5 TIN GIẢ LIÊN QUAN UKRAINE

0
15

(Đừng để tin giả đánh lừa bạn)

( Nhà báo Mạnh Kim)

Một “bản tin” trên trang Facebook “Chiến sự Nga vs Ukraine” (tiếng Việt) đăng lúc 1:16pm ngày 4 Tháng Ba ghi: “NÓNG: Tổng thống Ukraine Zelensky đã rời đất nước sang Ba Lan! Đây là thông tin được nghị sĩ Ukraine xác nhận”. Bản tin này dịch từ Lenta.ru, “phương tiện truyền thông do chính phủ Nga quản lý”. 

Dĩ nhiên đây là tin giả. Những ngày gần đây, làn sóng tin giả lại bùng nổ. Không chỉ trên mạng xã hội Việt Nam. Xem các trang factcheck của những hãng tin lớn, thật sự muốn chóng mặt với dằng dặc liệt kê tin giả. Dưới đây có thể điểm 5 tin đáng chú ý nhất vì chúng lan rất rộng trên mạng Việt Nam, dù chúng không được người Việt tạo ra mà nguồn gốc đều từ nước ngoài, thậm chí từ các nước châu Phi. 

Một trong những ảnh được chia sẻ nhiều nhất là người đẹp Ukraine Anastasiia Lenna tay ôm súng với chú thích: “Anastasia (sic) Lenna trở thành Miss Ukraine năm 2015. Hôm nay, nàng đang chiến đấu bảo vệ quê hương cùng 36.000 phụ nữ khác”. Post này xuất hiện đầu tiên trên Facebook ngày 27 Tháng Hai. Tin này lan rất nhanh khắp thế giới và dĩ nhiên nhanh chóng lên mạng Việt Nam. 

Cuối cùng, ngày 28 Tháng Hai, nhân vật chính – Anastasiia Lenna – phải “đính chính” trên Instagram: Nàng không hề gia nhập quân đội (“tôi không phải quân nhân, tôi chỉ là một phụ nữ bình thường”). Một trong những tấm cầm súng là hình chụp trong một trò chơi trận giả vào Tháng Chín 2020 (một số hình khác chụp vào Tháng Mười 2021 tại Câu lạc bộ Strikeball ở Kyiv). Thật ra là ngày 22 Tháng Hai (hai ngày trước khi quân Nga tấn công Ukraine), Lenna có đưa lên Instagram tấm hình cầm khẩu súng giả với hashtag #standwithukraine#handsoffukraine nhưng không hề nói mình tham gia chiến đấu (Factcheck USA Today). 

Một tấm nữa cũng được chia sẻ nhiều: Tổng thống Volodymyr Zelensky vận áo giáp trong một chiến hào, với chú thích, “Tổng thống Ukraine có mặt ngoài tiền tuyến cùng nhân dân. Tổng thống Zelensky cầm súng và cùng quân đội đánh đuổi quân Nga xâm lược”. Ban kiểm tin (Factcheck) của Reuters đã truy ra nguồn bức ảnh: Đó là bức ảnh trong một bản tin của chính Reuters đăng ngày 9 Tháng Mười Hai 2021, với chú thích: “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp gỡ quân nhân tại các vị trí chiến đấu gần khu vực ranh giới chia cắt với thành phần phiến quân được Nga hậu thuẫn, vào Ngày Quân lực Ukraine, tại khu vực Donetsk, Ukraine, 6 Tháng Mười Hai 2021. Ukrainian Presidential Press Service/Handout via REUTERS/File Photo”. 

Bức ảnh giả phổ biến thứ ba là hình Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska vận quân phục cầm súng. Ban kiểm tin USA Today đã truy ra nguồn: Đó là bức hình chụp tại Kyiv vào Tháng Tám 2021. Cô gái trong hình không phải bà Olena Zelenska mà là một nữ quân nhân đang diễn tập chuẩn bị cho cuộc duyệt binh dịp Quốc khánh Ukraine lần thứ 30. Điều đáng chú ý nhất không chỉ là chi tiết ấy. 

