của người dân phản ánh về việc trong Tổ dân phố Song Yên có một số đối tượng không thuộc diện được hưởng tiền bồi thường sự cố môi trường biển nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền. Trước nội dung phản ánh của người dân, phóng viên đã về địa phương điều tra để xác minh thông tin.

Qua làm việc, các nhân chứng đều xác nhận nội dung mình cung cấp là hoàn toàn chính xác. Đồng thời, để khẳng định thông tin, các nhân chứng đã ký cam kết vào nội dung cung cấp thông tin. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề tế nhị, các nhân chứng xin được giấu tên. Theo thông tin chúng tôi có được, điển hình trong đó là ông Nguyễn Minh Dung, Đảng ủy viên Đảng bộ thị trấn Thiên Cầm, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Song Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Thiên Cầm. Ông Dung không làm nghề biển, nhưng vẫn kê khai làm nghề dạ ruốc để hưởng đền bù với mức tiền 17.460.000 đồng.

biển ở thị trấn Thiên Cầm

Không những vậy, ông Dung còn lợi dụng “quyền lực” của mình là Bí thư Chi bộ, đồng thời là thành viên của Tổ xác nhận đối tượng được hưởng đền bù thiệt hại đã kê khai cho con gái ruột của mình là chị Nguyễn Thị Nhật, làm nghề buôn bán hải sản ở chợ để hưởng đền bù với số tiền là 17.460.000 đồng. Trong khi đó, theo người dân trong Tổ dân phố cho biết, chị Nhật đã đi nước ngoài vào tháng 3-2016, tức trước lúc xảy ra sự cố môi trường biển.

Thế nhưng, trong các buổi đối thoại trước dân, ông Dung đã trấn áp tinh thần của nhân dân bằng cách tuyên bố trước toàn dân việc ông kê khai là đúng. Ông Dung còn khẳng định, nếu sai ông sẽ chịu trách nhiệm trước tổ chức và sẽ trả lại số tiền ông nhận sai. Hơn thế nữa, khi đối thoại trực tiếp với phóng viên có hay không việc tiêu cực tại Tổ dân phố Song Yên theo như dân phản ánh, ông Dũng còn tuyên bố, ở Tổ dân phố Song Yên không có chuyện đó. Khi phóng viên hỏi về việc con gái ông tên Nguyễn Thị Nhật đang ở nước ngoài có đúng hay không thì ông Dung đã thừa nhận là đúng nhưng vẫn bảo thủ rằng, con gái ông đi tháng 4 còn việc nhận tiền bồi thường là đúng, kể cả trường hợp của ông.

Không kém bí thư, Tổ trưởng Tổ dân phố Song Yên là ông Nguyễn Xuân Linh cũng tranh thủ cơ hội “chức quyền” và chức danh được phân công là Tổ trưởng tổ xác nhận đối tượng đền bù để thông đồng với một chủ tàu lập hồ sơ kê khai con trai là Nguyễn Văn Thắng là lao động trên tàu, để hưởng số tiền trên 52 triệu đồng. Nhưng sau đó, do bị tố giác đi làm ở miền Nam trong thời gian xảy ra sự cố môi trường, nên anh Thắng bị cắt số tiền nói trên. Tuy nhiên không hiểu nguyên do thế nào mà Hội đồng bồi thường vẫn “phù phép” cho anh Thắng làm nghề dạ ruốc với mức hưởng là 8.730.000 đồng.

Vẫn chưa dừng lại ở đó, ông Linh còn kê khai con rể của mình là anh Nguyễn Minh Trọng, là lao động trên tàu của ông Trần Văn Sáng để hưởng số tiền 52.740.000 đồng. Trong khi đó, theo phản ánh của người dân thì anh Trọng đi miền Nam từ ngày Mùng 6 Tết năm 2016 đến tháng 6 mới về để đi nước ngoài. Trong quá trình chờ đợi, anh Trọng có đi biển được một thời gian nhưng không chuyên, đến tháng 8-2016.

