Các chính sách giữa Trump và Harris trong cuộc đua vào nhà trắng

0
19
   
Các chính sách tương đồng
Bãi bỏ tiền thuế đánh vào tiền TIP:
  • Cả Trump và Harris đều cam kết bãi bỏ thuế đánh vào người nhận tiền TIP. Trump là người đưa ra ý tưởng trước, và Harris cũng cam kết thực hiện điều này.
Cam kết làm giảm lạm phát:
  • Trump nói rằng ông sẽ làm lạm phát giảm nhanh chóng bằng cách gỡ bỏ tất cả các luật rườm rà không cần thiết để cho hàng hóa được sản xuất và lưu thông dễ dàng, làm giá giảm mạnh. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng giá năng lượng cũng cần phải giảm mạnh thì giá hàng hóa mới giảm được. Ông muốn đẩy mạnh việc khoan dầu “drill baby drill” để thúc đẩy kinh tế và tự chủ dầu mỏ.
  • Harris cho rằng lạm phát là do các tập đoàn làm giá (price gouging). Bà muốn chính phủ ban hành luật kiểm tra và cấm các tập đoàn tăng giá không hợp lý, đồng thời song song với việc kiểm soát giá thuê nhà trên toàn quốc để kiểm soát giá nhà ở tăng cao.
Cam kết tăng nguồn cung nhà cửa và hứa làm cho người trẻ mua nhà lần đầu dễ dàng hơn:
  • Trump muốn dùng quỹ đất liên bang để xây dựng một loạt các thành phố hiện đại mới, nơi có công nghệ cao và hiện đại, tạo ra nhiều chỗ ở mới và công việc làm. Ông cũng muốn lãi suất hạ thấp nhất có thể và muốn có quyền lực tác động mạnh hơn tới Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve).
  • Harris muốn giảm thuế và khuyến khích các công ty xây dựng nhà cho người mua lần đầu. Bà kêu gọi xây thêm khoảng 3 triệu căn nhà mới trong những năm tới. Bà hứa sẽ trợ cấp $25,000 cho những người mua nhà lần đầu đủ tiêu chuẩn.
Chống Trung Quốc:
  • Cả Trump và Harris đều có xu hướng chống Trung Quốc. Trump muốn xích gần với Nga để tách Nga khỏi Trung Quốc, một mối quan hệ được Trump cho là cực kỳ nguy hiểm nếu bộ đôi này hợp tác với nhau.
  • Harris cũng liên tục công kích Trung Quốc và cũng muốn nước Mỹ giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cả hai đều có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước thứ ba. Cả hai đều muốn kiềm chế Trung Quốc vượt Mỹ.
Cam kết không cắt giảm quyền lợi của cử tri cao tuổi:
  • Mặc cho quỹ an ninh xã hội đang bên bờ phá sản, cả Trump và Harris đều cam kết bảo đảm quyền lợi an ninh xã hội và Medicare cho người cao tuổi. Trump muốn xóa bỏ các rào cản để cho bệnh nhân mua thuốc tự do và cạnh tranh hơn.
  • Trong khi Harris muốn giới hạn mức giá thuốc người cao tuổi phải trả tối đa là $35/tháng.
Tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công:
  • Nợ công hiện đã ở mức 35 nghìn tỷ và trên đà tiếp tục tăng.
  • Trump muốn cắt giảm thuế cho người giàu và các tập đoàn, cắt giảm nhân viên chính phủ, cắt giảm chi tiêu phúc lợi với hy vọng thúc đẩy kinh tế và đầu tư, tăng GDP để có thể tăng nguồn thu bù đắp nợ công và thâm hụt ngân sách.
