Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?

0
147
Luật sư cung cấp Luật sư Ngô Anh Tuấn (phía trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phía sau) khảo sát thực tế.

BBC News Tiếng Việt 14 tháng 9 2020

Vụ án Đồng Tâm còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của ba cán bộ công an. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thực nghiệm điều tra để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Tại phiên xét xử sáng 10/9, luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích cho ba cảnh sát thiệt mạng, đã phản đối đề nghị thực nghiệm điều tra vụ án vì sẽ gợi lại nỗi đau mất mát cho gia đình bị hại.

Ý kiến này của luật sư Bách vấp phải nhiều phản đối của các luật sư bào chữa trong vụ án Đồng Tâm, các luật sư quan sát vụ việc và dư luận.

Giúp giải tỏa nghi vấn

Tiến sĩ-luật sư Nguyễn Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp – nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc thực nghiệm hiện trường có vai trò vô cùng quan trọng.

“Hoạt động này giúp làm sáng tỏ sự thật khách quan các tình tiết, tài liệu, chứng cứ… làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng người, đúng hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật”, ông nói.

Đồng quan điểm, luật sư Đinh Hồng Hạnh từ TP HCM chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:

“Việc thực nghiệm điều tra còn giúp làm rõ cơ chế hình thành vết thương. Trong vụ Đồng Tâm, cáo trạng ghi các bị cáo khai dùng dao phóng lợn trước rồi đổ xăng xuống. Thực nghiệm điều tra sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề, chẳng hạn khi khám nghiệm tử thi, có vết dao bị chọc không hay chỉ bị cháy? Việc hình thành vết thương có phù hợp với lời khai của bị can, bị cáo hay không?”.

Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an ‘biến tòa thành nhà tang lễ’?

Giới luật sư nói phiên xử Đồng Tâm có nhiều ‘vi phạm thủ tục tố tụng’

Trả lời BBC, luật sư Phùng Thanh Sơn nói, theo quy định tại điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm (BLTTHS) thì để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết”.

“Do đó, việc có tiến hành thực nghiệm điều tra hay không là do quyết định chủ quan của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra hoàn toàn có quyền từ chối việc thực nghiệm điều tra, trừ khi yêu cầu đó xuất phát từ viện kiểm sát hoặc tòa án”, luật sư Sơn phân tích.

Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh: “Dù thực nghiệm điều tra không được quy định là một thủ tục bắt buộc nhưng một khi nó đã được luật hóa trong BLTTHS thì nó phải mang ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội phạm. Bởi nếu thủ tục thực nghiệm điều tra không quan trọng, không có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm thì BLTTHS không quy định làm gì”.

Luật sư cung cấp
Luật sư Ngô Anh Tuấn và bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) xem xét hiện trường.
Luật sư cung cấp
Luật sư Ngô Anh Tuấn và bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) xem xét hiện trường.

Vụ án Đồng Tâm có rất nhiều tranh cãi về hoàn cảnh dẫn tới cái chết của bốn người – gồm ông Lê Đình Kình và ba cán bộ công an. Các điều kiện về sự phát cháy của xăng, sức thiêu của ngọn lửa đối với cơ thể người và vật dụng trong giếng trời nơi các bị hại tử vong… cũng tồn tại các tình tiết gây tranh cãi. Do đó, đòi hỏi phải thực nghiệm điều tra được giới luật sư đánh giá là hợp lý, chính đáng và cần thiết.

Theo đó, luật sư Sơn nhận định: “Nếu có thể diễn lại được các hành vi mà cáo trạng miêu tả và kết quả của nó giống như đúng kết luận điều tra, cáo trạng nêu thì nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba chiến sĩ cơ động mà cáo trạng nêu ra là chính xác. Nếu không thể diễn lại được hoặc kết quả thực nghiệm không đúng như kết luận điều tra thì rõ ràng kết luận điều tra và cáo trạng có vấn đề”.

Tuy nhiên, đề nghị từ luật sư của các bị cáo về thực nghiệm điều tra đến nay chưa được chấp thuận.

Một điều có thể thấy là thực nghiệm điều tra được tiến hành khá phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn trong vụ án sát hại nữ sinh giao gà hồi năm ngoái, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng Viện kiểm sát tổ chức thực nghiệm điều tra vào ngày 16/7/2019. Bằng cách này, các điểm nghi vấn trong vụ án đã có thêm cơ sở để làm rõ.

Tranh cãi việc thực nghiệm điều tra

Báo Người lao động trích lời luật sư Bách phát biểu tại phiên tòa hôm 10/9 cho rằng việc một số luật sư của các bị cáo nêu ra vấn đề thực nghiệm điều tra khiến ông cảm thấy đau nhói.

“Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui xuống cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên?”, luật sư Bách nêu quan điểm.

Trả lời BBC hôm 10/9, luật sư bào chữa Lê Văn Hòa nói:

“Khi chúng tôi kiến nghị thực nghiệm điều tra, luật sư Bách rằng ai dám đưa người xuống để thực nghiệm điều tra. Thực ra, người ta có thể đưa con vật hoặc làm các mô phỏng chứ không bắt buộc phải đưa người vào thực nghiệm trong điều kiện nguy hiểm”.

