Nhân quyền và thị trường quốc tế về vũ khí sát thương

0
17
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm quan các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Viet Nam Defence 2022). Ảnh: Thông tin Chính phủ

Trương Nhân Tuấn

9-12-2022

Theo Amnesty International thị trường mua bán vũ khí thế giới có giá trị 400 tỉ đôla (năm 2020). Mỹ và Nga đứng đầu, lần lượt 39% và 19% thị phần. Sau đó là các quốc gia Pháp, TQ, Đức… Các quốc gia này chiếm tổng cộng 75% thị trường thế giới.

Đứng đầu các quốc gia mua vũ khí là Ấn Độ, với 11% thị phần thế giới. Sau đó Ả rập (Saudi Arabia) 11%, Ai Cập 5,7%, Úc 5% và Trung Quốc 4,8%…

Mỹ bán vũ khí cho các quốc gia đồng minh truyền thống gồm Ả rập (23%), Úc (9,4%) và Nam Hàn (6,9%). Tương tự, Nga bán vũ khí cho Ấn Độ (28%), Trung Quốc (21%), Ai cập (13%). Trung Quốc cũng vậy, bán cho đồng minh truyền thống Pakistan (43%), Bangladesh (16%) và đặc biệt Thái Lan (5%) vào những năm gần đây.

Thương mại quốc tế về vũ khí được điều hòa (và giới hạn) bởi Công ước 2014 của LHQ, bao gồm các điều ước nền tảng như: Bắt buộc phải tôn trọng luật quốc tế về nhân đạo (Công ước Genève 1949), về nhân quyền, đúng theo Điều 3 của Hiến chương LHQ và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

Việc buôn bán vũ khí giới hạn ở các loại vũ khí cổ điển (hay qui ước), gồm các loại vũ khí (dùng để chiến đấu) như chiến xa, xe bọc thép, các hệ thống đại pháo, phi cơ chiến đấu, chiến hạm, hỏa tiễn và các giàn phóng v.v…

Hầu hết các quốc gia EU là thành viên Công ước 2014 của LHQ về buôn bán vũ khí (tức là các quốc gia có ký nhận và thông qua công ước). Mỹ chỉ ký nhận nhưng không thông qua. TQ và Nga không ký nhận (dĩ nhiên không thông qua) công ước này.

Việc mua bán vũ khí giữa các quốc gia tùy thuộc, dĩ nhiên vào nội dung Công ước LHQ 2014, tức nhân quyền là cốt lõi, nhưng cũng tùy thuộc vào chính sách của quốc gia.

Mỹ bán vũ khí cho Ả rập Xê út, một quốc gia nổi tiếng vi phạm nhân quyền. Vấn đề là các thứ vũ khí mà Mỹ bán cho nước này không giúp cho nước này đàn áp nhân quyền.

Trong khi Nhật đã có lần trợ giúp phương tiện vũ trang và tài chánh cho công an Việt Nam. Vụ này Nhật bị Human Rights Watch cảnh cáo “giúp công an VN đàn áp nhân quyền”. Nhật là thành viên Công ước LHQ 2014.

Mỹ cũng bán vũ khí cho Đài Loan trong khi Mỹ nhìn nhận nguyên tắc “quốc gia duy nhứt”, Đài Loan là một phần lãnh thổ của TQ. Vũ khí của Mỹ bán cho Đài Loan thông qua những đạo luật nội địa của Mỹ. Luật của Mỹ dĩ nhiên phải “lách”, sao cho phù hợp với nội dung những Hiến chương, những Công ước mà Mỹ đã cam kết trước quốc tế. Do đó Mỹ chỉ giới hạn bán vũ khí cho Đài Loan nhằm “tự vệ”, với mục tiêu “giữ nguyên trạng” hai bờ eo biển Đài Loan.

Quyền tự vệ chính đáng là nền tảng cốt lõi của Hiến chương LHQ.

