Ý THỨC HỆ PHÁ SẢN

0
1358
Đinh La Thăng tự bào chữa trước toà.

HT Lãng Tử

Trong mấy năm gần đây chính quyền Việt nam liên tục đưa ra xét xử hàng chục đại án tham nhũng lớn ở những tập đoàn nhà nước và Ngân hàng với những số tiền thất thoát thua lỗ của mỗi vụ lên tới hàng chục nghìn tỷ VND và những con số này sẽ chưa dừng lại về số vụ án và mức độ thua lỗ thất thoát. Tuy ngành nghề và nguyên nhân thua lỗ thất thoát khác nhau nhưng tội danh chung cho những bị cáo đều giống nhau “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS)”. Đường lối phát triển Kinh tế thị trường theo định hướng XNCH tuy đã đem lại một số thành công nhất định nhưng để lại hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội và chính trị vì nợ công tăng cao, tham nhũng trở thành vấn nạn quốc gia và sự phân hóa giàu nghèo và tha hóa về đạo đức văn hóa. Qua những vụ án về kinh tế có thể thấy ý thức hệ của những đảng viên hiện nay ko phải là Cộng sản vì điều kiện kinh tế của đất nước chưa đạt tới, cũng chẳng phải Vô sản như thời kỳ đầu cách mạng vì các quan chức đều giàu có mang học vị thạc sĩ và tiến sĩ, ko còn thuộc về giai cấp công nhân hay thuần nông nữa. Những quan chức thực dụng của chế độ hiện nay đều theo Ý THỨC HỆ PHÁ SẢN với những quả đấm thép của các tập đoàn nhà nước thua lỗ “đấm vào mặt nhân dân” như nữ nhà báo Hằng Thanh cũng là một Fbooker nổi tiếng đã từng ví von.

PHẦN 1: CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN NGỌN – LỢI BẤT CẬP HẠI

Để cứu vãn sự sụp đổ của chế độ và củng cố quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, TBT Nguyễn Phú Trọng đang phát động phong trào chống tham nhũng hòng xoa dịu sự bất bình trong dân chúng và thu hồi một phần nhỏ của công đã và đang bị thất thoát. Điển hình nhất là vụ án đang diễn ra với ông Đinh La Thăng – nguyên UV BCT – và Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều đồng phạm khác từng là lãnh đạo trong ngành dầu khí gây ra bao tranh cãi trong và ngoài nước. Một chi tiết rất quan trọng trong vụ án khi ông Thăng trả lời trước tòa hôm 10/9 là “làm theo chủ trương của BCT” được một số báo đăng trong ngày hôm sau đã lặng lẽ bị gỡ bỏ theo chỉ thị của một đ/c Y nào đó vì đ/c X đã về vườn mong làm người tử tế rồi.

Khác với những vụ án tham nhũng khác vụ ông Đinh La Thăng gây ra rất nhiều tranh cãi ko phải vì mọi người tin rằng ông ta ko tham nhũng mà những tội danh và bằng chứng đưa ra để xét xử ông Thăng trong các phiên tòa chưa có sức thuyết phục. Hơn nữa đây là một mắt xích rất quan trọng hay nói như cách của ngài tiều phu Nguyễn Phú Trọng là một thanh củi tươi to trong công cuộc “nhóm lò” – một cách gọi hình tượng dân dã về phong trào chống tham nhũng do cụ Tổng phát động. Chẳng phải giấu giếm nhiều người có tâm với đất nước đều hy vọng (hoặc lo sợ) thanh củi tiếp theo sẽ dẫn đến cựu TT Nguyễn Tấn Dũng đang muốn hạ cánh an toàn trở thành người tử tế.

Vấn đề được đặt ra là liệu cụ tiều phu Nguyễn Phú Trọng tuổi già sức yếu với chiếc lưỡi liềm cùn rỉ và chiếc búa đã long cán có đủ nội lực để đốn những đống củi tươi và củi khô hòng vận hành chiếc lò gạch hoang phế mang danh Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và nung được những viên gạch mới để xây dựng và phát triển đất nước hay chỉ đủ sức nhặt vài cành củi khô nhỏ để sưởi ấm cho đôi tay run rẩy vì tuổi tác của cụ trong chốc lát.

