TRÙNG TU CHÙA CẦU: CỚ GÌ MÀ PHẢI XÔN XAO ?

2
56
   

Nguyen Thanh Huy

Một bài phản biện rất hay về Tu bổ Chùa Cầu Hội An, giúp chúng ta có những thông tin rất chi tiết, hiểu sâu hơn về việc phân bổ số tiền 20 tỷ. 

Qua đây, thấy rằng chỉ một cái nhà bao che thôi mà đã chiếm mất 4 tỷ và chi phí quản lí dự án, tổ chức hội thảo mất đến 3 tỷ. 

Bài phản biện này là câu trả lời rõ ràng cho một số nhà phản biện – Facebooker – đã coi thường những tiếng nói phản biện khác, cho dù người ta không có chuyên môn khảo cổ hay trùng tu nhưng họ hoàn toàn có đầy đủ nhận thức và lí lẽ. 

@ Lưu ý:

Bài viết này các ý phản biện vào vấn đề trùng tu là hay. Tuy nhiên vẫn có vài chỗ sa vào công kích cá nhân. Đó là điều không hay, không nên có. Vì thế khi copy share lại bài này tôi có viết dẫn để nhấn mạnh về chỗ số tiền 20 tỷ được sử dụng như thế nào thôi.

————-

TRÙNG TU CHÙA CẦU: CỚ GÌ MÀ PHẢI XÔN XAO ?

Tác giả: Lý Trực Dũng

1. ĐÔI LỜI VỚI ÔNG TS SỬ HỌC TRẦN ĐỨC ANH SƠN

 Tôi đã nhiều lần đến TP Hội An. Lần cuối vào tháng 1.2023 từ Hà Nội vào Hội An đi thăm anh Nguyên Ngọc và viếng chị Hồ Thanh Tâm vợ của anh Ngọc mới mất. Ngày 9.1.2023 tôi đi thăm Chùa Cầu, có thắp hương ở Chùa. Sau đó có gặp anh Nguyễn Sự, Bí thư Hội An cũ và được biết về chuyện trùng tu Chùa Cầu. Anh Sự kể việc trùng tu sẽ rất phức tạp vì thiếu hồ sơ gốc, phần kết cấu gỗ hư hại rất nhiều, rất khó để trùng tu tốt.

 Mấy ngày cuối tháng 7.2024 bỗng chuyện trùng tu Chùa Cầu Hội An nổi cộm trên mạng xã hội với ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. Có rất nhiều ý kiến của người dân bàn tán xôn xao, thậm chí dè bỉu khi được thấy diện mạo mới này của Chùa Cầu, một di tích văn hóa lịch sử Việt Nam sau đợt trùng tu lần thứ 7 với tiền đầu tư hơn 20 tỉ đồng.

Tôi cũng ngạc nhiên khi Chính quyền TP Hội An tuyên bố Dự án trùng tu này được khởi công từ 28.12.2022 trong khi chính tôi là người có mua vé thăm Chùa cầu vào ngày 9.1.2023. Mà theo tôi hiểu đã khởi công thì công trình phải che chắn, bảo vệ … không thể vẫn bán vé cho khách tham quan vào công trình!?

• Trùng tu Chùa Cầu: Cớ gì mà phải xôn xao?

Đây là một câu hỏi xách mé, trịnh thượng của một ông quan chức kiểu dân ngu khu đen biết gì mà cũng bày đặt xôn xao? Ông TĐ Anh Sơn là quan chức hay là nhà khoa học? Và xin hỏi ông TĐ Anh Sơn người dân có quyền xôn xao không? Theo tôi: Có! Đó là quyền và trách nhiệm của người công dân đối với một di sản được công nhận Di tích Lich sử – Văn hóa Quốc gia từ 1990 ở một thành phố mà năm 1992 đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới.

Phản ứng “xôn xao “ đó được anh Nguyễn Sự nói thẳng: “Người ta yêu Hội An mới lên tiếng, phải tiếp thu .” 

