Thủ phủ titan kêu cứu – Bài 1: Được ít, mất nhiều

0
573
Cảnh hoang tàn ở những dự án khai thác titan, chưa biết đến khi nào môi trường mới được phục hồi. Ảnh: TRUNG THANH
PHAP LUAT

(PL)- Với lợi thế về tự nhiên, nhất là các cảnh đẹp ven biển, Bình Thuận có thể trở thành trung tâm du lịch và trung tâm về năng lượng sạch. Song do được quy hoạch là “trung tâm titan” nên Bình Thuận gánh chịu hậu quả nặng nề từ các dự án khai thác ồ ạt, môi trường tan hoang.

LTS: Sau những báo cáo “bom tấn” được cho là đứng đầu Đông Nam Á về trữ lượng titan, Bình Thuận ngày càng khổ sở bởi dưới biển, trên bờ đều ô nhiễm do khai thác titan. “Cơn bão” titan không chỉ khuấy đảo đời sống của người dân mà còn đang gây ra những cản lực cho cả sự phát triển về kinh tế-xã hội của Bình Thuận. Pháp Luật TP.HCM xin vẽ lại bức tranh loang lổ này qua loạt bài “Thủ phủ titan kêu cứu”.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, dự kiến hôm nay (11-9) tỉnh Bình Thuận sẽ làm việc với các cơ quan trung ương để tìm lối ra cho kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cũng như việc cấp phép khai thác titan trên địa bàn tỉnh này.

Trong báo cáo trước đó gửi các cơ quan trung ương, Bình Thuận đề nghị Ban Kinh tế Trung ương Đảng có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận rà soát điều chỉnh quy hoạch titan trên địa bàn tỉnh.

Theo đó Bình Thuận đề nghị cần rà soát, đưa các diện tích dự án thăm dò, khai thác titan không phù hợp, có chồng lấn các dự án khác vào khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và hoán đổi khu vực khác.

Trong thời gian rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan, đề nghị Bộ TN&MT tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản titan. Sớm thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác rà soát, đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 3916 ngày 19-4-2017 của Văn phòng Chính phủ.

Đối với các dự án đã được cấp phép khai thác, Bộ TN&MT thường xuyên và kịp thời kiểm tra, thanh tra toàn diện giấy phép theo định kỳ hằng năm để kịp thời xử lý các sai phạm và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước và đất đai, không để xảy ra các sự cố môi trường và các sai phạm khác.

Ảo tưởng về con số 139 tỉ USD

Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/2013, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 25 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan 19.339 ha với trữ lượng khoảng 559 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan cả nước.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược và Khoa học công nghệ Tập đoàn TKV (Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam), cho rằng con số 559 triệu tấn titan là con số không tưởng.

Ông Sơn phân tích: “Con số 559 triệu tấn titan là con số dự báo về tiềm năng do cơ quan thăm dò (Bộ TN&MT) đưa ra, dựa vào công tác dự báo, chưa thể gọi là trữ lượng khoáng sản được thăm dò. Trữ lượng phải là con số thật mà chúng ta có thể khai thác được. Con số này phải dựa vào công tác thăm dò bài bản và được hội đồng trữ lượng quốc gia (gồm nhiều bộ, ngành liên quan) thông qua. Nếu tính toán một cách khoa học, trữ lượng titan ở Bình Thuận không lớn”.

Do đó TS Sơn cho rằng trữ lượng titan ở Bình Thuận ước khoảng 559 triệu tấn, trị giá gần 139 tỉ USD chỉ là con số… trong mơ.

Theo TS Sơn, với tài nguyên, từ con số 100% thì khi thành thương phẩm chỉ đạt hơn 2,7%. Tức con số từ 139 tỉ USD theo dự báo trên thực tế chỉ có thể đạt được hơn 3,7 tỉ USD, lợi nhuận ước đạt được là 17% (tương đương 64 triệu USD).

“Theo đó, giả sử 559 triệu tấn titan này được khai thác hết trong vòng 50 năm thì lợi nhuận bình quân cũng chỉ gần 1,3 triệu USD/năm. Nếu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% thì ngân sách mỗi năm thu được chỉ là 0,32 triệu USD” – TS Sơn phân tích.