Có một thực tế ở Việt nam ai cũng hiểu là quốc nạn tham nhũng chạy chức chạy quyền đã trở thành một thứ luật bất thành văn hay thậm chí trở thành văn hóa tham nhũng rồi. Chỉ đơn cử như việc xin một biên chế giáo viên quèn ở ngoại thành Hà nội đã mất tới hàng trăm triệu VND như báo chí chính thống đã đăng tải thì đến 99% những quan chức từ cỡ trưởng phòng trở lên (phải là đảng viên) đều đã dính chàm ko ít thì nhiều, đặc biệt những chức vụ liên quan đến tổ chức cán bộ hay dự án kinh tế. Như vậy thì đ/c X – như cách gọi “thân mật” mà các đồng chí của Nguyễn Tấn Dũng và nhân dân đã dành cho ông – từ năm 1997 đến hết năm 2015 – qua bao chức vụ quan trọng từ phó thủ tướng thường trực phụ trách về kinh tế đến thủ tướng đã xây dựng được cho mình một vây cánh hay nhóm lợi ích hùng mạnh cả về tiền tài lẫn quyền lực trong khắp các ban ngành từ trung ương đến địa phương, cả trong tòa án, truyền thông, công an và quân đội. Nếu trong cùng thời gian đó ông TBT Nguyễn Phú Trọng quả thật liêm khiết và chân chính như báo chí hằng ca ngợi thì khó lòng mà đủ khả năng để tập hợp một lực lượng vừa mạnh, có tâm, tầm và đủ tư cách liêm khiết để có thể xử lý hết những vụ tham nhũng lớn nhỏ theo đúng pháp luật. Như vậy khả năng thất bại của cụ Tổng có thể thấy rõ.

Trong trường hợp TBT Nguyễn Phú Trọng tập trung được quyền lực và đốn được “cây đa” Nguyễn Tấn Dũng để đem đốt lò thì lại là điều đáng lo hơn đáng mừng bởi vì ông chỉ có thể làm được điều đó nếu dựa vào thế lực ngoại bang Trung quốc. Đây chính là vấn đề làm những nhân sĩ trí thức và một bộ phận dân chúng trong và ngoài nước lo lắng hơn cả bởi những nguyên nhân và hậu quả sau:
1. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ lo giữ bình ko lo cháy nhà
2. Việt nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào Trung cộng và bị kìm hãm ko phát triển được về kinh tế chính trị xã hội. Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tháng 8/2017 khiến cho uy tín của Vn trên trường quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng và quan hệ với Đức bị đóng băng càng khiến cho nguy cơ lệ thuộc vào Trung cộng gia tăng.
3. Về lâu dài Việt nam sẽ bị sát nhập trở thành 1 tỉnh lẻ của Trung cộng với bao tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là nguồn dầu mỏ và vị trí địa chính trị án ngữ biển Đông, nơi vận chuyển của 2/3 hàng hóa trên thế giới.
4. Việt nam sẽ bị tàn phá về môi trường trở thành bãi rác thải của Trung quốc và người Việt sẽ phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực giống như người Do Thái những năm đầu Công nguyên. Người Việt chúng ta đã và đang hàng ngày phải đối mặt với bao thực phẩm bẩn độc hại được nhập từ Trung cộng với mức thuế 0% và các tỉnh miền Trung vẫn chịu hậu quả nặng nề do chất thải độc của khu công nghiệp Formosa gây ra.

Giả sử ông TBT là một người có tinh thần yêu nước chỉ tạm hòa hoãn với Trung quốc bề ngoài để củng cố nền chính trị trong nước bài trừ tham nhũng nhưng việc đánh phe của anh Ba X sẽ tạo nên sự thanh trừng chia rẽ nội bộ sâu sắc trong các phe cánh của đảng Cộng sản thậm chí gây ra thù hận nếu có những án tử hình và những vụ thanh trừng theo kiểu Yên Bái khiến Việt nam suy yếu và bị Trung quốc kiềm chế. Như vậy dù cuộc chiến chống tham nhũng thành công bề ngoài nhưng Việt nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung cộng và sẽ trở lại thời kỳ đảng tập quyền trong tay TBT giống như Lê Duẩn thời bao cấp. Chưa kể rằng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” với thể chế độc đảng như hiện nay ko có cơ chế kiểm soát tam quyền phân lập thì những nhóm lợi ích mới lên nắm quyền sẽ tiếp tục tham nhũng bòn rút của công tuy có thể ko dám trắng trợn công khai như trước.

(Còn tiếp)

Ảnh: nguồn VnEconomy và VietNam.net