TỐ TỤNG LÀ NHÂN QUYỀN

0
111
Ảnh: Quochoi.vn

Cách nói “Có sai sót về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” là một bẫy rập nguy hiểm, nó làm méo mó, thậm chí, đến mức triệt tiêu đi một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp hình sự là “Luật hình thức (thủ tục) quyết định luật nội dung”. Vì lẽ, cách nói đó không chỉ sai nội hàm mà còn tự tiện lập tạo ra khoảng dung sai co giãn cho điều không được phép co giãn.

Về nội hàm, nguyên tắc “Thủ tục quyết định nội dung” yêu cầu xác định có sai sót về tố tụng hay không ? Chứ không đặt ra vấn đề có làm thay đổi bản chất vụ án hay không ? Nếu có sai sót về tố tụng, thì chỉ cần yếu tố CÓ thì cũng đủ vô hiệu hóa về chứng cứ buộc tội nếu nó được thu thập không đúng quy định tố tụng. Nếu chứng cứ đó thuộc loại quyết định trong vụ án, thì xem như cả vụ án phải buộc đình chỉ.

Bên cạnh đó, cách nói “Có sai sót về tố tụng nhưng KHÔNG làm thay đổi bản chất vụ án” đã tạo ra khoảng dung sai co giãn, như :

– Có sai sót về tố tụng nhưng KHÔNG làm thay đổi bản chất vụ án : Sẽ vẫn được chấp nhận (như quan điểm của 17/17 vị thẩm phán thuộc Hội đồng Thẩm phán TATC đã quyết định trong vụ án Hồ Duy Hải, bác kháng nghị của VKSNDTC).

– Có sai sót về tố tụng làm thay đổi ÍT hoặc NHIỀU bản chất vụ án : Thì có thể được chấp nhận (vì ít) hoặc không (vì làm thay đổi nhiều).

Thế nên, trong luật pháp hình sự của quốc gia tiên tiến, chỉ có quyền đặt vấn đề CÓ sai sót về tố tụng hoặc KHÔNG, chứ không có quyền đặt vấn đề NHIỀU sai sót tố tụng hay ÍT, Và tuyệt đối, càng không bao giờ có quyền đặt ra vấn đề hết sức xa lạ với ý chí trọng pháp “Có làm thay đổi bản chất vụ án hay không”.

Tố tụng chính là nhân quyền, tố tụng càng chặt chẽ nhân quyền càng được tôn trọng. Với ý nghĩa đó, tố tụng chính là thước đo nhân quyền trong một quốc gia có thiết lập nền tư pháp.

Saigon chiều mưa dai dữ thần, 16/06/2020
Manh Dang