Thế giới hôm nay: 04/10/2019

0
30

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump công khai nói Trung Quốc nên điều tra Joe Biden, ứng viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ. Điều này tương tự yêu cầu của ông với tổng thống Ukraine vốn tuần trước đã khiến Đảng Dân chủ mở cuộc điều tra luận tội. Ông Trump chưa đưa ra được bằng chứng nào cho khẳng định rằng vị cựu phó tổng thống tham nhũng. Trước đó, Đảng Dân chủ cho biết nếu cần thiết họ sẽ ra trát yêu cầu Nhà Trắng cung cấp tài liệu để phục vụ cuộc điều tra.

Cảnh sát Hồng Kông đã được trao quyền lớn hơn để đối phó với biểu tình bạo lực. Reuters cho biết các hướng dẫn nêu rõ các sĩ quan phải “chịu trách nhiệm về hành động của mình” đã bị loại bỏ, trong khi việc hơi cay và bình xịt hơi cay được cho phép sử dụng vì mục đích phòng vệ. Chính phủ Hồng Kông cũng dự kiến sẽ cấm đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình.

Liên minh châu Âu phản ứng lạnh nhạt với đề nghị Brexit của Boris Johnson. Hôm qua, thủ tướng Anh đã tiết lộ một kế hoạch “thỏa hiệp” để tránh biên giới cứng với Ireland. Bắc Ireland sẽ chỉ ở lại thị trường hàng hóa EU, không ở lại liên minh hải quan. Kiểm tra hải quan sẽ được thực hiện tại biên giới. Ủy ban châu Âu đã gọi phần sau (của bản đề nghị) là “có vấn đề”.

Bắc Triều Tiên xác nhận tên lửa mà họ thử nghiệm hồi đầu tuần được phóng từ một bệ phóng trên biển. Bước tiếp theo – khả năng bắn được tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm – có thể cho phép nước này tấn công các mục tiêu ở xa biên giới hơn. Các động thái lên gân quân sự diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ gấp rút tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân ở “cấp làm việc”.

Lệnh giới nghiêm được áp đặt tại một số thành phố ở Iraq, bao gồm cả thủ đô Baghdad, sau nhiều ngày bạo loạn. Chính phủ cũng đã ngừng cung cấp internet ở phần lớn đất nước. Các báo cáo nói khoảng 20 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc đối đầu với lực lượng an ninh và hàng trăm người bị thương. Người dân đang biểu tình chống tham nhũng cũng như thiếu việc làm và dịch vụ công cộng.

Tòa án cao nhất của Liên minh Châu Âu tuyên bố các nước thành viên có thể buộc Facebook xóa nội dung được coi là bất hợp pháp trong biên giới của họ và trên toàn thế giới. Quyết định – đồng thời áp dụng cho các nền tảng kỹ thuật số tương tự – đã bị Facebook và những người khác chỉ trích, cho rằng phán quyết này có thể khuyến khích các quốc gia không tôn trọng quyền tự do ngôn luận tăng cường kiểm soát internet.

Alison Cooper, giám đốc điều hành của Imperial Brand, một công ty thuốc lá Anh, bất ngờ cho biết bà sẽ từ chức. Tuần trước, công ty đưa ra một cảnh báo lợi nhuận, đổ lỗi cho khả năng xuất hiện các quy định chặt chẽ hơn về thuốc lá điện tử sau những lo ngại về sức khỏe gần đây. Bà Cooper đã lãnh đạo Imperial trong 9 năm qua.

TIÊU ĐIỂM

Thách thức đối với việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay đã khai mạc kỳ họp quốc hội mới. Chủ đề tranh luận hàng đầu trong kỳ họp kéo dài hai tháng sẽ là cải cách hiến pháp. Ông Abe, nắm quyền từ 2006, tháng tới sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản, song ông lại chưa có nhiều di sản. Ông hy vọng tạo dựng được di sản của mình trong số những người bảo thủ bằng cách sửa đổi điều khoản hiến pháp vốn cấm Nhật Bản duy trì các lực lượng vũ trang thông thường (hiện Nhật chỉ có “Các Lực lượng Phòng vệ”).

Được soạn thảo trong thời kỳ chiếm đóng của Mỹ 1945-52, điều khoản này từ lâu đã là mối quan tâm của Đảng Dân chủ Tự do (LPD) và ông Abe, một số người cho rằng tới mức ám ảnh. Một nhóm các chính trị gia kỳ cựu đã tập hợp lại để lên kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Ông Abe phải giành được hai phần ba số phiếu ở cả hai viện, sau đó tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Nhưng vì LDP và các đảng cùng chí hướng đã đánh mất đa số trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa hè nên họ cần sự ủng hộ của phe đối lập. Cuộc chiến để có một lực lượng quân đội mới đang ở thế cân bằng.

Nền kinh tế ảm đạm của Ấn Độ

Nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của Narendra Modi chứng kiến các nhà kinh tế hồi hộp trông đợi đầu tư công sẽ làm hồi sinh nền kinh tế và hồi phục các ngân hàng. Nhưng khi ông Modi bước vào nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 5 năm vừa qua, câu truyện kinh tế của Ấn Độ trải qua một bước ngoặt đáng tiếc. Trước khi đầu tư cất cánh, tiêu dùng lại yếu ớt. Và trước khi các ngân hàng truyền thống có thể phục hồi hoàn toàn, các tổ chức cho vay “phi ngân hàng” khác của Ấn Độ lại rơi vào rắc rối.