Thủ phủ titan kêu cứu - Bài 1: Được ít, mất nhiều - ảnh 1

Thủ phủ titan kêu cứu - Bài 1: Được ít, mất nhiều - ảnh 2Cảnh hoang tàn ở những dự án khai thác titan, chưa biết đến khi nào môi trường mới được phục hồi. Ảnh: TRUNG THANH

Nguồn thu ít, gây trở ngại nhiều

Ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho biết qua tài liệu mà ông thu thập được từ Cục Thuế tỉnh Bình Thuận và số liệu ngân sách của Bộ Tài chính thì tổng thu từ khai thác titan nộp ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2016 chỉ khoảng 263 tỉ đồng.

Con số này chỉ đạt tỉ lệ bình quân gần 0,6%/năm so với tổng thu ngân sách tỉnh Bình Thuận. Theo một văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2008-2012 (đây là thời điểm có nhiều mỏ titan hoạt động), các khoản thuế và phí từ các dự án này cũng chỉ đạt khoảng 158 tỉ đồng.

Tại buổi tọa đàm về khai thác titan ở Bình Thuận gần đây, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cũng nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Trong đó xảy ra tình trạng chồng lấn các dự án. Cụ thể, hiện tỉnh Bình Thuận có đến 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (tổng diện tích 4.576 ha) bị chồng lấn với các khu vực quy hoạch khai thác titan nên không thể triển khai. Đây là các dự án về du lịch, trồng rừng, năng lượng.

“Phải đợi các dự án khai thác titan xong mới bàn giao đất cho chủ dự án khác. Nhưng chưa biết các dự án titan chừng nào mới khai thác xong nên các nhà đầu tư dự án khác rất bức xúc. Việc này gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương và phát triển kinh tế-xã hội” – đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thành Sơn, nếu so sánh kinh tế thì doanh thu từ du lịch, năng lượng gió, mặt trời cao gấp 2,9 lần so với doanh thu khai thác, chế biến tittan. Mặt khác, việc phát triển du lịch sẽ khai thác tài nguyên lâu dài, bền vững hơn.

“Bình Thuận là vùng khô hạn, chỉ nói vấn đề khai thác nước ngọt thôi thì nước ngọt đã quý hơn titan. Do đó thay vì khai thác titan, nên chuyển hướng sang phát triển du lịch và năng lượng sạch” – TS Sơn đề xuất.

Trữ lượng được cho là rất khủng

Năm 2011, Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ thực hiện đề án điều tra theo yêu cầu của Bộ TN&MT, báo cáo Bình Thuận có đến 774 km2 diện tích có chứa quặng titan – zircon với tài nguyên dự báo khoảng 559 triệu tấn (gấp 16 lần so tổng trữ lượng sa khoáng các tỉnh trong cả nước gộp lại). Với tổng sản lượng gần 559 triệu tấn, theo một số chuyên gia về khoáng sản của Bộ TN&MT, Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng titan đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba trên thế giới. Các chuyên gia này còn khẳng định với trữ lượng titan khổng lồ trên, chỉ tạm tính theo giá thị trường thế giới thì được khoảng 138,87 tỉ USD, một con số khổng lồ quá sức tưởng tượng.

Cần điều chỉnh quy hoạch, tạm dừng cấp phép

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết trước những vấn đề liên quan đến khai thác titan, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn, theo hướng cho phát triển thêm các lĩnh vực khác như du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp công nghệ cao.

“Theo Luật Khoáng sản, những khu vực quy hoạch khai thác titan không được thực hiện các dự án khác. Song dự án khai thác titan kéo dài hàng chục năm, gây nhiều trở ngại. Do đó việc điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết. Trong thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không cấp khai thác mới cho các dự án khai thác titan” – ông Hùng bày tỏ thêm.

Về những tác động đến môi trường, theo ông Hùng, Bộ TN&MT nên thực hiện báo cáo đánh giá tác động toàn diện tất cả dự án khai thác titan chứ không nên thực hiện riêng lẻ như thời gian qua.

KHANG BÁCH ghi

_________________________

Bài 2: Những hồ bùn đỏ khổng lồ chực chờ gây họa

Bài 3: Nước giếng đỏ ngầu, suối, bàu cũng lâm nguy

TRUNG THANH – PHƯƠNG NAM