Tại sao bầu cử Tổng thống Mỹ lại quan trọng đối với châu Âu?

0
26
   

Nguồn: Why the U.S. Presidential Election Matters for Europe,” Council on Foreign Relations, 03/09/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp đến sẽ có tác động lớn đến châu Âu. Việc tái đắc cử của tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ đánh dấu sự trở lại với các chính sách “Nước Mỹ trên hết”, điều này sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trái lại, việc phó tổng thống Harris đắc cử có thể đánh dấu một bước chuyển mình của nền chính trị nước Mỹ, đồng thời có khả năng thay đổi trọng tâm của các chính sách đối ngoại, chuyển hướng ra khỏi châu Âu. Bài viết này là bản tổng hợp các góc nhìn mang tính toàn cầu, bao gồm bốn phân tích về lý do tại sao kết quả bầu cử ở Mỹ lại quan trọng đối với châu Âu.

Lí do khiến châu Âu trông chờ vào bà Harris – Phân tích của Laura von Daniels, Trưởng phòng Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức

Tại nhiều nơi ở châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Mỹ năm 2024 được coi là một bước chuyển mình tiềm năng với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều này chủ yếu là do mối lo ngại của châu Âu về khả năng Donald Trump trở lại ghế tổng thống.

Trước tiên, các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về sự suy thoái kéo dài và khó có thể khôi phục đối các chuẩn mực dân chủ nếu Trump trở lại ghế tổng thống. Người dân châu Âu không chỉ lo lắng về tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ – khi mối đe doạ từ chủ nghĩa chuyên chế đang lan rộng ở Mỹ – mà còn quan tâm đến ảnh hưởng đối với trật tự quốc tế, điều mà họ tin rằng có thể gặp phải cú sốc nghiêm trọng hơn nữa nếu Trump trở lại nhiệm kỳ thứ hai. Nhiều người lo ngại rằng sự trở lại của Trump có thể tiếp thêm quyền lực cho các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và các khu vực khác, như những gì đã xảy ra trong thời gian ông Trump tại nhiệm.

Thứ hai, người dân châu Âu rất lo ngại về những tác động của một nhiệm kỳ tổng thống Trump tiếp theo đối với sự an toàn của họ. Sự hỗ trợ của Mỹ rõ ràng vẫn rất quan trọng đối với NATO và Ukraine. Nếu không có cam kết rõ ràng từ Mỹ, NATO sẽ thiếu cả sự lãnh đạo chính trị lẫn khả năng quân sự thông thường và hạt nhân để bảo vệ châu Âu. Dựa trên những phát biểu của ông Trump, người dân châu Âu kỳ vọng rằng Trump sẽ sử dụng Điều khoản số 5 của NATO như một công cụ để yêu cầu tăng cường ngân sách quân sự nhiều hơn nữa, thậm chí nhiều hơn so với những gì châu Âu đã làm để phản ứng với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Họ cũng lo ngại rằng ông Trump có thể sử dụng các đe doạ rút khỏi NATO để giải quyết các vấn đề khúc mắc không liên quan đến quốc phòng với Liên minh châu Âu – như thâm hụt thương mại – theo cách mà Trump muốn. Một lý do khác gây lo ngại là sự quan tâm mà Trump đã bày tỏ đối với việc thương thảo một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu không mấy tin tưởng vào sự sẵn sàng, hoặc khả năng, của ông Trump trong việc đưa các cuộc đàm phán với Putin về một lệnh ngừng bắn trở thành một phần của một chiến lược toàn diện có lợi lâu dài, chứ chưa nói đến một kế hoạch hòa bình có thể bảo vệ hoàn toàn chủ quyền của Ukraine.

Thứ ba, người dân châu Âu lo ngại rằng một nhiệm kỳ tổng thống Trump thứ hai sẽ là một thảm hoạ đối với quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Các phát biểu và động thái trước đây cho thấy, Trump sẵn sàng quay lại và áp dụng các mức thuế cùng các biện pháp kinh tế mang tính cưỡng bức khác đối với các đồng minh, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Việc tái áp đặt thuế đối với mọi mặt hàng từ xuất khẩu thép và nhôm đến vận tải có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia thành viên. Ngoài ra, Trump có thể gia tăng sức ép để Liên minh châu Âu tuân theo chính sách liên quan đến Trung Quốc của Trump, cũng như kêu gọi EU tách rời hoàn toàn nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc.

