Tới lúc này, những buồn bã, đau thương mất mát do trận thiên tai bão lũ vừa qua đã nguôi dần, các chú bộ đội cũng đã chia tay làng Nủ, giã biệt vùng lũ Lào Cai, Yên Bái để về tập luyện. Rồi cuộc sống lại trôi chảy theo dòng của nó.
Đưa lên đây những ghi chép về tháng ngày đen tối do dịch Covid, nhà cháu không ngại bị mắng mỏ “lạc đề”, không ý tứ nữa. Đó cũng là cách để bọn trẻ đừng quên bao nhiêu khủng khiếp mà dân tộc đã trải qua.
Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
10.9
Theo báo Tuổi Trẻ, TP.Vũng Tàu sáng nay ban hành quy định người dân muốn đi cấp cứu (bệnh tật, tai nạn…) nhất thiết phải xin phép chính quyền địa phương phường xã. Chính quyền xem xét, nếu thấy thật sự cấp thiết, kiểm tra đúng như khai báo yêu cầu, thì mới cấp phép cho đi. Tự dưng chức chủ tịch phường xã có giá hẳn.
Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên viết trên phây búc: “Hôm trước quy định tuổi trên 65 không được chích vắc xin, nay lại yêu cầu ai trên 65 dù đã chích đủ 2 mũi vẫn không được ra đường. Cc”.
Một bé trai 9 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội học trực tuyến bị điện giật chết. Lý do lãng nhách, đang học thì ông bố (hướng dẫn con) bận chút việc đi ra ngoài. Em bé tạm ngưng trực tuyến, không có ai coi sóc, tiện tay cầm chiếc kéo nghịch chọc vào ổ điện, bị điện giật, không cứu được. Cũng vụ học trực tuyến, bà bạn Minh Huệ ở Hà Nội kêu trời, giời ạ, vừa học buổi đầu tiên thì đường truyền đã nghẽn, chập chờn lúc được lúc không. Bà cháu tao đang đánh vật với món trực tuyến khốn khổ đây.
10.9
Cao Tự Thanh gọi điện hỏi thăm, mày đã được tiêm vắc xin chưa. Mình thưa với hàn nho, rồi. Loại gì? Già nên được mũi Moderna. Mình nhại bài “Nữ dân quân miền biển” của nhạc sĩ Văn Lưu thời chống Mỹ hát cho y nghe “Chúng ta đây là nữ dân chài/Tuổi chúng ta vừa tròn đôi mươi” thành “Chúng ta nay tuổi đã cao rồi/Chích vắc xin chỉ thích mô đẹc na”. Y bảo thế thì được, mày nhớ nói với vợ con mày, không tiêm thì thôi, còn đã tiêm thì chớ có tiêm vắc xin tàu. Những Sinopharm, Sinovax, VeroCell, vê rô xiếc, đám nhập về chúng ca ngợi thế nào mặc mẹ chúng, mình đ.é.o chích. Đ.ù m.á chúng nó, tao cả đời nghiên cứu về tụi T.àu, tao biết. Xét về sự giỏi và độ mưu mẹo thâm hiểm nham hiểm thì thằng T.àu nhất thế giới, ai dám đảm bảo vắc xin mà nó “ưu tiên” cho dân mình, nếu chích vào sẽ không bị vô sinh, tịt đường sinh đẻ, có khi hậu quả phải sau vài chục năm mới biết.
11.9
Trên trang thông tin điện tử của Hội đồng lý luận trung ương, ông Tạ Ngọc Tấn giáo sư tiến sĩ, Phó chủ tịch hội đồng có bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, trong đó ông giáo sư Tấn ca ngợi “như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào “99 chống 1”… đã chứng tỏ bản chất của chế độ TBCN là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền”.
Coi xong, ông hàng xóm nhà tôi cười chua chát, buông câu gọn lỏn “đến khổ với mấy bố lý luận”. Hỏi sao khổ, ông nói giờ mà vẫn công thức “son phấn che phủ”, khác gì lâu nay các bố tiền bối vẫn chê tư bản giãy chết, phồn vinh giả tạo, dân chủ giả hiệu, dùng suốt bao năm để lừa mị dân. Đang dịch dã sống dở chết dở mà vẫn lú lẫn cổ hủ kiên định với thứ đồ bỏ ôi thiu ấy được thì chả hiểu các bố là người hay ma.
Ông Tấn này học trước tôi 1 khóa. Chả hiểu sao khoa văn của các thầy Lê Đình Kỵ, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu… lại sinh ra mấy ông lý luận cùn mòn, dở hơi như vậy.
13.9
Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) từ đất thép Củ Chi kêu vọng trên phây búc, than thở tình trạng ngăn sông cấm chợ kiểu mới đang hại chính ổng. Chả là mấy năm trước, bọ chuyển nhà lên Củ Chi ở để nuôi chim yến (chắc lại do lão Võ Đắc Danh hay ai đó mách nước chỉ đường). Yến thấy có vẻ triển vọng, nhưng sức bọ thì xuống dần. Gặp lúc dịch, chính phủ ban lệnh cấm đi lại, vận chuyển, síp pơ (shipper) bị cấm hành nghề, nên thuốc men cũng khó, không sao đem từ nội đô lên. Bọ Lập than: “Các ông không mở cửa, cấm dân ra đường, thì ít nhất cũng phải cho shipper hoạt động liên quận huyện, thông thương một chút chứ. Nếu không, thì chết mất, Sài Gòn ơi”.
Báo chí mậu dịch đăng tin ở thủ đô Hà Nội lực lượng kiểm soát bắt được vụ một chiếc xe tải đông lạnh khóa cửa kín mít, nhưng khi mở ra thấy bên trong giấu nhét 15 người. Tài xế và những “người đông lạnh” đều khai chỉ cốt đi qua chốt, không thì chả cách nào lọt được. Thằng con tôi bảo hệt vụ xe tải đông lạnh ở Anh, chỉ có điều bên ta không có người nào chết.
Nghe nó nói, lại nhớ ngày 15 tháng 7 (2021) vừa rồi ở Quảng Ninh, chốt phòng chống dịch đầu cầu Bạch Đằng cũng bắt được 4 người định trốn qua, nhưng không phải xe đông lạnh, mà xe chở lợn. Xe tải chở mấy chục con lợn về Quảng Ninh, anh em canh gác thấy nghi, trèo lên túm ngay được 4 công dân nằm lẫn với lợn. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tường thuật vụ này: “Chiếc xe tải chở 50 con lợn thịt vào Quảng Ninh, được 4 người đàn ông chui vào đấy để trốn qua chốt”. Đọc xong buồn quá. Con người đã bị coi, hoặc đành tự coi mình là con vật, ngang bằng con lợn, để lách những quy định rất chằng chéo về chống dịch của nhà nước.
Nguyễn Thông (biên)