  • Harris muốn tăng thuế người giàu để bù đắp cho chi tiêu chính phủ và giảm nợ công. Tuy nhiên, cả hai chính sách đều sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các nhóm lợi ích và các nhóm cử tri nên rất khó thực hiện. Giải pháp cuối cùng đơn giản và tiện lợi có lẽ vẫn là tiếp tục in tiền và tăng trần nợ công mỗi năm. Lạm phát có lẽ là nguồn thuế đơn giản nhất và dễ dàng nhất đánh đồng đều vào tất cả người dân và cũng làm nợ công dần trở nên nhỏ bé hơn.
Chính sách Do Thái – Israel:
  • Cả Trump và Harris đều cam kết ủng hộ Do Thái vô điều kiện. Harris khuyến khích hai nhà nước Do Thái và Palestine cùng tồn tại. Trump ủng hộ Do Thái vô điều kiện chống lại Hamas và Iran.
Chính sách tiền tệ:
  • Cả Trump và Harris theo đuổi chính sách đồng đô la mạnh và muốn đồng đô la giữ thế mạnh trong việc trao đổi hàng hóa trên thế giới.
Chính sách một Trung Quốc (One China) và cam kết bảo vệ Đài Loan:
  • Cả Trump và Harris đều theo đuổi chính sách một Trung Quốc và cam kết bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Tuy nhiên, cả hai đều hướng dần việc chuyển các nhà máy sản xuất chip bán dẫn (semiconductor) ra khỏi Đài Loan về Mỹ hoặc tới nước thứ ba.
Các chính sách khác nhau
Chính sách thuế:
  • Trump muốn bãi bỏ việc đánh thuế vào tiền an ninh xã hội (Social Security benefits). Hiện tại, những người già có thể phải trả thuế một phần thu nhập an ninh xã hội như là income. Trump lý giải rằng tiền an ninh xã hội là khi còn trẻ đóng góp, thì khi về già không nên phải trả thuế nữa. Chính sách này tạo sự ủng hộ từ các cử tri cao tuổi nhưng chính phủ có thể thâm hụt nguồn thu khoảng 1.6 nghìn tỷ trong vòng 10 năm.
  • Trump muốn đánh thuế nhập khẩu (tariffs) vào hàng hóa của tất cả các nước nhập vào Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Trump lý giải rằng thuế nhập khẩu sẽ làm cho hàng hóa nhập vào nước Mỹ mắc hơn, tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất trong nước Mỹ cạnh tranh và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Thuế nhập khẩu cũng sẽ là nguồn thu ngân sách lớn cho chính phủ và cũng là vũ khí để thương lượng với các nước không thân thiện với Mỹ. Trump còn hy vọng có thể bãi bỏ thuế thu nhập cá nhân (income tax) và thay thế bằng thuế nhập khẩu (tariffs).
  • Bên chống đối chính sách này cho rằng thuế nhập khẩu là đánh vào túi tiền của khách hàng Mỹ, làm cho người tiêu dùng phải trả giá cao hơn, nhất là trong hoàn cảnh lạm phát cao như hiện nay, và đi ngược lại chính sách tự do thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, cả Biden và Harris đều vẫn giữ phần lớn thuế nhập khẩu của Trump trước đây.
  • Ông cũng muốn cắt giảm thuế thu nhập cho tất cả mọi người và đưa thuế các tập đoàn (corporation tax) về mức 15%. Trump cho rằng giảm thuế sẽ kích thích kinh tế và tiêu dùng. Với mức thuế corporation tax thấp, các tập đoàn sẽ mang tiền về đầu tư vào nước Mỹ, tạo công ăn việc làm.
  • Bên chống đối thì cho rằng việc cắt giảm thuế này chỉ giúp người giàu và làm thâm hụt ngân sách, làm cho khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
  • Harris muốn tăng thuế người giàu kể cả sẵn sàng áp thuế unrealized capital gain cho những người siêu giàu có tài sản trên 100 triệu mà đóng thuế ít hơn 25% và cùng lúc giảm thuế cho người có thu nhập dưới $400,000/năm. Bà cũng muốn tăng thuế các tập đoàn từ mức hiện tại 21% lên 28%. Người chống đối thì cho rằng kế hoạch của bà sẽ khiến các tập đoàn và người giàu cắt giảm đầu tư và chuyển tiền đi nơi khác, gây tác hại đến kinh tế.