Có nhiều lý do để người dân xôn xao:  

– Trùng tu một công trình chỉ có diện tích khoảng 130 m2 mà vốn đầu tư hơn 20 tỷ, khoảng 155 triệu đồng/m2. Nên nhớ, tiền đầu tư này không phải là tiền của cá nhân của lãnh đạo TP Hội An… mà thực chất là tiền của Nhà nước, tiền của người dân.

Ngày 2.8.2024 ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tich UBND TP Hội An thông báo : 

– Dự án tu bổ di tích chùa Cầu do Công ty Xây dựng TNHH Kim An thực hiện

– Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng nhưng gói thầu thi công trúng giá chỉ gần 13 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý dự án, các hoạt động hội thảo, hội nghị, riêng phần nhà bao che đã hơn 4 tỉ đồng. (Báo NGƯỜI LAO ĐỘNG) .

Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Sơn: 

– Nhà bao che hơn 4 tỉ đồng có nằm trong “ gói thầu thi công ” 13 tỉ hay không ? Hay có đơn vị khác thi công nhà bao che 4 tỉ đồng này ? Vì sao ? 

– Sau khi thi công xong nhà báo che được tháo dỡ , thanh lý tiền thanh lý thuộc về ai ? 

– Tạm hiểu “gói thầu thi công ” 13 tỉ  cộng với nhà bao che 4 tỉ là 17 tỉ  thì : Chi phí quản lý dự án, các hoạt động hội thảo, hội nghị : hơn 3 tỉ đồng bằng 15 % vốn đầu tư của dự án ! 

Xin được hỏi Bộ văn hóa : 

Không biết ở các dự án trùng tu di tích cấp Quốc gia khác chi phí quản lý, hội thảo, hội nghị ít hơn hay nhiều hơn 15 % vốn đầu tư của dự án?

Về Phương án trùng tu hạ giải 

Nếu tôi không nhầm thì hầu hết các ý kiến của người dân không đồng tình, chê, thậm chí dè bỉu kết quả trùng tu Chùa Cầu lần thứ 7 này là vì đã bỏ rất nhiều tiền trùng tu nhưng khi công trình hoàn thành thì trông rất sến …chứ họ không hề biết và bàn chuyện hạ giải hay không hạ giải di tích này.

 Đơn giản: Không phải người dân nào cũng quan tâm, biết đến khái niệm chuyên môn này. Cụ thể khái niệm “Hạ giải di tích” được ghi trong THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH Số 15/2019/TT-BVNTTDL ngày 31.12.2019. 

1. Việc hạ giải di tích chỉ được tiến hành khi hiện vật nội thất đã được di dời hoặc bao che tại chỗ đảm bảo an ninh, an toàn

2. Trước khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã lập trên bản vẽ; có phương án hạ giải và tập kết trong nhà bảo quản.

3. Trong khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được bảo vệ an toàn, gia cố tạm thời đối với các vị trí có nguy cơ bị phá hủy và xác định phương án vận chuyển thích hợp .

4.  Sau khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được làm sạch sơ bộ và phân loại, sắp xếp trong nhà bảo quản.

5. Quá trình hạ giải phải được thành lập hồ sơ ( bản viết, bản ảnh, ghi hình ) là một thành phần của nhật ký công trình quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này.

Nhưng ông TĐ Anh Sơn lại viết rất dài về “trùng tu hạ giải”, rằng ông ủng hộ phương án này, rồi khoe đã đi tu nghiệp nhiều năm ở Nhật Bản,Hà Quốc ,Đức , Pháp … Rồi “ Trùng tu hạ giải” đã có tiền lệ thành công v.v…Rồi ông ta kể: “ Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng ; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết. Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây.”

Xin được hỏi ông TĐ Anh Sơn:

  Cá nhân ông có được Chủ đầu tư Dự án Trùng tu Chùa Cầu mời đi khảo sát công trình này hay không hay chỉ nghe, chỉ đọc tài liệu của ai đó rồi phán?