Sự kết hợp giữa khó khăn trong ngành tài chính và sự thận trọng của người tiêu dùng đã góp phần làm tăng trưởng chậm lại, một vấn đề mà chính phủ đang phải đối phó bằng cả vũ khí tài khóa và tiền tệ. Tháng trước, chính phủ đã cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế từ 35% xuống 25%. Và ngân hàng trung ương cũng cắt giảm lãi suất 1,1 điểm phần trăm trong năm nay. Hôm nay họ có thể sẽ cắt giảm một lần nữa. Nhưng cho đến khi nền tài chính ổn định lại, các tổ chức cho vay sẽ vẫn miễn cưỡng giảm lãi suất cho người vay, và nền kinh tế sẽ chậm phục hồi trở lại.

Số liệu thị trường lao động Mỹ

Dữ liệu mới vào hôm nay từ Cục Thống kê Lao động sẽ cho thấy khi nhiều thành phần của nền kinh tế đang “hắt hơi”, liệu thị trường lao động có bị “cảm lạnh” theo hay không. Các số liệu về sản lượng sản xuất đã gây thất vọng vào đầu tuần này, và các nhà quan sát sẽ theo dõi liệu thất nghiệp và tiền lương có bị ảnh hưởng hay không.

Dù việc làm tăng lên khi thị trường lao động tăng trưởng, song tỷ lệ thất nghiệp đã không đổi trong ba tháng qua và chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với một năm trước. Thu nhập trung bình hàng tuần của nhân viên trong khu vực tư nhân vẫn tăng, ở mức 2,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đang chậm lại. Do đó, thị trường lao động rõ ràng không còn “nóng” như trước đây, song cho đến nay dường như vẫn giữ vững không rơi vào trì trệ. Nếu điều này thay đổi thì lo ngại sẽ trở nên đáng báo động.

Giáo hội Công giáo thảo luận khả năng cho phép linh mục kết hôn

Phương hướng của Giáo hội Công giáo sẽ bị tác động bởi Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài ba tuần về rừng Amazon được Giáo hoàng Francis khai mạc vào cuối tuần này. Cuộc họp diễn ra sau khi rừng nhiệt đới này bị các đám cháy tàn phá, đe dọa đến đa dạng sinh học và ổn định khí hậu của thế giới. Nhưng có nhiều mối quan tâm về giáo vụ hơn. Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng thận trọng đề xuất rằng ở những khu vực truyền giáo khó tiếp cận mà các linh mục hiếm đến, một số nam giới lớn tuổi có gia đình có thể được phong chức linh mục.

Mặc dù tài liệu đề cập cụ thể đến vùng Amazon, song bất kỳ sự ủng hộ nào cho phép tấn phong các linh mục đã kết hôn sẽ thúc đẩy những người muốn có một thay đổi tương tự ở các nước giàu nơi số linh mục độc thân đang giảm và bị mất uy tín bởi các vụ bê bối lạm dụng tình dục. Các giáo chức bảo thủ đã tố cáo cuộc họp là một động thái nguy hiểm cổ vũ cho các ý tưởng lạc giáo và vi phạm quy tắc ngàn năm về vấn đề linh mục độc thân. Giáo hoàng cho biết ông muốn duy trì tình trạng độc thân như một lý tưởng, song giọng điệu của quá trình chuẩn bị cuộc họp cho thấy ông cũng cởi mở với suy nghĩ mới.

Tunisia tiếp tục bầu cử

Người Tunisia nổi dậy vào năm 2010 để yêu cầu bầu cử tự do – nhưng có lẽ không thường xuyên lắm. Vào ngày 6 tháng 10 họ sẽ bầu một quốc hội mới, lần thứ hai trong ba lần bỏ phiếu của mùa thu này. Cuộc bầu cử này đã bị lu mờ bởi cuộc bỏ phiếu mở rộng bầu tổng thống sẽ diễn ra một tuần sau đó giữa hai “tay mơ” chính trị: Kais Saied, luật sư có biệt danh “robot” vì cử chỉ cứng rắn của ông, và Nave Karoui, một ông trùm truyền thông giàu có. Nhưng cuộc bầu cử cơ quan lập pháp được cho là quan trọng hơn, vì hiến pháp được soạn thảo sau cuộc cách mạng 2010 khiến vị thế của tổng thống yếu hơn.

Hơn 15.000 ứng cử viên đang cạnh tranh để giành 217 ghế. Bất đồng với các đảng kì cựu, nhiều người đang tranh cử độc lập. Những người chiến thắng được trông đợi sẽ khắc phục nền kinh tế trì trệ và cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 15%. Mặc dù vậy cử tri dường như không nhiệt tình. Tỷ lệ bỏ phiếu của vòng bầu cử tổng thống đầu tiên vào tháng 9 chỉ là 45%, giảm 18% so với hồi 2014. Ngay cả các nền dân chủ mới cũng có thể bị mệt mỏi do bầu cử.