Người dân châu Âu ít lo lắng hơn nếu Kamala Harris đắc cử tổng thống. Bà Harris đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình đối với NATO và Ukraine. Bà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các tổ chức quốc tế và nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong các thách thức toàn cầu, ví dụ như biến đổi khí hậu. Điều này không có nghĩa là EU sẽ không gặp phải thách thức; Harris cũng sẽ đặt ra những kỳ vọng cao đối với các nước châu Âu. Kỳ vọng này có thể bao gồm việc yêu cầu châu Âu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và chi tiêu quốc phòng nhiều hơn trong khuôn khổ NATO.

Harris cũng ủng hộ một chính sách kinh tế mạnh mẽ đối phó với Trung Quốc. Bà có thể sẽ tìm kiếm sự hợp tác của châu Âu để xây dựng một phương pháp chung nhằm kiềm chế các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh.

Một châu Âu dễ bị tổn thương đang chờ đợi vị Tổng thống Mỹ tiếp theo – Phân tích của Steven Blockmans, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (Brussels)

Cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine đã buộc châu Âu phải tăng cường sự tự chủ trong quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến Mỹ vẫn là trụ cột thiết yếu trong an ninh châu Âu. Do đó, việc bầu chọn tổng thống Mỹ – Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ – là rất quan trọng đối với hướng đi tương lai của bức tranh toàn cảnh an ninh châu Âu.

Cách tiếp cận của tổng thống Mỹ đối với NATO – nền tảng của chính sách phòng thủ tập thể của châu Âu – có ảnh hưởng sâu rộng đến sự gắn kết và hiệu quả của liên minh này. Một tổng thống Kamala Harris, vốn là người ủng hộ mạnh mẽ NATO và cam kết bảo vệ các nguyên tắc của liên minh, sẽ làm vững chắc các đảm bảo an ninh đã giúp duy trì sự ổn định của châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Ngược lại, nếu Trump tái đắc cử và đặt câu hỏi về giá trị của NATO, hoặc giảm bớt sự tham gia của Mỹ, điều này sẽ gây ra sự bất ổn trong nội bộ liên minh, trở thành cơ hội cho các đối thủ và làm suy yếu cấu trúc an ninh của châu Âu.

Lập trường của tổng thống Mỹ về Nga và các đồng minh của Nga, bao gồm các chính sách về trừng phạt, sự hiện diện quân sự ở Đông Âu, và hỗ trợ Ukraine, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu. Ý tưởng về cách Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với cuộc xâm lược của Nga, vốn được Harris và ứng cử viên phó tổng thống Tim Walz ủng hộ, sẽ ngăn chặn tình hình bất ổn thêm ở châu Âu; trong khi đó, các chính sách không can thiệp (laissez faire) mà Trump – Vance ủng hộ chắc chắn sẽ khuyến khích các hành động của Nga đe dọa đến nước châu Âu.

Sự lãnh đạo của Mỹ cũng đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các mối đe dọa toàn cầu khác ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu, như các cuộc chiến ở Trung Đông, các cuộc tấn công mạng và tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Một chính quyền Harris ưu tiên hợp tác quốc tế để đối phó với chủ nghĩa chuyên chế và sẵn sàng tham gia các nỗ lực chung với các đồng minh châu Âu sẽ giúp thúc đẩy khả năng hợp tác xuyên Đại Tây Dương để đối mặt với những mối đe dọa này. Trong khi đó, một cách tiếp cận không nhất quán, đơn phương và mang tính biệt lập có thể xảy ra nếu ông Trump tái đắc cử sẽ khiến châu Âu dễ bị tổn thương hơn, vì châu Âu phụ thuộc nhiều vào tình báo, khả năng quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ để xử lý những thách thức này.

Châu Âu đã chậm chạp trong việc tự bảo vệ mình khỏi ảnh hưởng của Trump và sẽ gặp khó khăn trong việc phản ứng đồng bộ với các thách thức an ninh mới, điều này khiến châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các thế lực gây hại.