  Bằng cách nào và với thiết bị khảo sát gì mà ông biết phần móng bị lún, nghiêng? Vậy nghiêng bao nhiêu độ? Không hiểu ông quan niệm móng công trình là các trụ đá xây dưới lòng sông để đỡ cầu hay chỉ là phần kê cột gỗ? Làm sao mà ông cũng biết nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt mục rỗng? Ông tự khoan hay đục xà, cột hay vì kèo gỗ để biết nó mục ruỗng? …rồi biết liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ? … 

Thưa ông TĐ Anh Sơn, nếu Chùa Cầu là di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia ở trong tình trạng nguy hại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào như ông mô tả mà UBND TP Hội An không cho đóng cửa, đến đầu tháng 1.2023 vẫn duy trì hoạt động đón khách vào tham quan liệu có bị lên án vì tiền mà xem thường tính mạng của du khách hay không? 

Trùng tu di tích lich sử – văn hóa có kết cấu chịu lực bằng gỗ có niên đại nhiều trăm năm ở một nước mưa nhiều, có độ ẩm rất cao như Việt Nam thì quyết định Hạ giải hay không Hạ giải vô cùng quan trọng vì liên quan đến gìn giữ giá trị lịch sử của di tích và vốn đầu tư. Các quyết định hạ giải hay không phải phải dựa trên cơ sở khảo sát đánh giá tình trạng di tích một cách tỉ mỉ và việc hạ giải hay không còn dựa vào phương án kỹ thuật, công nghệ áp dụng cho công tác bảo tồn trùng tu cũng như truyền thống, tay nghề, kinh nghiệm của đội ngũ thợ thi công và các kiến trúc sư, kỹ sư, các cán bộ khoa học có đủ năng lực chuyên ngành trùng tu di tích.

Về lý thuyết và trong thực tế các quyết định hạ giải hay không hạ giải di tích phải dựa vào cơ sở khảo sát, đánh giá tình trạng di tích một cách nghiêm túc, tỉ mỷ và việc hạ giải hay không còn dựa vào phương án kỹ thuật, công nghệ áp dụng cho công tác bảo tồn trùng tu cũng như truyền thống tay nghề, kinh nghiệm của đội ngũ thi công như thợ mộc đối với các công trình có kết cấu chịu lực bằng gỗ ở đình, chùa cổ và các kiến trúc sư, kỹ sư, các cán bộ khoa học có năng lực chuyên ngành trùng tu di tích. 

Là một người có thâm niên nghề kiến trúc, xây dựng gần 50 năm và thực sự quan tâm đến chuyện trùng tu Chùa Cầu độc đáo này nên khi nghe anh Nguyễn Sự nói về dự án trùng tu Chùa Cầu,tôi lập tức nghĩ có thể đưa anh Nguyễn Hữu Uyển một người thợ cả rất giỏi về nghề mộc ở Thạch Thất Hà Nội mà tôi rất tin tưởng và đã làm việc với tôi gần 20 năm nay ở nhiều công trình khác nhau như trùng tu Đình Trần Đăng, một di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội … vào Hội An thăm Chùa Cầu và xem kỹ , khảo sát, đánh giá hiên trạng rồi có thể cùng trao đổi với cán bộ có trách nhiệm của đơn vị thi công trùng tu Chùa Cầu và đưa ra các ý kiến về trùng tu các kết cấu gỗ sao cho hợp lý, tốt như có thể. Kinh phí cho việc tư vấn này sẽ do tôi đảm nhận, chỉ mong giúp được chút gì đó cho công việc trùng tu Chùa Cầu là quý rồi …Nhưng rồi nghĩ lại rất ngại các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công dự án Chùa Cầu này có thể hiểu lầm, người ta không mời mà mình lại đến xin tư vấn, vì sao? Sẽ rất không hay… và vì tôi trong năm 2023 lại đang phụ trách công tác thiết kế và thi công giai đoạn cuối của dự án Bear Sanctuary Ninh Binh (Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình) rộng 10 ha do tổ chức FOUR PAWS international tài trợ nên rất bận và không nghĩ gì đến vụ trùng tu Chùa Cầu Hội An nữa.