Cũng không kém phần so với bí thư, tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Văn Dương, Thôn đội trưởng, thành viên Tổ xác nhận đối tượng đã lập hồ sơ khai man cho con trai là Nguyễn Văn Châu, lao động trên tàu của ông Trần Hồng Lịnh để trục lợi 52.740.000 đồng. Trong khi đó, theo nguồn tin người dân cung cấp, anh Châu đi Trung Quốc trước đó và đến tháng 5-2016 có về để dự đám cưới chị gái với con trai ông Trần Hồng Lịnh. Sau khi cưới, nể tình thông gia nên ông Lịnh và ông Dương đã thông đồng kê khai khống để trục lợi.

Chủ cơ sở ăn chặn tiền đền bù của lao động

Từ việc cán bộ Tổ đân phố đua nhau trục lợi tiền bồi thường đã làm cho người dân giảm lòng tin dẫn đến khi sự việc xảy ra bà con nhân dân cũng không biết kêu ai. Câu chuyện khi chúng tôi ghi được ở Tổ dân phố Song Yên đã cho thấy sự bất công đối với người dân lao động ở đây. Sự việc xảy ra cũng khá lâu rồi nhưng đến nay người dân lao động mới dám hé ra khi phóng viên về làng. Tuy nhiên, cũng như các người dân phản ánh việc cán bộ Tổ đân phố kê khai sai đối tượng nhằm trục lợi bất chính tiền bồi thường sự cố môi trường biển, các hộ dân này cũng xin được giấu tên vì nhiều lý do tế nhị.

Phản ánh trực tiếp với chúng tôi, nhiều hộ dân ở đây cho biết, trên địa bàn Tổ dân phố Song Yên có 2 cơ sở sơ chế hải sản, đó là cơ sở Lộc Giáp do bà Nguyễn Thị Lộc làm chủ và cơ sở Phượng Quyết do bà Lê Thị Phượng làm chủ. Hai cơ sở này sử dụng khá đông lao động tại địa phương. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường, lao động là đối tượng được kê khai để hưởng tiền bồi thường do mất thu nhập. Theo đó, 2 cơ sở trên đã kê khai cho 46 đối tượng. Trong đó, chủ cơ sở Lộc Giáp có 26 đối tượng, cơ sở Phượng Quyết có 20 đối tượng.

Thế nhưng, sau khi các lao động nhận tiền về, chủ của 2 cơ sở chỉ cho mỗi lao động nhận 8.000.000 đồng, số tiền còn lại là 9.460.000 đồng chủ của 2 cơ sở lấy. Như vậy, theo các lao động ước tính số tiền mà 2 chủ cơ sở này ăn chặn của 46 lao động là trên 400 triệu đồng.

Theo một người dân (xin được gíấu tên) là lao động trong cơ sở Lộc Giáp cho biết, khi chủ cơ sở cho kê khai đã khống chế, ai được kê khai chỉ được nhận số tiền là 8.000.000 đồng, còn lại là giao cho chủ, nếu không sẽ không được kê khai. Họ cũng không được phép để lộ thông tin. Nên khi họ ký nhận tiền về đều phải nộp lại cho chủ theo cam kết. Theo các lao động này họ rất bức xúc vì chủ cơ sở đã ăn chặn tiền mất thu thập của họ nhưng không dám nói ra vì sợ. Bởi theo họ, cán bộ thôn cũng “đồng lõa một phe” thì có nói ra cũng chẳng giải quyết được việc gì mà không khéo còn nguy hiểm cho cả gia đình.

Đem câu chuyện trên trao đổi với lãnh đạo UBND thị trấn Thiên Cầm, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm, ông Nguyễn Văn Tuệ cho biết: “Các vấn đề nhà báo phản ánh như trên hiện chính quyền thị trấn chưa nắm được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ khẩn trương cho xác minh và hứa sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng đã làm trái quy định”.

Xuân Hoàng/ Biên Phòng