Vĩnh biệt Tù nhân lương tâm bất khuất Nguyễn Tuấn Nam

0
50
Bác Nguyễn Tấn Nam với Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Bắc Truyền và vợ.
Bài viết của Huỳnh Anh Tú:

—————-

Được tin ông Nguyễn Tuấn Nam đang cấp cứu điều trị tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chiều ngày 4/10/2018 khi trời vẫn còn đổ mưa, tôi và chị Nguyễn Kim Thanh (vợ của TNLT Trương Minh Đức) vội đến bệnh viện thăm ông.

Sáng ngày 5/10/2018 tôi nhận được hung tin, cựu TNLT Nguyễn Tuấn Nam đã lìa trần vào lúc 4 giờ.

Ông Nguyễn Tuấn Nam còn có tên gọi khác là Bảo Giang. Tôi và ông từng bị cầm tù chung trong 10 năm, từ năm 2001 đến năm 2011.

Ông xuất thân từ một gia đình trí thức. Ông là một giáo viên dạy văn, “làm việc dưới chế độ cộng sản” từ trước 1975 đến năm 1990. Khi nhận ra bản chất dối tra, thối tha của chế độ độc tài cộng sản, ông quyết định vứt bỏ tất cả và vượt biên sang Campuchia để xa lánh mọi thứ. Cũng vì lý do này vợ con, gia đình tại Việt Nam đã không màng liên lạc và từ bỏ ông.

Tại Campuchia ông vẫn tiếp tục đi theo nghề dạy học chân chính của mình. Ông là ông giáo “già” dạy miễn phí cho trẻ em Việt Nam cơ nhỡ, lang thang tại đất Campuchia.

Cơ duyên đã tác hợp, ông gặp một bạn đời “mới” là cô Dương Thị Viếng. Họ đến với nhau không những bằng tình yêu mà còn là lý tưởng, là tình yêu quê hương đất nước.

Vì muốn đóng góp phận “già” còn lại của mình cho quê hương đất nước, hai người cùng tham gia vào tổ chức chính trị “Nhân Dân Hành Động” do Nguyễn Sĩ Bình sáng lập vì tin vào tôn chỉ mục đích đấu tranh trên giấy của tổ chức này là đòi hỏi nước Việt Nam phải thiết lập chế độ tự do – dân chủ, đa nguyên đa đảng nhằm tiến đến xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh.

Vào cuối năm 1996, hai mươi tám thành viên thuộc đảng chính trị “Nhân Dân Hành Động” trong đó có hai vợ chồng bác Nguyễn Tuấn Nam và Dương Thị Viếng bị cảnh sát Campuchia bắt tại tỉnh Poipet (một tỉnh của Campuchia giáp biên giới Thái Lan).

Ngày 28/11/1996 toà án Campuchia tuyên án 18 trong số 28 người can tội “nhập cư bất hợp pháp” và quyết định dẫn độ về Việt Nam. Số người khác vì đã nhập tịch Campuchia nên không bị đưa về Việt Nam.

Ngày 1/12/1996, mười tám người bị áp giải về Việt Nam, rồi bị tống vào tại trại tạm giam B34 (số 237 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận I – Sài Gòn) để “điều tra”.

Vào cuối tháng 9/1999 toà án Long Xuyên tuyên án tất cả, từ 9 năm đến 20 năm, với cáo buộc “trốn đi nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Nguyễn Tuấn Nam chịu mức án 20 năm và vợ Dương Thị Viếng 9 năm…

Trong suốt thời gian bị bắt, dẫn độ về Việt Nam, bị xử án và bỏ tù… Nguyễn Sĩ Bình và tổ chức “Nhân Dân Hành Động” đã ngoảnh mặt quay lưng đối với các thành viên của mình.

Trong tù, Bác Tuấn Nam thuộc diện “mồ côi”. Vài ba năm sau, có một ai đó xưng là cháu gái đến thăm và cho được một thùng mì gói. Niềm vui và tình cảm của ông gần như gắn vào các bạn tù “khốn khổ”. Thời gian bị cưỡng ép lao động ông thường hay gánh vác và dành những phần nặng nhọc về mình. Tình thương yêu của bác đối với bạn tù và ngược lại không thể nào nói hết nơi đây.

Đối với cai tù CS, Nguyễn Tuấn Nam luôn giữ thái độ cương quyết, can trường và khẳng định lập trường chính nghĩa của mình. Ông luôn có mặt tham gia vào những cuộc đấu tranh trong tù nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng của con người.