2. VÀI Ý KIẾN VỀ CÔNG TÁC TRÙNG TU CHÙA CẦU 

Mấy ngày qua có nhiều bạn quen biết tôi trong đó có cả nhà báo hỏi ý kiến của tôi về Chùa Cầu sau khi trùng tu lần thứ 7 này. Vì chưa có điều kiện vào Hội An tận mắt xem Chùa Cầu sau khi trùng tu nên tôi chỉ có thể đưa ra ý kiến của mình sau khi xem qua khá nhiều tin, ảnh liên quan đến trùng tu Chùa Cầu của bè bạn và của nhiều cơ quan truyền thông đăng trên mạng xã hội.

2.1. Thiết kế và thi công 

Chủ đầu tư cho biết Trùng tu Chùa Cầu do Công ty TNHH Xây Dựng Kim An đảm nhận

Xin được hỏi : 

– Công ty Kim An vừa thiết kế vừa thi công hay chỉ thi công? 

– Đây là công ty xây dựng chuyên ngành trùng tu di tích và đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác trùng tu di tích? 

– Nếu Công ty Kim An chỉ thi công thì Công ty nào thiết kế? Đơn vị thiết kế  có giám sát thi công theo đúng thiết kế đã được phê duyệt hay không ? 

2.2. Hiện trạng Chùa Cầu 

– Mái Chùa Cầu ở gian giữa cao, hai mái hai bên nghiêng thấp xuống tạo nên một mái chùa hơi khum xuống hai bên, trông khỏe, chắc và hài hòa với nền của Chùa nhô cao ở giữa và thấp dần xuống hai bên cổng , phù hợp với không gian có sông nước, lụt và mưa bão ở Hội An.

– Bờ nóc bằng bê tông cốt thép dày, khỏe đắp hình mây mặt nguyệt, lá hóa rồng, triện tàu lá dắt có dán đĩa sứ cổ màu xanh, giữa bờ nóc và đỉnh mái có lắp gạch gốm màu đỏ nhạt tạo nên một khối điêu khắc mái Chùa vững chãi, đẹp, rất có gía trị lịch sử và mỹ thuật.

– Thành cầu có bốn chân đế đỡ 4 cột gỗ ở mặt tiền với rất nhiều gờ phào đặt trên bốn trụ cầu trông rất chắc chắn, hấp dẫn.

– Màu sắc của Chùa Cầu trước khi trùng tu từ bờ nóc, bờ chảy, các biểu tượng kinh điển với con giống như mây mặt nguyệt, lá hóa rồng, triện tàu lá dắt… không rực rỡ, chói mà hài hòa với màu nâu sẫm của mái ngói âm dương gắn chồng lên nhau rất dày, tạo cảm giác vững chãi cho mái Chùa. Gam màu ấm chung của Chùa Cầu hài hòa với cảnh quan và các công trình xung quanh, gần Chùa. Đó chính là giá trị lịch sử và thẩm mỹ của Chùa Cầu được trùng tu từ năm 1986 và là tiền đề để Chùa Cầu được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia vào ngày 17.2.1990. 

2.3.  Chùa Cầu sau khi trùng tu lần thứ 7 ( 22.12.2022 – 3.8.2024 )

Quả thật với tư cách là một kiến trúc sư và họa sĩ, tôi thực không hiểu vì sao khi trùng tu người ta lại làm bờ nóc mới, mảnh trông yếu ớt rồi cho sơn xanh, trắng, đen con các biểu tượng truyền thống: Ở chân biểu tượng lá hóa rồng lại sơn màu đỏ trong khi biểu tượng mây mặt nguyệt, lá hóa rồng, triện tàu lá dắt thì lại có màu xanh coban lạc lõng không ăn nhập với màu nâu ấm của ngói âm dương, khác hẳn với màu của mái chùa trước khi hạ giải. Đã thế thành cầu với các đế đỡ cột lại được quét vôi màu trắng trông lạc long không ăn nhập với 4 cái cột gỗ có màu nâu sẫm. Phải chăng đây là tác phẩm được thực thi từ ý kiến của các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản có trách nhiệm về trùng tu Chùa Cầu? Hay ý kiến chỉ đạo của chủ đầu tư? Hay chỉ là quyết định của đơn vị thi công? Nếu đúng thi đáng sợ quá! 