Chính sách an toàn xã hội:
  • Trump muốn mạnh tay với tội phạm vì ông cho rằng các thành phố Mỹ đang bị tàn phá bởi xã hội vô luật pháp và chất fentanyl. Ông muốn tăng quyền lực cho cảnh sát và mạnh tay với ma túy.
  • Harris muốn nhẹ tay với tội phạm nghèo khổ và người da màu. Bà muốn hạn chế quyền lực của cảnh sát vì cho rằng trong nhiều trường hợp cảnh sát đã lạm quyền, gây tổn hại đến các tầng lớp nghèo khó và yếu thế trong xã hội.
Chính sách nhập cư:
  • Trump muốn tiếp tục xây tường dọc biên giới Mexico. Ông muốn mạnh tay ngăn chặn dân nhập cư trái phép vào Mỹ và có kế hoạch trục xuất hàng loạt dân nhập cư trái phép.
  • Harris coi việc xây tường biên giới là lãng phí và sự sỉ nhục cho thế giới tự do trong thời đại không biên giới. Bà ủng hộ nhanh chóng hợp pháp hóa con của những người di dân bất hợp pháp trong chương trình DACA. Bà cũng ủng hộ các chương trình hỗ trợ những người nhập cư trái phép trong khi chờ đợi xét duyệt quy chế tị nạn.
  • Nước Mỹ hiện có khoảng 11 triệu di dân lậu và nhiều ngưòi cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.Trong cơn khát lao động giá rẻ cho kinh tế Mỹ nhưng lại có sự bất mãn của công chúng về di dân lậu, có vẻ như mọi chính sách chỉ là biểu diễn chính trị, khó ai có thể thay đổi được tình hình.
Chính sách Ukraina:
  • Trump muốn đạt thỏa thuận với Nga để chấm dứt chiến tranh tại Ukraina. Ông cũng muốn cam kết không mở rộng NATO và thúc ép các nước thành viên đóng góp nhiều hơn.
  • Harris coi Nga là mối đe dọa ở châu Âu. Bà muốn tiếp tục ủng hộ Ukraina chiến đấu chống lại Nga. Bà cũng muốn NATO mở rộng và phát triển, ngay cả kế hoạch kết nạp Ukraina vào NATO cũng được bàn tới.
Chính sách quốc phòng và đối ngoại:
  • Trump muốn tăng ngân sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Ông cũng muốn các chính sách hỗ trợ và chăm sóc cựu chiến binh. Trump đề cao chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First). Ông không muốn tốn tiền tham gia vào các cuộc chiến không cần thiết và muốn các đồng minh của Mỹ đóng góp nhiều hơn.
  • Trump cũng muốn cải tổ Liên Hợp Quốc và muốn các nước thành viên đóng góp nhiều hơn, cũng như muốn quyền lực và tiếng nói của Mỹ mạnh mẽ hơn trong tổ chức này.
  • Trump muốn tiếp tục mạnh tay với Iran và không chấp nhận thỏa thuận ngừng hạt nhân mà Obama đã ký với Iran trước đó. Ông cho rằng thỏa thuận chỉ làm cho Iran tiến dần tới việc có vũ khí hạt nhân, điều ông cho rằng là tồi tệ nhất.
  • Trump muốn tiếp tục đàm phán với lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un.
  • Harris có xu hướng muốn tiếp tục thỏa thuận với Iran về vũ khí hạt nhân và giữ bán đảo Triều Tiên không thay đổi.
  • Harris cam kết bảo vệ các đồng minh trên toàn thế giới và tăng cường sức mạnh khối NATO, cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ trên thế giới.