Luật sư cung cấp
Chiếc hố được cho là nơi ba công an đã tử nạn.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh chia sẻ: “Thực nghiệm điều tra là biện pháp được tiến hành thông qua thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự mà hành vi, sự việc đã xảy ra. Tức sẽ bao gồm cả thí nghiệm chứ không chỉ diễn lại, thực nghiệm lại. Ở phiên tòa, luật sư bên bị hại cho rằng đưa người chui xuống hố rồi đổ xăng lên đốt khi thực nghiệm điều tra là hoàn toàn sai”.

Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng cho rằng thực nghiệm điều tra trong trường hợp này không quá khó. “Có thể dùng động vật còn sống có trọng lượng tương đương trọng lượng của các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã chết bỏ xuống giếng trời, cho người mặc áo bảo hộ chống cháy hoặc dùng robot để đổ đúng số lượng xăng xuống giếng trời với động tác và số lần như cáo trạng mô tả… và đối chiếu kết quả thực nghiệm điều tra với hậu quả được nêu trong cáo trạng”, ông bổ sung.

Trên thực tế, người ta có thể thực nghiệm điều tra bằng hình nộm hoặc các phương pháp giả lập trên máy tính chứ không nhất thiết phải “người thật việc thật”.

Một điểm gây tranh cãi nữa là lập luận từ luật sư bên bị hại cho rằng thực nghiệm điều tra sẽ “khơi gợi lại nỗi đau”.

Trên Facebook cá nhân, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho bà Bùi Thị Nối và ông Bùi Viết Hiểu, nêu ý kiến:

“Nếu thực nghiệm điều tra làm khơi lại nỗi đau của các gia đình nạn nhân, vậy một bản án oan, sai sẽ có 2 án tử hình và hàng chục người bị án phạt tổng cộng đến cả 100 năm tù. Cái nào nên làm, cái nào không nên? Công lý, lương tâm là đây”.

Luật sư Đinh Hồng Hạnh còn chia sẻ thêm: “Thực nghiệm điều tra thường được diễn ra trước phiên sơ thẩm. Trong giai đoạn này, luật sư có quyền và nghĩa vụ tham gia các hoạt động làm minh bạch vụ việc và không có quyền từ chối những hoạt động điều tra theo đúng quy trình tố tụng để làm rõ sự thật khách quan”.

“Việc viện lý do thực nghiệm điều tra là hành vi có tính chất dã man, ác độc thì không hợp lý, không thuộc quyền và nghĩa vụ của luật sư. Luật sư không có quyền từ chối yêu cầu thực nghiệm hiện trường hoặc đề nghị không thực nghiệm hiện trường vì bất kỳ lý do nào”, bà nói thêm.

Vì sao không thực nghiệm điều tra?

Theo luật sư Hạnh, việc thực nghiệm điều tra sẽ được tiến hành khi 1) đây là sự việc nằm trong các vụ việc bắt buộc điều tra thực nghiệm hiện trường và 2) khi không có sự thống nhất với nhau trong quan điểm giải quyết vụ việc giữa cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát cùng cấp.

Bà Hạnh nhận định: “Trong trường hợp Đồng Tâm, vụ việc có lẽ đạt được thỏa thuận ngay từ đầu giữa cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát. Trong ngành gọi là vụ việc quá rõ ràng, dù không có quy định thế nào là quá rõ ràng”.

“Thêm nữa, trong quá trình tạm giam, tạm giữ, các bị can không được tiếp cận luật sư, kể cả các buổi hỏi cung, thì nếu các bị can đề nghị không thực nghiệm điều tra là không xác đáng và thiếu minh bạch. Vì rõ ràng, họ không biết về quyền, nghĩa vụ để tự bảo vệ quyền lợi mình”, bà Hạnh nói thêm.

Luật sư cung cấp
Tang vật trong vụ án Đồng Tâm
Luật sư cung cấp
Tang vật trong vụ án Đồng Tâm

Đáng chú ý, luật sư Hạnh cho nói rằng qua quá trình xét xử tại tòa sơ thẩm, luật sư của bị hại đã tiết lộ bản kế hoạch 419A là tối mật. Theo bà, điều này có thể ảnh hưởng đến việc thực nghiệm điều tra.

“Nếu nó thuộc bí mật nhà nước hoặc các bên liên quan khác thì có thể nhà nước sẽ không muốn tiết lộ thông tin đồng thời không muốn thực nghiệm điều tra”, bà Hạnh chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình lý giải rằng việc không thực hiện thực nghiệm điều tra là do cơ quan chức năng “cho rằng các tình tiết, tài liệu, chứng cứ đã đủ căn cứ và cơ sở để kết tội nên đã không tiến hành thực nghiệm hiện trường”.

Ông Bình nói thêm: “Theo cá nhân tôi, nếu cơ quan chức năng tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ thêm về các hành vi giết người của các bị cáo, làm rõ sự tác động của các công cụ, dụng cụ, vũ khí… gây nên cái chết của các cảnh sát thì mức độ thuyết phục sẽ cao hơn, làm cho dân chúng tin cậy hơn”.

Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54099714