Cũng may, do bị người dân phản ứng ghê quá nên ngày 31.7.2024 họ đã cho thợ quét vôi có màu sẫm hơn ở thành cầu.

2.4. Có ý kiến của người dân thắc mắc sau khi trùng tu không còn thấy các đĩa sứ được gắn trên đỉnh mái chính và mái cổng của Chùa.Về nguyên tắc trước khi phá dỡ, chủ đầu, đơn vị giám sát và đơn vị thi công phải lập biên bản, chụp ảnh lưu hồ sơ về các đĩa sứ này và phải giải trình khi được kiểm tra vì đó là hiện vật có giá lịch sử theo điều 2 của THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH Số 15/2019/TT-BVNTTDL ngày 31.12.2019. 

 Cụ thể : Có đĩa sứ cổ hay không ? Số lượng ? Khi tháo dỡ có bị vỡ hay không ? Tại sao? Hiện vật đó đang được bảo quản ở đâu? 

2.5. Văn bản pháp lý về trung tu di tích Lịch sử – Văn hóa

Có thể với người dân không làm việc trong các ngành liên quan đến phục chế, trùng tu các công trình cổ, các di tịch lịch sử, văn hóa họ không biết, không quan tâm đến rất nhiều văn bản pháp quy quốc tế, trong nước về bảo tồn, trùng tu …như :

– Luật của Quốc hội nước CHXHCN VIỆT NAM số 28/2001/QH 10 về di sản văn hóa

– Các Công ước, các Hiến chương quốc tế về về bảo tồn trùng tu các di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh

– Hiến chương ATHENS về trùng tu DTLS ( 1931)

+ Các biện pháp hành chính và lập pháp liên quan đến Di tích Lịch sử

+ Trùng tu di tích

+ Bảo tồn di tích và Hợp tác quốc tế v.v…

– Hiến chương VENICE 

     Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ ( 1964 )

  Nguyên tác bảo tồn các kiến trúc lịch sử bằng gỗ ( Principles for the Preservation of Historic Timber Structures ) 1999

     Trùng tu di tích có kết cấu chịu lực bằng gỗ rất phức tạp, khó.

 Đơn giản : Gỗ thay thế có đúng chủng loại gỗ nguyên trạng hay không? Gỗ cùng chủng loại nhưng trồng ở đâu? Ví dụ cùng gỗ lim nhưng gỗ lim Nam Phi khác gỗ lim Việt Nam. Gỗ Lim Việt Nam ở Thanh Hóa khác gỗ lim ở các vùng miền khác. 

Chắc đơn vị thi công Trùng tu Chùa Cầu đã ghi kỹ các cấu kiện thay thế và bảo quản các cấu kiện gỗ hư hại bị thay thế để đối chứng theo quy định…

  Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lich sử- văn hóa , danh lam , thắng cảnh ( Ban hành kèm theo quyết định số : 05/2003/QĐ-BVHTT, ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ) ….

3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRÙNG TU DI TÍCH Ở NƯỚC TA HIỆN NAY 

 Văn bản thì rất nhiều, rất chi tiết …nhưng quan trọng nhất là thực thi mà điều đáng buồn là ở Việt Nam chúng ta hầu như công trình trùng tu di tích Lich sử – Văn hóa nào cũng có vấn đề khiến người dân phải… xôn xao. Vì sao phải xôn xao?

Đơn giản hoạt động trùng tu di tích Lich sử -Văn hóa…kể cả ở cấp quốc gia thì hoạt động đó cũng nằm trong NGÀNH XÂY DỰNG. Mà tiêu cực trong ngành xây dựng bằng NGÂN SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC thì …rất khủng, chỉ thua tiêu cực trong hoạt động thi công cầu, đường của ngành GTVT . Rất nhiều người dân, đặc biệt là người dân làm trong ngành xây dựng và cầu đường GTVT đều biết tiêu cực phí ( Luật bất thành văn ) này. Ai cũng biết nhưng không ai dám lên tiếng phản đối chỉ vì miếng cơm manh áo , rất phức tạp dễ bị oan gia. 

