TỶ PHÚ BẤT HẢO & BẤT ỔN XÃ HỘI VÀ SỰ KÍCH ĐỘNG CHÍNH TRỊ

    0
    550
    Hàng ngàn người biểu tình ở Bình Thuận ngày 10/6/2018.

    Đặng Ngữ

    Trong cuốn sách mới được xuất bản của Sách Phương Nam gần đây có nhan đề “Quốc Gia Thăng Trầm” vốn được dịch từ “The rise and the fall of Nations”, tôi chú ý đến một luận điểm mà tác giả Ruchir Sharma lý giải về mối quan hệ hữu cơ của sự xuất hiện của lớp người siêu giàu mà Sharma gọi là các tỷ phú bất hảo liên quan đến những bất ổn xã hội và sự kích động chính trị ở các nước đang phát triển.

    Theo đó, tác giả cho rằng: sự xuất hiện của lớp người siêu giàu có thể là một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang lên. Nhưng điều này chỉ đúng nếu họ là những người “siêu giàu vượng ích”; một kiểu tỉ phú hữu ích cho quốc gia nổi lên ở các lĩnh vực không cần đến “đặc quyền đặc lợi”. Những ngành đòi hỏi “đặc quyền đặc lợi” gắn liền với quyền lực chính trị được Ruchir Sharma nêu tên gồm: xây dựng, bất động sản, cờ bạc, khai mỏ, thép, nhôm và các kim loại khác, dầu khí và các ngành liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên từ lòng đất.

    Sự cạnh tranh trong các lĩnh vực “đặc quyền đặc lợi” này thường tập trung vào việc chiếm thêm quyền khai thác của cải quốc gia dưới dạng tài nguyên thiên nhiên, chứ không nhằm làm tăng trưởng của cải theo các phương thức mới mẻ và sáng tạo. Những tay chơi lớn thường bỏ công vận động các mối quan hệ để có được sự chấp thuận từ nhà cầm quyền để bảo đảm quyền sở hữu, khai thác các nguồn tài nguyên quốc gia; họ cũng sẵn sàng “làm hư hỏng” bộ máy cầm quyền nếu cần thiết.

    Khi nhìn vào danh sách những người siêu giàu mới nổi của Việt Nam, tôi giật mình khi nhận thấy hầu hết lớp người này đều đang nổi lên ở các ngành nghề mà Sharma đã liệt kê ở trên. Tất nhiên, luận điểm này nếu được hiểu một cách máy móc sẽ gieo tiếng xấu cho những người siêu giàu trung thực. Nhưng ở một đất nước như Việt Nam chúng ta hiện nay, trung thực vốn hiếm hoi, người giàu trung thực càng hiếm hoi và người siêu giàu nổi lên ở các ngành kể trên có lẻ chỉ tồn tại đâu đó trong các nghị quyết.

    Có một mối quan hệ hữu cơ giữa sự xuất hiện của lớp người siêu giàu, những tỷ phú bất hảo với những bất ổn xã hội cũng như sự kích động chính trị trong những năm gần đây.

    Trước khi nhúng tay vào lĩnh vực bất động sản, ông chủ của ô tô Trường Hải vốn nổi tiếng là một con người “sạch sẽ” và được kính trọng. Đụng vào Thủ Thiêm, dính vào các thế lực chính trị, bàn tay ông chủ Trường Hải nhuốm máu ngay; cuộc khủng hoảng hiện nay tại chính quyền địa phương liên quan đến dự án Đại Quang Minh đã gây ra những bất ổn xã hội và kích động lan ra cả hệ thống chính trị. Có rất nhiều những ví dụ như thế trên khắp đất nước này mà tôi có kể ra cả ngày cũng không hết.

    Những sự việc như thế, gây ra bất ổn trong một khu vực hành chính nhỏ không được giải quyết thậm chí bị ỉm đi, khiến cho giới siêu giàu bất hảo được hậu thuẫn chính trị càng lúc càng trở nên tham lam hơn. Họ trở nên tham lam đến độ hung dữ. Nó khiến cho những người giàu “sạch sẽ”, những người vốn nổi lên trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ cũng trở nên thèm muốn nhảy vào chia phần. Tôi tin rằng, bên cạnh động cơ bảo vệ thể chế, luật animal có bàn tay tanh tưởi của các đại gia công nghệ; chúng ta cần thêm một thời gian ngắn nữa để có thêm thông tin.

    Và đó là lúc thảm hoạ xã hội ở quy mô quốc gia xuất hiện: sự bất bình đẳng xã hội đã lên đến mức không chịu đựng nổi. Nên nhớ rằng, mọi kích động xã hội chính trị đều sinh ra từ sự bất bình đẳng xã hội.

    Phải chăng những sự việc xảy ra gần đây, với tần suất ngày càng dày, từ Formosa đến Luật Đặc Khu, từ Đồng Tâm đến Thủ Thiêm, từ Văn Giang đến Phan Rí Cửa là bởi sự bất bình đẳng xã hội đã ở mức không chịu đựng nổi ?