Từ ông Phú Trọng đến ông Tô Lâm

0
25
BBC/Getty Images Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được đánh giá không có bề dày kinh nghiệm như người tiền nhiệm là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
   

Mạc Văn Trang

4-9-2924

Mấy bố già cứ ngồi cà phê là sôi nổi chuyện thời sự – chính trị. Có khi cãi nhau rất hăng. Bố nào cũng dẫn chứng, cho mình có lý. Hẳn nhiều người cười mấy lão già dở hơi…

Nhớ hồi đầu những năm 1980, mình nghe ông Hoàng Tùng, Trưởng ban Văn hoá – Tư tưởng Trung ương, bảo: Mấy ông Đồ gàn lại định dạy khôn Trung ương!

Nhưng đến 1986, có Nghị quyết “Đổi mới” của Đảng, thì hoá ra ý kiến mấy ông Đồ gàn lại rất hợp “ý Đảng, lòng Dân”! Chả là mấy ông này dù sao cũng có học, giàu suy nghiệm, gần dân, và nhất là họ vô tư yêu nước, thương dân. Vậy nên, chớ vội cười mấy ông cụ gàn. “Cờ ngoài – bài trong”, cứ nghe xem mấy cụ già nói gì?

Mấy cụ truy tôi, hay viết “phản biện”, mà sao Tổng Bí thư Trọng mất, bao nhiêu người ý kiến, tôi lại im? Tại sao mấy chuyện động trời, hạ bệ “nhị trụ” mà tôi im? Tại sao ông Tô Lâm xuất hiện phi thường mà tôi không viết gì?

Đúng là toàn những chuyện tưởng “động trời”, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng có gì ghê gớm. Mọi chuyện trong xã hội vẫn bình thường mà. 99% phiếu Quốc hội bầu ông đó lên, rồi 99% lại hạ ông ấy xuống, nhẹ như … thay áo, có động gì đến Dân đâu? Đó là chuyện nội bộ Đảng thôi. Đảng “quyết” rồi thì Quốc hội chỉ việc bấm nút!

Ý kiến các cụ có vẻ lộn tùng phèo, nhưng tóm lại, có mấy điểm thế này.

1. Ông Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành sứ mệnh: “Đánh chuột không vỡ bình”, giờ để ông được yên nghỉ. Lịch sử sẽ phán xét sau.

Có một sự chuyển tiếp thú vị là ông Trọng đã thực hiện đúng tuyên bố: “Không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, và ông đã để cho “đốn” hết những “cây” ông ấy chọn giống, vun trồng với bao hy vọng, đưa hết vào “cái lò” do ông ấy xây. Và ông ra đi đúng lúc để ông Tô Lâm bước lên vũ đài chính trị một cách thanh thoát. Lịch sử có những chuyện bất ngờ, thú vị!

2. Tôi đoán ông Tô Lâm lên Tổng bí thư … hơi bị sớm

Trong “Thư ngỏ gửi ông Tô Lâm” ngày 10/1/2024, tôi nêu năm vấn đề Dân bức xúc, mong ông quan tâm chấn chỉnh, nhất là công an cơ sở “hành” Dân quá thể; mong ông khoan thứ cho Dân, nhất là sắp Tết cổ truyền dân tộc… Tôi cũng viết, khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn Mình” làm sai lạc bản chất của Công an, khiến dân xa lánh và đối nghịch với công an…

Hồi tháng 2/2024, mấy anh em an ninh có hỏi tôi, tại sao trong Thư bác gửi Bộ trưởng Tô Lâm, lại viết “Quyền lực tuyệt đối, dễ tha hóa tuyệt đối”?

Tôi bảo, hiện giờ ngành Công an có quyền lực nhất, vì nắm hết mọi chuyện của từng quan chức và mọi diễn biến xã hội, muốn xử lý ai chẳng được; trong ngành Công an thì ông Đại tướng, Bộ trưởng to nhất, quyền sinh quyền sát còn gì!

Còn cái câu “Quyền lực tuyệt đối, dễ tha hóa tuyệt đối” là tôi chép lại của Triết gia thôi, ông Tô Lâm là GS TS hẳn cũng nhớ câu này. Tôi nghĩ ông Tô Lâm có thể sẽ nắm “quyền lực tuyệt đối”, nên cảnh báo ông ấy. Ông Tô Lâm cũng đã chuẩn bị rồi. Tôi theo dõi thấy mấy ông “tam trụ” kia chả ông nào có sách, có bài diễn văn nào ra hồn, tỏ ra có “lý luận” cả. Chỉ hai ông cho ra sách rất kịp thời là Phan Văn Giang và Tô Lâm. Sách ông Tô Lâm tổ chức ra mắt rất hoành tráng, mà nội dung là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”… Vậy là ông ấy vừa có quyền lực, vừa “người Bắc có lý luận”, đúng tiêu chí Cụ Trọng nêu ra rồi còn gì nữa.

