Những tháng ngày đen tối (kỳ 10)

1
44
Những tháng ngày đen tối (kỳ 10)
Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
14.9
Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết trên phây búc: Chống dịch chứ không phải chống lại con người. Quan chức cũng như bất cứ ai, phải đặt mình vào vị trí của những con người bị bắt nhốt lâu trong khu vực bị phong tỏa, nguồn sống cạn kiệt, dịch bệnh đe dọa, cái chết tới gần, thì mới hiểu tại sao lại có những người dám thách thức mạng sống của mình như thế.
Ông hàng xóm nhà tôi coi tivi về cái tin người trốn trong xe lợn, không chỉ vụ cầu Bạch Đằng, mà cả vụ chốt kiểm soát ở thị xã Đông Triều (cũng tỉnh Quảng Ninh) ngày 23.6 bắt được 5 xe chở lợn trong giấu cả thảy 20 người già trẻ gái trai, trốn lẫn vào đàn lợn để qua chốt, coi xong buông một câu: “Lúc này nhân cách bị đẩy xuống hạng dưới, người chỉ bằng con lợn, nhưng trước hết cần phải sống đã”. Nói xong thở dài.
Anh Nguyễn Thiện, bạn tôi, bảo nếu không đói và ngày mai không mờ mịt u ám thì chắc chắn không ai thèm “vượt biên” trốn về nhà, về quê hương trong thùng xe đông lạnh thiếu oxy hoặc xe lợn để bị khinh rẻ làm gì.
14.9
Báo điện tử Một Thế Giới đăng bài dẫn ra những con số rất buồn: Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu dịch tới nay, hiện toàn TP có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha mẹ. Họ bị chết do dịch Covid-19. Trong số ấy có hơn 490 cháu học sinh tiểu học, 580 cháu THCS, còn lại là học sinh THPT và giáo dục thường xuyên (tức bổ túc văn hóa). Theo thống kê của cơ quan y tế TP.HCM, thời gian qua, mỗi ngày Sài Gòn có trung bình 300 người chết bởi dịch, có ngày lên tới 470 người. Dù thực hiện chỉ thị 16 và 17 đã hơn 3 tháng nhưng số người chết mỗi ngày giảm không đáng kể. Xe chở xác chết xếp hàng chờ tới lượt ở lò thiêu Bình Hưng Hòa dài cả cây số. Đứa cháu tôi bảo không phải mỗi xe chở 1 người đâu, mà vài người. Ông hàng xóm nói: kinh hoàng, còn khiếp hơn cả thời chiến tranh. Xong còn nói thêm, chết như rạ vậy nhưng trên đường vẫn thấy cờ quạt, khẩu hiệu mừng kỳ họp của quốc hội. Nhố nhăng.
14.9
Tối 13.9 tivi phát sự họp trực tuyến của thủ tướng Chính với đám lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Tay bí thư quan đầu tỉnh ớ ra, lúng túng như gà mắc dây thun cổ họng, ngó hết đứa cấp dưới này lại đứa cấp dưới nọ để nhờ chúng nó nhắc bài, tay chân quờ quạng tìm văn bản hợp với câu hỏi của sếp trung ương. Ông Chính chứng kiến cảnh đó cau mày sốt ruột. Coi mà chán ặt, chết cười.
Lão hàng xóm nhà tôi bảo không thể chỉ trách thằng bí thư Kiên Giang được. Đâu phải mình nó nói gì cũng phải dùng phao, không phao sẽ ú ớ ngậm hột thị. Đầy thằng to hơn nó, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng cứ nhăm nhăm cuộn giấy do bọn trợ lý viết sẵn, ngay đến cả lời “chúc các đồng chí sức khỏe, chúc hội nghị thành công” cũng cắm đầu vào giấy đọc, có khác gì con heo cắm mõm vào máng cám. Lỗi không phải ở thằng Kiên Giang mà chính là lỗi hệ thống, lỗi của những kẻ đã đưa dạng đó lên ghế cai trị. Đừng cười nó, hãy cười đám quyền thế trên nó mới đúng địa chỉ.
Dịch Vũ Hán càng ngày càng làm phát lộ những thứ đồi bại của cái bộ máy cai trị này.
15.9
Ông em rể tôi điện hỏi dịch ra sao rồi anh, hết cấm đoán chưa, tôi bảo chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, có khi họ còn kéo dài tới cuối tháng. Y nói chống dịch bằng quyết tâm chính trị và vũ lực (ngăn cản, cấm đoán, hàng rào dây thép gai, bộ đội, công an), hạn chế quyền sống của dân một cách duy ý chí… thì không thể nào có kết quả tốt được. Cai trị dân cũng vậy, cứ chủ trương đè nén bằng vụ lực, chuyên chính vô sản, nuôi dưỡng bộ máy cảnh sát công an để đối phó dân thì sớm muộn cũng hỏng, xây lâu đài trên cát.
Thằng cháu gần nhà tôi sửa điện lạnh nhận được điện thoại của khách hàng nhờ tới sửa cái tủ lạnh đang yên đang lành lăn đùng ra hỏng. Hỏng lúc này bằng giết người, họ bảo vậy. Nó đi một lúc thì về, than quá nhiều chốt chặn, họ không cho đi, xua tay đuổi về, không có lý do chính đáng. Nó kể một thôi một hồi bực tức, xong hỏi, cháu hỏi bác, sau này hết dịch thì người ta làm gì với đống hàng rào dây thép gai khổng lồ ấy, cả thành phố này chắc phải vài chục ngàn hàng rào. Ông bố nó ngồi gần đó nghe được, thủng thẳng bảo mày trẻ người non dạ không biết đấy thôi, tao sống gần hết đời ở đất Sài Gòn này từ ngày “giải phóng” tới nay, gần nửa thế kỷ rồi, từ khi chưa đẻ mày, tao biết họ quá rõ. Họ thiếu thứ gì chứ thứ ấy không bao giờ thiếu, có khi còn chưa dùng hết, đâu phải chỉ cho ngừa dịch. Họ hiểu người Sài Gòn quá mà. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (ghi)

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here