Tông điệu mang hơi hướng chủ nghĩa quốc tế của Harris trong chiến dịch tranh cử cho thấy bà sẽ tiếp tục các mục tiêu đối ngoại của Biden, qua đó cho châu Âu thêm thời gian để củng cố khả năng phòng thủ của mình trong sự hợp tác Mỹ. Tuy nhiên, người dân châu Âu tốt nhất không nên lơ là việc xây dựng khả năng răn đe và phòng thủ riêng. Một tổng thống Harris thân thiện với châu Âu sẽ nhậm chức trong bối cảnh sự mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine đang dâng cao và khả năng các thỏa thuận ngừng bắn dễ bị phá vỡ ngày càng cao. Hơn nữa, sự tương đối thiếu kinh nghiệm của bà Harris trong lĩnh vực chính sách đối ngoại có thể bị Trung Quốc và Nga thách thức ở những khu vực khác, khiến châu Âu phải cố gắng để thu hút sự chú ý của chính quyền Harris.

Một cuộc thay đổi sâu rộng đang diễn ra, bất kể ai là người thắng cử – Phân tích của Patrycja Sasnal, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Viện nghiên cứu về Các vấn đề Quốc tế Ba Lan

“Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời chúng ta,” phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ vào đầu tháng này. Điều này chắc chắn cũng đúng với người dân ở châu Âu. Chưa bao giờ một cuộc bầu cử ở Mỹ lại quan trọng đến vậy đối với châu Âu. Sự đồng thuận về tầm quan trọng của các tổ chức toàn cầu và khu vực như Liên Hợp Quốc, NATO, Liên minh châu Âu, liên minh xuyên Đại Tây Dương, hệ thống nhân quyền và hệ thống kinh tế đang bị đặt vào tình thế bấp bênh. Không chỉ vậy, cách hiểu chung về quan hệ quốc tế được giảng dạy ở các trường đại học, và có lẽ thậm chí đến cả những thông điệp chủ đạo được truyền tải qua các sản phẩm văn hoá phương Tây, từ âm nhạc cho đến chương trình truyền hình, đều đang đứng trước nguy cơ bị thay đổi – tất cả đều có thể bị ảnh hưởng.

Từ các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump có thể thấy, mối nguy lớn nhất của một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump là việc để tổng thống Nga Vladimir Putin tự do làm bất cứ điều gì Putin muốn đối với các đồng minh của Mỹ, đồng thời dàn xếp một thỏa thuận với Putin mà không cần sự tham gia của Ukraine chỉ với “một cuộc điện thoại”. Nếu điều này xảy ra, không chỉ có Ukraine thua trận và đánh mất chủ quyền, mà phần còn lại của châu Âu cũng sẽ phải tự mình đối mặt với mối đe dọa từ Nga và sự suy yếu của trật tự thế giới. Khả năng quân sự của châu Âu vốn không mấy đáng tin cậy – cộng với việc thiếu quyết tâm cải thiện và áp dụng chúng – kết hợp với chính sách biệt lập mới của Mỹ, sẽ không đủ để ngăn chặn Nga thực hiện các hành động xâm lược tiếp theo, bởi vì chiến tranh là cách duy nhất để chế độ cầm quyền của Nga tồn tại. Khi đó, tất cả các nhà độc tài và các nhà lãnh đạo có khuynh hướng chuyên quyền, ngay cả ở các nước dân chủ có mối quan hệ đồng minh, sẽ cảm thấy mình được gia tăng quyền lực.

Phó tổng thống Kamala Harris đã làm rõ trong bài phát biểu nhận đề cử của bà rằng sẽ đối đầu với Nga và bảo vệ Ukraine – và sẽ kiên định trong vấn đề này. Tuy nhiên, nếu trở thành tổng thống, bà Harris sẽ là một điển hình của sự thay đổi thế hệ trong chính trị Mỹ, điều này cũng đồng nghĩa với những thay đổi và thách thức đối với châu Âu.