Không ngờ dự cảm của tôi lại đúng. Nhưng bất ngờ là ổng phải lên Chủ tịch nước trước. Giờ tôi lại nghĩ, cứ để ông kiêm luôn như vậy lại tập trung quyền lực, đỡ quan liêu cồng kềnh “tứ trụ”…

3. Kỳ vọng gì ở ông Tô Lâm?

Ảnh chụp màn hình bài trên báo Tuổi Trẻ dịp Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ra mắt sách do ông chủ biên, ngày 2-2-2024

Các cụ thảo luận khá sôi nổi. Có cụ bảo, Tô Lâm kéo bè, kéo cánh công an lên, lại công an trị theo kiểu KGB của Putin. Rồi kéo phe Hưng Yên, tạo ra bè phái trong Đảng, dễ gây mất đoàn kết …

Cụ khác bảo, Tô Lâm sẽ theo mô hình Tập Cận Bình, thanh lọc nội bộ và siết chặt mọi mặt đời sống xã hội; không khéo lại thời kỳ “sắt máu” thì càng khổ; chỉ sợ ông ta gắn chip từng người dân thì bỏ mẹ! …

Cụ thì bảo, Tô Lâm gian hùng lắm, chẳng theo Tập, chẳng theo Putin đâu. Cứ “thanh kiếm với lá chắn”, ông ta cai trị theo kiểu Việt Nam thôi: Đối nội “công an trị”, củng cố lực lượng công an đến thôn, xóm, tổ dân phố rồi; đối ngoại thì cứ “cây tre” mà xài… Nhưng sẽ quan tâm hợp tác quốc tế, đa phương, đa dạng sâu rộng hơn để phát triển mạnh kinh tế. Nói gì thì nói, cứ phải mạnh vì gạo, bạo vì tiền, anh mới vững được…

Cụ khác lại bảo, Tô Lâm không chịu là cái bóng của Nguyễn Phú Trọng; ông ta phải có những đột phá, thay đổi để khẳng định mình, tạo ra giai đoạn lịch sử mới chứ. Thời thế tạo anh hùng mà. Cờ đến tay thì phất, mà Tô Lâm dám “phất”, dám làm, dám chịu đấy!…

Có cụ rất lạc quan, bảo, Tô Lâm sẽ là Lý Quang Diệu của Việt Nam! Bước đầu ông ta phải thâu tóm quyền lực, “độc tài” cũng được, nhưng đưa đất nước hội nhập phát triển mạnh mẽ. Quên mẹ nó mấy cái Mác Lê, đuôi XHCN đi, không lướng vướng vào mấy cái đó sẽ tư duy thực tiễn, bứt phá được. Cứ dấn bước đi lên, rồi sau dân chủ hóa dần dần như Sing, Hàn, Đài Loan là hay nhất. Tôi thấy tinh thần Dân tộc và Nhân dân rất rõ trong các phát biểu của Tô Lâm…

Tôi chả dám cãi với cụ nào, chỉ lắng nghe rồi nói mấy ý:

– Tô Lâm là Tổng bí thư, Chủ tịch nước có vị thế, vai trò, tâm thức khác hẳn với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Bây giờ ông ấy xuất hiện với một gương mặt khác, dáng vẻ khác, nói năng khác, cử chỉ giao tiếp cũng phải khác hẳn trước… Những cái đó tạo ra sự “tự chuyển hóa” trong Tô Lâm. Nếu không, trên sân khấu chính trị trong nước và quốc tế, ông ấy sẽ không thực hiện được đúng “vai diễn” của mình, và sẽ thất bại…

– Tôi tin ông Tô Lâm là người có bản lĩnh, mưu lược, dám làm những chuyện lớn, mạo hiểm, một cách bất ngờ, khôn khéo, mau lẹ…

– Tôi tin, ông Tô Lâm là người nhiều trải nghiệm chính trị, xã hội, nghề nghiệp, sự đời… hơn tất cả các UVBCT khác; ông là con người hành động thực tiễn, chắc sẽ đỡ bảo thủ, giáo điều; ông là người có nhiều suy nghiệm, thấm thía biết cái gì là TỘI, cái gì là CÔNG với Nước với Dân, rồi Lịch sử sẽ nghiêm khắc phán xét, cho nên ông phải thận trọng…

– Làm chính trị thì phải có phe, có ê-kíp. Ở ta hiện chỉ một đảng chính trị cầm quyền thì trong đảng có mấy phe quan sát nhau, dè chừng nhau cũng tốt chứ sao. Ông Tô Lâm phải củng cố phe, tạo nhóm ê-kíp tin cậy để làm việc hiệu quả. Đó là chuyện người lãnh đạo nào cũng phải làm. Vấn đề là phe/ ê -kíp ấy có làm được gì ích Nước, lợi Dân không? Đó mới là tiêu chí để đánh giá…

– Có một điều may mắn là, cả Putin lẫn Tập Cận Bình đang cho thấy, sự ham quyền lực tuyệt đối, dẫn đến độc tài và kết cục sẽ chẳng hay ho gì. Đó là những bài học nhãn tiền mà tôi tin ông Tô Lâm chắc rất rõ và sẽ tránh đi vào những vết xe này.

– Không dân chủ hoá, xã hội dân sự thì đất nước sẽ không phát triển hài hòa, văn minh, lành mạnh được. Đó là quy luật. Phật giáo mà độc quyền còn tha hóa đến tột cùng, huống chi các lĩnh vực khác! Nhưng “cách mạng dân chủ” bùng phát từ dưới lên sẽ gây hỗn loạn xã hội, nguy hiểm; con đường dân chủ hóa từng bước như Sing, Hàn, Đài Loan… cho ta nhiều bài học và hy vọng. Nhưng quyết định biến chuyển, sự phát triển xã hội vẫn là vấn đề “Dân trí, Dân khí, Dân sinh”…

TÓM LẠI: Như mục 3 cho thấy nhiều ý kiến khác nhau, đều là suy diễn, đoán mò cả. Đừng nghe các cụ nói, hãy xem những gì ông Tô Lâm làm!

Các cụ hãy buông bỏ, giải thoát khỏi những định kiến trước đây về Đại tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm, gác lại mọi chuyện cũ, để có cái nhìn mới, nhận xét, đánh giá mới xem Tổng bí thư – Chủ tịch Tô Lâm đang và sẽ làm được gì, ích lợi cho Dân, cho Nước?

“Hãy đợi đấy”!

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here