Chính sách súng đạn:
  • Trump ủng hộ tuyệt đối tu chính án số 2 về quyền sở hữu súng đạn. Ông lý giải rằng hầu hết các nước độc tài trên thế giới đều có bản hiến pháp trên giấy tự do và đẹp hơn nước Mỹ, nhưng vì dân chúng không có quyền sở hữu súng đạn để cân bằng quyền lực với chính phủ nên sự tự do của người dân chỉ là trên giấy. Chính vì điều này, tu chính án số 2 là sự sống còn cho tự do ở nước Mỹ.
  • Harris muốn tăng cường luật kiểm soát súng đạn và cấm các loại súng tự động hoặc sát thương nặng. Bà lý giải rằng quá nhiều vụ xả súng ở trường học và nơi công cộng làm nước Mỹ không an toàn.
Chính sách phá thai:
  • Trump không ủng hộ phá thai tự do và coi việc luật phá thai thuộc về các tiểu bang ra luật.
  • Harris coi việc phá thai là quyền thân thể của phụ nữ cần được luật liên bang bảo vệ.
Chính sách đồng tính luyến ái:
  • Trump không ủng hộ hôn nhân đồng tính và chuyển giới ở trẻ em dưới 18 tuổi.
  • Harris ủng hộ hôn nhân đồng tính cũng như quyền bình đẳng phúc lợi cho vợ chồng của người đồng giới.
Chính sách giáo dục:
  • Trump muốn xóa bỏ Bộ Giáo dục và trao quyền lựa chọn giáo dục nhiều hơn cho cha mẹ. Ông muốn hệ thống trường tư cạnh tranh công bằng với hệ thống trường công bằng cách trao quyền cho cha mẹ chuyển tiền credit từ trường công sang trường lựa chọn.
  • Harris ủng hộ tax credit cho trẻ em và hệ thống trường công. Bà cũng muốn tiếp tục xóa các khoản nợ đại học (student loan).
Chính sách lao động:
  • Trump ủng hộ thị trường tự do lương trả theo cung cầu. Ủng hộ kinh tế tư nhân cung cấp việc làm.
  • Harris muốn tăng lương tối thiểu toàn quốc và ủng hộ các nghiệp đoàn lao động (union). Bà cũng muốn chính phủ tạo thêm nhiều công ăn việc làm và đảm bảo các quyền lợi an sinh xã hội.
Chính sách năng lượng:
  • Trump muốn gỡ bỏ nhiều luật lệ để khai thác dầu, bán trả nợ và tăng nguồn năng lượng giá rẻ cho kinh tế. Ông cũng muốn khởi động lại các nguồn năng lượng truyền thống như hạt nhân, khí đốt, than…
  • Harris muốn dần từ bỏ các nguồn năng lượng bẩn để bảo vệ môi trường. Bà muốn tăng mạnh năng lượng tái tạo và khuyến khích xe điện. Người chống đối kế hoạch của bà cho rằng nguồn năng lượng tái tạo quá đắt đỏ và không đủ cung cấp cho kinh tế.
Chính sách y tế:
  • Trump muốn xóa bỏ ObamaCare và hứa thay bằng đạo luật tốt và rẻ hơn. Ông cũng muốn xóa bỏ rào cản mua thuốc, mở rộng quyền mua thuốc và giảm các lãng phí cho giá bảo hiểm.
  • Harris muốn tiếp tục trợ giúp cho ObamaCare và muốn mở rộng Medicare và Medicaid cho nhiều người hơn.
  • Trump có vẻ chấp nhận ObamaCare vì đạo luật gần như không thể đảo ngược.
Kết luận: Bất cứ chính sách nào cũng làm lợi ích cho một số nhóm và làm tổn hại một số nhóm khác. Về lâu dài, lợi ích các nhóm phải được dung hòa. Tổng thống Mỹ là vị trí quyền lực, nhưng nền kinh tế Mỹ vận hành theo cách riêng của nó dù cho ai là tổng thống.
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here