– Nếu Bên B ( đơn vị thiết kế, đơn vị thi công ) không chấp nhận tiêu cự phí ? Thì quên đi, không bao giờ nhận được hợp đồng thiết kế hay thi công công trình của bên A . Ngay thiết kế phí cho Kiến trúc rất thấp ở Việt Nam chỉ khoảng 3-3,5 %  của vốn đầu tư công trình mà đơn vị thiết kế, hay cá nhân KTS thiết kế khi làm công trình bằng Ngân sách Nhà nước cũng bị trừ có khi chỉ còn 2 % !

– Đo cũng là nguyên nhân khiến các dự án được đầu tư vốn ngân sách nhà nước đắt và chất lượng luôn có vấn đề.

Gần đây ở Việt Nam ta ông Chủ tịch nước và ông Chủ tich Quốc hội bị mất chức. Vì sao ư ? Thì người dân cả nước đều biết. Đó là câu trả lời xác thực nhất và đáng buồn nhất về tiêu cực phí trong ngành Xây dựng và ngành GTVT. 

Nhân đây xin được hỏi ông TĐ Anh Sơn: Ông nói làm trong ngành bảo tồn bảo tàng Huế 17 năm. Ông và cấp trên của ông có làm việc trực tiếp với các bên B thi công không? Và có bao giờ ông và cấp trên của ông nhận phong bì của bên B không? Nếu ông trả lời không thì chúng tôi vô cùng kính phục!  

Vì chưa có điều kiện thăm Chùa Cầu trong khi trùng tu và sau khi trùng tu nên tôi chỉ có thể có vài ý kiến về kết quả trùng tu di tích Lịch sử và Văn hóa cấp Quốc gia qua hình ảnh bên ngoài của công trình. Hi vọng sẽ sớm được vào Hội An để chiêm ngưỡng Chùa Cầu cả bên trong và bên ngòai một cách trung thực nhất sau đợt trùng tu này.

Công trình Trùng tu Chùa Cầu Hội An theo thông báo của UBNN TP Hội An là Chủ đầu tư sẽ khai trương vào ngày 3.8.2024. Xin được chúc mừng. Hi vọng Chủ đầu tư tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để chỉnh sửa, hoàn thiện những gì còn khiếm khuyết về biểu tượng, màu sắc … so với lần trùng tu gần nhất năm 1986 , cách đây 38 năm, để có được một Di tich lịch sử- Văn hóa có tầm Quốc gia và Quốc tế.

Để kết thúc bài viết của mình, tôi xin được trích dẫn ý kiến của các chuyên gia về công tác trùng tu di tích Lịch sử- Văn hóa “

  GS .TS. KTS Hoàng Đạo Kính : 

  Duy trì giá trị lịch sử phải là ưu tiên số 1 của trùng tu di tích. Nếu không duy trì được giá trị lịch sử, trùng tu trở thành vô nghĩa” 

  Bà Maria Teresa Castellano Phó chủ tịch Viện Mỹ thuật Florence , Ý :

  Trùng tu không phải là một quá trình xây lại hay làm mới mà là giữ lại vẽ đẹp nguyên gốc cho di sản “

  Hiến chương ATHENS về trùng tu cũng nêu rõ vai trò giáo dục trong việc tôn trọng di tích lịch sử và công trình nghệ thuật làm sao để người dân ngày càng gắn bó và tôn trọng hơn với di tích. 

                                                                                                                   LÝ TRỰC DŨNG

                                                                                                                       2.8.2024

———

Advertisement
   

2 COMMENTS

  1. Wonderful beat I wish to apprentice while you amend your web site how could i subscribe for a blog web site The account aided me a acceptable deal I had been a little bit acquainted of this your broadcast provided bright clear idea

  2. I do trust all the ideas youve presented in your post They are really convincing and will definitely work Nonetheless the posts are too short for newbies May just you please lengthen them a bit from next time Thank you for the post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here