Trước tiên, dưới thời tổng thống Mỹ Joe Biden, chúng ta nói lời chia tay với các chính trị gia của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, những người đã gắn bó sâu sắc với các nước châu Âu, bất kể đó là thời kỳ tươi đẹp hay khó khăn, và họ coi trọng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như một niềm tin gần với tôn giáo. Với bà Harris, châu Âu sẽ phải chấp nhận một nước Mỹ mới, có xu hướng hướng về bờ Tây, gắn bó sâu sắc với châu Á và Mỹ Latinh, có thể là với cái giá phải trả là đánh đổi mối quan hệ đối tác với châu Âu.

Thứ hai, châu Âu cần sự lãnh đạo của Mỹ trong nhiều vấn đề toàn cầu, nhưng sự lãnh đạo đó còn rất mơ hồ. Nếu Harris không thay đổi các chính sách của Mỹ ở Trung Đông, châu Âu cũng không làm vậy, điều này sẽ tiếp tục làm giảm vị thế của khối phương Tây tập thể. Tương tự, châu Âu sẽ được hưởng lợi từ một cách tiếp cận mới mẻ, thực dụng nhưng có nguyên tắc của Mỹ đối với Trung Quốc, như được thể hiện qua kinh nghiệm của ứng cử viên phó tổng thống của Harris, Tim Walz – nhưng có những yếu tố mạnh mẽ đang đẩy Mỹ và châu Âu về phía xung đột với Trung Quốc. Mặc dù đại diện cho Mỹ tại COP28, Harris lại giữ im lặng một cách đáng lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu, điều này – nếu tiếp diễn – sẽ kìm hãm nỗ lực của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề này. Trong các lĩnh vực an ninh mạng, các mối đe dọa hỗn hợp (hybrid threats), sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và cuộc đua giành ưu thế trong không gian, châu Âu như một đứa trẻ lạc trong rừng khi thiếu vắng một đối tác vững mạnh như Mỹ. Nếu Harris chiến thắng và có thể chuyển hóa sự phấn khích thành sự lãnh đạo nước Mỹ mạnh mẽ, đó sẽ là tin vui cho châu Âu. Nhưng nếu Harris được bầu và khiến Mỹ thu mình tập trung vào nội tại, châu Âu sẽ phải tìm cách thích nghi. Chủ nghĩa Trump (Trumpism) quá nguy hiểm để chỉ là một lời cảnh báo thức tỉnh cho châu Âu, nhưng với Harris, là một nhà lãnh đạo thân thiện, thì có thể mang đến sự thay đổi đến châu Âu.

Tương lai của An ninh Châu Âu đang bị đe dọa – Phân tích của Leslie Vinjamuri, Giám đốc chương trình Mỹ & châu Mỹ, Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House)

Châu Âu đã phải chịu ảnh hưởng từ sức mạnh và các quyết định đối ngoại của Mỹ trong hơn bảy thập kỷ. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử ở Mỹ chỉ mới gần đây trở thành mối quan tâm sâu sắc của châu Âu. Kể từ năm 2018, châu Âu thậm chí đã đặc biệt chú ý đến các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả hai đảng nước Mỹ đều đồng thuận cam kết bảo đảm an ninh cho châu Âu, vì thế các cuộc bầu cử không phải là mối quan tâm hàng đầu của châu Âu như hiện nay.

Vào những năm 1990, Mỹ phải đưa ra các lựa chọn về chính sách đối ngoại, và không dễ để nhìn ra lựa chọn nào mới là đúng đắn. Sự lãnh đạo đóng vai trò quan trọng, vì vậy các cuộc bầu cử cũng trở nên quan trọng. Quyết định của tổng thống Mỹ Bill Clinton về việc thúc đẩy mở rộng NATO, ban đầu bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan, đã tạo nên một sự đồng thuận của cả hai chính đảng về hình thức an ninh của châu Âu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, châu Âu đã đặt niềm tin vào Mỹ nên không quá tập trung vào các cuộc bầu cử tổng thống.