Việt Nam trước nay mua vũ khí của Nga, thương số khoảng 1 tỉ đôla/năm.

Năm 2016, Mỹ cũng bãi bỏ lịnh cấm vận “vũ khí sát thương” áp đặt lên Việt Nam sau 4 thập niên. Tuy nhiên cho đến nay VN dường như vẫn không mua được vũ khí của Mỹ, mặc dầu áp lực của TQ lên Biển Đông ngày càng gia tăng. Việt Nam chỉ mua vũ khí của các đồng minh thân cận bao gồm Nga, TQ và Ấn Độ. Đây là các quốc gia có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.

Báo chí loan tin, Việt Nam lâm vào thế “lưỡng nan”, vì nguồn cung cấp từ Nga cho thấy sẽ gặp “khó”. Sản xuất của Nga không đủ cung ứng cho chiến tranh tại Ukraine.

Việt Nam vừa ký nhiều hiệp ước với Nam Hàn trong những ngày vừa qua, nhân dịp hai bên Việt Nam – Nam Hàn nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.

Khoa học kỹ thuật về quốc phòng của Nam Hàn những năm gần đây cho thấy, có những tiến bộ vượt mực. Năm 2000, Nam Hàn đứng hàng thứ 31 về xuất khẩu vũ khí. Năm nay, Nam Hàn lên hạng thứ 8 trên thế giới.

Theo RFI: “Năm 2022 trở thành năm thành công nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, đặc biệt với hợp đồng vũ khí trị giá gần 14 tỉ đô la ký với Ba Lan, gồm 48 chiến đấu cơ FA-50 của tập đoàn Korea Aerospace Industries (KAI), vài trăm xe tăng K2 của tập đoàn Hyundai Rotem và súng cối tự hành K9 của công ty Hanwha Defense. Trước đó, cũng trong năm 2022, Seoul đã giao hệ thống phòng không Cheongung cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trị giá 3,6 tỉ đô la, cung cấp súng cối K9 cho Ai Cập theo hợp đồng trị giá 1,7 tỉ đô la. Quốc gia này sản xuất phi cơ chiến đấu, tàu chiến, hệ thống hỏa tiễn và phòng không…”

VN rất có thể sẽ trở thành “bạn hàng lớn” mua vũ khí của Nam Hàn, để bù đắp thiếu sót nguồn cung, nhưng chắc chắn Nam Hàn không thể thay Mỹ.

Trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và Nam Hàn rất lớn, đến đỗi hệ thống phòng thủ chiến lược THAAD của Mỹ vẫn chưa được đặt trên đất nước nàyất kể, b đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn. Theo RFI dẫn từ Yonhap News: “Thương mại Hàn – Trung đã tăng từ 6,3 tỉ đôla vào năm 1992 lên tới 300 tỉ đôla. Tính đến năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc là 162,9 tỷ đôla, nhập khẩu 138,6 tỷ đôla, thặng dư thương mại khoảng hơn 30 tỉ đôla, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát“.

Nam Hàn có thể “trở áo” với Việt Nam khi việc bán vũ khí cho VN sẽ gây thiệt hại (kinh tế) trong quan hệ Nam Hàn và Trung Quốc.

Chiến trường Ukraine cho thấy sự ưu việt của vũ khí Mỹ (và một phần của Tây phương) trước vũ khí của Nga.

Mỹ trở thành nguồn cung cấp vũ khí lý tưởng cho Việt Nam ở mục tiêu phòng vệ. Việt Nam có đủ tiêu chuẩn địa chiến lược để trở thành một cường quốc trung bình. Bế tắc là Việt Nam vẫn không gỡ bỏ mặc cảm tâm lý và cái nhìn lịch sử để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác cùng thứ bậc với Trung Quốc và Nga.

Người Mỹ thực tế trong chiến lược và tương đối trong vấn đề nhân quyền. Còn Việt Nam đặt nặng về chế độ và ý thức hệ chính trị.