Chính quyền Trump thông qua kế hoạch khoan dầu ở khu Bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc cực

0
91
Tuần lộc tại Khu bảo tồn quốc gia của động vật hoang dã ở Bắc cực. Quyết định đưa ra vào thứ Hai đã xoá bỏ nỗ lực bảo vệ vùng hoang dã lớn nhất còn sót lại trên đất Mỹ trong suốt sáu thập kỷ vừa qua. Ảnh: Christopher Miller, The New York Times.

Người Thông Dịch

Quyết định này gây ra xung đột pháp lý dữ dội về vấn đề khai thác một vùng đất rộng lớn, xa xôi hẻo lánh, là nơi trú ẩn của gấu trắng, tuần lộc và tiềm năng dầu mỏ dồi dào.

Brad Plumer và Henry Fountain, 17 tháng 8, 2020

Translated from The New York Times article Trump Administration Finalizes Plan to Open Arctic Refuge to Drilling

Tuần lộc tại Khu bảo tồn quốc gia của động vật hoang dã ở Bắc cực. Quyết định đưa ra vào thứ Hai đã xoá bỏ nỗ lực bảo vệ vùng hoang dã lớn nhất còn sót lại trên đất Mỹ trong suốt sáu thập kỷ vừa qua. Ảnh: Christopher Miller, The New York Times.

WASHINGTON – Thứ Hai vừa rồi, chính quyền Trump đã thông qua kế hoạch mở một phần đất của Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc cực tại Alaska để khai thác dầu mỏ và khí gas, một động thái xoá bỏ nỗ lực bảo vệ vùng hoang dã lớn nhất còn sót lại trên đất Mỹ trong suốt sáu thập kỷ vừa qua.

Quyết định này tạo điều kiện cho một cuộc chiến pháp lý gay gắt về vấn đề khai thác vùng đất rộng lớn, xa xôi hẻo lánh, được cho là tiềm ẩn hàng tỷ thùng dầu và cũng là nơi trú ngụ của gấu trắng và nhiều đàn tuần lộc di cư.

Vào thứ Hai, Bộ Nội vụ thông báo đã hoàn tất việc đánh giá và sẽ bắt đầu chuẩn bị cho đấu giá hợp đồng khoan dầu, “Tôi tin rằng có thể mở bán hợp đồng thuê lại vào cuối năm nay,” bộ trưởng Bộ Nội vụ David Bernhardt cho biết.

Nhóm bảo vệ môi trường, vốn đã đấu tranh ngăn các công ty khai thác năng lượng đụng tới khu bảo tồn, cho rằng Bộ Nội vụ đã không cân nhắc kỹ càng ảnh hưởng của khai thác dầu khí lên sự thay đổi khí hậu và đời sống hoang dã. Nhóm bảo vệ môi trường, cùng các tổ chức phản đối khác gồm một số nhóm thổ dân Alaska, đang chuẩn bị đệ đơn kiện để ngăn chặn việc rao bán hợp đồng cho thuê.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu trên mọi mặt trận,” Adam Kolton, giám đốc điều hành Alska Wilderness League (tạm dịch: Hiệp hội Vùng hoang dã Alaska), khẳng định. “Công ty dầu khí nào có ý định lập giàn khoan trên đất Khu bảo tồn Bắc cực sẽ gặp những rủi ro khổng lồ về mặt danh tiếng, pháp lý, và tài chính.”

Dù phải tốn ít nhất mười năm nữa khu bảo tồn mới có thể sản xuất dầu, những công ty mua được hợp đồng có thể bắt đầu chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí gas.

Từ lâu, Tổng thống Trump đã coi việc tăng cường hoạt động khoan dầu ở vùng Bắc cực như một phần thiết yếu trong kế hoạch phát triển sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước trên đất liên bang nhằm củng cố “sự thống trị năng lượng” của nước Mỹ. Đảng Cộng hòa đánh giá khu bảo tồn là một nguồn dầu khí dồi dào kể từ khi chính quyền Reagan đề xuất việc khai thác mỏ khoan vào năm 1987. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã ngăn cản những nỗ lực mở rộng vùng khai thác của họ, cho đến năm 2017, khi đảng Cộng hòa áp đảo cả Thượng viện và Hạ viện thì họ đã tận dụng cơ hội này để thông qua dự luật cho phép rao bán hợp đồng khoan dầu.

Hiện vẫn chưa thể đánh giá chính xác sự quan tâm của các công ty năng lượng với sự kiện này. Thời gian gần đây, nhiều quốc gia đang nỗ lực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và giá dầu đang xuống dốc đáng kể do đại dịch coronavirus. Trong khi đó, tìm nguồn dầu và khoan trong thời tiết khắc nghiệt của Bắc cực rất khó khăn và hao tốn.

Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch mở bán hợp đồng thuê lại ngay trong thời gian tranh cử. Số mệnh Khu bảo tồn Bắc cực phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Ứng cử viên đảng Dân chủ, Joseph R. Biden Jr., đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ lâu dài khu bảo tồn. Thế nhưng, nếu các hợp đồng đã được bán cho công ty năng lượng, dù ông có đắc cử, cũng sẽ rất khó để đảo ngược quyền lợi thuê lại đã được thiết lập từ trước.

Nỗ lực khai thác một phần khu bảo tồn của chính quyền nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp Alaska cũng như những công ty năng lượng địa phương và một số nhóm thổ dân Alaska khác. Họ cho rằng hoạt động khai thác dầu mỏ có thể tạo công ăn việc làm cần thiết và tăng doanh thu cho bang, do hoạt động sản xuất dầu đã giảm sút từ những năm 1980.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc đảng Cộng hòa của bang Alaska cho biết: “Hàng ngàn người dân Alaska làm trong ngành dầu mỏ và kiếm sống nhờ những công việc liên quan đến khu bảo tồn của bang.” Ông cho rằng kế hoạch của chính quyền Trump sẽ giúp tạo một tương lai tươi sáng hơn cho những người dân Alaska này và gia đình của họ.

Khu bảo tồn quốc gia động vật hoang dã ở Bắc cực trải dài 19 triệu mẫu ở vùng đông bắc Alaska. Cuộc đấu tranh về vấn đề đặt giàn khoan chiếm 1.5 triệu mẫu ở vùng đồng bằng duyên hải, nơi được cho là có trữ lượng dầu thô trên đất liền chưa được khai thác lớn nhất vùng Bắc Mỹ.

Nhóm phản đối quyết định này nói rằng việc mở rộng khu bảo tồn để khai thác nhiên liệu sẽ là một bước đi ngược thời đại khi thế giới nên cắt giảm sử dụng dầu để giảm tốc độ nóng lên của Trái đất. Họ cũng nói rằng hoạt động khoan có thể gây hại cho đời sống hoang dã ở khu bảo tồn, bao gồm gấu trắng – vốn đã là một loài gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu, và các đàn tuần lộc Porcupine đang lấy vùng đồng bằng duyên hải làm nơi sinh sản.

Kristen Monsell, luật sư cấp cao cho Trung tâm Đa dạng Sinh học với mục tiêu bảo vệ môi trường, chia sẻ: “Không có thời điểm nào thích hợp cho việc mở ra khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất nước Mỹ để khoan tìm và khai thác dầu, nhưng việc gây tổn hại đến vùng đất tuyệt đẹp này trong khi thế giới đang thừa mứa dầu thì chắc chắn là điên rồ.”

David Bernhardt, Bộ trưởng Nội vụ, phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng Giêng vừa rồi. Hôm thứ Hai, ông nói: “Tôi tin rằng có thể mở bán hợp đồng thuê lại vào cuối năm nay.” PV Al Drago của tờ The New York Times. 

Hàng thập kỷ qua, các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội đã cố gắng ngăn chặn các dự thảo mở khu bảo tồn ra để khai thác. Nhưng vào năm 2017, chính quyền Trump cùng Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã đưa một phần vào dự luật thuế cho phép Bộ Nội vụ thiết lập kế hoạch bán các hợp đồng thuê đồng bằng duyên hải. Theo luật, cơ quan này phải tiến hành ít nhất hai lần cho thuê, mỗi khu 400,000 mẫu Anh, cho đến cuối năm 2024.

Bộ Nội vụ đã được yêu cầu để đưa ra bản đánh giá những ảnh hưởng môi trường tiềm năng của việc khoan dầu. Bản đánh giá tác động môi trường cuối cùng được công bố vào tháng Chín, khuyến nghị việc cho thuê dầu khí trong phạm vị 1.5 triệu mẫu đồng bằng duyên hải. 

Trong bản đánh giá, cơ quan này đã nói rằng các hoạt động liên quan đến khai thác dầu khí – bao gồm cả mở đường mới và sự lưu thông của xe tải, cũng như vấn đề ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước – có thể tiềm tàng các mối nguy đến đời sống hoang dã. Nhưng nó cũng đề xuất một vài cách để giảm thiểu ảnh hưởng, ví dụ như hạn chế dùng các thiết bị nặng trong một tháng của năm khi tuần lộc đến mùa sinh sản. 

Các nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích bản báo cáo là không đầy đủ, nói rằng nó phần lớn dựa trên các nghiên cứu lỗi thời và đã không đề cập đến một số lo ngại. Ví dụ, những người chỉ trích lưu ý, bản báo cáo đã không chỉ ra được ước tính có bao nhiêu con gấu bắc cực sẽ bị giết hay làm hại trong tiến trình mở rộng và khai phá thêm đồng bằng duyên hải. 

