Ai đứng sau dự án BOT Cai Lậy?

0
14
'Đại gia' kín tiếng đến từ Vĩnh Phúc - Công ty Bắc Ái đang sở hữu nhiều dự án BOT, BT quy mô lớn. Ảnh: Trạm BOT Cai Lậy bị hàng trăm tài xế phản đối 
Nhadautu.vn

Căng thẳng tại BOT Cai Lậy

Dư luận đang rất nóng trước việc hàng trăm tài xế phải đối gay gắt trạm thu phí BOT Cai Lậy  tại Tiền Giang. Sự việc căng thẳng đến mức các lực lượng công an và cảnh sát đã phải vào cuộc, thậm chí phải tạm giữ một số tài xế để vãn hồi trật tự. Tuy nhiên trước sức ép từ phía tài xế, trạm BOT Cai Lậy đã liên tục phải xả trạm từ hôm qua đến nay.

Các tài xế phản đối cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt trên tuyến QL1 là trái quy định pháp luật, và họ không đi đường BOT song vẫn phải trả phí toàn tuyến là vô lý.

Trạm BOT Cai Lậy là một phần trong “Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT”.

Dự án nhóm B này được khởi công ngày 20/2/2014, do Liên danh CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và CTCP Đầu tư Thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico) làm chủ đầu tư. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2015, với tổng mức đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) là 1.398 tỷ đồng.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ được lập trạm thu phí tại Km1999+900 để thu phí trong vòng 7 năm 5 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2016.

Tuy nhiên hiện nay tra cứu trên cổng thông tin Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư đã được xác định lại là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico).

Tổng mức đầu tư của dự án vẫn được giữ nguyên là 1.398 tỷ đồng, trong đó 15% là vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư (210 tỷ đồng). Công ty Bắc Ái góp 65%, tương đương 136,5 tỷ đồng và Trico góp 35% (73,5 tỷ đồng). Phần còn lại là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Với tỷ lệ sở hữu chi phối, Công ty Bắc Ái được xem là ‘ông chủ’ của trạm BOT Cai Lậy.

Đáng chú ý, thời gian khai thác được giảm xuống còn 6 năm 4 tháng 29 ngày, ít hơn một năm so với công bố trước đó. Thời gian vận hành ngắn có thể là một nguyên nhân giải thích tại sao phí BOT Cai Lậy lại cao hơn nhiều trạm BOT khác.

Đại gia kín tiếng

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái được thành lập từ năm 2004, có trụ sở đăng ký tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ngày 10/7 vừa qua, Bắc Ái đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.

Cổ đông của Bắc Ái đều là các cá nhân gồm: ông Lê Văn Duẩn (5% vốn), ông Lê Thanh Bình (10% vốn); ông Nguyễn Phú Hiệp (góp 3%).

Ông Nguyễn Phú Hiệp cũng là giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – doanh nghiệp dự án triển khai và vận hành trạm BOT Cai Lậy.

Cổ đông lớn nhất góp tới 82% vốn tại Bắc Ái là ông Lê Tiến Thắng. Ông Thắng có hộ khẩu thường trú tại cùng địa chỉ đặt trụ sở của doanh nghiệp này.

Ngoài BOT Cai Lậy, Bắc Ái còn tham gia nhiều dự án BOT và bất động sản lớn với quy mô hàng nghìn tỷ đồng như dự án BOT “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1125 – Km 1153, tỉnh Bình Định” có tổng mức đầu tư 1.785 tỷ đồng.

Bắc Ái còn hợp tác với CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (Mã chứng VPI) thực hiện dự án BT đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa có vốn 2.527 tỷ đồng; Dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (Quận Bình Thạnh) 1.089 tỷ đồng; Dự án 132 Đào Duy Từ (Quận 10) có vốn 362 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, liên danh này còn có Dự án 42 Trương Định (Quận 3) vốn 42,6 tỷ; dự án 12 Kỳ Đồng (Quận 3) vốn 122,5 tỷ đồng; Dự án 234 Lý Tự Trọng (Quận 1) vốn 98 tỷ hay Dự án 582 Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân, TP.HCM) vốn 161 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư của các dự án trên ngót nghét 10.000 tỷ đồng.