Người đầu tiên post tấm ảnh đó là một tài khoản TikTok có tên Nastya Tyman. Nastya đưa post này lên mạng ngày 16 Tháng Hai năm ngoái (cách đây một năm) và Nastya không phải người Ukraine. Đương sự là người Nga. Nastya Tyman dùng tấm ảnh trên để chào mừng “Ngày Bảo vệ Tổ quốc” – một ngày lễ lớn của Nga! Như vậy, ngay ban đầu, Nastya Tyman đã gán ghép sai nội dung, có chủ đích. Rồi bây giờ nhiều người lại dùng tấm ảnh ấy để ghép cho phu nhân nguyên thủ Ukraine (Factcheck USA Today). 

Tin giả thứ tư không phải là ảnh mà là video. Được tung lên mạng ngày 27 Tháng Hai 2022, video chiếu cảnh một bé gái đang mắng một người lính. Nhiều account Facebook lẫn Twitter (nước ngoài) chú thích: “Một bé gái Ukraine 8 tuổi đang mắng lính Nga và kêu hắn cút nhanh về nước”. Nhiều trang factcheck đã kiểm tra thực hư. Tờ Times of Israel, cho biết clip này có từ 2012 (cách đây 10 năm, chính xác là nó được đưa lên YouTube ngày 24 Tháng Mười Hai 2012) và nội dung cho thấy một bé gái Palestine 11 tuổi đang mắng lính Israel. Cô gái ấy có tên Ahed Tamimi, hiện là một trong những nhà hoạt động xã hội tại Palestine. Xin nói thêm, sau cái clip khiến cô nổi như cồn, Ahed Tamimi được (cựu) Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp. Năm 2018, Ahed Tamimi bị nhốt tù tám tháng tội… đánh hai người lính Israel trước cửa nhà mình ở Bờ Tây…

Tin giả thứ năm là hai bức ảnh (lên mạng ngày 24 Tháng Hai) cho thấy cảnh nổ cháy ngùn ngụt với chú thích, “Tin nóng: Trong khi Putin vừa tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine thì Bộ trưởng Nội vụ Ukraine xác nhận rằng thủ đô Kyiv đang bị hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo bắn phá tan nát”. Hai ảnh này thật ra là cuộc không kích của Israel vào dải Gaza năm 2018 và 2021 – theo Factcheck AFP. 

Còn rất rất nhiều tin giả khác. Thật sự khó có thể kể hết, trong khi từng ngày trôi qua, tin giả lại liên tục được sản xuất. Trong một số trường hợp, chẳng hạn tin người đẹp Anastasiia Lenna ra trận, có thể được xem vô thưởng vô phạt và không nguy hiểm gì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, nếu tin giả được đặt vào phạm vi “vùng” tin tức thời sự thì là chuyện khác. Tác hại của tin giả không cần nói thêm. Người ta đã thấy tin giả phá hoại xã hội với mức độ như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đại dịch COVID-19, trong vấn đề vaccine COVID-19… 

Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh một điều: nếu dễ dàng tin vào tin giả thì chúng ta sẽ dễ dàng bị dắt mũi bởi chính những “cỗ máy tin giả” ngụy trang dưới lớp áo truyền thông nhà nước, đặc biệt đối với các nhà nước độc tài và cộng sản. Xin nhấn mạnh: vấn đề đang muốn nói là tin giả từ truyền thông chính thống nhà nước, chứ không phải thông tin thuần túy tuyên truyền (dù mục đích làm tin giả là để định hướng dư luận). 

Nga đang phối hợp Trung Quốc sản xuất vô số tin giả liên quan cuộc chiến Ukraine. Hãng RT thuộc nhà nước Nga (trước đây gọi là Russia Today/Rossiya Segodnya) đang là ổ sản xuất tin giả (với những tin đại loại lính Ukraine đầu hàng hàng loạt). Điều đáng nói là không ít tờ báo Việt Nam dịch lại từ RT (cũng như nhiều tờ báo Nga khác) và cách làm này không phải mới đây mà nó thậm chí được chỉ đạo từ nhiều năm nay. Bàn về điều này lại là một đề tài khác, dù liên quan.