Những người phản đối khoan dầu còn nói thêm rằng Bộ Nội vụ đã hạ thấp những hiểm họa của biến đổi khí hậu trong bản đánh giá. Ví dụ, cơ quan này ước lượng rằng một giàn khoan có thể sản xuất được khoảng 10 tỷ thùng dầu trong suốt quá trình khai thác, nhưng lập luận rằng ảnh hưởng với việc phát ra khí thải nhà kính sẽ là tối thiểu, vì hầu hết lượng dầu đó chỉ đơn giản là thay thế dầu đang được sản xuất ở nơi khác trong nước. Trong các ý kiến gửi đến cơ quan, tổng chưởng lý từ 15 tiểu bang, bao gồm cả New York, gọi lý thuyết dịch chuyển này là “hoàn toàn thiếu cơ sở”.

Dưới áp lực từ các nhóm bảo vệ môi trường và Gwich’in, một nhóm thổ dân Alaska phản đối việc khoan dầu vì tác động tiềm tàng đối với tuần lộc, một số ngân hàng lớn, bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan Chase, đã cho biết họ sẽ không tài trợ trực tiếp cho bất kỳ hoạt động khai thác dầu khí nào ở Bắc cực.

Những nỗ lực của chính quyền Trump để mở thêm giàn khoan dầu là một phần của việc thúc đẩy phát triển ở Alaska. Đầu năm nay, Bộ Nội vụ đã đề xuất mở cửa gần như toàn bộ Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia, xa về phía tây của khu bảo tồn, để phát triển dầu khí. Công binh Lục quân cũng dự kiến sẽ sớm quyết định có cho phép dự án Pebble Mine, một mỏ khai thác đồng và vàng lộ thiên khổng lồ ở tây nam Alaska, được tiến hành hay không.

Một ẩn số lớn là có bao nhiêu công ty thực sự sẽ tham gia đấu thầu quyền khai thác Khu bảo tồn Bắc cực. Kara Moriarty, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Dầu và Khí gas Alaska cho biết: “Không có cách nào để dự đoán chính xác bao nhiêu lợi ích cho đến khi có một hợp đồng thuê lại thực sự. Các công ty chỉ đơn giản là không nói trước về nơi họ định đấu thầu”.

Cũng không rõ liệu kế hoạch bán và thuê lại các hợp đồng khoan dầu có tạo ra doanh thu cho chính phủ liên bang nhiều như dự định hay không. Chính quyền Trump dự kiến nó sẽ tạo ra khoản thu 1,8 tỷ đô la cho ngân khố nay đã giảm đi một nửa. Một phân tích của New York Times năm ngoái cho thấy nó có thể còn thấp hơn, tổng cộng chỉ là 45 triệu đô la.

Một yếu tố phức tạp là người ta biết tương đối ít chính xác lượng dầu nằm dưới đồng bằng duyên hải có bao nhiêu. Một cuộc điều tra của Times đã tìm thấy bằng chứng rằng giếng duy nhất từng được khoan trong ranh giới của khu bảo tồn là một sự thất vọng.

Và các nghiên cứu địa chấn duy nhất – có thể cung cấp manh mối về vị trí và kích thước của các hồ chứa dầu và khí – được thực hiện vào những năm 1980, khi công nghệ còn tương đối thô sơ so với ngày nay. Một kế hoạch tiến hành một nghiên cứu địa chấn mới, phức tạp hơn đã bị gác lại vào mùa đông năm ngoái.

Thứ Hai vừa qua, ông Bernhardt nói rằng ông không nhìn nhận nó như một chướng ngại vật. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người ngoài kia sẽ vẫn đấu thầu thuê lại mà không cần những thông số địa chấn.”

Kể cả khi các công ty dầu mỏ quyết định đặt bút ký hợp đồng thuê lại, đó mới chỉ là khởi đầu của một tiến trình dài mà không chắc chắn. David Hayes, từng là Thứ trưởng Nội vụ dưới thời Tổng thống Barack Obama và hiện là giám đốc điều hành của Trung tâm Tác động Môi trường và Năng lượng Nhà nước tại Trường Luật Đại học New York, phát biểu: “Bạn còn cả một chặng đường dài phía trước. Bất kỳ ai mua hợp đồng thuê lại đều có khả năng mua được thêm nhiều năm kiện tụng đi kèm với hợp đồng đó.”

Người dịch: Ren Dinh, Duong Nguyen

Biên tập: J. Lê

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/chinh-quyen-trump-thong-qua-ke-hoach-khoan-dau-o-khu-bao-ton-dong-vat-hoang-da-quoc-gia-bac-cuc