Tuy vậy, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu Âu. Cuộc xâm lược Iraq của Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu sự ủng hộ đối với Thủ tướng Anh Tony Blair và cánh ôn hòa của Đảng Lao động.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã chấm dứt mọi sự tự mãn còn lại về các cuộc bầu cử ở Mỹ. Người dân châu Âu và các nhà lãnh đạo bắt đầu chủ động dự đoán các hậu quả của các cuộc bầu cử ở Mỹ đối với chính sách đối ngoại. Sau chiến thắng bầu cử của Donald Trump vào năm 2016, châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc chiến thuế quan và bị buộc phải chấp nhận sự kết thúc của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay còn được biết đến là thỏa thuận hạt nhân Iran, mà châu Âu từng quyết tâm bảo vệ. Trong bốn năm đó, Vương quốc Anh đã mất niềm tin vào chỗ dựa từ Mỹ. Điều này xảy ra vào thời điểm Vương quốc Anh đang phải trải qua giai đoạn nhạy cảm trong nước vì đang thực hiện quá trình rút lui khỏi Liên minh Châu Âu.

Châu Âu đã theo dõi cuộc bầu cử năm 2020 với sự lo lắng, và điều này hoàn toàn dễ hiểu. Chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của tổng thống Joe Biden dẫn đến việc NATO đoàn kết lại và bảo vệ Ukraine, và việc Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh châu Âu và Liên minh Châu Âu. Bất kỳ hậu quả nào từ việc Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát đều không thể so sánh với tình trạng hỗn loạn mà một nhiệm kỳ tổng thống Trump thứ hai có thể gây ra đối với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Hiện nay, mối lo ngại của châu Âu về cuộc bầu cử năm 2024 là vấn đề mang tính chất sống còn. Đến mức giờ đây, không thể tưởng tượng được một thế giới mà châu Âu có thể tự tin hoặc thờ ơ với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Hiện tại, các cuộc bầu cử ở Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến châu Âu, vì châu Âu nhận thấy rằng chúng sẽ có những tác động đặc biệt quan trọng đối với an ninh tương lai của mình. Có một cảm giác phổ biến rằng việc Donald Trump tái đắc cử có thể dẫn đến một sự đứt gãy đáng kể và có khả năng không thể khôi phục trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như trong bản chất của nền dân chủ Mỹ. Một nước Mỹ thay đổi có thể dẫn đến một tương lai trong đó các giá trị chung không còn là nguồn gốc của mục tiêu chung, và Mỹ cùng với châu Âu sẽ chỉ đơn giản là đi theo những con đường riêng khi lợi ích về an ninh và kinh tế của hai bên trở nên khác biệt. Xét một cách cụ thể, các cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine, NATO, an ninh châu Âu, hợp tác với Trung Quốc, và định hướng chính sách an ninh kinh tế trong tương lai – danh sách này hãy còn dài.

Số phận của châu Âu sẽ khác hoàn toàn nếu phó tổng thống Kamala Harris được bầu làm tổng thống Mỹ tiếp theo. Một chính sách đối ngoại dưới thời bà Harris sẽ được định hình bởi các giá trị chung, cam kết của Mỹ đối với NATO và chính sách ngoại giao. Và với một danh sách dài các vấn đề, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, bà Harris và các nhà hoạch định chính sách châu Âu đều có quan điểm khá tương đồng.

Nếu, ngược lại, Trump được tái đắc cử, thì mọi dự đoán đều không còn chính xác. Phái cực hữu sẽ được củng cố ở cả Mỹ và châu Âu. Sự hợp tác giữa các nước về biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo sẽ kết thúc giữa chừng. Nhu cầu của châu Âu trở thành một thế lực địa chính trị sẽ trở nên cấp thiết hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh một nước Mỹ khó tính, những nỗ lực này sẽ trở nên khó khăn hơn để đạt được.

Rõ ràng là, bầu cử không phải là tất cả. Sự hợp tác về các thách thức toàn cầu sẽ gặp khó khăn bất kể kết quả bầu cử như thế nào. Mỹ sẽ tiếp tục thận trọng với khuynh hướng điều chỉnh của châu Âu. Châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực từ Mỹ để chi nhiều hơn, làm nhiều hơn và hợp tác chặt chẽ hơn, bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp. Các cuộc xung đột liên tục, những vấn đề toàn cầu phức tạp, cùng với sự hạn chế về cả kinh tế lẫn chính trị của nước Mỹ khiến gần như chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu Trump tái đắc cử, khả năng tạo ra thêm sự hỗn loạn và bất ổn là rất cao, và điều này có thể làm suy yếu khả năng tư duy chiến lược, vốn là thứ rất quan trọng trong bối cảnh ngày nay.

Nguồn : NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here