Tôi ghi nhớ mãi lần tuyệt thực 14 ngày vào năm 2009 nhằm chống lại sự đàn áp, ngược đãi của nhà tù. Tuy tuổi già sức yếu nhưng ông vẫn còn có khả năng cầm gậy đập vào cánh cửa buồng giam và hô to: “Đả đảo cộng sản đàn áp tù nhân chính trị”.

Ngày 27/9/2014 ông Nguyễn Tuấn Nam hết hạn án và ra tù. Từ nhà tù nhỏ bước ra nhà tù lớn, ông hoàn toàn mất liên lạc với người vợ Dương Thị Viếng đã ra tù trước ông. Ông sống cuộc đời bơ vơ, trôi nổi không biết đâu là nhà.

Nhờ ơn trên sắp xếp đã dẫn dắt Giuse Nguyễn Tuấn Nam (Trước đây ông đã nhập đạo Công Giáo có tên Thánh là Giuse) đến Dòng Chúa Cứu Thế và được các Linh mục nơi đây cưu mang và đưa ông về nhà dưỡng lão của nhà Dòng tại Cần Giờ để chăm sóc.

Trước ngày lễ cưới của tôi và Phạm Thanh Nghiên vài ngày, ông Tuấn Nam đã chuẩn bị cho mình quần áo đẹp và hành trang để lên Sài Gòn dự lễ cưới. Vì công việc quá bận rộn nên chúng tôi đã không thể sắp xếp đón bác. Thế là bác Tuấn Nam buồn tủi và cứ “trách” vợ chồng của tôi hoài.

Ngày 23/9/2018 tại nhà dưỡng lão DCCT Cần Giờ, tình trạng của bác Nam rất yếu, cha Chánh xứ Hồ Đắc Tâm đã quyết định đưa bác Tuấn Nam đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương để điều trị.

Thầy Thuận (người trực tiếp chăm sóc bác Nam) cho biết: “Sau 6 ngày điều trị nơi đây, bác đã có dấu hiệu hồi phục và luôn miệng nhắc đến tên “Tú” và lấy làm tiếc “không dự được đám cưới của Tú và Nghiên”.

Bước vào số phòng G2.11, khoa Thần Kinh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhìn thấy bác tôi ngỡ ngàng và thốt lên: “ Bác Tuấn Nam nè…!”

Mặc dù, thân người bác tiều tuỵ, tình trạng sức khoẻ rất tệ. Bác không nói không rõ lắm, nhưng bác cố nở một nụ cười để chào đón chúng tôi.

Thầy Thuận chỉ vào tôi và chị Thanh rồi hỏi bác: “Bác có ai đến thăm không”.

Ông thều thào tiếng rất khẽ tiếng được tiếng không: “hằng hú… chứ ai” rồi bác nhìn sang chị Thanh: “cị hanh… Bình Dương nè”.

Chúng tôi cười vì xúc động và cũng không muốn hỏi bác thêm nhiều vì sợ bác mệt. Chúng tôi ngồi bên nhau tâm sự, an ủi bác. Bỗng dưng bác khóc thật to. Tiếng khóc át cả tiếng mưa to ở bên ngoài. Cả ba chúng tôi bùi ngùi nhìn bác mà không nói gì.

Tôi suýt xoa lên tay bác “Bác ơi! Bác đừng khóc nữa, mọi người vẫn thương yêu và quan tâm đến bác mà. Bác sẽ chóng khỏi và về nhà thôi. Con hứa sẽ dắt vợ và bé Tôm đến thăm bác thường xuyên hơn. Bác yên tâm dưỡng bệnh nhé, trước mắt con sẽ đến thăm bác mỗi ngày ở đây. Bác sẽ hết bệnh thôi”.

Từ lúc ấy hình ảnh của ông cứ đeo đẳng trong tâm trí tôi. Đến sáng hôm sau tôi vội thu xếp một số công việc riêng rồi định ghé sang bệnh viện thăm bác như đã hứa. Khi tôi mở Facebook ra thì đọc được hung tin từ Linh Mục Lê Ngọc Thanh “RIP: Giuse Nguyễn Tuấn Nam (1938-2018). Xin anh chị em hiệp nguyện tạ ơn Chúa cho Ông Tù Nhân Lương Tâm”.

Vậy là ông đã ra đi thật sự rồi. Tôi không còn cơ hội để dắt vợ và bé Tôm đến thăm ông nữa. Đáng buồn hơn trong tang lễ ông không có một người thân nào để tang cả.

“Con Huỳnh Anh Tú là bạn tù, là đồng đội, là cháu, xin tự nguyện được đeo tang trước quan tài của Bác để Bác thanh thản ra đi”.

Vĩnh biệt bác Nguyễn Tuấn Nam.

06.10.2018